Những câu hỏi hữu ích liên quan đến dị ứng thuốc Tây


4,226
1
1
Xu
53
Dùng thuốc Tây đang ngày càng được nhiều người lựa chọn để chữa bệnh mà không quan tâm tới tác dụng phụ của nó. Những câu hỏi sau sẽ giúp bạn giải đáp phần nào hiện tượng dị ứng khi sử dụng loại thuốc này.

Bị dị ứng thuốc tây phải xử lý thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em bị dị ứng thuốc tây, cứ mỗi lần em uống vào là em thấy khó thở, nghẹt mũi, đặt biệt là mắt, ngứa và sưng kinh khủng đến nỗi không nhìn thấy gì. Mỗi lần em đau cảm cúm, sốt, nhức đầu hay nhức răng dùng thuốc vào đều bị như vậy đến nỗi giờ đau em chẳng dám uống thuốc nữa mà cứ để vậy chịu trận. Bác sĩ giúp em với.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Không phải thuốc tây nào cũng gây dị ứng tùy theo từng người, mỗi người có thể dị ứng vài loại mà thôi. Một số thuốc hay gây dị ứng như:

Protein huyết thanh, vacxin, tinh chất cơ quan. Kháng sinh Penixilin, Cephalosporin, Streptromycin, Kanamycin, Neomycin, Tetracyclin, Erythromycin. Các Sulphamides (như Biseptol….) Các thuốc chống lao: Riphamycin, Ethambutol, PAS. – Thuốc gây tê: Novocain, Lidocain. Thuốc giảm đau, hạ sốt: Aspirin, Paracetamol, Pyrazolon, (phenylbutazon, Antipyrin), Diclofenac. Thuốc chống sốt rét Thuốc chống đông Heparin Thuốc thần kinh tâm thần: Gardenal, Chlorpromazin Iodures và các thuốc cản quang có iốt Các thuốc kim khí nặng: muối vàng, Bismuth, thuỷ ngân. Các vitamin B1, B6, PP.

Chú ý:

Thuốc nào cũng có thể có khả năng gây dị ứng. Các lần trước uống thuốc không thấy hiện tượng gì nhưng những lần sau có thể lại bị dị ứng. Và em chú ý khi dùng thuốc phải biết dùng thuốc gì, và xem bị dị ứng loại nào, suốt đời phải tránh loại thuốc đó nếu dùng sẽ dị ứng và nặng hơn. Vậy em phải ghi chép các loại thuốc làm em dị ứng, mỗi khi đi khám cho bác sĩ tránh kê đơn.

Chào em!

Dị ứng thuốc Tây, điều trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em bị dị ứng thuốc tây. Mỗi lần dùng thuốc là người nổi mẩn ngứa. Xin hỏi bác sĩ có cách nào chữa trị mẩn ngứa.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào em.

Em chỉ nói em bị dị ứng với thuốc Tây, không biết em bị dị ứng thuốc gì? Kháng sinh, thuốc hạ sốt giảm đau, vitamin…? Biểu hiện sau dùng thuốc, ngoài nổi mẩn ngứa, em có kèm theo các biểu hiện khác không? Thuốc do bác sĩ chỉ định hay thuốc em tự mua? Tôi không thể giải đáp chính xác cho em được.

Em có thể tham khảo một số cách xử trí dị ứng sau dùng thuốc dưới đây:

Dị ứng thuốc có thể xảy ra do tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc và tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Dị ứng có thể xẩy ra do việc sử dụng thuốc của người dân, dùng thuốc, tiêm thuốc không theo đơn, không theo hướng dẫn của bác sĩ, không đúng bệnh và liều lượng cũng là lí do gây ra dị ứng thuốc.

Một số thuốc hay gây dị ứng là dòng thuốc kháng sinh (Pennicilin, Streptomycin, Chlorocid, Sulfamid), thuốc hạ nhiệt, giảm đau (Aspirin, Pyramidon, Paracetamol, Butadion), thuốc an thần, gây ngủ, gây tê (Luminal, Gardenal, Novocain), thuốc chữa bệnh phong, lao, sốt rét, đái tháo đường, đau khớp, gút, một số loại thuốc bổ, vitamin, thuốc Đông y… với người có cơ địa dị ứng cũng gây nên tai biến dị ứng.

Triệu chứng khi bị dị ứng thuốc rất đa dạng, nhẹ là các kích ứng gây buồn nôn, nôn, nặng có thể sốt cao, hôn mê, tổn thương các cơ quan như thận, gan… dẫn đến tử vong.

Các biểu hiện thường gặp khi bị dị ứng thuốc:

Mề đay: Là triệu chứng lâm sàng nhẹ và thường là biểu hiện ban đầu, gặp phần lớn các tình huống bị dị ứng thuốc. Sau khi uống thuốc từ 5-10 phút, hoặc vài ngày, người bệnh cảm thấy nóng người, ngứa, da nổi ban cùng sẩn phù. Trường hợp nặng có thể khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao… Phù Quincke: Là tình trạng phù cục bộ, thường xuất hiện nhanh, sau khi uống thuốc, ở những vùng da mỏng như môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục… Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mề đay. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu… Viêm da dị ứng: Triệu chứng là ban đỏ, ngứa, phù da, mụn nước và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Thời gian xuất hiện nhanh sau một vài giờ, trung bình sau vài ba ngày, có khi hàng tuần sau khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc. Đỏ da toàn thân: Bệnh thường xẩy ra từ 2-3 ngày, trung bình 6-7 ngày, đôi khi 2-3 tuần sau khi uống thuốc. Người bệnh thấy nóng người, ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, ban đỏ toàn thân, trên da có vảy trắng, các kẽ chân tay có thể nứt và chảy nước vàng, nếu bị bội nhiễm có mủ. Chứng mất bạch cầu hạt: Bệnh nhân sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết bệnh nhân dễ bị tử vong. Bệnh huyết thanh: Thường triệu chứng vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14, sau khi uống thuốc. Bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38-39 độ C, gan to, mề đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc uống thuốc, các biểu hiện trên sẽ dần hết. Hồng ban đa dạng: Xuất hiện sau một vài ngày uống thuốc. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân, trên da xuất hiện các sẩn tròn giống sẩn mề đay, rìa nổi gờ cao, đỏ hơi cộm, vùng trung tâm của sẩn hơi lõm và nhăn. Ngoài sẩn còn có các mụn nước, bọng nước, tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng… tình huống nặng có thể gây tử vong. Sốc phản vệ: Là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Triệu chứng đa dạng, có thể xảy ra ngay sau khi uống thuốc vài giây cho đến 20-30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ như tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi… Tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các biểu hiện như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, ngứa khắp người, đau quặn bụng, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, thể cấp tính người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.

Dị ứng thuốc là một tai biến nhiều khi rất nguy hiểm, gây tổn thương ở hầu hết các cơ quan, từ ngoài da đến nội tạng. Cấp cứu và chữa trị nhiều khi rất phức tạp, kéo dài, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là với bệnh nhân ở xa cơ sở y tế. Dự phòng dị ứng thuốc không phải dễ, nhiều khi ngay cả bản thân thầy thuốc cũng không thể lường trước được phản ứng của từng bệnh nhân đối một loại thuốc nào đó.

Vì vậy, cách tốt nhất mọi người không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt không tự mua thuốc để chữa trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi da có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Khi thấy nổi hồng ban trên da, đặc biệt có kèm thêm tổn thương niêm mạc như mắt, mũi, miệng hoặc bất cứ một triệu chứng bất thường nào sau khi dùng bất cứ một loại thuốc nào… thì bệnh nhân không được tự ý chữa trị bằng các biện pháp dân gian mà phải đến bệnh viện ngay để được khám chữa kịp thời. Người bệnh nên nhớ tiền sử dị ứng thuốc của mình và báo với bác sĩ khi phải chữa bệnh và sử dụng thuốc. Khi có triệu chứng dị ứng thuốc thì phải ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức, báo cho bác sĩ chữa trị của mình, để có hướng khắc phục và chữa trị kịp thời.

Chúc sức khỏe!

Viêm gan B và dị ứng thuốc Tây có liên quan đến nhau không?


Câu hỏi bởi: linhle

Chào bác sĩ.

Em năm nay 27 tuổi. Mỗi lần em uống thuốc tây là ở môi bị ngứa sau đó sưng lên giống như vừa ăn ớt, vài ngày sau bị bong tróc da ở môi. Em có nhiễm vi-rút viêm gan B. Không biết chúng có liên quan với nhau không ạ? Và cách khắc phục thế nào? Mong bác sĩ tận tình giải đáp.

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Cần phải phân biệt rõ rằng em nhiễm vi-rút viêm gan nhưng là người lành mang trùng hay là đã phát triển thành bệnh viêm gan do vi-rút viêm gan B. Nếu đã tiến triển thành viêm gan mãn tính thì có thể biểu hiện ngứa, dị ứng là triệu chứng của viêm gan ngay cả khi em không dùng thuốc tây.

Nếu em là người lành mang trùng, mang vi-rút viêm gan B nhưng vi-rút không hoạt động, không nhân lên thì thường ít có liên quan đến những biểu hiện như em mô tả, sưng môi sau khi dùng thuốc là một phản ứng dị ứng của cơ thể với tác nhân là thuốc tây. Vì vậy, để xử lý em cần tìm hiểu xem loại thuốc nào gây nên biểu hiện phù môi, từ đó cần tránh sử dụng. Khi thấy có biểu hiện em cần ghi lại nhãn thuốc, tên thuốc đầy đủ.

Em nên khám kiểm tra để biết mình nhiễm vi-rút viêm gan B nhưng vi-rút có hoạt động hay không hoạt động.

Chúc em mạnh khỏe!

Dị ứng khi uống thuôc tây làm môi bị thâm là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Triệu sơn

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 24 tuổi. Cháu dùng thuốc tây vào là rất dễ bị dị ứng làm môi cháu bị tê tê rồi thâm đen vào. Mỗi lần như vậy cháu cảm thấy rất khó chịu và ngại khi đi ra ngoài. Vậy bác sĩ có thể cho cháu biết lí do và cách chữa trị được không?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Trước hết là cháu cần để ý xem với loại thuốc nào cháu uống xong thì có biểu hiện tê môi, làm cho môi thâm tím. Môi thâm tím chứng tỏ có thiếu máu nuôi dưỡng cho môi, có thể do mạch ngoại vi bị co lại, điều này cũng gần giống như khi trời lạnh thì ta thấy môi, da có thể thẫm màu hơn là do thời tiết lạnh làm co mạch ngoại vi. Điều này có thể triệu chứng rõ ràng hơn với những người có biểu hiện thiếu máu hoặc có bệnh tim, phổi mãn tính. Cũng có thể biểu hiện mà cháu có đơn thuần là do phản ứng của cơ thể với một loại thuốc chữa trị nào đó. Cháu nên trao đổi với bác sĩ những thuốc cháu dùng và tác dụng phụ gặp phải, tốt nhất là tránh không dùng những thuốc gây phản ứng phụ cho cháu.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl