Nguyên nhân tăng huyết áp ở bệnh nhân trên 30 tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Tăng huyết áp là bệnh khá phổ biến và tăng theo độ tuổi. Vậy người trên 30 tuổi cần lưu ý gì để tránh bị tăng huyết áp?

Nguyên nhân của việc tăng huyết áp?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 34 tuổi, khoảng 1 tháng trước em đột ngột tăng huyết áp 170/100, nhịp tim 120 đi điện não, điện tim bình thường xét nghiệm chất Tryglyceride trong máu tăng 500. Trước đó do công việc nên em ít ngủ khoảng thời gian 1 tháng và hay giật mình, phản xạ nhanh khi ngủ (như đứng dậy đột ngột khi nghe tiếng động) em uống thuốc hạ huyết áp Risince được 15 ngày rồi dừng hẳn, tuy nhiên không uống thuốc thì có lúc huyết áp em xuống chỉ 114/70 nhịp tim 73, có khi tăng 130, khi hồi hộp đột ngột thì tăng 150 rồi tự hạ. Hiện giờ em hay đau nhức 2 bên thái dương và đôi khi tức ngực phải, nhưng huyết áp vẫn bình thường. Gia đình em có tiền sử bệnh tăng huyết áp. Bác sĩ khám kết luận em bị suy nghĩ nhiều, lo lắng nên bị ảnh hưởng. Em đang phân vân nguyên do tăng huyết áp nên mong bác sĩ tư vấn để em được biết.

Em xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nguyên nhân tăng huyết áp:
– Tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (còn gọi là tăng huyết áp vô căn hoặc tiên phát, nguyên phát): chiếm 90%-95% bệnh nhân.
– Tăng huyết áp có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát, mắc phải): chiếm 5%-10%.

Điểm khác biệt là tăng huyết áp có nguyên nhân thì chữa triệt để được. Ví dụ: Tăng huyết áp do hẹp động mạch thận thì sau khi nong động mạch hẹp, huyết áp bình thường trở lại, không phải uống thuốc lâu dài.

Tăng huyết áp vô căn
Huyết áp cao có xu hướng xảy ra ở người có lịch sử gia đình có bệnh tăng huyết áp và có nhiều khả năng ảnh hưởng đến nam giới hơn nữ giới.

Tuổi và chủng tộc cũng là một yếu tố liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Tại Hoa Kỳ, người da đen có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp gấp 2 lần so với người da trắng, mặc dù khoảng cách bắt đầu thu hẹp ở độ tuổi từ 44 tuổi. Sau 65 tuổi, phụ nữ da đen có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.

Tăng huyết áp vô căn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ ăn uống và lối sống. Có một mối liên hệ đặc biệt giữa muối và huyết áp cao. Người dân sống trên các đảo phía Bắc của Nhật Bản ăn muối nhiều hơn bất cứ ai trên thế giới và có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp vô căn cao nhất thế giới.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp vô căn như béo phì, tiểu đường, căng thẳng, không đủ lượng kali, canxi và magiê, thiếu hoạt động thể chất và uống rượu.

Tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp mà biết rõ được nguyên nhân gây bệnh được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Trong số các nguyên nhân được biết đến tăng huyết áp thứ phát, bệnh thận chiếm cao nhất.

Tăng huyết áp cũng có thể được gây ra bởi hở van động mạch chủ, cường giáp, khối u hoặc những bất thường khác gây ra với tuyến thượng thận (tuyến nhỏ nằm trên đỉnh thận) để tiết ra một lượng dư thừa của các chất kích thích làm tăng huyết áp.

Thuốc tránh thai, đặc biệt là những thuốc có chứa estrogen có thể làm tăng huyết áp hoặc các thuốc co mạch máu, thuốc có tác dụng phụ giữ muối, nước…

Những người có nguy cơ cao bị tăng huyết áp thứ phát bao gồm:
Lịch sử trong gia đình có người bị huyết áp cao
Hút thuốc
Người châu Phi, châu Mỹ
Phụ nữ mang thai
Những phụ nữ uống thuốc ngừa thai
Những người trên 35 tuổi
Những người thừa cân hoặc béo phì
Những người ít vận động
Những người uống rượu quá mức
Những người ăn quá nhiều thức ăn béo hoặc thực phẩm có quá nhiều muối
Những người bị ngưng thở khi ngủ

Hy vọng câu trả lời có ích với bạn.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Sau khi dùng thuốc điều trị gút, suy thận mãn tính và tăng huyết áp bị đau mỏi cơ phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em năm nay 39 tuổi vừa qua em đi khám phát hiện mình bị gút, suy thận mãn tính và tăng huyết áp. Bác sĩ cho em đơn thuốc Zanedip 10mg, Tanatril 5mg, Meditrol 0, 25mcg và Allopurinol 300mg, em dùng thuốc được 10 ngày rồi hiện tại em thấy toàn thân nhức mỏi đau các cơ và thấy khó chịu trong người hai ngày nay rồi. Bác sĩ cho em hỏi biểu hiện như vậy là như thế nào? Em cần phải đi khám lại không vì em ở xa bệnh viện mỗi lần đi lại khó khăn. Mong sớm nhận được giải đáp của bác sĩ.

Em chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Các biểu hiện mà bạn mô tả có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Ví dụ như cảm cúm cũng có thể gây nhức mỏi toàn thân, thiếu các yếu tố vi lượng, thậm trí là ít vận động cũng gây ra các biểu hiện này, nó cũng có thể do các bệnh lý mà bạn đang mắc gây nên. Bạn hãy kiểm tra huyết áp, theo dõi số lượng nước tiểu và khớp chi dưới nhé, nếu tất cả đều bình thường thì bạn nên tăng cường vận động, tập thể dục và dinh dưỡng đủ chất. Tuy nhiên nếu thấy huyết áp tăng cao dù đã uống thuốc theo đơn, phù hoặc tiểu ít, khớp chi dưới sưng to báo hiệu đợt gút mới thì bạn cần tái khám ngay nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Huyết áp 160/80 mmHg có phải là bình thường ở người cao tuổi không?


Câu hỏi bởi: chimnon

Thưa bác sĩ!

Bố tôi 85 tuổi, huyết áp là 160/80 mmHg, có phải là bình thường theo tuổi không? Xin cho biết phân mức độ huyết áp.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Phân độ huyết áp theo JNC VII như sau:

Bình thường là dưới 120/80mmHg

Tiền tăng huyết áp khi huyết áp từ 120 – 129/80 – 89mmHg

Tăng huyết áp độ 1 khi huyết áp từ 140 – 159/90 – 99mmHg

Tăng huyết áp độ 2 khi huyết áp lớn hơn hay bằng 160/100 mmHg.

Bố bạn có huyết áp là 160/80 mmHg thì được xếp vào loại tăng huyết áp độ 2 theo JNC VII, không phải là bình thường theo tuổi. Vậy thì bắt buộc phải uống thuốc để ổn định huyết áp.

Chúc bạn và bố bạn sức khỏe!

Thoái hóa đốt sống cổ có phải là lý do dẫn đến cao huyết áp?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, cháu xin hỏi bác sĩ về bệnh thoái hóa đốt sống cổ có phải là lí do dẫn đến huyết áp cao hay không? Mẹ cháu năm nay 47 tuổi bị thoái hóa đốt sống cổ với các triệu chứng hay choáng có khi ngất xỉu khi thời tiết thay đổi. Gần đây lại bị huyết áp cao (dao động từ 140-160) mà dùng thuốc vẫn không hạ huyết áp. Nhờ bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cháu xin cám ơn.

Bác sĩ Đỗ Hồng Kiên


Chào bạn!

Theo thống kê thì khoảng 95% những người tăng huyết áp là vô căn, 5% có lí do, nhưng thoái hóa cột sống cổ không phải lí do gây tăng huyết áp. Trường hợp của mẹ bạn dùng thuốc mà huyết áp vẫn chưa điều chỉnh về bình thường được thì cần phối hợp thêm thuốc.

Chúc mẹ bạn mau khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl