Những câu hỏi thường gặp về nước lá trầu không


4,226
1
1
Xu
53
Cùng tìm hiểu về công dụng, cách sử dụng nước lá trầu trong y học qua tuyển tập câu hỏi thường gặp sau đây.

Ra nhiều khí hư có phải bị viêm âm đạo, có nên rửa bằng nước lá trầu không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em bị viêm lộ tuyến đã chữa khỏi mới gần đây. Nhưng đợt này em lại ra nhiều khí hư lẫn một ít máu. Em đã đi mua thuốc đặt và uống thêm thực phẩm chức năng Hoàng Tố Nữ kết hợp với rửa nước lá trầu, em đã không ra khí hư nữa. Vậy em có phải bị viêm âm đạo không? Có nên rửa thường xuyên nước lá trầu không? Có cần đi khám không?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Đinh Anh Tuấn


Chào em!

Bình thường bề mặt ngoài của cổ tử cung có lớp tế bào biểu mô lát, tạo cho niêm mạc cổ tử cung mềm mại, trơn láng, còn bên trong ống cổ tử cung có lớp tế bào biểu mô tuyến, có khả năng tiết ra chất dịch. Viêm lộ tuyến cổ tử cung nghĩa là các tế bào biểu mô trụ (bình thường chỉ có trong ống cổ tử cung) mọc lan ra ngoài bề mặt cổ tử cung thành từng đám, dễ bị viêm nhiễm và chảy máu khi đụng chạm vào hoặc khi quan hệ tình dục. Vì vậy, viêm lộ tuyến cổ tử cung thường hay tái phát.

Để chữa trị viêm lộ tuyến cổ tử cung một cách triệt để người ta thường phải dùng các biện pháp để “diệt tuyến”, tức là diệt các đám tế bào tuyến mọc lan ra ngoài bề mặt cổ tử cung. Các phương pháp thường áp dụng là áp lạnh, đốt điện hoặc đốt nhiệt, kết hợp uống thuốc đặt âm đạo để chữa trị lí do gây viêm nhiễm, tái tạo niêm mạc bề mặt của cổ tử cung.

Về câu hỏi của em, viêm lộ tuyến cổ tử cung luôn đi kèm với viêm âm đạo, ngoài ra còn có thể kèm theo các bệnh khác như viêm niêm mạc tử cung, viêm vòi trứng hoặc nguy hiểm hơn là ung thư cổ tử cung… Vì vậy, nếu em thấy có ra khí hư kèm theo máu, em cần đi khám chuyên khoa Sản phụ để được giải đáp chính xác nhất. Ngay cả khi không thấy dấu hiệu gì, em cũng nên đi khám Phụ khoa định kỳ để sàng lọc và phát hiện sớm các bệnh phụ khoa, đặc biệt là ung thư cổ tử cung, bởi vì nếu phát hiện kịp thời có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này.

Nước sắc lá trầu không có tác dụng sát khuẩn, khử mùi, làm săn niêm mạc. Tuy nhiên, nếu thụt vào âm đạo sẽ tiêu diệt mất các vi khuẩn có ích trong âm đạo, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Vì vậy, em chỉ nên dùng nước sắc lá trầu không để rửa ngoài âm hộ, tuyệt đối không được thụt vào trong âm đạo.

Chúc em luôn hạnh phúc!

Lá trầu có trị được mụn trứng cá không?


Câu hỏi bởi: KhangThịnh

Chào Bác sĩ. Năm nay em 17 tuổi, em bị mụn được 3 năm rồi ạ, lúc thì không thấy lúc thì có nhiều mụn. Bây giờ em muốn trị mụn bằng các biện pháp thiên nhiên ạ! Có lần vô tình lướt web em thấy lá trầu cũng có thể trị mụn được nhưng không chắc nên em xin hỏi là lá trầu có thể trị mụn được không ạ! Xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Nguyên nhân xuất hiện mụn là do sự thay đổi của nội tiết tố Androgen. Đây là nội tiết tố được sinh ra từ tuyến nội tiết sinh dục của cả nam và nữ, nó sẽ kích thích tuyến bã ở da tiết ra chất nhờn tại một số vùng trên cơ thể, đặc biệt là vùng da mặt. Nếu da không được vệ sinh sạch sẽ, bã nhờn bị tích tụ lại ở lỗ chân lông sẽ kết hợp với vi khuẩn tạo thành mụn.

Trầu không hay trầu (tên khoa học Piper betle) là một loài cây gia vị và cũng dùng làm thuốc, lá của nó có các tính chất dược học. Đây là loài cây thường xanh, loại dây leo và sống lâu năm, với các lá hình trái tim có mặt bóng và các hoa đuôi sóc màu trắng, có thể cao tới 1 mét. Theo y học cổ truyền, lá trầu không thấy vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn. Trung bình trong 100 gr lá trầu không chứa 85,4% nước , 0,8% chất béo, 3,1% protein, 2,3% muối khoáng, 6,1% carbohydrate và 2,3% chất xơ. Hàm lượng khoáng chất và vitamin chủ yếu là canxi, thiamin, caroten, niacin , riboflavin và vitamin C. Trong lá trầu không thấy chất tinh dầu thơm, hắc, có chứa một dạng phenol có tên là chavicol có đặc tính khử trùng rất tốt. Chính vì vậy trầu không sẽ cho hiệu quả tốt trong việc trị mụn bởi nó cho phép diệt khuẩn, đạt tới hiệu quả làm tiêu nhân mụn và loại bỏ tế bào chết. Kế đó, các tinh chất dưỡng từ lá trầu không sẽ giúp thu nhỏ lỗ chân lông, giúp da láng mịn, tự nhiên.

Chuẩn bị: 3 lá trầu không, 1 ly nước nóng sạch

Cách làm: Lấy 3 lá trầu không rửa sạch, để ráo rồi vò nát. Sau đó lấy một ly nước nóng sạch, bỏ 3 là trầu không vào. Bạn để nguội trong khoảng 30 phút, sau đó lấy nước trầu không rửa lên mặt khoảng 2- 3 lần. Chỉ nên áp dụng biện pháp này hai tuần một lần để giữ cho làn da sạch các vết mụn đầu đen. Không nên lạm dụng quá, bởi nếu rửa mặt với nước trầu không nhiều, sẽ làm cho làn da bị khô đi bởi tinh dầu trong lá trầu không thấy có tính nóng, có thể gây rát da, đỏ da.

Chúc bạn sức khỏe!

Cách trị hôi nách


Câu hỏi bởi: Lo Học Không Yêu

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 14 tuổi, cháu bị hôi nách, cũng không nặng lắm, nó ở mức độ trung bình hoặc trên trung bình. Cháu muốn hỏi bác có cách gì giúp cải thiện tình trạng trên không ạ? Có thể xử lý bằng những loại thảo dược tự nhiên dễ tìm hay không? Còn nếu uống thuốc thì cháu phải uống thuốc gì ạ? Cháu mong sớm nhận được lời khuyên của bác sĩ.

Cháu cảm ơn bác!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Cháu 14 tuổi và bị hôi nách, ở mức độ trung bình và không nặng lắm. Để chữa trị với các vị thuốc thiên nhiên, cháu có thể sử dụng một số chế phẩm tự nhiên khá gần gũi với đời sống như gừng, chanh, mướp đắng, lá trầu không… để chữa trị bệnh.

Gừng: gừng tươi sạch, ép lấy nước, bôi vào nách vài lần mỗi ngày, thời gian 30 ngày.

Lá trầu không: lá trầu không rửa sạch, dùng chà xát vào nách khi tắm, thời gian 30 ngày liên tục.

Chanh: cắt chanh trà xát vào nách ngay sau khi tắm, liên tục 30 ngày.

Lá mướp đắng: giã nhuyễn, lấy nước cốt bôi ngay vào nách, thừi gian 2 tuần – 1 tháng.

Cháu cần lưu ý cháu có thể xử lý hôi nách bằng cách tắm rửa và thay quần áo hàng ngày, cháu có thể dùng lăn khử mùi bôi ngay sau khi tắm sách sẽ. Biện pháp cắt tuyến mồ hôi chỉ thực hiện khi có mùi nhiều, nặng mùi và tác động sinh hoạt, học tập.

Chúc cháu sức khỏe!

Trẻ bị viêm da đầu có nên gội bằng lá trầu không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Bé nhà tôi bị mọc mụn ở đầu khoảng 10 ngày nay. Trời nóng thì mụn đó lên, trời lạnh thì không đỡ nhưng bé thường xuyên gãi đầu. Sau đầu lại nổi vài cục hạch. Tôi có cho bé đi khám bác sĩ ở huyện thì họ chẩn đoán là viêm da. Tôi có gội lá trầu không và sài đất cho bé nhưng tình hình cũng không được cải thiện. Tôi rất mong nhận được sự giải đáp sớm nhất của các bác sĩ.

Tôi chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Chào bạn!

Như bạn kể thì con bạn bị mọc mụn ở đầu khoảng 10 ngày nay. Trời nóng thì mụn đó lên, trời lạnh thì không đỡ nhưng bé thường xuyên gãi đầu. Sau đầu lại nổi vài cục hạch. Bác sĩ ở huyện chẩn đoán là viêm da. Bạn có gội lá trầu không và sài đất cho bé nhưng tình hình cũng không được cải thiện.

Chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau: Theo Y học cổ tuyền, lá trầu không có vị cay, tính ấm. Có tác dụng sát trùng, dùng chữa ho do cảm lạnh, đau bụng, cước khí, mụn nhọt lở loét, bỏng,… Trong dân gian, dùng lá trầu không giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào rồi dùng rửa những vết loét, mẩn ngứa, hạch sưng đau. Nước pha lá trầu không còn được dùng làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt ở trẻ nhỏ. Dân gian thường dùng lá trầu để đánh gió (chữa cảm mạo), rửa vết thương (sát khuẩn), chữa bỏng, lở loét, các chứng đau bụng lạnh, đầy hơi, nấc cụt… Các nghiên cứu hiện đại đã xác nhận lá trầu có tác dụng kháng sinh mạnh. Chất kháng sinh bay hơi của lá trầu diệt được nhiều loại vi khuẩn.

Sau đây là vài bài thuốc dân gian với lá trầu để chữa lở loét, viêm da:

Vết loét nhỏ: Lấy 2-3 lá trầu, cắt thật nhỏ, cho vào một cái cốc con. Đổ nước sôi vào ngập lá trầu, đợi 10-15 phút cho các chất trong lá trầu thôi ra hết, lấy nước này rửa vết loét, mụn nhọt, vết chàm của trẻ em rất tốt. Ngày rửa 2-3 lần.

Vết loét to: Lấy nhiều lá trầu hơn, đun với nước cho sôi kỹ, để ấm, dùng như trên.

Nếu thấy không đỡ, bạn nên cho cháu đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi hoặc Da liễu để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Chúc con bạn mau khỏi!

Chữa nước ăn chân thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Xin hỏi bác sĩ làm thế nào để chữa bệnh nước ăn chân ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Nếu tiếp xúc thường xuyên với nước bẩn, đặc biệt nếu bạn sinh sống ở vùng ngập nước kéo dài, vi khuẩn và nấm trong nước sẽ bám vào da, gây bệnh nấm da. Để điều trị nước ăn chân, trước tiên bạn cần phải rửa thật sạch nơi bị bệnh bằng nước nước muối ấm, lau khô bằng khăn bông sạch, sau đó bôi thuốc chống nấm hoặc có thể dùng một số bài thuốc nam như sau:

Có thể bôi một trong số các thuốc: BascI 2%, ASA, Castellami, Nizoral, Calorem. Cũng có thể sử dụng các dung dịch màu như: xanh Methylen, màu tím Gentian, màu đỏ Fuschin để sát khuẩn và khô mủ. Khi bị tổn thương nặng, dùng kết hợp với thuốc chống nấm như Griseofulvin, Nizoral hoặc Sporal . Nếu có mủ, đau nhức thì phải uống thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm.

Có thể dùng một trong số thuốc nam chữa trị như: Nấu nước lá lốt xông chân, rồi ngâm rửa chân. Nấu nước kim ngân đặc rửa chân. Lấy búp ổi (hoặc lá mướp già) giã với muối, xát nhẹ vào chỗ ngứa, ngày 2-3 lần. Một số bài thuốc dân gian khác: Lấy lá trầu không, vò nát, xát vào các kẽ ngón chân, hoặc lấy nước vắt ở lá trầu bôi vào các kẽ ngón chân. hoăc dùng phèn chua với hoàng đằng cũng có thể chữa khỏi. Bạn nên lưu ý : Khi bị nước ăn chân cần duy trì ngâm vùng da bị bệnh vào dung dịch thuốc tím được pha loãng từ 2-3 lần, hoặc nước muối 9% và giữ gìn chân thông thoáng, sạch sẽ. Nếu thấy bệnh không khỏi, cần đến các trung tâm Da liễu để khám và chữa trị.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl