Những câu hỏi thường gặp về hiện tượng sưng mang tai


4,226
1
1
Xu
53
Sưng tai mang lại nhiều băn khoăn lo lắng cho người bệnh, cùng nghe một số giải đáp của các bác sĩ về vấn đề này.

Bị ho, cảm, không đờm, khàn tiếng, sưng mang tai có phải quai bị không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

4 ngày trước cháu ho, cảm, không đờm, khàn tiếng. Sau đó cháu bị sưng 1 bên mang tai trái, không sốt. 3 ngày giảm sưng nhưng còn đau. Liệu cháu có phải bị quai bị không và nếu bị có cần kiêng cữ gì không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Bác sĩ không thể khẳng định cháu có bị quai bị hay không do không khám bệnh cho cháu. Nhưng triệu chứng của cháu chắc chắn là có viêm tuyến mang tai.

Viêm tuyến mang tai trong bệnh quai bị là viêm do vi-rút nên có sưng nhưng sờ không nóng và nhìn không có đỏ. Viêm tuyến mang tai do vi khuẩn thì sẽ có biểu hiện sưng, nóng, đỏ ở tuyến mang tai.

Trường hợp của cháu có thể gặp trong bệnh quai bị không điển hình như có sốt nhẹ mà cháu không để ý, không cặp nhiệt độ hoặc cũng có thể không sốt. Trong tình huống cháu bị quai bị, cháu nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Cháu cần khám bác sĩ để chẩn đoán xác định và có hướng chữa trị cụ thể.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Cháu bị nổi hạch, sưng ở sau mang tai lan ra cả má khiến 1 bên mặt sưng lên


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu bị nổi hạch, sưng ở sau mang tai lan ra cả má khiến 1 bên mặt sưng lên. Bình thường cháu không đau lắm chỉ khi ăn xong thì mới thấy đau nhức. Triệu chứng kèm theo là sốt ạ. Bác sĩ cho cháu hỏi liệu cháu có mắc quai bị không ạ vì cháu nghe nói quai bị rất đau, cứng hàm nhưng cháu triệu chứng không đau đớn lắm.

Cháu cảm ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Trường hợp của cháu có thể nghi ngờ cháu mắc bệnh quai bị, bệnh quai bị có thể đau nhẹ hoặc đau vừa do sưng tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Khi tuyến nước bọt sưng đau, có thể làm hạn chế cử động khớp thái dương hàm (khác với biểu hiện cứng hàm). Cháu nên khám bác sĩ để loại trừ các lí do khác có sốt, có sưng tuyến nước mang tai trong bệnh viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn hoặc các lí do khác.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Sưng vùng mang tai nhưng không sốt có phải bệnh quai bị?


Câu hỏi bởi: hướng dương

Chào bác sĩ.

Em 25 tuổi, giới tính nữ, ngày đầu tiên em bị sưng ở vùng mang tai bên trái, ngày thứ 2 em sưng bên phải, đi khám bác sĩ nói em bị bệnh quai bị, nhưng em không sốt. Vậy cho em hỏi em có bị bệnh quai bị không ạ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn.

Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do virus quai bị gây nên. Virus quai bị có ái tính đặc biệt với các tuyến ngoại tiết như tuyến nước bọt, tuyến sinh dục ( tinh hoàn, buồng trứng), tụy tạng và hệ thần kinh. Bệnh thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên. Đường lây: Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp qua các giọt nước bọt từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện, ho, hắt hơi…Virus quai bị xuất hiện trong nước bọt người bệnh 6 ngày trước khi sưng tuyến mang tai và tồn tại 2 tuần sau khi sưng.

Biểu hiện lâm sàng của quai bị gồm có:

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 14 – 21 ngày : không có triệu chứng gì đặc biệt.

Thời kỳ khởi phát: Trong vòng 12 – 48 giờ: triệu chứng đầu tiên là đau vùng tai kèm theo có thể sốt , mệt mỏi, nhức đầu, ăn ngủ kém.

Thời kỳ toàn phát: kéo dài trong 7 – 8 ngày: Người bệnh có bệnh cảnh chính là tình trạng sưng và đau tuyến nước bọt mang tai. Đầu tiên sưng một bên, sau đó sưng lan sang tuyến mang tai đối diện. Các dấu hiệu kèm theo như sốt, nổi hạch góc hàm…

Thời kỳ hồi phục: sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, bệnh nhân hết sốt, các biểu hiện khác cũng lui dần và khỏi hẳn. Nhưng một số tình huống xảy ra biến chứng như: viêm tinh hoàn ở nam, viêm buồng trứng, viêm tụy, viêm não, màng não do quai bị…

Điều trị quai bị: chủ yếu là chữa trị biểu hiện: bệnh nhân nên cách ly, nghỉ ngơi, uống thuốc an thần, giảm đau hạ nhiệt, chườm nóng vùng sưng, ăn lỏng dễ tiêu, giữ gìn vệ sinh răng miệng, chữa trị các biến chứng nếu có. Khi sưng tuyến mang tai có thể nhầm với các bệnh khác, đa phần các bệnh khác thường có sưng đau 1 bên như: viêm mủ tuyến mang tai do tụ cầu, liên cầu… sưng mộng răng, mọc răng khôn, nhọt ống tai ngoài, sỏi tuyến nước bọt, sưng hạch góc hàm, u tuyến mang tai.

Qua mô tả của bạn: bạn có sưng vùng mang tai bên trái, sau đó sưng bên phải có thể bạn vẫn bị quai bị nhưng cũng có thể nhầm với các bệnh khác như đã liệt kê ở trên. Bạn nên đi khám cơ sở y tế chuyên khoa Truyền nhiễm để có thể khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Chúc bạn mau khỏe.

Bị đau nhức và sưng hai bên mang tai và quai hàm có nguy cơ ung thư không


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Kính thưa bác sỹ!
Cháu năm nay 27 tuổi, cách đây hơn 1 tháng cháu bị đau nhức và sưng hai bên mang tai và quai hàm
Miệng mở khó, khi mở rộng 2 bên hàm có tiếng kêu lậc khậc
Lưỡi cứng và khó di chuyển trong miệng
Họng khô và hơi rát
Vùng dưới hàm có hạch nhỏ, thỉnh thoảng hơi buốt
Bác sỹ cho cháu hỏi các triệu chứng trên có nguy cơ bị mắc ung thư không ạ, và cháu muốn làm các xét nghiệm để chuẩn đoán bệnh thì nên vào khoa nào của bệnh viện để khám chữa ạ
Mong bác sỹ tư vấn và hồi âm cho cháu!
Cháu cảm ơn nhiều ạ!

Bác sĩ Chử Thế Lợi


Chào bạn,

Để loại trừ ung thư vùng đầu mặt cổ theo tôi bạn nên khám chuyên khoa TMH trước để loại trừ các tổn thương thực thể của vùng này. Đây là vùng dễ xuất hiện khối u hơn các vùng khác do đặc tính của nó.
Tuy nhiên theo nhưng gì bạn kể, bệnh đã xảy ra cách đây 1 tháng. Bạn nên đi khám ngay khi mình có triệu chứng thay vì để đến 1 tháng. Có thể bạn có các tổn thương của khớp thái dương hàm gây ra hiện tượng đó. Bạn không nên quá lo lắng về nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Bạn nên đi khám sớm,cẩn thận, các bác sỹ chuyên khoa sẽ cho bạn kết luận chính xác.

Chúc bạn sức khoẻ.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl