Mổ thai ngoài tử cung cần lưu ý những điều gì?


4,226
1
1
Xu
53
Mổ thai ngoài tử cung là một phương pháp được lựa chọn để nhằm ngăn chặn những nguy hại cho mẹ bầu. Trước khi tiến hành, bất cứ mẹ bầu nào cũng nên chủ động trang bị cho mình lưu ý cần thiết từ tư vấn chuyên gia để tránh những điều xảy ra không mong muốn.

Tình trạng cháy máu kinh nguyệt sau mổ thai ngoài tử cung kéo dài có sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em đã mổ thai ngoài tử cung được 18 ngày nhưng tình trạng chảy máu kinh nguyệt vẫn kéo dài, cho đến nay máu vẫn ra đều đều, không nhiều nhưng cũng không ít. Bụng vẫn âm ỉ và chướng bụng, máu ra từ ngày 14/7 cho đến bây giờ 14/8. Và ngày mổ là 28/7 ạ? Việc máu chảy kéo dài như thế có bình thường không hay là đáng ngại thưa bác sĩ? Và em cần làm gì để không bị máu chảy kéo dài nữa ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Nếu như vậy bạn cần đi khám lại ngay nhé, khám chính nơi đã phẫu thuật cho bạn để xem cụ thể thế nào khi đó mới chẩn đoán và có hướng chữa trị được.

Chúc bạn khỏe.

Mổ thai ngoài tử cung, cắt vòi trứng trái sau 17 ngày bị ứ dịch có sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em mổ thai ngoài tử cung, cắt vòi trứng trái, mổ nội soi ạ. Sau 17 ngày thì thấy đau, tức bụng dưới. Đi siêu âm thì bác sĩ nói bị ứ dịch cạnh trái tử cung 70ml. Cho kháng sinh và chống viêm về uống. Hôm nay là được 5 ngày nhưng em không có đỡ tí nào ạ. Em lo lắng quá. Nếu bị ứ dịch như vậy thì để lâu ngày có tác động gì tới tử cung và vòi trứng phải không ạ? Nếu em dùng thuốc không khỏi mà dịch nhiều lên nữa thì phải chữa trị thế nào ạ.

Em cảm ơn.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Chửa ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong tử cung mà ở ngoài tử cung, chữa trị bệnh này có 2 phương pháp đó là phẫu thuật cắt khối chửa hoặc tiêm thuốc MTX để khối thai tiêu đi. Bạn đã dùng phương pháp phẫu thuật. Thông thường nếu phẫu thuật thì sau 1 đến 2 tháng cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Nếu sau phẫu thuật bị sốt nhiễm trùng, chảy máu lại, đau bụng nhiều… thì bạn phải đi khám lại ngay để tìm lí do. Bạn cũng đã khám và phát hiện thấy còn dịch và đã được sử dụng thuốc kháng sinh như vậy bạn hãy tiếp tục chữa trị nhé, hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, hết thuốc hãy đi khám lại xem cụ thể như thế nào khi đó mới có biện pháp tiếp theo được.

Chúc bạn khỏe.

Vết mổ thai ngoài tử cung chảy máu có sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm này 22 tuổi, vừa mổ thai ngoài tử cung, đến hôm qua được 25 ngày. Mấy hôm trước vết mổ của em lành nhưng không biết vì sao khi em rửa vết thương thì thấy chảy chút máu. Vậy em có bị sao không bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Đối với vết mổ tiến triển bình thường và không thấy biến chứng thì chắc chắn sau 25 ngày đã lành và không còn chảy máu. Nếu vết mổ của em chảy máu em cần tới bác sĩ để kiểm tra lại, chảy máu vết mổ sau 25 ngày là bất thường, có nhiều lí do khác nhau gây nên nhưng thường gặp là do nhiễm khuẩn.

Chúc em mạnh khỏe!

Mổ hở thai ngoài tử cung bao lâu thì hồi phục?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Năm 1999 tôi mổ ruột thừa, năm 2009 tôi mổ bắt con, năm 2012 tôi mổ nội soi thai ngoài tử cung, tháng 6- 2014 tôi mổ hở thai ngoài tử cung lần 2, cho tôi hỏi giờ đã gần 1 tháng rồi tôi có thể chạy xe gắn máy đi không vì tôi phải đi làm xong nhờ người khác chở rất bất tiện nhưng lại sợ ảnh hưởng đến vết thương. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên.

Chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào chị!

Cách đây 2 năm chị đã mổ nội soi chửa ngoài tử cung lần một và đến tháng 6 năm nay chị lại tiếp tục mổ chửa ngoài tử cung lần hai. Chửa ngoài tử cung có thể mổ nội soi hoặc mổ mở tùy thuộc vào từng thể bệnh và ngoài ra còn phụ thuộc vào trang thiết bị và trình độ của phẫu thuật viên. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế chưa thể triển khai được kĩ thuật nội soi thì sẽ phải mổ mở. So với mổ mở, phương pháp mổ nội soi ít xâm lấn, ít làm tổn thương phần mềm nên bệnh nhân đỡ đau hơn, thời gian hồi phục sau mổ nhanh hơn và tỉ lệ nhiễm trùng sau mổ thấp hơn.

Nếu mổ chửa ngoài tử cung lần hai này, chị được mổ nội soi thì sau khoảng 2 – 3 ngày có thể đi lại nhẹ nhàng, có nhu động ruột trở lại và có thể đánh hơi được nên bắt đầu ăn uống được. Sau khoảng 10 ngày, bệnh nhân có thể sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng được, tránh làm các công việc nặng nhọc, gắng sức và trường hợp của chị đã được gần 1 tháng thì hoàn toàn có thể đi làm bằng xe máy được.

Nếu chị được mổ mở thì vết mổ cần khoảng thời gian là hai tuần để liền sẹo tốt nếu không có nhiễm trùng vết mổ và có thể cắt chỉ được.

Trường hợp của chị, đã mổ được gần 1 tháng, nếu vết mổ liền sẹo tốt, cắt chỉ, không có sốt, huyết áp ổn định, không thiếu máu, không đau bụng, ăn uống được, đi ngoài bình thường thì chị có thể sinh hoạt và làm việc bình thường nhưng không nên làm các công việc nặng và gắng sức, có thể tự đi được xe đạp, xe máy nhưng không nên ngồi lái xe liên tục, kéo dài. Nếu có thiếu máu sau mổ biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt hoặc huyết áp thấp thì sau một tháng vẫn chưa thể tự đi được xe đạp, xe máy vì dễ bị choáng ngã mà cần phải điều trị ổn tình trạng thiếu máu và huyết áp thì mới có thể sinh hoạt và làm việc bình thường được.

Chúc chị mau khỏe!

Thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang có thể mổ hở hay mổ nội soi?


Câu hỏi bởi: hoasocola

Chào bác sĩ!

Xin hỏi bác sĩ, thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang có thể mổ hở hay mổ nội soi?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Chửa ngoài tử cung hiện tượng trứng đã được thụ tinh không làm tổ ở trong buồng tử cung mà có thể làm tổ ở ngay tại vòi trứng hoặc hiếm gặp hơn là có thể làm tổ ngay ở trong ổ bụng. Vòi trứng có kích thước nhỏ trong khi trứng đã được thụ tinh phát triển ngày càng to lên nên bệnh nhân ngày càng đau bụng, ra máu, đến một lúc nào đó khối chửa bị vỡ ra, gây chảy máu ồ ạt và có thể tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Chửa ngoài tử cung có nhiều thể khác nhau trong đó có thể huyết tụ thành nang. Trong chửa ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang, vòi trứng bị rạn nứt dần, máu không chảy ồ ạt vào ổ bụng mà chảy từ từ ít một sau đó máu sẽ đọng lại ở một nơi nào đó trong ổ bụng, thường là nơi thấp nhất, khi đó, ruột, mạc nối lớn đến bao bọc, khu trú lại tạo thành khối huyết tụ. Điều trị phẫu thuật là bắt buộc để lấy khối máu tụ, tránh vỡ thứ phát. Phẫu thuật chửa ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang có thể dùng hai phương pháp: mổ nội soi hoặc mổ mở.

Phương pháp mổ mở là phương pháp mổ đã được áp tiến hành từ rất lâu và có thể áp dụng được cho tất cả mọi tình huống. Còn phương pháp mổ nội soi là phương pháp mới có nhiều ưu điểm như hiệu quả tốt, ít xâm lấn mô và tổ chức lành nên bệnh nhân đỡ đau, thời gian nằm viện sau mổ ngắn, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn nhưng chi phí phẫu thuật đắt hơn, đòi hỏi phải có trang thiết bị nội soi và đặc biệt cần phải có phẫu thuật viên có khả năng mổ được bằng nội soi. Hiện nay, kĩ thuật mổ nội soi đã được triển khai ở tất cả các bệnh viện tuyến trung ương tuy nhiên nhiều tuyến y tế cơ sở vẫn chưa thể triển khai được phương pháp mổ mới này. Vì vậy, với một bệnh nhân chửa ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang vào viện, tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân, diễn biến bệnh, các bệnh lý phối hợp kết hợp với khả năng của phẫu thuật viên và trang thiết bị kĩ thuật để quyết định mổ mở hay mổ nội soi.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl