Mức độ nguy hiểm của bệnh cao huyết áp


4,226
1
1
Xu
53
Cao huyết áp có nguy hiểm? Nguy hiểm như thế nào? không phải ai cũng tường tận về vấn đề này. Để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh cao huyết áp bạn có thể đọc thêm các giải đáp của bác sĩ dưới đây.

Cao huyết áp có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 19 tuổi. Qua hai lần đi khám nghĩa vụ quân sự, em thấy các bác sĩ bảo em bị cao huyết áp 150, 160. Em bị như vậy có nguy hiểm gì không ạ?

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hồng Kiên


Chào bạn!

Nếu huyết áp hai lần do nhân viên y tế đo đều cao thì tức là bạn đã bị cao huyết áp. Trường hợp của bạn là tăng huyết áp ở người trẻ, điều quan trọng bên cạnh việc kiểm soát chỉ số huyết áp là tìm lí do gây tăng huyết áp. Về cơ bản, tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây nhiều biến chứng trên các cơ quan: tim, não, mắt, thận, mạch máu. Trường hợp của bạn nên khám, theo dõi và chữa trị tại cơ sở chuyên khoa Tim mạch.

Chúc bạn có một sức khỏe tốt!

Cao huyết áp có nguy hiểm đến tính mạng không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa Bác sĩ! Bà của tôi năm nay 72 tuổi, bà bị cao huyết áp. Tôi muốn hỏi bệnh này có nguy hiểm tới tính mạng của bà tôi không? Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Cao huyết áp là tình trạng bệnh rất nguy hiểm vì nó diễn biến âm thầm lặng lẽ nhưng lại gây ra các biến chứng rất nặng nề trên hầu hết các cơ quan của cơ thể như: tim mạch, não, thận, mắt.

– Tại tim, cao huyết áp gây phì đại tim, suy tim và các bệnh mạch vành như thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt ngực và nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim.

– Tại não, cao huyết áp gây nhồi máu não và chảy máu não, đứt mạch máu não,… gây liệt nửa người.

– Cao huyết áp gây tổn thương mạch máu thận và có thể gây suy thận.

– Tại mắt cao huyết áp gây bệnh võng mạc, hậu quả là mờ mắt, mù.

Do đó người cao tuổi khi có chẩn đoán cao huyết áp cần được theo dõi và chữa trị kịp thời để tránh các tai biến có thể xảy ra.

Thân mến!

Men gan cao kèm cao huyết áp có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: vânanh

Chào bác sĩ!

Chỉ số men gan AST là 60. Chỉ số ALT là 120 có nguy hiểm không. Tôi lại bị cao huyết áp nữa. Hiện tôi vẫn 6 tháng đi khám bệnh một lần. Uống thuốc theo toa của bác sĩ nhưng không có hạ men gan.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nguyên nhân thường gặp nhất làm men gan cao ở nước ta là bệnh viêm gan do virus như viêm gan virus A, B, C… vì Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan virus khá cao. Kế đến là viêm gan do uống nhiều rượu bia vì hiện nay tổng sản lượng bia rượu tiêu thụ hàng năm ở nước ta đang đứng vào hạng nhất nhì trong khu vực châu Á. Rượu bia là độc chất trực tiếp đối với gan: nếu uống ít và không thường xuyên, gan vẫn đủ sức để khử các độc chất do rượu sinh ra nhưng nếu uống nhiều > 60g cồn/ngày và thường xuyên thì độc chất của rượu không được hóa giải sẽ gây tác hại cho gan.

Tiếp theo là bệnh gan nhiễm mỡ đang có chiều hướng gia tăng do lối sống và điều kiện dinh dưỡng có nhiều thay đổi. Nhiều tình huống men gan cao, đặc biệt là men GGT (Glutamyl Transpeptidase) là chỉ dấu duy nhất của tình trạng dư mỡ trong gan và trong cơ thể. Ngoài ra, chúng ta còn phải cảnh giác đối với các tình huống lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và ngay cả các loại thực phẩm chức năng cũng như các thuốc có nguồn gốc thảo dược được xem là vô hại cũng có khi tác động đến gan và gây viêm gan do thuốc. Một số độc chất khác như các thuốc trừ sâu, một số loại nấm độc… cũng có thể làm men gan cao. Còn lại là các lí do khác như suy tim, thiếu máu vùng gan, các bệnh rối loạn về chuyển hóa các chất trong cơ thể cũng là những tình huống gây tăng men gan…

Để phòng tránh các bệnh gây tăng men gan, chúng ta cần đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và phát hiện sớm các tình huống tăng men gan nhằm chẩn đoán và chữa trị đúng cách để hạn chế tình trạng viêm gan mạn tính có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan sau này.

Đối với các bệnh viêm gan virus, chúng ta có thể phòng ngừa được viêm gan virus A và B bằng cách đi chủng ngừa, nhất là cho các trẻ nhỏ. Nên hạn chế rượu bia, mặc dù phải giao tiếp trong công việc nhưng chúng cũng phải ý thức tự mình hạn chế, không nên uống quá 40g cồn (tương đương 4 lon bia)/ngày và càng không nên uống thường xuyên mỗi ngày. Hiện nay, có một số thảo dược hoặc các thuốc bảo vệ gan trong tình huống uống nhiều rượu bia nhưng không nên lạm dụng. Một điều lưu ý là khi uống rượu bia nhiều không nên uống chung với Paracetamol để chống say rượu vì có thể gây tăng độc tính đối với gan. Cần ăn uống chừng mực, điều độ, không ăn quá nhiều thức ăn ngọt và dầu mỡ để giảm béo phì và tình trạng gan nhiễm mỡ. Không nên lạm dụng thuốc nhất là các loại kháng sinh, giảm đau kháng viêm và cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc ngay cả các loại thực phẩm chức năng và thảo dược.

Nếu phát hiện trong gia đình có người bị tăng men gan, các thành viên còn lại nên đi khám sức khỏe để tầm soát sớm bệnh, nhiều khi phát hiện được các bệnh rối loạn chuyển hóa do di truyền gây tăng men gan.

Như vậy ngoài việc khám bệnh định kỳ tại chuyên khoa Tiêu hóa và tuân thủ chữa trị của bác sĩ bạn cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, chủ yếu là hạn chế các chất độc hại cho gan và tìm đúng lí do để can thiệp nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Cao huyết áp mang thai được không?


Câu hỏi bởi: Thạch Thị Quanh Thi

Chào bác sĩ!

Em năm nay 31 tuổi em bị cao huyết áp vô căn bây giờ em muốn có bầu được không? Hiện tại em đang dùng thuốc Methyldopa xin hỏi bác sĩ nếu em có bầu thì thuốc đó có tác động tới thai nhi không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Cao huyết áp nguyên phát chiếm tỷ lệ 95 – 97% số bệnh nhân, do không có lí do nên còn gọi là cao huyết áp vô căn. Tuy nhiên, có một số điều kiện thuận lợi dễ dẫn tới cao huyết áp vô căn và được coi là những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác như ăn quá nhiều muối, ít vận động thể lực, béo phì, tăng cholesterol máu, nghiện thuốc lá, căng thẳng thần kinh tâm lý, tuổi cao, gen di truyền.

Nếu đã có cơn cao huyết áp ác tính (huyết áp tâm trương > 120mmHg và có một hoặc vài dấu hiệu sau: mờ mắt, đái ít, phù nề, phù phổi cấp, suy tim cấp, suy thận cấp, xuất huyết não, hôn mê, liệt nửa người) thì không nên để có thai. Nếu bạn bị cao huyết áp mãn tính nhưng ở mức độ nhẹ vẫn có thể có thai và đẻ con được, nhưng cũng cần theo dõi sát và chữa trị tình trạng cao huyết áp. Khi mang thai, các bác sĩ sẽ có chỉ định dùng các loại thuốc chữa trị cao huyết áp cho thai phụ mà không làm tác động đến thai nhi.

Methyldopa là thuốc được coi là an toàn trong suốt thai kỳ. Mặc dù đi qua nhau thai nhưng chưa có báo cáo tác dụng phụ trên thai nhi, và tác dụng phụ trẻ em sau hơn 7 năm không tìm thấy bằng chứng về bất thường lâu dài trên con của các bà mẹ được chữa trị trong thai kỳ. Nếu muốn có thai bạn nên đi khám và có sự theo dõi sát của bác sĩ.

Chúc bạn sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl