Những câu hỏi thường gặp về bệnh gù lưng


4,226
1
1
Xu
53
Gù lưng gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người bệnh. Tuyển tập sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh này.

Gù lưng từ nhỏ có mổ được không?


Câu hỏi bởi: pat

Chào bác sĩ!

Cháu bị gù lưng từ nhỏ. Cháu muốn hỏi cách khắc phục, nếu không được thì cháu có thể làm phẫu thuật không? Thời gian hồi phục là bao lâu? Chi phí là bao nhiêu?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt


Chào cháu!

Bệnh “gù lưng” như cháu nói bị từ nhỏ chính là bệnh cong vẹo cột sống bẩm sinh. Bệnh này có thể mổ để chỉnh hình cột sống. Tuy nhiên sau phẫu thuật có một tỷ lệ nhỏ bị biến chứng liệt hoàn toàn hai chi dưới do tổn thương tủy sống. Để đạt được thành công cần phải có chỉ định mổ rất chặt chẽ dựa vào mức độ cong vẹo và độ tuổi. Cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định mức độ tổn thương và bác sĩ sẽ khuyên cháu có nên can thiệp phẫu thuật hay không.

Chúc cháu khỏe!

Nữ 17 tuổi bị gù lưng


Câu hỏi bởi: Mai Thị Thùy Dung

Chào bác sĩ!

Cháu là nữ giới, năm nay cháu 17 tuổi nhưng lưng bị gù nên rất mất thẩm mĩ, mong bác sĩ hướng dẫn cách xử lý!

Cháu cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền


Chào cháu!

Cháu có thể bị gù lưng do cách ngồi học không đúng tư thế, có thể do tác động của bàn ghế không đúng kích thước, không phù hợp với lứa tuổi của cháu, hoặc do thiếu ánh sáng. Ngoài ra, thiếu vận động cơ thể cũng là một trong nhiều lí do của căn bệnh này. Để phòng tránh gù lưng do tư thế, trước hết cháu hãy chọn cho mình một bộ bàn ghế đạt chuẩn và phù hợp với cơ thể mình. Điều này giúp cháu cảm thấy thoải mái khi học, làm việc và tránh tình trạng đốt sống phải gù xuống. Khi ngồi học hoặc làm việc, hãy giữ đúng tư thế, không khom lưng, cúi người, nghiêng người, vẹo cổ.

Cháu nên tập xà ngang (làm một cái xà ngang chắc chắn, vừa tay nắm, ở tầm cao hơn người khi cháu giơ cao tay chừng 15 – 20cm). Buổi sáng sau khi tập thể dục, nghĩa là đã khởi động đầy đủ, cháu đu mình lên, hai tay nắm xà và buông thẳng người. Động tác này là dùng sức nặng cơ thể để kéo thẳng cột sống mà tránh được gù lưng. Khi treo mình, cháu cần hít thở đều đặn, hai tay vẫn giữ thẳng, không lên gân. Buổi đầu chỉ giữ khoảng 5 phút, hoặc thấy hơi mỏi thì ngừng. Các buổi sau tăng dần thời gian và số lần thực hiện, như đu xà ngày 2 lần sáng và chiều hoặc xen kẽ giữa giờ học ở nhà, nhưng không tập đến mức nhức mỏi, dễ nản chí. Khi nằm, cháu nên tập nằm ngửa thẳng đầu, thân mình và 2 chân 2 tay duỗi thẳng. Cháu đừng quên bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và ăn các loại thức ăn chứa nhiều canxi như thịt, cá, tôm, cua, uống sữa để giúp cho xương chắc khỏe và phát triển tốt.

Chúc cháu vui khỏe!

Đau đầu, tay chân tê, vùng lưng chỗ xương cụt sưng gù lên, cổ có biểu hiện viêm sưng


Câu hỏi bởi: Mưa(TU)

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 17 tuổi, cổ có biểu hiện viêm sưng, đau khi vận động, được bác sĩ chẩn đoán là viêm đốt sống cổ, chữa trị cũng được vài năm rồi nhưng không khỏi, dùng thuốc nhiều vậy có tác động gì không ạ? Cháu cũng hay tập thể dục, tập thì đỡ mỏi. Cháu còn hay bị đau đầu, tay chân tê, vùng lưng chỗ xương cụt còn bị sưng gù lên thấy rõ. Cháu phải làm sao ạ? Cháu đã thử liệu pháp châm cứu thấy cũng đỡ nhưng áp dụng thời gian dài vậy có tác động đến các rễ thần kinh và hệ cơ không? Cháu cảm thấy tự ti về sự sưng gù của xương và lo lắng cho sức khỏe của mình. Mong bác sĩ trả lời sớm cho cháu, chỉ giúp cháu phương pháp chữa trị hiệu quả nhất. Nếu được bác sĩ nói rõ nguyên do giùm cháu. Cháu đọc nhiều nhưng vẫn rất phân vân về bệnh của mình.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào cháu!

Viêm cột sống cổ là một hội chứng trong đó dây thần kinh cổ bị chèn ép hay kích thích. Thương tổn chủ yếu là thoái hóa các đốt sống cổ hoặc do các sang chấn cấp tính hay mãn tính có thể làm cho đĩa đệm các đốt sống, các dây chằng, các bao khớp phía sau bị hư hại và gây nên hội chứng này. Nếu do thoái hóa của các đĩa đệm, nước trong các đốt sống bị hấp thu dần và đĩa đệm trở nên mỏng hơn làm cho khoảng cách giữa 2 đốt sống bị hẹp lại, các dây chằng, bao khớp bị nhão ra làm cho cột sống bị mất ổn định, chuyển động của cột sống bị mở rộng dẫn đến sự tăng của xương, sự hóa vôi của các dây chằng, ép và kích thích các dây thần kinh cổ, tủy sống cổ, các mạch máu gây ra tình trạng viêm cột sống cổ.

Viêm cột sống cổ triệu chứng từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện: Đau cổ, đau vai, cứng cổ (đặc biệt khi ngủ dậy), đau cổ khi vận động, đau lan tỏa từ cổ ra 2 cánh tay hoặc cả 2 bên lưng hoặc đầu, hoa mắt chóng mặt, choáng váng, đau đầu, tê buốt bàn tay…

Điều trị viêm cột sống cổ: Có thể sử dụng các phương pháp chữa trị nội khoa hoặc thay đổi cách sống hoặc kết hợp cả hai.

Điều trị nội khoa hay sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc dãn cơ, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt… Thay đổi cách sống: Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ phù hợp và các kỹ thuật trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cùng với tập luyện vùng cổ thường xuyên.

Nếu cháu chữa trị nội khoa thông thường (uống thuốc giảm đau chống viêm) trong thời gian dài thì thuốc này có thể tác động đến hệ tiêu hóa (có thể viêm loét dạ dày tá tràng). Vì vậy, nên hạn chế uống thuốc (chỉ sử dụng khi quá đau không chịu đựng được) còn chủ yếu là tập luyện thể thao, châm cứu, bấm huyệt hoặc vật lý trị liệu.

Vùng xương cụt bị sưng gù gây đau lưng (hay gặp ở phụ nữ nhất là phụ nữ sau sinh). Xương cụt là phần dưới cùng của xương sống, nó được cấu tạo bởi 5 đốt sống tạo thành hình tam giác nối với xương chậu. Đau xương cụt không phải là một bệnh nghiêm trọng nhưng tác động đến chất lượng cuộc sống. Triệu chứng của đau xương cụt là đau nhức hoặc nhói ở mông hoặc hông, đau lan xuống háng hai chân và đầu gối, cảm giác đau có thể lan rộng ra xung quanh.

Điều trị đau xương cụt là có thể dùng biện pháp xoa bóp, bấm huyệt, tiêm thuốc giảm đau tại chỗ (có thể đặt thuốc giảm đau vào hậu môn) và nằm nghỉ ngơi. Nếu chữa trị lâu ngày không khỏi thì có thể phẫu thuật cắt bỏ xương cụt. Việc châm cứu trong thời gian dài không tác động đến các rễ thần kinh và hệ cơ. Châm cứu giúp cho khí huyết lưu thông khắp cơ thể thông qua hệ kinh lạc. Châm cứu ảnh hưởng lên hệ thần kinh giao cảm có thể làm giảm huyết áp, nhịp tim và làm cho cơ bắp được thư giãn. Châm cứu có thể còn làm tăng tiết hormone cortisol, tăng đào thải chất cặn bã…

Cháu nên lạc quan về căn bệnh của mình, nên kiên trì tập luyện thể dục thể thao cũng như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu. Nhiều khi tinh thần rất quan trọng trong tiến triển của bệnh đó cháu ạ.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Tập cho bé 6 tháng ngồi có bị gù lưng không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Em năm nay 26 tuổi mới sinh em bé được 6 tháng, em tập cho bé ngồi. Vậy có tác động gì tới cột sống và có bị gù lưng không?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Sự phát triển của bé về mặt tinh thần và vận động thay đổi rất nhanh qua các tháng. Về mặt vận động thì tới khoảng 6 tháng tuổi, bé đã có thể ngồi vững một mình trong vài phút hoặc lâu hơn, thông thường phải có sự hỗ trợ đỡ thân mình để bé ngồi dậy,… Trường hợp bé nhà em, bé đã được 6 tháng tuổi và nếu bé phát triển bình thường, không có bệnh lý gì đáng lưu ý thì việc tập cho bé ngồi là hoàn toàn hợp lý, nhưng cũng không nên cho bé ngồi lâu vì cột sống của bé giai đoạn này còn khá yếu. Bên cạnh đó, em cần lưu ý tới việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé để giúp bé phát triển tốt và tiêm phòng đầy đủ nhằm phòng ngừa các bệnh cho bé.

Chúc bé nhà em mạnh khỏe!

Bị lún cột sống phải làm thế nào?


Câu hỏi bởi: schally

Thân gửi bác sĩ!

Ba tôi năm nay 58 tuổi, gần đây không may bị ngã (trường hợp ngã ngửa ra sau). Sau khi được đưa đến bệnh viện gần nhất để khám. Bác sĩ nói rằng ba tôi bị lún cột sống. Hiện tại ba tôi chỉ nằm ngửa, không thể ngằm nghiên được, tay chân thì vẫn cử động được. Bác sĩ chữa trị chưa có phương án nào, chỉ nói qua loa. Tôi rất mong bác sĩ giải đáp giúp tôi, với tình trạng của ba tôi như trên có thể phục hồi được hay không? Ảnh hưởng về sau như thế nào? Cần chữa trị theo phương pháp nào? (Ba tôi thường lái xe ô tô). Rất mong nhận được hồi đáp của bác sĩ.

Tôi xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Cột sống chính là trụ cột của cơ thể. Trên cột sống các xương hợp nhất và phối hợp với dây chằng, các đĩa đệm để bảo vệ tủy sống – cơ quan truyền thụ cảm giác trực tiếp tới não bộ của con người. Cột sống bao gồm 33 đốt sống. Mỗi đốt sống được gép với nhau bởi một đĩa đệm nằm giữa. Đĩa đệm này có khả năng đàn hồi, biến dạng mỗi khi chúng ta vận động xương cột sống. Bên trong đĩa đệm là tổ hợp các dây chằng và tủy sống. Tủy sống chạy xuyên suốt từ não bộ xuống đốt sống cuối cùng. Tủy sống kết hợp với hệ thần kinh điều khiển mọi sự hoạt động của con người. Nếu tủy sống bị chấn thương thì hệ thần kinh cũng bị tổn thương nghiêm trọng và gây ra một số bệnh.

Xẹp thân đốt sống là một biến chứng nguy hiểm do loãng xương, hoặc do chấn thương cột sống nhẹ do va đập hoặc vận động nặng hoặc cũng có thể tự phát do sức nặng của cơ thể cũng có thể gây ra xẹp đốt sống hay còn gọi là gãy lún đốt sống, sụn cột sống. Xẹp đốt sống thường gây đau đớn kéo dài, gù lưng, khó khăn trong vận động, di chuyển và thậm chí còn có thể bị liệt.

Bệnh của bố bạn đã được bác sỹ xác định là lún cột sống do chấn thương va đập cột sống. Tình trạng hiện tại không thấy liệt nhưng vận động thì bị hạn chế rất nhiều. Tạm thời bố bạn chỉ có nằm được một tư thế ngửa. Bệnh của bố bạn chỉ có thể phục hồi nhanh và hiệu quả nhất nhờ vào phẫu thuật. Trước đây, cũng đã có những phương pháp phẫu thuật chữa trị xẹp đốt sống, nhưng chỉ là mổ mở và dùng dụng cụ chuyên dụng để làm cho đốt sống chắc chắn trở lại. Nhưng, mổ mở mất nhiều thời gian và dễ gây nhiều tai biến. Hơn nữa bố bạn năm nay đã 55 tuổi, có thể còn bị loãng xương nữa nên hiệu quả có thể không tốt. Để phục hồi, tốt nhất bạn có thể đưa bố bạn đến cơ sở y tế có đủ phương tiện và khả năng như bệnh viện Việt Đức để được xác định mức độ tổn thương và chữa trị thích hợp.

Chúc bạn mau khỏi!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl