Điều nên biết về đau nửa đầu ở trẻ lứa tuổi vị thành niên


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Ở lứa tuổi vị thành niên (từ 14-20), đau nửa đầu có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy và học tập. Sau đây là bài viết tổng hợp những giải đáp của bác sĩ về đau nửa đầu thường gặp ở lứa tuổi này cũng như nguyên nhân, cách điều trị bệnh.

đau đầu


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ cháu năm nay 17 tuổi. Dạo này cháu có triệu chứng có lúc đai nửa đầu, có lúc đau âm ỉ đỉnh đầu. Buồn nôn, choáng. Mệt mỏi thất thường trog khi ngủ vẫn đủ giấc.

Điều dưỡng Đỗ Thị Hảo


Chào bạn !
Đau nửa đầu (hay còn gọi là migraine) được xếp vào một trong những bệnh đặc biệt, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó bệnh nhân nữ gấp 3 lần bệnh nhân nam; người trẻ mắc nhiều hơn. Kiểu đau nửa đầu thường gây cảm giác dao động mạnh trong óc, phổ biến là một bên nhưng cũng có khi cả hai bên đầu.
Cơn đau thường đến từ từ, nhưng mỗi lúc một nặng thêm, nối tiếp từ cơn này đến cơn khác khiến người bệnh có cảm giác đầu muốn nổ tung. Cơn kéo dài 2-4 giờ, nhưng cá biệt có thể kéo dài vài ngày, khu trú ở một nửa đầu, đau giật giật theo nhịp mạch đập. Cùng với những cơn đau là cảm giác buồn nôn, nôn, sợ tiếng động và ánh sáng… Đó là các cảm giác không bao giờ có thể quên đối với những người từng bị cơn đau nửa đầu hành hạ.Tùy theo cơ địa mà mức độ cũng như thời gian đau của mỗi người khác nhau như: Đau mạnh ở một hay cả hai bên đầu, cứng cơ cổ, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng, buồn nôn và nôn, mệt mỏi và dễ cáu kỉnh, tăng số lần đi tiểu và tiêu chảy. Một số trường hợp đau nặng còn bị ảo giác như thấy các đường ziczăc và ánh sáng loá.
Nguyên nhân gây bệnh đau nửa đầu: Khi lượng máu lên não tự nhiên ít đi, não phản ứng lại với tình trạng thiếu ôxy này bằng cách gây ra đau. Hậu quả của việc thiếu máu làm cho một số mạch máu khác bị giãn nở và viêm tấy, gây ra đau đầu. Đến nay y học vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh, ngoài nguyên nhân vận máu lên não kém, bệnh đau nửa đầu còn có thể là do:
– Các gene dị thường trong não truyền đi một tín hiệu bất thường;
– stress;
– Sự thay đổi hormone thời kỳ kinh nguyệt, trưởng thành, mang thai và mãn kinh ở phụ nữ;
– Thay đổi thời tiết;
– Rối loạn giấc ngủ (quá nhiều hay quá ít),
– Đèn quá sáng hay tiếng ồn quá mức;
– Do rượu và một số chất trong thực phẩm… khiến mạch máu co rồi giãn gây ra các cơn đau thắt nửa đầu.

Những người bị đau nửa đầu không chỉ bị cơn đau hành hạ, nếu kéo dài bệnh còn dẫn đến những hậu quả nguy hại khác cho sức khoẻ, như:
– Trầm cảm: Do là bệnh liên quan đến hệ thần kinh, nên lâu ngày bệnh nhân đau nửa đầu dễ bị trầm cảm hoặc cáu gắt. Những bệnh nhân có kèm thêm chứng mất ngủ, ăn uống không điều độ; đến kỳ kinh nguyệt… càng dễ thấy sự thay đổi tính tình.
– Nguy cơ bị đột quỵ ở những người bị chứng đau nửa đầu cao gấp 2,16 lần so với những người không bị. Đặc biệt, những phụ nữ bị đau nửa đầu dùng thuốc tránh thai có nguy cơ tăng gấp 8 lần so với những người không dùng thuốc.
– Ảnh hưởng đến thị giác: Chứng đau nửa đầu ảnh hưởng rất lớn đến thị giác. Do có vấn đề bất thường trong việc vận chuyển máu lên não, nên mắt của những người bị đau nửa đầu dễ bị suy thoái võng mạc, dẫn đến mất thị lực và thậm chí mù vĩnh viễn.
– Dễ bị tiêu chảy: Cơn đau tác động tới các giác quan, nên đa số bệnh nhân đau nửa đầu rất nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng hoặc một số mùi. Điều đó giải thích vì sao khi bị đau đầu nhiều người còn bị buồn nôn, nôn, hoặc có khi bị tiêu chảy…
Do chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh nên phương pháp điều trị hiện nay mới chỉ dừng lại ở điều trị triệu chứng.
Trường hợp của bạn đang ở mức độ nhẹ nên bạn có thể áp dụng chữa bệnh bằng biện pháp không dùng thuốc như: Thư giãn và thiền định có thể giúp cho quá trình căng thẳng của não được ức chế, dịu xuống, các mạch máu được thư giãn và dãn nở ra, chống lại hiện tượng rối loạn vận mạch não (co mạch) là nguyên nhân chính gây chứng đau nửa đầu…
Bên cạnh đó bạn cũng cần điều chỉnh lại khẩu phần ăn, tránh ăn những thức ăn có thể gây khởi phát cơn đau nửa đầu, không uống nhiều rượu bia và các chất kích thích khác, chuyên cần tập luyện thể dục thể thao, yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh, khí công, đặc biệt quan trọng là tập thư giãn và thiền định.
Bệnh đau nửa đầu có thể điều trị với kết quả tốt nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Khi bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kết hợp với những phương pháp không dùng thuốc một cách chính xác, đồng thời được hướng dẫn để thay đổi lối sống, cách thức ăn uống, kiên trì tập luyện các phương pháp thích hợp thì chứng đau nửa đầu sẽ không còn là nỗi lo.
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn, chúc bạn sức khỏe.

Đau buốt đầu vùng bên trái cách thái dương khoảng 6-7cm đau từng cơn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ ơi cháu năm nay 17 tuổi dạo này cháu thấy đau đầu. Lúc đầu thì đau buốt vùng bên trái cách thái dương khoảng 6-7cm đau từng cơn. Khoảng 2 ngày sau thì cháu thấy đau trùm cả đầu luôn, thỉnh thoảng thấy buồn nôn và hơi hoa mắt. Vậy xin hỏi bác sĩ cháu bị bệnh gì ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu!

Cháu bị đau đầu thành cơn, lúc đầu đau buôt bên trái đầu sau đau trùm cả đầu, kèm theo buồn nôn và hoa mắt. Với các triệu chứng trên rất có thể cháu bị bệnh đau nửa đầu hay còn gọi là đau đầu Migraine. Đau nửa đầu thường bắt đầu ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Một cơn đau nửa đầu điển hình có các dấu hiệu và biểu hiện sau: đau trung bình đến đau nặng, có thể được giới hạn ở một bên đầu hoặc có thể tác động đến cả hai bên. Đau đầu với một dao động hay đau rồn dập, đau nặng hơn với các hoạt động thể chất, đau thường xuyên gây cản trở hoạt động , buồn nôn có hoặc không có nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Khi không được chữa trị, chứng đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ, nhưng tần suất đau đầu thay đổi tùy từng người. Có thể chứng đau nửa đầu nhiều lần một tháng hoặc ít thường xuyên. Với tình trạng hiện tại cháu nên đến chuyên khoa Thần kinh để khám và chữa trị.

Chúc cháu sớm khỏi bệnh!

Mệt mỏi, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, tay chân bủn rủn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay em 17 tuổi, mấy hôm rồi em có bị sốt và đi khám và dùng thuốc, em đỡ sốt hơn nhưng luôn cảm thấy mệt mỏi, nhức và nặng đầu, nhức nửa đầu choáng váng và có cảm giác buồn nôn kèm theo đó là tay chân bủn rủn, kèm theo đó là không tập trung, cảm thấy khó chịu. Vậy cho em hỏi là bệnh gì ạ?

Em cảm ơn bác sĩ ạ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Em có triệu chứng mệt mỏi, nhức nửa đầu, choáng váng kèm buồn nôn. Với những biểu hiện như em mô tả có thể em đang bị bệnh lí đau đầu Migraine hay còn gọi là bệnh đau nửa đầu.

Đau nửa đầu thường bắt đầu ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Một cơn đau nửa đầu điển hình có các dấu hiệu và biểu hiện sau:

Đau trung bình đến đau nặng, có thể được giới hạn ở một bên đầu hoặc có thể tác động đến cả hai bên.

Đau đầu với một dao động hay đau dồn dập.

Đau nặng hơn với các hoạt động thể chất.

Đau gây cản trở hoạt động thường xuyên.

Buồn nôn có hoặc không thấy nôn mửa.

Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Khi không được chữa trị, chứng đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ, nhưng tần suất đau đầu thay đổi tùy từng người. Có thể chứng đau nửa đầu nhiều lần một tháng hoặc ít thường xuyên. Với tình trạng hiện tại em nên đến chuyên khoa Thần kinh để khám và chữa trị.

Chúc em sức khỏe!

Đau đầu, mỗi khi đau thì rất mệt, không làm gì được


Câu hỏi bởi: Jessica Đỗ

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 17 tuổi, là nữ ạ. Cháu đau đầu từ khi học lớp 4. Lúc đầu là đau bình thường nên cháu không để ý. Nhưng càng về sau với tần suất nhiều hơn. Mỗi khi đau thì cháu không thể làm gì nổi. Chỉ biết ôm đầu nằm thôi. Nhưng khi lớn hơn, đau đầu không nhiều nữa nhưng mỗi khi đau thì rất mệt, không làm gì được hết. Nó thường đau nửa đầu hoặc đau trên đỉnh đầu. Cách đây vài ngày, cháu ngủ dậy thì đau đầu nhiều lắm, rất mệt. Uống thuốc để đến lớp thì có giảm đau nhưng không hết hẳn. Đầu cứ ê ê đau đau, rất khó chịu, kéo dài đến bây giờ luôn. Nó hết rồi lại đau đau ê ê lại. Ngày nào cũng thế. Cháu lo lắng không biết có bệnh gì trầm trọng không. Bác sĩ cho cháu lời khuyên và nơi để kiểm tra sức khỏe ạ.

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Bệnh đau nửa đầu Migraine gặp ở thanh thiếu niên khá phổ biến, đặc biệt ở tuổi học sinh. Đau nửa đầu có tính chất gia đình, đau thường khu trú ở một bên đầu.

Bệnh thường khởi phát sau một hoạt động gắng sức, sau khi bị nhiễm trùng, riêng với bé gái bệnh hay xuất hiện trước hành kinh. Thường trước khi đau vài giờ đến vài ngày người bệnh thay đổi tính tình, mệt mỏi, ăn kém. Sau đó đau đầu dữ dội, thường đau một bên, trong cơn bệnh nhân rất khó chịu, thái dương như căng ra, mạch máu ở thái dương có cảm giác đập theo nhịp tim. Cơn đau tăng lên khi gắng sức, khi tiếng động mạnh và ánh sáng. Cơn đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Chứng đau nửa đầu rất ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến năng suất và hiệu quả học tập và công tác.

Bệnh đau nửa đầu thuộc chuyên khoa Thần kinh khám và chữa trị. Cháu hãy tới khoa Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và chữa trị bệnh đau nửa đầu của cháu. Bệnh viện huyện chưa có bác sĩ chuyên khoa Thần kinh. Bệnh đau nửa đầu không cần nằm viện, bác sĩ khám xong sẽ kê đơn cháu tự mua và dùng thuốc ở nhà, sau đó đến khám lại. Bệnh đau nửa đầu dễ tái phát, cần phải kiên trì và thực hiện đúng chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

Nam 15 tuổi đau đầu, mờ mắt là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 15 tuổi là nam, chiều hôm nay em bị đau đầu, sau đó cảm thấy chóng mặt và mắt hơi mờ, hiện giờ bệnh vẫn chưa khỏi, cho em hỏi em bị bệnh gì và uống thuốc gì cho hợp lí.

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Đau đầu có thể là một căn bệnh nhưng cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Có 3 dạng đau đầu: đau đầu căng cơ, đau nửa đầu và đau đầu dạng chuỗi.

Đau đầu căng cơ: Đau đầu căng cơ là một trong những dạng đau đầu phổ biến nhất. Nguyên nhân là do sự căng của các cơ vùng cổ và da đầu. Sự co của các cơ này có thể được thúc đẩy một số các yếu tố môi trường hoặc sinh lý khác nhau, bao gồm sự co cứng các cơ ở vùng cổ và vùng vai do ngồi tư thế không đúng, do stress hoặc thiếu ngủ. Đau đầu căng cơ có thể ở mức độ từ nhẹ tới vừa và các cơn đau có thể bắt đầu ở phía sau đầu/cổ và tiến về phía trước hoặc ngược lại. Những cơn đau đầu này thường giống nhau ở cả 2 bên, và có thể đi kèm với các cơn đau ở vùng cổ hoặc vùng vai. Nó có thể kéo dài từ nửa tiếng đồng hồ cho tới một vài ngày. Mặc dù cơn đau đầu căng cơ này rất khó chịu, nhưng ít khi nó gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Đau nửa đầu: Đau nửa đầu khác với đau đầu căng cơ ở chỗ là nó chỉ xảy ra ở một bên đầu và sẽ nặng lên theo thời gian. Đau nửa đầu thường xuất hiện ở phía sau mắt và phía sau của đầu. Nhiều bệnh nhân bị đau nửa đầu cũng có thể triệu chứng thêm các biểu hiện như tăng nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn, buồn nôn và nôn. Một số cơn đau nửa đầu có thể đi sau một hiện tượng mà người ta gọi là aura thị giác, bao gồm việc nhìn thấy các chớp sáng hoặc nhìn mờ. Các cơn đau nửa đầu thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, một số bệnh nhân chỉ bị 1 đến 2 đợt trong 1 năm trong khi nhiều người khác có thể xuất hiện nhiều đợt trong vòng 1 tháng. Những lí do đã được biết của đau nửa đầu là rất nhiều và khác nhau giữa người này người khác. Tuy nhiên, mỗi lí do khác nhau đều gây ra những biến đổi giống nhau trên não bộ dẫn đến những hoạt động thần kinh bất thường và gây ra những cơn đau mức độ vừa đến nặng. Đau đầu dạng chuỗi: Đau đầu dạng chuỗi là loại đau đầu kém phổ biến nhất, nhưng lại là cơn đau đầu mức độ nặng nề nhất, thường gặp ở nam giới hơn là nữ giới. Trong khi lí do thật sự vẫn chưa được khám phá, người ta cho rằng đau đầu dạng chuỗi có thể liên quan đến sự hoạt hóa bất thường của các tế bào thần kinh ở não bộ. Điểm khác biệt giữa đau đầu dạng chuỗi với 2 dạng đau đầu kia đó là đau đầu dạng chuỗi thường tái phát sau một khoảng thời gian nhất định. Người bệnh có thể có 1 đến 3 cơn đau đầu trong một ngày và kéo dài trong vài tuần đến vài tháng (giai đoạn “chuỗi”). Các cơn đau có thể chấm dứt cùng với nhau, và chỉ quay trở lại tại một số thời điểm sau đó.

Bạn năm nay mới 15 tuổi, bị đau đầu, sau đó cảm thấy chóng mặt và mắt hơi mờ đã 1 ngày hiện giờ bệnh vẫn chưa khỏi. Nhiều khả năng là bạn bị đau nửa đầu. Nếu tình trạng này kéo dài không đỡ, bạn cần đi khám bác sĩ để xác định mình đang bị kiểu đau đầu nào. Việc đó sẽ giúp bạn chữa trị hiệu quả hơn và ngăn ngừa các cơn đau đầu trong tương lai. Trước mắt, bạn có thể hiện một vài động tác nhẹ nhàng để giảm đau như bấm mạnh vào điểm giữa hai lông mày và day thành những vòng tròn nhỏ rồi đặt hai ngón tay trỏ vào góc ngoài của hai đuôi mắt và xoa vuốt ngược lên phía trên. Sau đó đặt 2 ngón tay trỏ lên huyệt thái dương và xoa thành những vòng tròn nhỏ.

Chúc bạn chóng khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl