Phác đồ điều trị viêm màng não do vi khuẩn


4,226
1
1
Xu
53
Viêm màng não mủ là một cấp cứu nội khoa, cần thiết phải điều trị sớm và tích cực. Sử dụng kháng sinh đóng vai trò chính trong điều trị viêm màng não mủ. Nếu điều trị muộn dễ để lại những biến chứng và di chứng nặng nề nhất là đối với trẻ em. Cùng đọc những thông tin dưới đây về điều trị viêm màng não do vi khuẩn.

Bị viêm màng não mủ có phương pháp nào chữa trị hữu hiệu không?


Câu hỏi bởi: nguyenmanhtien

Chào bác sĩ.

Anh cháu năm nay 32 tuổi, không có tiền sử bệnh tật. Người khỏe mạnh và đang đi làm bình thường thì phát hiện mắc bệnh viêm màng não mủ biểu hiện sốt co giật và hôn mê. Vậy cháu xin hỏi bác sĩ có phương pháp nào chữa trị hữu hiệu không ạ? Và liệu anh ấy có qua khỏi không ạ? Mong bác sĩ trả lời sớm giúp cháu.

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu.

Viêm màng não mủ là hiện tượng viêm các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) do vi khuẩn gây nên. Viêm nhiễm này sinh mủ bên trong hệ thống thần kinh trung ương. Các vi khuẩn có thể từ tai mũi họng, phổi đi theo đường máu vào trong não hoặc đi theo đường kế cận từ các ổ nhiễm trùng cạnh não hoặc có thể đi trực tiếp vào não khi bị chấn thương nứt vỡ sọ….

Các vi khuẩn gây viêm màng não là: Phế cầu khuẩn, Hemophilus inluenzae tuýp B, não mô cầu, Escherichia coli, Listeria monocytogen.

Triệu chứng:

Sốt

Nhiễm trùng, nhiễm độc

Cứng cổ

Co giật

Sợ ánh sáng

Đau đầu

Suy giảm ý thức

Tăng kích thích

Mệt mỏi suy nhược

Chán ăn

Buồn nôn và nôn vọt

Hôn mê

Điều trị: Điều trị càng sớm càng tốt, khắc phục nhanh chóng các biến chứng.

Điều trị đặc hiệu và chữa trị nâng đỡ.

Điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn. Phải sử dụng ngay kháng sinh ban đầu khi chưa có kết quả kháng sinh đồ. Sau khi có kháng sinh đồ thì sử dụng kháng sinh đặc hiệu với liều tấn công

.Điều trị nâng đỡ: Đảm bảo đủ oxi cũng như khí thải carbonic, hạ sốt, chống phù não, kiểm soát co giật, cân bằng nước điện giải…

Cháu nên đưa anh cháu đến khoa Thần kinh để chữa trị. Đây là bệnh rất nặng tỷ lệ tử vong cao, có nơi tới 30% tùy trình độ chuyên môn của từng tuyến. Nếu ở tuyến trung ương thì tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn. Nếu qua khỏi di chứng để lại cũng nặng nề như bại não, động kinh, mù vỏ não….

Chúc cháu và gia đình mạnh khoẻ!

Bị viêm màng não mủ đã điều trị hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa hết sốt


Câu hỏi bởi: hobichngoc

Chào bác sĩ.

Em gái tôi năm nay 24 tuổi, vừa rồi em có giật liên tục. Khi đi khám ở Bệnh viện Trung ương Huế thì các bác sĩ chẩn đoán em bị viêm màng não mủ và đang điều trị hơn 1 tháng nay tại khoa Hồi sức – Cấp cứu của bệnh viện. Phác đồ điều trị là thở máy, truyền tĩnh mạch và dùng kháng sinh. Tuy nhiên đến nay gia đình chúng tôi thấy sức khỏe của em vẫn chưa ổn định. Có đôi lúc khỏe nhưng rồi lại mệt, cơn co giật được khống chế nhưng hiện tại em thường bị sốt rất cao, có khi lên đến hơn 40 độ C. Các bác sĩ đang gây mê để chữa trị thêm. Tôi muốn hỏi là phác đồ điều trị của bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế như vậy có hợp lý không? Hiện tại em đang được dùng các loại kháng sinh Levocil IV, Vancomycym, Amikacin… Thỉnh thoảng bác sĩ có nuôi cấy và định danh vi khuẩn cho em. Tôi rất mong nhận được hồi âm từ bác sĩ.

Xin cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bệnh viêm màng não mủ là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỉ lệ tử vong rất cao. Em của bạn đang chữa trị tại Bệnh viện Trung ương Huế đã 1 tháng nay nhưng chưa khỏi, vẫn bị những cơn sốt cao 40 độ, như vậy cần phải xem lại chẩn đoán ban đầu là viêm màng não mủ. Vì viêm màng não mủ thường tử vong khi không khống chế được bệnh hoặc khỏi (hết sốt, hội chứng màng não thuyên giảm hẳn) sau vài tuần chữa trị nếu được dùng kháng sinh đúng loại. Có thể em của bạn rơi vào các tình huống sau:

Viêm màng não “mất đầu”, tức là bị viêm màng não, các biểu hiện thể hiện viêm màng não, nhưng do dùng kháng sinh không đủ ảnh hưởng đến bệnh nên chọc dịch não tủy nuôi cấy vi khuẩn không phát triển, không phát hiện được chủng vi khuẩn và tìm ra được loại kháng sinh thích hợp (kháng sinh đồ), nên bệnh viện dùng kháng sinh đa phổ và phối hợp 3 loại kháng sinh. Trong viêm màng não mủ, thời gian từ lúc bị bệnh đến khi được dùng kháng sinh thích hợp càng dài thì tiên lượng bệnh càng nặng, hiện tại thỉnh thoảng bác sĩ vẫn nuôi cấy và định danh vi khuẩn như vậy là do chưa tìm được loại vi khuẩn gây bệnh.

Có ổ nhiễm trùng kế cận như viêm tai trong, viêm xoang … kích thích gây hội chứng màng não và hội chứng nhiễm trùng do ổ nhiễm trùng kế cận hoặc bệnh khác….

Bệnh viện Trung ương Huế là tuyến chữa trị trung ương có tiềm năng y học rất cao, là tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân từ các tuyến dưới, nhưng không phải là cứ viện trung ương là sẽ tìm ra và chữa trị khỏi được tất cả các loại bệnh. Vì vậy, bạn có thể đặt câu hỏi trực tiếp với bác sĩ trực tiếp chữa trị cho em bạn như sau: Điều trị bệnh viêm màng não mủ đã 1 tháng nay vẫn chưa khỏi sốt, chưa tìm ra vi khuẩn gây bệnh, vậy có cần xác định lại xem có đúng là viêm màng não mủ hay không? Bệnh đúng là viêm màng não mủ đang trong tầm kiểm soát? Bệnh diễn biến khả quan hay có một bệnh khác? Có cần chuyển bệnh nhân đi nơi nào khác để tìm nguyên nhân gây bệnh hay không? Vị dụ Viện Nhiệt đới Trung ương?…

Bạn hỏi phác đồ điều trị của bệnh viện như vậy có hợp lý hay không? Thì tôi không thể trả lời được vì không trực tiếp nên không có đủ thông tin, nhưng có điều khẳng định là bệnh viện đang rất nhiệt tình chữa trị theo hết khả năng của mình (đang gây mê để chữa trị thêm) và đang có các câu hỏi như trên đã nêu.

Chúc em bạn chóng lành bệnh!

Bé 17 tháng tuổi cần tiêm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Con em được 17 tháng chỉ tiêm vacxin 2 mũi ở bệnh viện lúc mới sinh. Xin cho em hỏi bây giờ em phải tiêm như thế nào?

Cám ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào em.

Em chỉ nói con em được tiêm 2 mũi vắc-xin ở bệnh viện, em không nói rõ loại vắc-xin con em đã tiêm là loại vắc-xin phòng bệnh gì. Thông thường, các cháu bé sinh ra ở bệnh viện thường được tiêm phòng lao, tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B. Nếu ở vai trái cháu bé (1/3 trên) có vết sẹo thì cháu bé đã được tiêm phòng lao.

Với tháng tuổi hiện nay của con em, ưu tiên đầu tiên là tiêm phòng cho cháu mũi vắc-xin 3 trong 1 là vắc-xin phòng 3 bệnh sởi, quai bị, rubella, sau 1 tuần em cho con em tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản nên tiêm 3 mũi, 2 mũi đầu cách nhau 1 tuần, 1 năm sau tiêm nhắc lại mũi 3 và cứ 3 năm nhắc lại 1 lần cho đến khi con em qua tuổi 15. Sau đó em cho cháu tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B, và theo hướng dẫn của Bác sĩ tiêm chủng ở nơi em đưa cháu đến tiêm.

Em có thể tham khảo lịch tiêm phòng cho trẻ dưới đây: Lịch tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia:

1. Từ sơ sinh (cáng sớm càng tốt)

Lao (BCG): Mũi 1: Có thể nhắc lại sau 4 năm Viêm gan B (Hepatitis B): Mũi 1 Bại liệt: Bại liệt sơ sinh

2. 1 tháng tuổi

Viêm gan B: Mũi 2

3. 2 tháng tuổi

Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt: Mũi 1 Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… do trực khuẩn H.influenza týp b: Mũi 1 Viêm gan B: Mũi 3 (Một năm sau nhắc lại mũi 4 và 8 năm sau nhắc lại mũi 5)

4. 3 tháng tuổi

Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt: Mũi 2 Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… do trực khuẩn H.influenza týp b: Mũi 2

5. 4 tháng tuổi

Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt: Mũi 3 (nhắc lại sau 1 năm) Viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… do trực khuẩn H.influenza týp b: Mũi 3 (nhắc lại sau 1 năm)

6. 9 tháng tuổi

Vắc-xin phối hợp sởi, quai bị, rubella (MMR): Tiêm 1 mũi, 4-6 năm sau tiêm nhắc lại (khi cần thiết nhắc lại sau 15 tháng) Thủy đậu (Varicella): Tiêm 1 mũi duy nhất (9 tháng-12 tuổi). Nếu trên 12 tuổi: tiêm 2 mũi (cách nhau 6-8 tuần)

7. 12 tháng tuổi

Viêm não Nhật Bản B: Tiêm 3 mũi (2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần và mũi 3 sau 1 năm, sau 3 năm nhắc lại 1 lần cho đến khi qua tuổi 15)

8. 15 tháng tuổi

Vắc-xin phối hợp sởi, quai bị, rubella (vắc-xin MMR): Tiêm 1 mũi (nhắc lại sau 4-5 năm)

9. 18 tháng và người lớn

Viêm màng não do não mô cầu (vắc-xin A+C): Tiêm 1 mũi (cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần hoặc theo chỉ định khi có dịch)

10. 24 tháng tuổi và người lớn

Viêm gan A = Vắc-xin Avaxim: Tiêm 2 mũi: Từ 2-15 tuổi: khoảng cách giữa 2 mũi là 6 tháng Trên 15 tuổi: khoảng cách giữa 2 mũi là 6-12 tháng Viêm phổi, viêm màng não mủ… do phế cầu khuẩn = vắc-xin Pneumo 23: Tiêm 1 mũi (cứ 5 năm nhắc lại 1 lần) Thương hàn = vắc-xin Typhim Vi: Tiêm 1 mũi. Cứ 3 năm nhắc lại 1 lần

11. 36 tháng và người lớn

Vắc-xin cúm = vắc-xin Vaxigrip (Vắc-xin được tiêm mỗi năm 01 lần, đặc biệt những người có nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh cúm. Có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú): 35 tháng tuổi-người lớn: 01 liều = 0.5 ml/mỗi năm 06 tháng-35 tháng tuổi: 01 liều = 0.25ml/mỗi năm (trẻ dưới 8 tuổi: chưa mắc cúm hoặc chưa tiêm chủng phải tiêm liều thứ 2 sau 4 tuần)

Một số lưu ý: Vắc-xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt nên nhắc lại khi 4-6 tuổi, 10-11 tuổi và 16-21 tuổi.

Nếu trẻ bị sốt nhẹ, tiêu chảy hay suy dinh dưỡng vẫn cho trẻ tiêm chủng như thường lệ. Sau khi tiêm, nếu trẻ bị sốt nhẹ, chỗ tiêm bị sưng đỏ là phản ứng bình thường, không đáng ngại. Sau năm đầu, nhớ đưa trẻ đi tiêm ngừa nhắc lại theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Chúc sức khỏe!

Nam giới bị chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đứng không vững là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi, là nam. Trong lúc đang làm thì em tự nhiên thấy chóng mặt, đau đầu, bị ói. Sau đó em vào viện, có chọc não tủy để xét nghiệm. Vài ngày sau em đi viện lại thấy khó khăn và mỗi lần đứng dậy là nó cứ giật giật 2 bên mông xuống tới 2 bắp đùi, đứng rất khó, phải chừng 1 phút sau mới đi được. Em như vậy là bị làm sao hả bác sĩ?

Cám ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Các chỉ định chọc ống sống thắt lưng xét nghiệm dịch não tuỷ:

Để chẩn đoán:

– Nghiên cứu về áp lực dịch não tuỷ, sự lưu thông dịch não tuỷ

– Xét nghiệm dịch não tuỷ về sinh hoá, tế bào, vi sinh vật, độ pH, định lượng các men, các chất dẫn truyền thần kinh…

– Chụp tuỷ, chụp bao rễ có bơm thuốc cản quang

Để chữa trị (đưa thuốc vào khoang dưới nhện tuỷ sống):

– Các thuốc gây tê cục bộ phục vụ mục đích phẫu thuật

– Các thuốc kháng sinh, thuốc chống ung thư, corticoide… để chữa trị các bệnh của hệ thần kinh trung ương, hoặc các bệnh rễ thần kinh.

– Theo dõi kết quả chữa trị.

Các tai biến và biến chứng có thể gặp khi chọc dò nước não tuỷ:

– Tụt kẹt não

– Nhiễm khuẩn như áp xe vị trí chọc, viêm màng não mủ

– Đau đầu

– Chảy máu gây máu tụ ngoài màng cứng hoặc chảy máu dưới nhện

Cháu bị đau đầu, nôn, chóng mặt nên bác sĩ cho chọc nước não tuỷ để mục đích chẩn đoán bệnh mà thôi. Hiện tượng sau khi chọc tuỷ sống vài ngày, khi đứng dậy triệu chứng giật giật hai bên mông tới hai bắp đùi. Hiện tượng này không phải tai biến do chọc tuỷ sống mà có thể khi chọc tuỷ sống ở gần rễ của dây thần kinh hông to (thần kinh toạ) nên gây kích thích và sinh hiện tượng giật giật hai bên mông xuống hai bắp đùi mà thôi. Cháu hãy gặp bác sĩ chữa trị cho cháu nói lại hiện tượng đó để bác sĩ biết và có hướng giúp đỡ nhé.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl