Những câu hỏi hay về điều trị nấm lưỡi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Nấm lưỡi là hiện tượng xuất hiện các màng giả màu trắng phủ trên niêm mạc miệng. Vậy làm cách nào để điều trị căn bệnh này?

Bị nấm lưỡi, hơi thở nặng mùi chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Xin bác sĩ tư vấn giùm ạ! Em năm nay 21 tuổi bị chứng bệnh lưỡi đóng bợn trắng, hơi thở nặng mùi. Biểu hiện thường ngày là khô miệng, khát nước mặc dù nước mới uống xong chưa được 20 phút đã khô miệng, ăn đồ ăn lắm lúc có cảm giác buồn nôn, da vàng. Em đã bị lâu năm, hơi thở nặng mùi nên rất ngại giao tiếp. Mong bác sĩ tư vấn cho em hướng bệnh để điều trị.

Em xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Các biểu hiện như bạn mô tả: lưỡi có lớp bợn màu trắng, hơi thở có mùi hôi, khô miệng có thể là triệu chứng của một hội chứng nhiễm trùng hoặc do viêm nhiễm tại vùng họng miệng gây nên. Hội chứng nhiễm trùng bao gồm các biểu hiện: sốt, hơi thở hôi, môi khô, lưỡi bẩn là do tồn tại ổ viêm nhiễm ở vị trí nào đó trên cơ thể (chẳng hạn như: viêm gan, viêm phổi, viêm đường tiết niệu). Còn các viêm nhiễm vùng họng miệng như: viêm amidan, viêm họng mạn tính, viêm lợi. Nguyên nhân gây viêm có thể là do vi khuẩn hay do nấm. Tùy từng lí do mà lựa chọn các phương pháp chữa trị khác nhau. Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ khám và tìm lí do để chữa trị cho bạn.

Chúc bạn khỏe!

Bị nấm lưỡi, ho có đờm xanh, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Minh phụng

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 19 tuổi. Không hút thuốc rượu bia gì cả. Cháu bị ho gần cả tháng rồi và khi ho có đờm màu xanh nhạt nữa. Trong lưỡi xuất hiện rêu trắng và có nổi mụn nhỏ. Tới khám thì bác sĩ bảo bị nấm lưỡi rồi cho thuốc về uống nhưng chưa khỏi. Nhờ bác sĩ cho cháu lời khuyên.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu!

Qua thông tin cháu cung cấp, cháu bị ho kéo dài hàng tháng, trên lưỡi xuất hiện mụn, rêu lưỡi,… Như vậy các tổn thương có thể gồm tổn thương ở lưỡi (viêm, nấm lưỡi,…) và tổn thương ở họng (viêm nhiễm,…). Cháu đã đi khám và có chẩn đoán nấm lưỡi, tổn thương nấm lưỡi cũng có thể gây kích phản xạ ho. Như vậy trước hết cháu cần tuân thủ theo chữa trị của bác sĩ để khắc phục triệt để nấm lưỡi, thông thường chữa trị gồm thuốc bôi và uống. Bên cạnh việc chữa trị nấm lưỡi thì cháu cần giữ gìn vệ sinh miệng họng, tránh uống nước lạnh, nước đá,… Tăng cường sức khỏe để tăng cường hệ miễn dịch. Cháu nên lưu ý đi khám kiểm tra lại theo hẹn để bác sĩ đánh giá tình trạng nấm lưỡi đã khỏi hay chưa và chữa trị tiếp nếu cần thiết.

Chúc cháu mạnh khỏe.

Cách chữa trị nấm lưỡi như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào bác sĩ.

Em là nam, năm nay 23 tuổi. Em nghi bị nấm lưỡi, em bắt đầu phát hiện cách đây 7 năm, em có các biểu hiện như nứt lưỡi, hai bên lưỡi bị ăn mòn, có đốm trắng, bề mặt lưỡi không đồng đều, giống như chỗ thì bị ăn mòn, chỗ thì không. Trong cùng có những hạt nhỏ như mụn nổi gần cuống họng, thỉnh thoảng đánh răng bị chảy máu. Nếu ăn đồ mặn thì thấy đau. Em mong bác sĩ cho em lời khuyên về cách điều trị.

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Biểu hiện như bạn mô tả chỉ có thể kết luận là viêm lưỡi, muốn chẩn đoán là nấm lưỡi phải có xét nghiệm dịch tiết trên bề mặt lưỡi thấy có các sợi nấm. Bạn nên đi khám tại các phòng khám chuyên khoa Da liễu, nếu có sự hiện diện của sợi nấm mới là nấm lưỡi.

Nếu bị nấm lưỡi thì thuốc chữa nấm lưỡi có nhiều loại:

1. Thuốc Itraconazol: sử dụng dung dịch uống 10mg/1ml. Bệnh nấm Candida miệng – họng: 200 mg (20 ml), ngày 1 lần, thời gian chữa trị trong 1 – 2 tuần. Khi uống ngâm thuốc và súc thuốc trong miệng 10-15 phút rồi mới nuốt.

2. Thuốc Nistatin: Dùng viên ngậm hoặc hỗn dịch 100.000 đơn vị/lần, 4 lần một ngày ngậm trong miệng, hỗn dịch có thể trộn với mật ong để rà lên mặt lưỡi. Một đợt chữa trị kéo dài 14 ngày nếu sau 14 ngày chữa trị, vẫn còn biểu hiện, cần xem lại chẩn đoán.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Nam 53 tuổi bị nấm lưỡi chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: sangnguyen

Chào bác sĩ!

Ba tôi năm nay 53 tuổi, cách đây khoảng 2 tháng thì bị nổi những mụn đỏ ở dưới da lưỡi, và chữa trị hoài mà không hết. Ba tôi có đi bác sĩ khám thì nói là nấm lưỡi. Vậy cho tôi hỏi có đúng bệnh này không? Và cách chữa trị như thế nào vậy?

Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn.

Bề mặt lưỡi nổi mụn nhưng lưỡi có bợn trắng không? Nếu lưỡi trắng đóng thành bợn dày, hôi thì mới là vấn đề, chứ nếu bề mặt lưỡi có ít gợn trắng, mỏng thì đó là bình thường vì là lớp bề mặt bảo vệ lưỡi. Chỉ cần dùng bàn chải đánh răng chải nhẹ bề mặt 2/3 trước lưỡi mỗi khi đánh răng là được, tránh dùng dụng cụ nạo lưỡi thô bạo có thể gây tổn thương gai lưỡi gây đỏ lưỡi, đau rát không có lợi vì làm tác động vị giác và sự ngon miệng.

Bề mặt lưỡi nổi “mụn” nhưng bác sĩ không khám và nhìn trực tiếp lưỡi thì rất khó trả lời bệnh gì và giải quyết như thế nào. Nổi mụn lưỡi thì kích thước, màu sắc, vị trí như thế nào? Có dễ chảy máu khi chạm vào không?… Ba của bạn nên đến khám bác sĩ Răng – Hàm – Mặt để kết luận xem lưỡi bị gì và giải quyết như thế nào nhé. Không nên chọc ngoáy, nhai cắn, cạo, cắt hay xát muối,…vào nơi nổi mụn của lưỡi đề phòng chảy máu, nhiễm trùng lưỡi bạn nhé.

Chúc ba bạn mau khỏi bệnh.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Bệnh nhiệt miệng, nấm lưỡi chữa dứt điểm như thế nào?


Câu hỏi bởi: Quỳnh Như

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi có cách nào để chữa trị dứt điểm bệnh nhiệt miệng với nấm lưỡi không? Trước đây em thường xuyên bị nhiệt miệng (khoảng 40 ngày lại bị 1 lần) nhưng dạo gần đây em gặp thêm vấn đề về lưỡi nữa, thỉnh thoảng em bị nổi thêm mấy hột ở lưỡi nữa, rất đau không thể ăn uống và nói chuyện được. Em có ngậm viên ngậm sát trùng TYROTAB, nhiệt miệng thì thấy có đỡ chút chút chứ ở lưỡi không có tác dụng gì. Bác sĩ giúp em với ạ, em bị hôm qua là ngày thứ 4 rồi nhưng chưa thấy đỡ.

Em cám ơn bác sĩ nhiều ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Có nhiều lí do gây nhiệt miệng như do áp lực tinh thần, stress, dị ứng thuốc hoặc thực phẩm; do suy giảm chức năng khử độc của gan (các chất độc tích tụ lại ở đường tiêu hóa và chủ yếu ở niêm mạc miệng khi đã đủ lớn tạo nên ổ hoại tử rồi vỡ ra thành vết loét miệng; do nhiễm khuẩn các virus (herpes simplex virus, varicella zoster virus…); do các bệnh về răng miệng (sâu răng, viêm quanh răng…); do nội tiết (nhất là ở chị em phụ nữ)…

Điều trị bệnh nhiệt miệng: khi bị viêm loét nhẹ thì chỉ cần uống giảm đau, kháng sinh, bổ sung vitamin nhóm B (nhất là B2 và PP), chế độ ăn uống đầy đủ vitamin và khoáng chất là bệnh sẽ khỏi trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, những tình huống nặng nhiễm trùng nặng gây áp xe vùng miệng, viêm tấy lan toả…thì phải chữa trị theo kháng sinh đồ.

Trường hợp của bạn, bệnh nhiệt miệng tái diễn nhiều lần có thể do các lí do như căng thẳng thần kinh (stress), do virus… hoặc là bị bệnh với mức độ nặng. Hiện tại bạn lại có các vấn đề về lưỡi như bạn mô tả. Bạn nên đi khám để chẩn đoán chính xác lí do (có thể loại trừ được lí do) và có phác đồ chữa trị hiệu quả. Trường hợp lở loét tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không khỏi có kèm theo các biểu hiện toàn thân khác như mệt mỏi, gầy (sút cân), biếng ăn, có những biến chứng tại chỗ như sưng thành một đám cứng không thấy giới hạn, chảy máu hay có những dấu hiệu của nhiễm trùng nặng như môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh, sốt cao thì cần đi khám để xác định số lượng, vị trí, kích thước, mật độ màu sắc, bờ của tổn thương liên quan đến tổ chức ở dưới, tính chất xuất tiết của tổn thương, cần thiết sẽ sinh thiết làm xét nghiệm tế bào học để chẩn đoán.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl