Men gan cao và mức độ nguy hiểm ít ai biết


4,226
1
1
Xu
53
Men gan cao là hiện tượng dễ gặp hiện nay. Xung quanh vấn đề này có rất nhiều thắc mắc đặt ra về độ nguy hiểm và sự ảnh hưởng của nó tới sức khỏe cần được giải đáp từ các bác sĩ chuyên ngành.

Bệnh men gan cao có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu tên Tuấn, năm nay 24 tuổi. Cháu thường hay bị tức hạ sườn phải dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, nổi nhiều mụn. Cháu có đi khám thì bác sĩ bảo cháu bị men gan cao. Bác sĩ cho cháu hỏi, bệnh men gan cao có nguy hiểm gì không? Giờ cần uống những thuốc gì để chữa trị? Trong ăn uống có phải kiêng gì không?

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu.

Gan là cơ quan tiêu hóa quan trọng của cơ thể, đồng thời gan cũng là nhà máy khử độc chính của cơ thể. Những biểu hiện cháu nêu gồm: tức nặng vùng hạ sườn phải, mệt mỏi, chán ăn, người nổi mụn, đi khám có men gan tăng cao (cháu không cho cụ thể chỉ số xét nghiệm) cho thấy chức năng gan của cháu đang bị tác động dẫn đến mệt mỏi, chán ăn. Men gan tăng cao triệu chứng men SGOT, SGPT và GGT tăng cao hơn giá trị bình thường. Men gan, đặc biệt là men SGPT tồn tại chủ yếu trong bào tương của tế bào gan, do vậy khi xét nghiệm máu thấy có men gan tăng chứng tỏ màng tế bào gan bị tổn thương và giải phóng men gan từ trong bào tương vào trong máu.

Như vậy rõ ràng là men gan cao phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan. Trong đợt cấp của bệnh viêm gan mãn, men gan thường tăng cao hơn giá trị bình thường ít nhất 2 lần. Trong viêm gan vi-rút B, khi tế bào gan bị tổn thương bởi vi-rút viêm gan, men gan có thể tăng rất cao gấp nhiều lần, thậm chí hàng chục lần giá trị bình thường.

Có nhiều tác nhân gây tổn thương tế bào gan như uống quá nhiều rượu, nghiện rượu, làm việc hoặc tiếp xúc với các hóa chất gây độc cho gan, gan tổn thương do vi-rút viêm gan B, C, A… Việc tìm lí do gây tổn thương tế bào gan có ý nghĩa đối với công tác chữa trị, dự phòng và tránh làm tổn thương gan tái diễn.

Điều trị men gan tăng thường sử dụng các biện pháp giải độc không đặc hiệu như truyền dịch Glucose 5% hoặc 10% để tăng cường Glucose giải độc cho gan (không dùng khi có tăng đường huyết), sử dụng một số thuôc bảo vệ tế bào gan như Fortec, Eganin. Khi có men gan tăng, ngoài việc chữa trị bằng thuốc, cháu cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý:

Ăn nhiều hoa quả có nhiều Glucose (ví dụ nho)

Nghỉ ngơi và tăng cường dinh dưỡng

Không lao động nặng

Không uống rượu, bia

Việc sử dụng các thuốc phải có tham khảo của bác sĩ để tránh các thuốc độc cho tế bào gan. Cháu cần đi khám và tìm lí do gây nên men gan tăng cao, và có chữa trị phù hợp.

Chúc cháu sức khỏe!

Men gan cao kèm cao huyết áp có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: vânanh

Chào bác sĩ!

Chỉ số men gan AST là 60. Chỉ số ALT là 120 có nguy hiểm không. Tôi lại bị cao huyết áp nữa. Hiện tôi vẫn 6 tháng đi khám bệnh một lần. Uống thuốc theo toa của bác sĩ nhưng không có hạ men gan.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nguyên nhân thường gặp nhất làm men gan cao ở nước ta là bệnh viêm gan do virus như viêm gan virus A, B, C… vì Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan virus khá cao. Kế đến là viêm gan do uống nhiều rượu bia vì hiện nay tổng sản lượng bia rượu tiêu thụ hàng năm ở nước ta đang đứng vào hạng nhất nhì trong khu vực châu Á. Rượu bia là độc chất trực tiếp đối với gan: nếu uống ít và không thường xuyên, gan vẫn đủ sức để khử các độc chất do rượu sinh ra nhưng nếu uống nhiều > 60g cồn/ngày và thường xuyên thì độc chất của rượu không được hóa giải sẽ gây tác hại cho gan.

Tiếp theo là bệnh gan nhiễm mỡ đang có chiều hướng gia tăng do lối sống và điều kiện dinh dưỡng có nhiều thay đổi. Nhiều tình huống men gan cao, đặc biệt là men GGT (Glutamyl Transpeptidase) là chỉ dấu duy nhất của tình trạng dư mỡ trong gan và trong cơ thể. Ngoài ra, chúng ta còn phải cảnh giác đối với các tình huống lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và ngay cả các loại thực phẩm chức năng cũng như các thuốc có nguồn gốc thảo dược được xem là vô hại cũng có khi tác động đến gan và gây viêm gan do thuốc. Một số độc chất khác như các thuốc trừ sâu, một số loại nấm độc… cũng có thể làm men gan cao. Còn lại là các lí do khác như suy tim, thiếu máu vùng gan, các bệnh rối loạn về chuyển hóa các chất trong cơ thể cũng là những tình huống gây tăng men gan…

Để phòng tránh các bệnh gây tăng men gan, chúng ta cần đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và phát hiện sớm các tình huống tăng men gan nhằm chẩn đoán và chữa trị đúng cách để hạn chế tình trạng viêm gan mạn tính có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan sau này.

Đối với các bệnh viêm gan virus, chúng ta có thể phòng ngừa được viêm gan virus A và B bằng cách đi chủng ngừa, nhất là cho các trẻ nhỏ. Nên hạn chế rượu bia, mặc dù phải giao tiếp trong công việc nhưng chúng cũng phải ý thức tự mình hạn chế, không nên uống quá 40g cồn (tương đương 4 lon bia)/ngày và càng không nên uống thường xuyên mỗi ngày. Hiện nay, có một số thảo dược hoặc các thuốc bảo vệ gan trong tình huống uống nhiều rượu bia nhưng không nên lạm dụng. Một điều lưu ý là khi uống rượu bia nhiều không nên uống chung với Paracetamol để chống say rượu vì có thể gây tăng độc tính đối với gan. Cần ăn uống chừng mực, điều độ, không ăn quá nhiều thức ăn ngọt và dầu mỡ để giảm béo phì và tình trạng gan nhiễm mỡ. Không nên lạm dụng thuốc nhất là các loại kháng sinh, giảm đau kháng viêm và cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc ngay cả các loại thực phẩm chức năng và thảo dược.

Nếu phát hiện trong gia đình có người bị tăng men gan, các thành viên còn lại nên đi khám sức khỏe để tầm soát sớm bệnh, nhiều khi phát hiện được các bệnh rối loạn chuyển hóa do di truyền gây tăng men gan.

Như vậy ngoài việc khám bệnh định kỳ tại chuyên khoa Tiêu hóa và tuân thủ chữa trị của bác sĩ bạn cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, chủ yếu là hạn chế các chất độc hại cho gan và tìm đúng lí do để can thiệp nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Men gan cao, gan to, ăn vào là bị dị ứng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 29 tuổi. Xin hỏi bác sĩ cách chữa trị và dùng thuốc gì ạ, đã 3 năm nhưng nổi từng đợt sau khi dùng thuốc kháng dị ứng và chức năng gan bảo nguyên khoảng 2 đến 4 tháng thì hết. Em bị nổi dị ứng ngứa toàn thân sau khi ăn, còn bình thường không ăn thì không nổi mà em để ý ăn bất kể gì sau 20 phút đến 1 tiếng la nổi dị ứng và ngứa toàn thân. Đi thử máu bác sĩ nói men gan 95, gan to, chỉ số IgE rất cao. Em đã tiêm ngừa viêm gan B rồi. 1 năm sổ giun 2 lần, xin bác sĩ giải đáp và chỉ thuốc uống.

Em cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em có biểu hiện của viêm gan triệu chứng khám thấy gan to, xét nghiệm men gan tăng cao. Có 3 chỉ số men gan thường dùng là AST,ALT và GGT nhưng em không nói rõ chỉ số nào là 95 U/l. Chỉ số xét nghiệm IgE tăng cao nói lên có tình trạng dị ứng. Khi có viêm gan, chức năng gan sẽ suy giảm, em không nhiễm vi rút viêm gan B mà sao đã có biểu hiện tổn thương tế bào gan sớm thế? Em có nghiện rượu, bia hay không ? Gan và tình trạng dị ứng có liên quan tới nhau, khi chức năng gan suy giảm thì khả năng đào thải chất độc sẽ kém đi, dễ xuất hiện các biểu hiện dị ứng. Về phòng bệnh thì cần hạn chế uống rượu bia, hạn chế sử dụng các thuốc và hóa chất độc hại cho gan. Khi khám có gan to và men gan tăng cao, thì biểu hiện tổn thương gan là khá rõ, khuyên em nên khám bác sĩ chuyên khoa để có giải đáp, và hướng dẫn phác đồ chữa trị. Các thuốc chữa trị chủ yếu là thuốc bảo vệ tế bào gan, thuốc tăng cường và hỗ trợ chức năng chuyển hóa, giải độc.

Chúc em mạnh khỏe!

Viêm gan siêu vi B và men gan tăng cao có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em vừa đi khám về và kết quả là em bị viêm gan siêu vi B và men gan quá cao. Cụ thể là GOT là 412, GOP là 419. Bác sĩ cho em hỏi như thế có nguy hiểm không? Làm sao để điều trị tận gốc hả bác sĩ? Em có nên nhập viện để chữa trị không?

Cảm ơn bác sĩ nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em có nhiễm vi-rút viêm gan B (HBV), và men gan em cao hơn giá trị bình thường trên 10 lần, kết quả xét nghiệm phản ảnh các tế bào gan của em đã bị tổn thương, có triệu chứng rõ ràng của viêm gan. Bệnh viêm gan vi-rút B hoàn toàn có thể được chữa trị ổn định, một số ít tình huống có thể được chữa trị khỏi (làm cho HbAg từ dương tính trở thành âm tính, xuất hiện kháng thể Anti Hbg). Em nên vào viện khám, làm bổ sung một số xét nghiệm cần thiết để được chỉ định chữa trị phù hợp.

Chúc em sớm hồi phục!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl