Ho khan là triệu chứng biểu hiện vấn đề bệnh lý nào?


4,226
1
1
Xu
53
Không đơn thuần là một bệnh lý, ho khan còn cảnh báo một vài bất thường khác về sức khỏe. Những câu hỏi được giải đáp bởi các chuyên gia sau đây sẽ giúp bạn xác định tương đối chính xác vấn đề mà dấu hiệu này biểu hiện.

Bé bị ho khan có phải mắc bệnh viêm đường hô hấp không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Bé nhà tôi khi ngủ hay bị ho khan nhưng khi thức thì chơi bình thường, đi khám thì bác sĩ nói cháu bị viêm hô hấp nhưng dùng thuốc không khỏi. Vậy xin hỏi bé bị bệnh gì ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Xin chào bạn!

Như bạn kể thì con của bạn bị ho khan về đêm có thể do nhiều nguyên lí do. Bạn cần biết ho là phản xạ tốt giúp bé tống đờm dãi, giúp làm sạch đường hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên ho cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh đường hô hấp. Trẻ bị các bệnh đường hô hấp đều có thể ho khan. Ho cũng có thể do bé đi ngủ ngay sau khi ăn uống hoặc do ban ngày con trẻ vui đùa, chạy nhảy quá nhiều. Cũng có nhiều trẻ bị ho nhiều về đêm là do trẻ bị cảm lạnh, viêm xoang. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng khi trẻ ho, không ngủ được. Trẻ bị hen cũng hay bị ho về đêm do đường thở có khuynh hướng tăng nhạy cảm, dễ kích ứng về đêm. Ngoài ra có nhiều lí do khiến trẻ hay bị ho nhiều về đêm.

Để có kết luận chính xác nhất về tình trạng ho của trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc kháng sinh chữa ho cho trẻ.

Cách chăm sóc bé bị ho đêm: Bạn có thể sử dụng các bài thuốc dân gian để giảm ho cho trẻ. Đó là cách dùng quất hấp mật ong, mật ong với lá húng chanh, lá hẹ … chắt lấy nước cho con uống. Những cách này giúp bé giảm ho hiệu quả mà không lo tác động bởi tác dụng phụ. Ngoài cách sử dụng các bài thuốc dân gian, bạn nên hạn chế cho con ăn uống sát giờ trước khi đi ngủ. Tốt nhất nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ ít nhất là một giờ. Trước khi cho con đi ngủ, hãy cho con uống một thìa mật ong ấm. Mật ong ấm sẽ giúp con hạn chế cơn ho, làm cơn ho dịu đi và giúp con ngủ ngon hơn. Bạn cũng lưu ý không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi. Khi đi ngủ, nên kê cao gối cho trẻ, đầu và vai cao hơn thân để ngăn đờm nhớt hay nước mũi chảy xuống họng. Hãy giữ ấm cho con khi ngủ, không hở bụng, hở tay dễ khiến con bị nhiễm lạnh và ho nhiều hơn.

Trường hợp con bạn bị ho nhiều, bạn nên cho con uống nhiều nước, ăn cháo loãng dễ tiêu hóa, hạn chế ăn các loại thức ăn dễ kích thích như tôm, cua, ghẹ…. Tránh xa bé khỏi môi trường ô nhiễm như môi trường nhiều khói thuốc lá, bụi đường. Trường hợp bé ho nhiều kéo dài, ho sâu, khó thở, đau bụng, bạn nên đưa con đến khám bác sĩ. Không tự ý sủ dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chúc con bạn mau khỏi!

“Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ, trẻ em – Bộ Y tế kiểm duyệt”

Bị mẩn mụn nhỏ, lấm tấm, đầu mụn màu trắng kèm ho khan có phải đã mắc sởi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con tôi được 7 tháng tuổi, mấy ngày nay cháu bị mẩn mụn nhỏ lấm tấm có đầu mụn màu trắng nhỏ nhìn giống có nước nhưng lại không phải, mụn mọc ở hai cánh tay, sau gáy, thắt lưng và một ít ở chân. Thỉnh thoảng đầu cháu hơi ấm, có vài tiếng ho khan. Liệu như vậy cháu có phải mắc sởi không ạ? Tôi rất muốn đưa con đi khám nhưng rất sợ bị lây chéo sởi. Xin bác sĩ giải đáp giúp ạ.

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào bạn!

Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Bệnh sởi gây sốt, phát ban nhưng còn có thêm những dấu hiệu để nhận biết như: Ho có đờm, tiêu chảy… Điều dễ nhận dạng là đa số trẻ bị sởi đều đỏ hai mắt, sợ ánh sáng (viêm kết mạc mắt)… Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan dần ra hai bên má, cổ, ngực, bụng và cánh tay. Sau đó, ban lan nhanh ra lưng, xuống hông và chân. Chỉ trong thời gian hai đến ba ngày, ban lan ra toàn thân.

Trường hợp nặng, ban dày đặc che kín toàn bộ bề mặt da. Khi ban xuất hiện, nhiệt độ cơ thể tăng, ban mọc đến chân thì nhiệt độ giảm. Khi ban “bay” sẽ để lại vết thâm trên da. Không biết hồi nhỏ bạn đã tiêm phòng sởi chưa, hoặc trước khi mang thai bạn đã tiêm phòng mũi Sởi-Quai bị-Rubella chưa? Nếu bạn đã tiêm phòng rồi thì khả năng bé mắc sởi rất thấp, vì kháng thể của bạn sẽ truyền cho con bạn trong quá trình mang thai và sau khi sinh từ 6-9 tháng.

Với mô tả mụn nhỏ của con bạn thì không nghĩ đến cháu bị sởi, có thể cháu bị viêm da (nguyên nhân thường gặp ở trẻ do dị ứng), bạn nên theo dõi cháu nếu các mụn tăng lên, cháu bé sốt cao thì nên đưa cháu đi khám để được chữa trị kịp thời. Bạn có thể dùng nước chè xanh tắm cho cháu (nước chè xanh có tác dụng chữa mụn, mẩn ngứa ngoài da). Khi cháu đủ 9 tháng tuổi, bạn nên nhớ đưa cháu đi tiêm phòng sởi.

Chúc sức khỏe!

Bị ho thường xuyên, nôn khan có phải dấu hiệu ung thư vòm họng?


Câu hỏi bởi: chinhwish

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Cháu bị ho kéo dài nhưng không thường xuyên. Cứ hơi lạnh là ho, thỉnh thoảng bị nôn khan. Dạo này có cảm giác hơi ngứa ở cổ, hai mũi vẫn thở được nhưng một bên hơi nghẹt một chút. Thỉnh thoảng mũi đó lại thở được bên kia lại không. Xin bác sĩ giải đáp xem có bị ung thư vòm họng không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn.

Dấu hiệu ung thư sớm nhất ở vùng vòm họng thường là hạch cổ 1 bên ngày càng lớn, cứng, không đau khi sờ nắn và không có dấu hiệu nhỏ xuống. Bên cạnh đó còn phải có thêm nghẹt mũi 1 bên ngày càng tăng, chảy máu mũi hay khạc ra máu rỉ rả, đau đầu, ù tai 1 bên,… hay gặp ở người nam, tuổi trên 45, hút thuốc lá 20 năm,…

Theo mô tả thì bạn không có khả năng bị ung thư gì cả mà chỉ là viêm họng mãn tính thôi. Viêm họng mãn tính là từ dùng để nói về viêm họng thường xuyên, tái phát nhiều lần. Viêm họng mãn tính rất nhiều người mắc. Do có nhiều lí do gây ra bệnh này nếu không tìm hiểu kỹ dể chữa thì viêm họng rất dễ tái phát. Hễ cứ họng khó chịu 1 tý, đau đau một tý, nuốt vướng 1 tý, đàm cổ 1 tý, ngứa cổ 1 tý, ho 1 ít, kéo dài 1 tuần ra hiệu thuốc gần nhà mua vài chục ngàn uống, không hết, khi đi khám sẽ được bác sĩ gọi là viêm họng mãn tính. Bệnh này nhiều khi không cần bác sĩ Tai Mũi Họng khám hay cho thuốc, tự nhiên sẽ hết nhưng cũng có khi bệnh kéo dài từ năm này qua năm khác, chữa kiểu gì cũng không hết như tình huống của bạn.

Chữa viêm họng kiểu như của bạn cần tổng hợp nhiều phương pháp, không chỉ uống thuốc. Bây giờ phải làm gì đây?

1/Thay đổi thói quen sống và luyện tập cơ thể:

• Trước hết, bạn nên thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày như không: ăn nóng, uống lạnh, cay, chua, dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

• Luyện tập cơ thể tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật. Tập thể dục thể thao đều đặng mỗi ngày “mồ hôi phải ra ướt một cái áo thể thao”. Chú ý tập nơi không khí trong lành như công viên, tránh nơi bụi bặm, nóng bức, ô nhiễm.

• Không nằm ngủ, lao động, học tập quá lâu >2h trong phòng máy lạnh. Phòng máy lạnh chỉ để nhiệt độ >27 độ C và phải có quạt hút thay đổi không khí trong phòng định kỳ và phải có máy phun hơi nước tạo độ ẩm trong phòng chống khô họng, khô mũi cho người sử dụng.

• Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chế độ ăn cân đối, tăng cường ăn rau xanh hoa quả trái cây, học hành làm việc nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc 7 giờ/đêm.

• Không được ăn xong nằm ngay tránh trào ngược thức ăn hay trào dịch acid dạ dày lên họng gây khô họng, nóng cổ, viêm họng. Chỉ nằm sau ăn 2 giờ. Không ăn uống trước khi đi ngủ 2 tiếng, nên “đi ngủ với 1 cái bụng trống rỗng”.

• Tránh thức khuya và không nên quá lo lắng về bệnh gây phản ứng tâm lý không tốt kiểu như “hay là mình bị ung thư mà bác sĩ chưa tìm ra?”… làm cho bệnh ngày một nặng hơn. Nếu bị stress kéo dài do áp lực công việc, học hành nên nói chuyện với bác sĩ tâm lý để tìm cách vượt qua các rối loạn tâm lý. Chữa trị trầm cảm nếu có.

2/ Thuốc:

• Bỏ tất cả các thuốc súc họng, súc miệng nếu có kể cả nước muối. Dùng kéo dài các thuốc này gây tác động không tốt đến môi trường vi sinh vật cộng sinh trong họng miệng. Chỉ đánh răng hàng ngày sau ăn.

• Nếu bệnh dạ dày, đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua phải nội soi dạ dày, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ Tiêu hóa cho hết bệnh dạ dày.

• Nội soi mũi, vòm mũi họng ởbác sĩ Tai Mũi Họng kiểm tra xem có bị bệnh viêm mũi, viêm xoang mãn tính hay chảy đàm dịch vào cổ hay không. Nếu có phải chữa dứt điểm các bệnh này.

• Uống các thuốc sau đây 1 tuần:

1/ Dogmatil 50mg, ngày 2 viên chia 2 lần sáng tối.

2/ Loratadin 10 mg, ngày 1 viên.

3/ Dorithricin ngậm 3 ngày, ngày 3 viên chia 3 lần.

Chúc bạn vui vẻ.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Ho khan, thở khò khè có phải viêm phế quản?


Câu hỏi bởi: thanh mai

Chào bác sĩ!

Con em được 4 tuổi rưỡi. Mấy ngày nay do lạnh nên cháu bị ho khan. Hôm qua thì thấy ho có đờm nhưng không nhiều, không bị sổ mũi. Ban ngày bé ít ho nhưng ban đêm ho nhiều, không bị sốt. Khi ngủ hơi thở khò khè, rít lên. Vậy có phải bé bị viêm phế quản không bác sĩ? Em cho bé uống lá húng chanh được không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Một số triệu chứng trẻ bị viêm phế quả là:

– Ho nhiều và thở mệt kèm theo đó là tình trạng sốt kéo dài trong vài ngày hay ho kéo dài trong vòng từ 2 – 3 tuần. Sau đó, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh.

– Trẻ có thể xuất hiện những cơn ho ngày một kéo dài, nhất là về nửa đêm hoặc gần sáng. Khi ấy, trẻ thường thở khò khè hoặc khó thở, bú kém, hay bị nôn trớ. Nếu bệnh nặng hơn, trẻ sẽ có dấu hiệu thở hổn hển từng nhịp, bú rất kém, tinh thần sa sút, không muốn chơi đùa.

– Khi mắc bệnh, các nang phế quản nhỏ bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn.

– Trường hợp nặng trẻ bị viêm phế quản nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở.

Bệnh có biểu hiện tương tự hen suyễn. Trường hợp con bạn đang có dấu hiệu của viêm phế quản. Bạn cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng bệnh của cháu. Với các tình huống trẻ bị viêm phế quản dạng nhẹ thì có thể được chăm sóc tại nhà bằng việc ăn uống đầy đủ. Cụ thể như cho trẻ uống nhiều nước, làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn. Có thể dùng nước muối sinh lý để làm sạch mũi cho trẻ với liều lượng nhở từ 2 – 3 giọt. Bạn cũng có thể cho cháu uống lá húng chanh. Trong lá húng chanh có tinh dầu, thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng chữa bệnh liên quan đến ho và cảm cúm.

Cách làm:

Lá húng chanh tươi 20g (rửa sạch, thái nhỏ), đường phèn 20g. Cho 2 thứ vào bát, chưng cách thủy, chắt lấy nước, uống từ từ.

Bã ngậm trong miệng, mút lấy nước.

Tuy nhiên, khi thấy cháu có dấu hiệu khó thở, tím tái,… thì cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chữa trị.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Có sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng sau khi quan hệ đồng tính có phải bị HIV?


Câu hỏi bởi: đặng tùng

Chào bác sĩ!

Em là đồng tính nam, ở Hà Nội ạ. Ngày 21/6/2015 em có quan hệ miệng với 1 anh qua mạng (sau đó mới biết anh ấy quan hệ rất nhiều người và là trai bao). Em chỉ quan hệ miệng, có xuất tinh trong miệng ạ, xong em nhổ ra ngay. Em không biết tình trạng miệng lúc đó có nhiệt hay loét gì không? Em lo lắng lắm. Lúc đầu em không nghĩ gì cả, sau mới nghi ngờ vì anh ấy nói với em nửa đùa nửa thật anh ấy bị HIV. Em lo sợ lắm, nên ngày 6/8 (7 tuần 3 ngày sau nguy cơ) em có làm test nhanh âm tính. Ngày 24/8 (2 tháng sau nguy cơ) em có làm xét nghiệm Combi PT ở Medlatec âm tính. Gần đây nhất, 11/9, 23/9 (82, 93 ngày sau nguy cơ) em cũng làm xét nghiệm Combi PT âm tính. Em hỏi các bác sĩ là trường hợp của em như vậy yên tâm chưa ạ. Em chờ đợi từng ngày một và đã suy nghĩ rất nhiều về gia đình, về mẹ và về tất cả. Em chán chường lắm. Anh chị và các bác sĩ giải đáp giùm em ạ. 3 ngày gần đây em có sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, liệu có phải biểu hiện HIV không ạ? Hay tại em quan hệ miệng nên thời gia ủ bệnh lâu hơn ạ.

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Trước hết, căn cứ vào hành vi nguy cơ, vào kết quả xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm và thời gian xét nghiệm sau hành vi nguy cơ, tôi khẳng định em không bị lây nhiễm HIV. Khuyên em yên tâm, không nên lo lắng. các biểu hiện gần đây của em có thể do viêm đường hô hấp trên chứ không liên quan đến HIV. Em khám bác sĩ để chẩn đoán, chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl