Lưu ý cần biết về tiêu chảy ở phụ nữ


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Tiêu chảy trong kì kinh nguyệt, sau quan hệ và thời kỳ mang thai,… là những trường hợp chỉ xảy ra ở phụ nữ. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp chị em trang bị kiến thức tốt nhất để đối phó với vấn đề này.

Nữ 18 tuổi bị đau bụng, tiêu chảy, nôn trong kì kinh


Câu hỏi bởi: ma thi ngoc

Chào bác sĩ!

Em năm nay 19 tuổi, em hay bị đau bụng mỗi lần bị, mà mỗi lần đau thì cứ như có cái gì bóp tử cung của em lại, và em cũng có những dấu hiệu khác như tiêu chảy, buồn nôn và người lạnh ngắt như trúng gió vậy. Em có uống paradol hạ sốt, hoặc là thuốc catafram thì bị nôn ra sau vài phút dùng thuốc. Liệu em có bị bệnh gì không thưa bác sĩ?

Em cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Thông thường, ở các em gái hiện tượng đau bụng khi hành kinh khá thường gặp. Vì khi hành kinh có sự bong tróc nội mạc tử cung và co thắt của tử cung mạnh để tống máu kinh ra ngoài, nên gây ra đau nhưng thường chỉ ở mức nhẹ. Tuy nhiên, ở một số người, đau bụng nhiều hơn bình thường gây tác động tới cuộc sống sinh hoạt, hiện tượng đau cũng có thể liên quan với các biểu hiện toàn thân khác như chóng mặt, mất ngủ và các biểu hiện tiêu hóa (buồn nôn, nôn và tiêu chảy). Nguyên nhân của đau bụng nhiều khi hành kinh bao gồm: sự co thắt quá mức của tử cung, tử cung co thắt không bình thường, bên cạnh đó yếu tố dao động nồng độ nội tiết đóng vai trò quan trọng. Theo bệnh lý học thì đau bụng kinh được chia thành 2 loại: đau bụng kinh nguyên phát không tìm được lí do; đau bụng kinh thứ phát có thể do một số bệnh phụ khoa (u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng vùng chậu,…).

Trường hợp của em có đau bụng kinh quá mức bình thường, kèm theo tiêu chảy, buồn nôn, tuy nhiên việc tự ý sử dụng các thuốc để khắc phục là chưa hợp lý vì có thể khiến tình trạng rối loạn thêm trầm trọng. Do vậy, trước hết em nên điều chỉnh lối sống với việc đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, kết hợp với học tập, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt nên lưu ý ăn uống các thực phẩm dễ tiêu hóa vào những ngày hành kinh, nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng. Đồng thời, em có thể tham khảo một số biện pháp đơn giản để làm giảm đau bụng mỗi khi đến ngày hành kinh như: chườm nước ấm vùng bụng dưới, mát-xa nhẹ vùng bụng dưới,…

Nếu hiện tượng đau bụng kinh vẫn diễn biến nặng, gây tác động tới sinh hoạt thì em nên tới cơ sở y tế chuyên khoa phụ sản để khám, kiểm tra xác định lí do và có biện pháp chữa trị thích hợp.

Chúc em vui khỏe!

Tiêu chảy kéo dài hơn một năm.


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào các bác sĩ!

Mẹ cháu năm nay 55 tuổi, bị chứng ruột kích thích, hiện đã tạm ngưng hiện tượng tiêu chảy, nhưng ăn uống vẫn cần rất kiêng khem và vẫn uống duy trì men tiêu hóa. Mẹ cháu đã nhờ sự hỗ trợ tiêm thuốc vitamin B12 và truyền dung dịch bù nước Glucose 5% cũng đã hơn 1 năm nay. Tác dụng là làm đỡ mệt mỏi, nhưng rất mau mệt và vì hơn 1 năm rồi nên thấy ngán ngẩm và đau đớn lắm. Xét nghiệm máu nói huyết học ổn, nhưng chỉ số cũng thấp lắm, số lượng tế bào RBC là 4.24 (chỉ số bình thường là 4.2), PLT là 157 (bình thường là 150), WBC là 6.01 (bình thường là 5.2), Ferrtin 97.12. Vì mẹ cháu không trong trường hợp truyền máu nên giờ cháu cũng không biết khám ở khoa nào giúp bà phục hồi. Mẹ cháu đã xét nghiệm tim mạch, gan, thận, chụp X-quang đầy đủ, không thấy vấn đề gì. Mong các bác sĩ giúp cháu một lời khuyên. Cháu thật sự bế tắc lắm rồi.

Cháu cám ơn ạ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bạn nói uống duy trì men tiêu hóa, tức là thình thoảng uống vài gói hay là uống theo định kỳ,hay là theo liều chỉ dẫn của bác sĩ? Bạn cần phân biệt men tiêu hóa và men vi sinh. Men vi sinh là bào tử của vi khuẩn thường cộng sinh có lợi trong hệ tiêu hóa, men tiêu hóa là men do chính các cơ quan tiêu hóa tiết ra, ví dụ: men dạ dày, men tuyến tụy, men ruột …. Bạn cho mẹ uống duy trì men tiêu hóa là uống men vi sinh hay là men tiêu hóa do chính bác sĩ chỉ định như men pepsin (dạ dày), men tripsin (men tụy) …?

Vậy nên câu hỏi của bạn khó giải đáp. Nếu thỉnh thoảng hoặc uống rất hay men tiêu hóa (men vi sinh) là một sai lầm, có lẽ là bạn tự suy nghĩ là uống men tiêu hóa để hỗ trợ tiêu hóa, nên mới cho mẹ uống như vậy với mục đích duy trì? bác sĩ thường không chỉ định uống duy trì men vi sinh. Chỉ cho uống men vi sinh khi có tình trạng rối loạn cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột mà uống theo đợt, theo liều. Có khi chính việc uống duy trì men tiêu hóa này làm gây ra tình trạng phân thất thường, tiêu chảy và mệt mỏi. Nếu thực sự bạn cho mẹ uống men vi sinh do mua ở các hiệu thuốc (không phải liều do bác sĩ chỉ định) thì nên dừng lại không cho uống nữa. Bạn nên đưa mẹ đi khám và chữa trị tại chuyên khoa Tiêu hóa ở Bệnh viện Bạch Mai, hoặc đơn vị tương đương ở thành phố Hồ Chí Minh (nếu ở miền Nam).

Chúc bạn mạnh khỏe!

Mắt mờ, tiêu chảy kéo dài là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Lanmi

Chào bác sĩ!

Em là nữ, năm nay 19 tuổi. Bác sĩ cho em hỏi gần đây mắt em bị mờ, nhìn các vật ở xa không rõ. Hầu hết các ngày em đều bị tiêu chảy nhẹ 1 lần. Triệu chứng này đã kéo dài khoảng hơn tuần nay. Vậy xin hỏi bác sĩ em bị bệnh gì?.

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Rối loạn thị lực do tiêu chảy thường xảy ra trong những tình huống tiêu chảy cấp tính với số lượng nhiều, gây mất nước và rối loạn điện giải, giảm khối lượng tuần hoàn có thể gây chứng hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt; điều này chắc chắn không phải là vấn đề cháu quan tâm.

Mắt mờ gặp trong nhiều bệnh lý của mắt, khi nhìn các vật ở xa không rõ thường lí do do bị cận thị. Vì vậy cháu nên đi khám chuyên khoa Mắt để xác định lí do và chữa trị.

Triệu chứng đi ngoài phân lỏng kéo dài hơn 1 tuần có thể do rối loạn tiêu hóa, do rối loạn hấp thu hoặc có thể do tác động của việc sử dụng kháng sinh kéo dài, biểu hiện đi ngoài phân lỏng cũng có thể do tình trạng lo nghĩ, căng thẳng, stress gây nên… Cháu nên khám chuyên khoa Tiêu hóa để được xác định. Nếu cháu có quan hệ tình dục không an toàn và nghi ngờ đó là biểu hiện hay triệu chứng của nhiễm HIV, chúng tôi khuyên cháu nên kiểm tra xét nghiệm HIV để biết chính xác.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Buồn nôn, tiêu chảy, chậm kinh có phải mang thai?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Năm nay em 21 tuổi và em là nữ. Gần đây em thường thấy trong người khó chiụ lại hay buồn nôn và bị tiêu chảy. Em cũng bị chậm kinh nguyệt hơn nửa tháng rôi dạo này em cũng hơi chán ăn. Cho em hỏi phải em đã có bầu không ạ?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Đinh Anh Tuấn


Chào em!

Mất kinh là dấu hiệu đầu tiên và bao giờ cũng có khi một người phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nhiều khi mất kinh không phải do mang thai mà chỉ là do rối loạn kinh nguyệt. Buồn nôn và rối loạn tiêu hóa cũng là một trong các dấu hiệu của nghén – một tình trạng hay gặp ở giai đoạn đầu khi mang thai, nhưng những dấu hiệu đó cũng không thể khẳng định được có thai hay không vì nó cũng có thể gặp ở những bệnh khác.

Để xác định có thai hay không, cần phải làm xét nghiệm hoặc siêu âm. Trường hợp của em, nếu trong kỳ kinh vừa rồi em có quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp tránh thai an toàn thì rất có thể em đã có thai. Theo tôi, em nên mua que thử thai vê tự làm theo hướng dẫn trên bao bì, nếu nghi ngờ có thai, em nên đến khám chuyên khoa Phụ sản để xác định và được giải đáp.

Chúc em luôn hạnh phúc!

Chướng bụng, tiêu chảy, đau bụng vùng rốn


Câu hỏi bởi: Lương

Chào bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi. Mấy ngày nay em hay bị đại tiện phân nát không thành khuôn, mỗi ngày 1 lần, màu phân vàng và có khi nâu. Em hay bị chướng bụng và căng vùng ở trên rốn rất khó chịu, làm cho cổ họng có cảm giác nghẹn. Triệu chứng đó cho thấy em bị bệnh gì vậy bác sĩ? Em có chữa trị viêm niệu đạo khoảng 4 tháng và hiện giờ vẫn còn uống thuốc. Không biết có phải uống thuốc kháng sinh nhiều nên tác động đến hệ tiêu hóa không? Em cũng hay lo lắng về bệnh tật của mình. Mong bác sĩ giải đáp cho em.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Với các biểu hiện mà bạn mô tả, tôi nghĩ nhiều tới bệnh viêm dạ dày kèm theo tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản. Ở những người bị viêm dạ dày, ngoài biểu hiện chướng bụng, đầy hơi, có thể kèm theo ợ hơi, ợ chua, đau bụng vùng trên rốn là dấu hiệu thường gặp, có thể gây rối loạn tiêu hóa làm cho bệnh nhân đi ngoài phân lỏng, nát như tình huống của bạn. Bệnh viêm dạ dày có thể do nhiều lí do gây nên: do uống thuốc (thuốc giảm đau, chống viêm, corticoid), do vi khuẩn HP, do yếu tố thần kinh, do chế độ ăn uống,…

Khi bạn chữa trị viêm đường tiết niệu, nếu dùng các thuốc giảm đau chống viêm kéo dài cũng có thể gây nên tình trạng này. Thực quản nối với dạ dày ở vùng tâm vị, đây là cấu trúc ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản nhưng trong một số bệnh lý, acid dạ dày trào ngược lên thực quản gây tổn thương viêm, loét niêm mạc thực quản làm cho người bệnh có cảm giác đau, tức vùng ngực, khó chịu vùng hầu họng. Tình trạng trào ngược này nếu không được chữa trị tốt sẽ gây nên viêm thực quản mãn tính, về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Vì vậy, bạn cần đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để bác sĩ trực tiếp khám và chữa trị cho bạn.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl