Thụ tinh trong ống nghiệm đối với phụ nữ lớn trên 25 tuổi cần biết những gì?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Thụ tinh trong ống nghiệm là cách mà nhiều chị em lựa chọn để mang thai. Là phụ nữ, vậy bạn biết gì về phương pháp này?

hiếm muộn, thụ tinh ống nghiệm ở tuổi 41


Câu hỏi bởi: Thanh Tuyền

Thưa Bác sĩ, cô của em năm nay 41 tuổi, vì 1 vài lý do cá nhân nên lúc trẻ không có ý định sinh con. Hiện tại cô rất muốn có 1 đứa con nhưng vì tuổi đã khá cao và chức năng của buồng trứng cũng bắt đầu yếu đi. Cô muốn lấy trứng của mình cùng tinh trùng của chồng để thụ tinh ống nghiệm mà không phải mượn trứng của người khác. Vậy xin hỏi bác sĩ phần trăm thành công có cao không và nếu có khả năng thì thời gian để thực hiện là bao lâu ạ? thêm vào đó em muốn biết bệnh viện nào ở tphcm có tỉ lệ chữa trị hiếm muộn-vô sinh thành công cao nhất ạ? em xin cảm ơn!!

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn.
Với ý định của người nhà bạn là hoàn toàn xác đáng và có thể thực hiện được với trình độ khoa học ngày nay. Tôi xin trao đổi cùng bạn nhé:
Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật lấy noãn và tinh trùng kết hợp với nhau ở ngoài cơ thể, tạo thành phôi. Phôi được nuôi từ 2 đến 5 ngày sau đó chuyển vào trong buồng tử cung của người vợ. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này từ 30% đến 40%.
Chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm: Những người thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân hiếm muộn dưới đây sẽ được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm:
– Nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ như tổn thương tắc, ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung hay rối loạn phóng noãn sau khi thất bại bơm tinh trùng nhiều lần.
– Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng như tinh trùng ít, yếu và dị dạng hoặc không có tinh trùng.
– Hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân và đã bơm tinh trùng nhiều lần thất bại.
Các bước thiến hành trong quy trình làm thụ tinh trong ống nghiệm:
1. Xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản
Xét nghiệm vợ
– Xét nghiệm nội tiết :Xét nghiệm nội tiết là xét nghiệm định lượng nồng độ các loại nội tiết sinh dục trong máu như FSH, LH, estradiol, testosterone, SHBG nhằm đánh giá tình trạng nội tiết của buồng trứng và các cơ quan có liên quan đến hoạt động sinh sản. Đây là một trong những xét nghiệm góp phần chẩn đoán số lượng noãn còn lại trong buồng trứng cũng như tiên lượng đáp ứng của buồng trứng với thuốc kích thích trong trường hợp sẽ làm thụ tinh trong ống nghiệm hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
Thời gian gần đây, AMH (anti-Mullerian hormone) được xem là một xét nghiệm nội tiết chính xác hơn và có thể thay thế cho FSH, LH và estradiol trong đánh giá dự trữ buồng trứng. Nếu như FSH, LH và estradiol cần được xét nghiệm vào những ngày đầu của chu kỳ kinh – từ ngày 1 đến ngày 5, AMH có thể được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào của chu kỳ kinh.
– Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Thông thường, tất cả bệnh nhân đến khám hiếm muộn đều được cho thực hiện các xét nghiệm máu về HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai và Chlamydia trachomatis.
Chlamydia trachomatis là một loại vi khuẩn có thể được lây truyền qua đường tình dục. Đối với đa số các phụ nữ, Chlamydia trachomatis tự khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, với một số trường hợp khác, sự viêm nhiễm có thể lan lên tử cung và hai vòi trứng, làm tăng nguy cơ hiếm muộn do tổn thương vòi trứng. Do đó, xét nghiệm tầm soát Chlamydia thường được phối hợp với các xét nghiệm khác trong chẩn đoán các tổn thương do vòi trứng.
– Siêu âm phụ khoa, đếm nang noãn trên buồng trứng
Siêu âm phụ khoa qua ngả âm đạo giúp phát hiện các bất thường về phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, các bất thường bẩm sinh của đường sinh dục (tử cung đôi, tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn, không có tử cung,…), buồng trứng dạng đa nang.
Trong khám hiếm muộn, siêu âm phụ khoa cũng nên được tiến hành vào những ngày đầu của chu kỳ kinh, không những để chẩn đoán các bất thường nêu trên mà còn giúp đếm số nang noãn có trên buồng trứng. Siêu âm đếm nang noãn cũng là một yếu tố cận lâm sàng giúp đánh giá số trứng còn lại trên buồng trứng và tiên lượng đáp ứng buồng trứng với thuốc kích thích buồng trứng.
Xét nghiệm chồng
– Tinh dịch đồ:Tinh dịch đồ là một xét nghiệm đơn giản, chi phí chấp nhận được, đồng thời cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong chẩn đoán và điều trị. Mẫu tinh dịch được lấy bằng cách thủ dâm sau 2-7 ngày kiêng quan hệ tình dục. Lấy tinh dịch khi kiêng quan hệ dưới 2 ngày thường cho kết quả với số lượng tinh trùng ít. Ngược lại, khi kiêng quan hệ quá lâu sẽ làm cho tỷ lệ phần trăm tinh trùng di động giảm. Mẫu tinh dịch phải được chứa trong một dụng cụ đặc biệt, được làm bằng chất liệu không độc cho tinh trùng.
Thông qua kết quả tinh dịch đồ, bác sĩ sẽ đánh giá về chất lượng của mẫu tinh dịch được xét nghiệm: tinh trùng ít, tinh trùng yếu, tinh trùng bất thường hay không có tinh trùng. Ngoại trừ trường hợp không tinh trùng, tinh dịch đồ không giúp khẳng định khả năng sinh sản của bệnh nhân, chỉ mang tính chất gợi ý. Chất lượng tinh trùng có thể thay đổi giữa các lần làm tinh dịch đồ khác nhau.
Trong năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới đã chuẩn hóa và đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu của một tinh dịch đồ bình thường:
– Thể tích ≥ 1,5 ml.
– Mật độ tinh trùng ≥ 15 triệu/ml.
– Tổng số tinh trùng ≥ 39 triệu.
– Tỷ lệ tinh trùng di động tiến tới ≥ 32%.
– Hình dạng bình thường của tinh trùng ≥ 4%.
Các xét nghiệm khác: Người chồng cũng được làm xét nghiệm tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan, HIV, giang mai. Đối với trường hợp không có tinh trùng, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện tiếp các xét nghiệm chuyên biệt khác như định lượng nội tiết sinh dục trong máu (FSH, LH, Testosterone), siêu âm bìu, siêu âm qua ngả trực tràng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được mổ sinh thiết tinh hoàn trước khi có quyết định điều trị.
2. Xét nghiệm tiền mê: Bệnh nhân được xét nghiệm máu, nước tiểu, đo điện tim, X-quang phổi giúp đánh giá thể trạng trước khi thực hiện thủ thuật chọc hút noãn và mang thai.
3. Kích thích buồng trứng: Kích thích buồng trứng được thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể. Thời gian kích thích buồng trứng có thể thay đổi từ 2 tuần đến 4 tuần lễ, tùy bệnh nhân được áp dụng phác đồ tiêm thuốc ngắn ngày hay dài ngày.- Siêu âm nang noãn và định lượng nội tiết Số lượng nang noãn và tốc độ phát triển nang noãn trong các chu kỳ có kích thích buồng trứng phụ thuộc vào loại thuốc và phác đồ kích thích buồng trứng được sử dụng. Siêu âm giúp đánh giá số lượng và sự phát triển của nang noãn, từ đó giúp điều chỉnh liều lượng thuốc kịp thời để đạt được sự đáp ứng buồng trứng tối ưu và giảm thiểu các biến chứng có thể có. Trong quá trình kích thích buồng trứng, bệnh nhân sẽ được siêu âm nang noãn từ 2 đến 3 lần. Khi nang noãn đạt kích thước 18-20 mm, bệnh nhân sẽ được tiêm hCG, thuốc giúp trưởng thành noãn và gây phóng noãn.
Song song quá trình siêu âm nang noãn, việc định lượng nội tiết cũng cần thiết trong quá trình theo dõi sự phát triển nang noãn. Định lượng estradiol (E2) thường được sử dụng trong quá trình theo dõi sự phát triển của nang noãn do có sự tương quan giữa nồng độ E2 trong máu và sự phát triển của nang noãn. Thông thường nồng độ E2 sẽ tăng gấp rưỡi hay gấp đôi ngày hôm trước dự báo nang noãn phát triển tốt.
Ngoài ra, định lượng nồng độ LH và progesterone cũng sẽ giúp tiên đoán về chất lượng của trứng. Thông thường nồng độ 2 chất này trong máu thường thấp trong quá trình kích thích buồng trứng. Nếu nồng độ LH và progesterone tăng cao có thể làm giảm chất lượng noãn, chất lượng phôi.
4. Chọc hút noãn:Bệnh nhân sẽ được chọc hút noãn khoảng 36-40 giờ sau tiêm hCG. Chọc hút noãn được thực hiện qua ngả âm đạo và bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ và gây mê toàn thân. Bệnh nhân không ăn uống trước chọc hút trứng 4 giờ. Noãn sau khi được chọc hút sẽ được chuyển qua phòng labo để xử lý và kết hợp với tinh trùng người chồng để tạo thành phôi. Sau khi kết hợp trứng và tinh trùng tạo thành phôi, phôi sẽ được nuôi cấy trong ống nghiệm từ 2 đến 3 ngày hay 5 ngày trước khi chuyển vào buồng tử cung của người vợ.
5. Chuyển phôi:phôi sau khi được nuôi trong ống nghiệm 2-3 ngày (hoặc 5 ngày) sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người vợ. Số phôi chuyển tùy thuộc vào tuổi người vợ, nguyên nhân hiếm muộn, số chu kỳ thực hiện trước đó cũng như chất lượng hiện tại của phôi. Bác sĩ sẽ quyết định số phôi chuyển sao cho đạt tỷ lệ có thai cao nhất và giảm thiểu nguy cơ đa thai.
Thông thường chuyển trung bình khoảng 2-3 phôi với tỷ lệ thai đạt được khoảng 35-40%. Sau chuyển phôi bệnh nhân chỉ cần nằm nghỉ tại chỗ 1-2 giờ, sau đó có thể đi lại bình thường. Sau chuyển phôi, nếu còn phôi dư và tốt bệnh nhân sẽ được tư vấn trữ lạnh phôi để có thể sử dụng cho những chu kỳ sau. Bệnh nhân được dùng thuốc hỗ trợ cho quá trình làm tổ của phôi 2 tuần trước khi thử thai.
6. Thử thai:Thực hiện sau 2 tuần chuyển phôi. Bệnh nhân sẽ được định lượng beta-hCG trong máu. Nếu kết quả thử thai dương tính, bệnh nhân được hẹn siêu âm để xác định thai 3 tuần sau. Giá trị beta-hCG càng cao, khả năng đa thai càng cao.
7. Siêu âm thai:Siêu âm thực hiện sau 3 tuần nếu kết quả beta-hCG dương tính. Siêu âm nhằm xác định chính xác có thai hay không, số lượng thai và tình trạng thai.
Những điều nên và không nên làm khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm
– Chế độ dinh dưỡng:Bệnh nhân ăn uống bình thường, không cần kiêng cữ bất cứ thức ăn gì trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Những bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng nên ăn nhiều chất đạm (thịt, cá) và uống nhiều nước có thể giúp giảm nhanh tình trạng quá kích buồng trứng.
– Lối sống:Người chồng không nên hút thuốc lá vì có thể ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng, từ đó ảnh hưởng lên chất lượng của phôi và kết quả có thai. Người vợ không làm việc nặng cũng như không tập những môn thể thao nặng trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Quan hệ vợ chồng nên tránh trong giai đoạn kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi.
Tại thành phố HCM có rất nhiều cơ sở như BV Từ Dũ, BV Hùng Vương và ngoài ra có những cơ sở khác như BV đa khoa Mỹ Đức. Tôi xin giới thiệu để bạn tham khảo chương trình này nhé: 30 trường hợp hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức (TP HCM) chọn để hỗ trợ hầu hết chi phí thụ tinh ống nghiệm. Chương trình từ thiện “Ươm mầm hạnh phúc” bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 15 đến 25/9.
Địa chỉ nhận hồ sơ: Bộ phận Lễ tân, Bệnh viện Mỹ Đức, số 04 Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TP HCM, gửi qua đường bưu điện từ ngày 15/9 đến 25/9. Danh sách 30 người đủ điều kiện tham gia chương trình sẽ được xác nhận vào ngày 30/11. Liên hệ chương trình qua Email: [email protected] và Facebook: https://www.facebook.com/IVFMD.Vietnam . Chúc bạn may mắn .
Chào bạn.

Đã cắt vòi trứng trái và kẹp vòi trứng phải có thể thụ tinh ống nghiệm không?


Câu hỏi bởi: nguyễn thị nga

Chào bác sĩ.

Em năm nay 35 tuổi, đã có một cháu gái 10 tuổi. Vừa qua em bị chửa ngoài tử cung, bác sĩ đã tiến hành cắt vòi trứng trái và kẹp vòi trứng phải vì bị dãn tắc đoạn loa và em bị buồng trứng phải teo nhỏ, buồng trứng trái bình thường. Bác sĩ cho em hỏi là em làm thụ tinh trong ống nghiệm có được xác suất cao không và có mất nhiều tiền không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em đã cắt vòi trứng trái và buồng trứng phải thì teo nhỏ, điều đó sẽ khiến cho việc thụ thai tự nhiên một cách khó khăn. Nếu muốn đẻ con, thì cả hai vợ chồng em cần khám bác sĩ chuyên khoa Hiếm muộn xem có thể có con được hay không và có đủ điều kiện để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được không?

Xác suất thành công của thụ tinh trong ống nghiệm tùy thuộc nhiều yếu tố, nhìn chung dao động từ 20 đến 30%. Chi phí chữa trị khá tốn kém, tùy từng tình huống tuy nhiên sẽ tốn kém ít nhất khoảng vài chục triệu đồng. Chi tiết em nên khám bác sĩ chuyên khoa Hiếm muộn để đánh giá sức khỏe sinh sản một cách cụ thể, ước tính và dự kiến chi phí chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe!

Sinh con bất thường


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, e năm nay 33 tuổi. mang thai 3 lần đều bị nang ở não, từ tuần 18 thai nhi bị bé dần, sinh non ,suy dinh dưỡng bào thai. 36 tuần sinh 1,3 kg và 32 tuần con 800g. Không xác định được nguyên nhân. Vậy e nên nhờ người mang thai hộ hay tự mang thai nhưng xin trứng hoặc tinh trùng để làm iui hay ivf? Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. E xin chan thành cảm ơn bác sĩ !

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn.
Khi mang thai bạn siêu âm lần này thấy nang nước ở màng mạch não thất trái của thai nhi đây là nang đám rối mạch mạc. Nang đám rối mạch mạc có thể thấy một hoặc hai bên não thất với nhiều kích thước khác nhau. Nang gặp trong khoảng 1-2% ở thai nhi bình thường và thường thấy trên siêu âm ở tuổi thai 16-24 tuần, hơn 95% trường hợp nang tự biến mất ở tuần thứ 28. Những nang này cũng thấy ở người lớn và không được ghi nhận trong suốt cuộc đời của họ. Tuy nhiên, một số nhỏ thai nhi có nang đám rối mạch mạc liên quan đến bệnh nhiễm sắc thể trisomy 18.
Vì vậy bạn nên làm xét nghiệm Triple test là bộ ba xét nghiệm tầm soát để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai nhi. Có ba chất được sử dụng trong xét nghiệm này là AFP (alpha-fetoprotein), hCG (human chorionic gonadotropin) và Estriol. Cả 3 chất này do nhau hoặc thai sản xuất. Đây là loại xét nghiệm không xâm lấn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến mẹ và thai.
Triple test có thể thực hiện khi thai 15 – 20 tuần. Tuy nhiên, thực hiện chính xác nhất là khi thai 16 – 18 tuần.
Xét nghiệm Triple test không thể chẩn đoán cụ thể tình trạng bệnh lý thai mà chỉ cho biết thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn nhiễm sắc thể hay không và có cần phải làm thêm xét nghiệm gì khác nữa không.
Tuy nhiên, để ước tính chính xác mức độ nguy cơ phải kết hợp kết quả xét nghiệm ba chất trên với nhiều yếu tố khác như tuổi của người mẹ, chủng tộc, tuổi thai vào thời điểm xét nghiệm, và tiền sử sản khoa…..
Trường hợp của bạn, bác sĩ cho làm Triple test để đánh giá nguy cơ dị tật thai nhi và dựa vào đó để xem có cần thiết phải làm thêm các xét nghiệm khác hay không. Nếu Triple test chỉ ra:
1. Nguy cơ cao: chọc ối là xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh nhiễm sắc thể ở thai nhi.
2. Nguy cơ thấp: Không tăng khà năng thay đổi nhiễm sắc thể, không cần phải làm xét nghiệm thêm.
Như vậy, sau khi có kết quả Triple test bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn có nên làm thêm xét nghiệm khác hay không, hay chỉ cần theo dõi. Sự tồn tại hoặc biến mất của nang cũng không chỉ ra sự khác biệt giữa mắc bệnh hay không.
Và khi làm các xét nghiệm cần thiết như trên thì ta có thể xác định nguyên nhân và phải biết nên làm như thế nào với bạn. Tôi cũng băn khoăn khi trong thời gian có thai bạn có đi khám ở đâu không và được tư vấn như thế nào.
Bạn nên đưa chồng mình tới khám tại các trung tâm hiếm muộn tại các BV Phụ Sản để quyết định phương pháp nhé . Tôi nghĩ bạn có thể làm IVF và tự mang thai thì tốt hơn.
Chào bạn.

Vô sinh- hiếm muộn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ,Tôi giờ 39 tuổi. Có 1 con 8 tuổi. Cưới chồng sau 4 năm chữa trị nhiều nơi không rõ nguyên nhân hiếm muộn, tôi mới có con. Sau khi có con 3 tuổi tôi bắt đầu có kế hoach sinh tiếp. Nhưng vợ chồng ít gặp nhau, sau đó chồng bị yếu sinh lí gần như không quan hệ đươc. Tôi và chồng đã đi khám. Tháng 4/ 2015 tôi phát hiện có u nang buồng trứng phải và đã mổ nội soi bóc u.bs chỉ định dùng zoladex. Tháng 8 tôi có kinh trở lại và không còn đều nữa; chu kì thay đổi từ 20 đến 29 ngày. Trước đó 25 đến 29 ngày và thường trong khoảng 27 _28 ngày. Tháng 4- 5 năm 2016 tôi lại đi khám và vẫn không rõ nguyên nhân. Tháng 5- 6 tôi vào làm thụ tinh ống nghiệm ở phòng khám ngọc lan và bv Mỹ đức Sài Gòn. Ban đầu siêu âm tôi chỉ có 1 trứng. Sau 4 ngày dùng thuốc cũng chỉ 1 trứng. Sau 8 ngày dùng thuốc có 3 trứng. 12 ngày dùng thuốc tôi chọc được 2 cụm trứng thụ tinh được 2 phôi loại 1 và loại 2. Tôi cấy phôi ngày 2 và không đậu thai. Giờ tôi không biết làm thế nào. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Lan


Chào em.

Trường hợp của em làm IVF là đúng rồi, tỉ lệ có thai chỉ 32-35%, như vậy em làm 1 lần chưa được đừng lo lắng. Tuy nhiên yếu tố của em khó khăn là em đã mổ u nang buồng trứng sau đó lại điều trị Zoladex (như vậy khả năng em bị UBT dạng lạc nội mạc tử cung) nên chất lượng buồng trứng kém khi KTPN chỉ có ít nang nên khả nang thành công khó hơn.

Chúc em sức khỏe.

Ngày thứ 18 sau chuyển phôi beta được 141, 83 có sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 39 tuổi là bệnh nhân IVF. Hôm nay là ngày thứ 18 sau chuyển phôi mà beta của em chỉ được 141, 83. (ngày 12 là 27, 47 ngày 14 là 66, 57 ngày 16 là 99, 93). Vậy chỉ số beta của em có bất thường không ạ. Em thật sự rất lo lắng.

Cảm bác sĩ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Các kết qủa xét nghiệm beta hcg của bạn đều tăng như vậy chứng tỏ thai đang phát triển. Bạn hãy đi khám chính nơi đã làm IVF cho bạn nhé.

Chúc bạn khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl