Kiết lỵ ở trẻ nhỏ và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh kiết lỵ có thể thường gặp ở trẻ nhỏ, vì vậy các bố mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh để tránh được những tác nhân không mong muốn cho con. Dưới đây là những câu hỏi mà các vị phụ huynh cần có lời giải đáp về kiết lỵ.

Trẻ 5 tuổi bị kiết lỵ kèm theo sốt, đã uống thuốc thì có được ăn bột sắn dây không?


Câu hỏi bởi: Nguyễn hoàng

Chào bác sĩ!

Con nhà cháu 5 tuổi, bị kiết lỵ ngày đi 10 đến 20 lần kèm theo sốt, cháu đã cho uống hạ sốt và thuốc chữa trị, cháu chỉ ăn cháo loãng. Cho cháu hỏi cháu có thể cho con ăn bột sắn dây được không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bé nhà bạn bị bệnh kiết lỵ, ngày đi 10 đến 20 lần kèm theo sốt. Bạn không nên chỉ cho bé ăn cháo loãng. Trẻ bị lỵ cần được cho uống nước đầy đủ và ăn giàu chất dinh dưỡng, sau khi trẻ khỏi bệnh vẫn cần duy trì chế độ ăn giàu năng lượng (giàu glucid, lipid và protein) bằng cách cho trẻ ăn thêm 1 bữa hàng ngày so với bình thường trong 2 tuần để tránh suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, bé nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất đi qua phân (đi đại tiện càng nhiều lần, lượng nước cơ thể mất đi càng lớn), có thể uống dung dịch oresol, nước cháo muối, nước muối đường, nước gạo rang,… uống càng nhiều càng tốt tùy vào tình trạng mất nước của cơ thể.

Vì bé đang bị đi ngoài nhiều lần nên cũng không nên cho cháu ăn bột sắn dây dù sắn dây có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, các thầy thuốc khuyến cáo những người có dương khí hư với các biểu hiện: đại tiện lỏng, bụng đầy trướng, lạnh bụng, tay chân thường lạnh, không khát nước, miệng nhạt, sắc mặt vàng tái… không nên dùng sắn dây.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Bé 1 tuổi bỏ ăn, đi phân nhầy do kiết lỵ hay mọc răng?


Câu hỏi bởi: mẹ thảo

Chào bác sĩ!

Bé nhà tôi 1 tuổi. 2 hôm nay cháu bỏ ăn và có dấu hiệu đi ngoài nhiều phân nhầy có màu xanh. Tôi không biết bé có bị kiết lỵ không? Tôi thấy chân răng cháu sưng 4 chiếc, chắc sắp mọc răng và phải làm gì cho con tôi ăn nhiều hơn để cháu khỏi bỏ ăn nữa?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Chào bạn!

Như bạn kể thì: Bé nhà bạn 1 tuổi, 2 hôm nay cháu bỏ ăn và có dấu hiệu đi ngoài nhiều phân nhầy có màu xanh bạn muốn biết cháu có bị kiết lỵ không?

Chúng tôi xin giải đáp như sau: Có hai bệnh kiết lỵ: bệnh lỵ trực khuẩn hoặc bệnh lỵ amíp. Hầu hết nhiễm trùng ở dạng mang mầm bệnh không biểu hiện, một số triệu chứng ở dạng tiêu chảy nhẹ kéo dài, hoặc trầm trọng hơn là lỵ tối cấp.

Các biểu hiện thường gặp của bệnh lỵ là:

• Tiêu chảy có nhiều nước lúc đầu, sau đó phân có thể có đàm, máu lượng ít và nhiều lần.

• Đau bụng nhiều, nhất là khi đi tiêu.

• Sốt cao.

• Ói, biếng ăn.

Việc chữa trị kiết lỵ cần đáp ứng các yêu cầu sau:

• Hạ sốt để tránh sốt cao có thể gây co giật nhất là ở các cháu nhỏ.

• Bù nước và điều chỉnh rối loạn điện giải như: hạ natri máu, hạ canxi máu, hạ kali mu, hạ đường huyết.

• Dinh dưỡng đủ theo tuổi. Cần bổ sung thực phẩm nhiều chất đạm.

• Về kháng sinh: sử dụng kháng sinh uống hay chích tùy mức độ nặng của bệnh (việc uống thuốc cần theo chỉ định bác sĩ)

• Không nên sử dụng các chất làm chậm nhu động ruột vì có nguy cơ làm bệnh kéo dài thêm.

Điều trị kiết lỵ nên tích cực ngay từ đầu để tránh biến chứng nặng (nhiễm trùng huyết, co giật do rối loạn điện giải hoặc do sốt cao); ngoài ra trẻ có thể bị suy dinh dưỡng hoặc chậm lên cân, suy nhược cơ thể…

Đối chiếu với tình huống con của bạn mặc dù không được khám bệnh trực tiếp cho cháu nhưng chúng tôi thấy bệnh của cháu không phải kiết lỵ mà chỉ là do rối loạn tiêu hóa thông thường. Bạn cần cho cháu ăn uống đủ chất dinh dưỡng không phải kiêng khem gì. Có thể cho cháu uống bổ sung men tiêu hóa, các loại vitamin B1, vitamin D và canxi… Nếu cháu không đỡ bạn nên cho cháu đi khám bác sĩ và làm thêm xét nghiệm phân để chẩn đoán chắc chắn và chữa trị kịp thời.

Chúc cháu mau khỏe!

Bé bị sốt cao và bị đi phân lỏng khoảng 5 lần/ngày


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi: Con em được 30 tháng rồi, tối hôm trước có triệu trứng sốt cao. Em cho con uống thuốc hạ sốt thì hôm sau đã hết sốt nhưng lại bị đi phân lỏng khoảng 5 lần/ngày. Em cho con uống BM, B2, hamlet, amoxcylin khoảng 3 ngày thì thấy cháu đỡ đã đi phân khô hơn khoảng 1 đến 2 lần/ngày rồi. Nhưng giờ cháu lại đi ngày 6 đến 7 lần/ngày. Khoảng 3 lần đầu tiên đi thì có phân hơi lỏng. 3 lần sau đi thì toàn thấy nhầy như nhựa chuối. Bác sĩ cho em hỏi con em có phải bị kiết lỵ không ạ và đó là lỵ gì? Điều trị làm sao? Và chế độ ăn như thế nào? Kiêng những gì ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Triệu chứng như con bạn là triệu chứng viêm trực tràng, hiện tượng này có nhiều lí do gây bệnh: do trực khuẩn lỵ, lỵ amip, trùng roi, nấm, hoặc do tạp trùng… Mỗi một nguyên nhân lại có thuốc đặc hiệu riêng. Bạn nên đưa bé đi khám bệnh, xét nghiệm phân để tìm lí do gây bệnh, từ đó mới có thuốc chữa trị, hoặc trước mắt nếu chưa đi khám bệnh được thì có thể cho dùng thuốc bảo vệ niêm mạc ruột. Thuốc có tác dụng tạo màng ngăn cách lí do gây bệnh với các tế bào ruột, từ đó làm các tác nhân này bị đào thải qua đường tiêu hóa. Cách thức này chỉ có tác dụng với các lí do gây viêm trực tràng là tạp trùng. Thuốc chỉ định là Hamett, túi 3 gam ngày uống 1 túi chia làm 2 lần, uống liên tục 5-6 ngày liền. Chế độ ăn nên ăn các thức ăn dễ tiêu, kiêng mỡ.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

đau âm ỉ vùng bụng dưới, bụng liên tục kêu ọc ọc, ăn vào lại đau hơn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Hai hôm qua cháu bị đau âm ỉ vùng bụng dưới, bụng liên tục kêu ọc ọc, ăn vào lại đau hơn, có cảm giác muốn đi đại tiện nhưng không đi được. Vậy cháu có biểu hiện của bệnh gì vậy ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Có rất nhiều lí do gây đau âm ỉ vùng bụng dưới:

Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh thường có cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội theo từng cơn ở vùng bụng dưới. Bên cạnh đó còn có thêm cảm giác đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu, táo bón, kiết lỵ… Viêm bàng quang: Người bệnh thường bị đau âm ỉ hoặc đau quặn ở vùng bụng dưới, kèm theo đó là biểu hiện tiểu buốt, tiểu nhiều, nước tiểu vàng đục, đôi khi có máu… Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Với căn bệnh này, người bệnh không chỉ thấy đau âm ỉ kéo dài ở vùng bụng dưới mà còn cảm thấy xót và nóng ở niệu đạo, tiểu dắt, nước tiểu đục và hôi. Viêm loét đại trực tràng. Khi mắc bệnh, đa số người bệnh sẽ thấy đau âm ỉ hoăc đau quặn dữ dội ở vùng bụng dưới, kèm với đó là cảm giác muốn đi đại tiện. Đại tiện phân lỏng và có lẫn máu. Người bệnh còn có thể bị sốt nhẹ, thiếu máu, huyết áp bất thường, chán ăn, mệt mỏi. Đau âm ỉ bụng dưới bên trái ở nam giới còn có thể do viêm túi thừa, thoát vị bẹn Đau âm ỉ bụng dưới bên trái ở nữ còn có thể do bệnh phụ khoa gây ra, như: U nang buồng trứng, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu, mang thai ngoài tử cung…

Với triệu chứng như em mô tả nghĩ nhiều đến bệnh lí đường tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng… Với tình trạng hiện tại em nên đến chuyên khoa Tiêu hóa để bác sĩ thăm khám trực tiếp kết hợp với một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để tìm lí do chính xác và có hướng chữa trị hiệu quả.

Chúc em sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl