Những câu hỏi hay về chứng tự miễn


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Ở một số người, vì nhiều lý do khác nhau, hệ thống miễn dịch bị rối loạn chức năng và mất khả năng phân biệt lạ – quen, quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể, từ đó sinh ra các bệnh lý tự miễn. Tuyển chọn những câu hỏi sau đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức vô cùng quý báu về vấn đề này.

rụng tóc tự miễn


Câu hỏi bởi: pham phuong thanh

thưa bác sĩ em năm nay 31 tuổi và bị rụng toàn bộ tóc đã 3 năm nay có khám và sử dụng thuốc tây y rồi đông y các loại đều ko khỏi em có đọc một bài viết về khoa miễn dịch tự miễn bệnh viện bach mai bác sĩ cho em hỏi phải ko ah

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Rụng tóc do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, quy tụ thành 4 nhóm nguyên nhân như sau: Do thiểu năng rối loạn dinh dưỡng nang tóc; Do bệnh nấm da đầu, do nấm tóc; Do bệnh vẩy nến da đầu, luput ban đỏ, xơ cứng bì; Do tổn thương thần kinh, căng thẳng lo âu.
Bài viết về miễn dịch tự miễn liên quan đến rụng tóc mà bạn nêu là một nguyên nhân thuộc nhóm do thiểu năng rối loạn dinh dưỡng nang tóc.
Một số trường hợp rụng tóc thường gặp, bạn có thể so sánh đối chứng với trường hợp rụng tóc ở mình:
1– Rụng tóc do uống thuốc, hoặc các yếu tố cơ lý hóa (uốn tóc bằng lược, sức nóng, nhuộm, uốn tóc bằng hóa chất, chải tóc quá nhiều bằng lược cứng, căng kéo xoắn bện quá chặt…) cũng làm sợi tóc bị biến dạng, gãy rụng.
2- Trong rụng tóc pelade, vùng da đầu có một hay nhiều đám rụng tóc hình tròn, đường kính vài cm, da nhẵn trắng trông giống như sẹo, có khi các đám liên kết thành dải, vằn vèo “thể rắn bò”, một số trường hợp có thể rụng nhẵn toàn bộ da đầu, thậm chí rụng cả lông mày, lông nách, lông mi. Loại này thường liên quan yếu tố căng thẳng thần kinh.
3- Rụng tóc do nấm (chủng microsporum, trichophyton). Biểu hiện là da đầu có đám mảng viêm đỏ, có vảy trắng, tóc bị phạt gãy, chân tóc còn lại cách da đầu từ vài mm đến 1-2 cm hoặc chỉ còn chấm đen, có khi chân tóc được bao bởi lớp vảy trắng như bị “nhúng trong bột”. Có thể xác định bằng soi nấm, cấy nấm, điều trị bằng bôi kem nizoral, uống ketoconazol.
4- Bệnh rụng tóc da dầu (còn gọi rụng tóc liên quan androgen hay chứng hói tiến triển) thường do di truyền và tác động của androgen lên nang tóc ở đầu, làm nang tóc giảm kích thước, dần dần teo và rụng. Đầu tiên, tóc rụng thưa dần ở phía trước trán, tạo thành hình lượn sóng chữ M, sau rụng đến vùng giữa đỉnh đầu và dần dần hói hoàn toàn phía trên (trán và đỉnh chẩm), riêng vùng thái dương hai bên và gáy vẫn còn tóc.
5 – Rụng tóc do tật nhổ tóc hay gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, nữ nhiều hơn nam. Họ thường nhổ tóc vùng trán phía trước và hai bên thái dương làm tóc nham nhở không đều, chỗ mọc tốt xen kẽ chỗ thưa. Bệnh nhân thường bị rối loạn tâm lý, có cảm giác thúc giục không thể cưỡng lại và chỉ nhẹ nhõm sau khi nhổ tóc.
6 – Người bị giang mai giai đoạn 2 cũng bị rụng tóc kiểu “rừng thưa”, tóc rụng nham nhở không đều hai bên thái dương như gián nhấm. Điều trị khỏi bệnh giang mai, tóc sẽ mọc lại.
7- Bệnh rụng tóc chuỗi hạt (monilethrix) liên quan đến yếu tố di truyền. Thân tóc có đoạn co nhỏ lại, có đoạn dày phình to ra một cách đều đặn tạo thành các nút cục ở tóc, tóc bị gãy đứt đoạn. Da dầu, tóc thưa bị gãy, rụng trông như hói, da đầu phủ đầy tóc ngắn, dày sừng nang lông nên trông xù xì, thô ráp.
8- Rụng tóc là hậu quả của các bệnh da khác có đám tổn thương ở đầu. Các tổn thương này có quá trình viêm, tạo mủ, tạo sẹo, teo da… gây nên rụng tóc vùng đó, như lupút đỏ mạn dạng đĩa, viêm nang lông trụi tóc, nấm tóc loại kerion, xơ cứng bì khu trú, bệnh muxin nang lông, ung thư tế bào đáy…

Bạn có thể xin tư vấn chỗ thạc sĩ Nguyễn Văn Khái, Trưởng bộ môn da liễu Đại học y Thái bình là người có kinh nghiệm nhiều năm chữa rụng tóc. Điện thoại 0936 241 539, địa chỉ 274, Phan Bá Vành, thành phố Thái bình

Chúc bạn mau lành bệnh.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Bạn nếu ở gần có thể đến khám thạc dĩ Khái hoặc gọi điện xin tư vấn

Bệnh tự miễn cần làm những xét nghiệm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em đã nhận đươc câu trả lời của bác sĩ em xin chân thành cảm ơn. Với căn bệnh tự miễn của em cho em hỏi thêm nếu em muốn làm xét nghiệm thì làm những xét nghiệm gì?

Em cảm ơn rất nhiều!

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào em!

Bệnh tự miễn là những bệnh mà những tổn thương bệnh lý gây ra do sự đáp ứng miễn dịch chống lại các tổ chức, cơ quan bản thân mình. Nói cách khác là trong cơ thể người bệnh xuất hiện những tự kháng thể chống lại các thành phần của các bộ phận trong cơ thể gây nên tổn thương ở các bộ phận đó. Các bệnh lý tự miễn thường gặp như lupus ban đỏ, xơ cứng bì toàn thể, viêm da và cơ hay viêm đa cơ, viêm nút quanh động mạch. Các bệnh này có những đặc điểm chung là có tổn thương ở rất nhiều cơ quan, tổ chức trong cơ thể. Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tự miễn: rất nhiều xét nghiêm cơ bản và xét nghiệm đặc trưng. Và tùy từng bệnh cụ thể mà các bác sĩ có thể chỉ định cho bạn:

Định lượng kháng thể kháng nhân và kháng thể kháng chuỗi kép (ANA và Ds DNA). Ứng dụng chẩn đoán: Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm da cơ – viêm đa cơ, viêm mạch hệ thống, viêm khớp…

Định lượng kháng thể kháng tiểu vi thể gan thận type 1 (LKM1), kháng thể kháng tương bào gan type 1 (LC – 1), định lượng kháng thể kháng thụ thể Glycoprotein trên màng tế bào gan ở người châu Á.

Định lượng kháng thể kháng Scl-70 trong bệnh xơ cứng bì, định lượng kháng thể kháng Sm trong bệnh lupus ban đỏ…

Do tùy vào bệnh tự miễn cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cụ thể. Bạn đã từng làm xét nghiệm gì và được chẩn đoán bệnh tự miễn nhưng cụ thể là bệnh gì bạn cũng chưa nói rõ? Do vậy bạn nên đi đến cơ sở y tế và nếu có điều kiện bạn có thể đến bệnh viện Da liễu Trung ương hoặc trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng bệnh viện Bạch Mai là những tuyến đầu ngành có những xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán bệnh cho bạn.

Chúc bạn mau khỏe!

Bé trai 5 tháng bị giảm tiểu cầu tự miễn, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Khi được 3 tháng thì tôi phát hiện ra con bị tiểu cầu. Lúc nhập viện tiểu cầu của cháu chỉ có 18.000. Cháu được chẩn đoán là giảm tiểu cầu tự miễn. Sau khi tiêm hàng ngày solu 40mg và Peptan 40mg, tiểu cầu có tăng lên nhưng tăng chậm. Sau đó khi bác sĩ chưa giảm liều mà tiểu cầu của cháu lại tự giảm về mức 20.000. Bác sĩ đã hội chẩn và truyền cho cháu gamma. Sau khi truyền tiểu cầu cháu tăng lên 460.000 và được ra viện, được kê đơn thuốc uống Medrol 16mg tại nhà hàng ngày. Sau 2 tuần từ lúc ra viện tôi có đưa cháu đi kiểm tra và tiểu cầu là 246.000, 3 tuần tiếp theo là 359.000, lúc này bác sĩ cho cháu giảm liều chỉ uống nửa viên Medrol mỗi ngày. Sau 3 tuần khi giảm liều tôi đưa cháu đi kiểm tra lại tiểu cầu của cháu là 383.000. Tôi muốn hỏi có phải bệnh của cháu đang có kết quả khả quan không và có thể khỏi hẳn được không? Khoảng bao lâu nữa thì cháu sẽ không pải dùng thuốc nữa. Và nếu cháu được dừng thuốc thì khả năng tái lại là như thế nào ạ?

Tôi cảm ơn.



Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bệnh giảm tiểu cầu tự miễn ở trẻ nhỏ có thể được chữa trị khỏi hoàn toàn. Bạn cần tuân thủ theo đúng phác đồ chữa trị của bác sĩ chuyên khoa. Tiến triển như tình huống của con bạn là khả quan, bệnh đáp ứng tốt với liều Corticoid, việc quyết định dừng liều chữa trị là do bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bé, không thể giải đáp được.

Nếu dừng liều chữa trị sớm bệnh bùng phát lại thì bệnh sẽ không có khả năng chữa khỏi nữa, sẽ diễn biến trầm trọng và thường xuyên phải chữa trị. Nếu bé được dừng thuốc theo ý kiến của bác sĩ thì khả năng tái lại là ít, sau 6 tháng dừng thuốc không có bệnh tái lại thì có thể an tâm bệnh có thể đã được chữa khỏi.

Tuy nhiên, vì là bệnh tự miễn cho nên có thể vì một ảnh hưởng nào đó mà bệnh được kích hoạt và bệnh lại tái phát như cũ. Trong chế độ ăn của bé cần kiêng những thực phẩm hay gây dị ứng như: hải sản, mực tươi, tôm cua, nhộng tằm…

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Bệnh viêm da cơ tự miễn, uống thuốc có ảnh hưởng thai nhi?


Câu hỏi bởi: Nắng chiều

Cháo bác sĩ.

Năm nay em được 24 tuổi vừa mới lập gia đình, em điểu trị bệnh viêm da cơ tự miễn được 3 năm uống thuốc Medrol. Bây giờ, em đang có bầu 7 tuần. Bác sĩ cho em hỏi người có bầu uống thuốc có tác động gì nghiêm trong đến em bé không? Còn cách nào chữa trị bệnh này mà không uống thuốc tác động đến em bé không ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp.

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Thuốc Medrol là Corticosteroid tổng hợp, có tác dụng chống viêm. Nhưng mặt trái của chữa trị cũng là một vấn đề đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Nguy cơ dị tật bẩm sinh cho phụ nữ dùng Corticosteroid không được biết. Lạm dụng Corticoid trong khi mang thai có thể làm chậm sự phát triển của trẻ sơ sinh sau khi sinh. Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh rằng Corticosteroid gây ra dị tật bẩm sinh. Corticosteroid đi vào sữa mẹ và có thể làm chậm sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Nếu đang cho con bú hoặc kế hoạch mang thai, hãy thảo luận với bác sĩ. Có thể cần thiết để có thể dừng cho con bú trong khi uống thuốc này. Do vậy nếu vì bệnh tật phải chữa trị thì cháu nên giải đáp trực tiếp bác sĩ chữa trị để dùng liều thấp nhất có tác dụng chữa trị và ít tác động đến thai nhi. Vì Corticosteroid có thể kích thích sự thèm ăn và tăng khả năng giữ nước, nên cháu cần ăn nhạt hơn. Corticosteroid có thể làm giảm sức đề kháng bị lây nhiễm và bất kỳ nhiễm trùng nhận được khó chữa trị hơn.

Cháu cần liên hệ với bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như đau họng, sốt, ho, hay hắt hơi. Tránh tiếp xúc gần gũi với bất cứ ai có bệnh thủy đậu hoặc sởi. Cho bác sĩ biết ngay nếu nghĩ rằng đã tiếp xúc với một trong những căn bệnh này. Corticosteroid có thể tác động đến lượng đường trong máu nên cháu cần đi xét nghiệm đường huyết thường xuyên để tránh mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Bệnh đa dây thần kinh sợi nhỏ muốn mổ Femtolasik cần làm xét nghiệm bệnh tự miễn gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Em 22 tuổi, được bác sĩ Nội Thần kinh chẩn đoán bị bệnh đa dây thần kinh sợi nhỏ, bệnh này phức tạp và rất khó hoặc không tìm được nguyên nhân và một trong nguyên nhân có thể là bệnh tự miễn. Em muốn mổ Femtolasik nhưng em không biết nên hay không vì nếu bị tự miễn thì mắt em sẽ khô và em muốn hỏi nếu em mổ thì cần làm xét nghiệm bệnh tự miễn gì (như Lupus, HC Sgiogren), và nếu không bị hai bệnh đó em mổ rồi dùng nước mắt nhân tạo được không? Mong câu trả lời của bác sĩ.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em.

Qua thông tin em cung cấp, em đã đi khám chuyên khoa Thần kinh và có chẩn đoán bị bệnh đa dây thần kinh sợi nhỏ nhưng không rõ tập trung tổn thương ở vùng cơ thể nào (ví dụ: Đa dây thần kinh chi sợi nhỏ,…). Nhìn chung, nhóm bệnh này được xếp vào nhóm vô căn, chưa xác định được rõ nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tự miễn. Chính vì chưa rõ nguyên nhân nên tùy theo từng loại tổn thương, tạng tổn thương và dựa trên khám thực thể mà bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định sử dụng biện pháp can thiệp khác nhau. Trong tình huống không tác động nhiều tới sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày thì thường chữa trị nội khoa (chữa trị bằng thuốc). Do vậy, để có biện pháp chữa trị thích hợp nhất thì em cần khám tại cơ sở y tế chuyên khoa Thần kinh, trong tình huống cần can thiệp tới tạng nào của cơ thể thì cơ sở y tế có thể mời hội chẩn chuyên khoa hoặc chuyển tuyến chuyên khoa can thiệp thích hợp.

Chúc em mạnh khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl