Nồng độ cholesterol và những vấn đề sức khỏe liên quan


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Nồng độ cholesterol là gì? Nó có mối quan hệ nào đến các vấn đề sức khỏe? Những câu hỏi dưới đây phần nào sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.

Xét nghiệm Cholesterol


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Cháu là nam, 19 tuổi. Khoảng 3 tháng trước, cháu đi xét nghiệm hóa sinh máu thì được kết quả Cholesterol sau đây: Cholesterol (tổng): 219 HDL: 65 LDL: 149 Chỉ số LDL của cháu như vậy là cao, và Cholesterol tổng cũng cao.

Sau khi thay đổi lối sống, 3 tháng sau cháu xét nghiệm lại thì kết quả sau: Cholesterol (tổng): 233 HDL: 79 LDL: 135. Chỉ số LDL của cháu đã giảm, nhưng HDL tăng kéo theo Cholesterol tổng cũng tăng. Cháu chỉ nghe nói là LDL xấu và HDL tốt, nếu giảm LDL mà tăng HDL thì lại càng tốt, nhưng như cháu thấy ở trên thì sẽ khiến Cholesterol tổng cao. Cho cháu hỏi: Tình trạng mỡ máu của cháu như vậy là đã đi theo hướng tốt chưa? Nếu LDL giảm, HDL tăng mà làm tăng Cholesterol tổng thì có gây nguy cơ bệnh gì không? Cháu ăn mỡ cá thì có gây tác hại nào đến lượng Cholesterol không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Về chữa trị rối loạn mỡ máu có các phương pháp sau:

Trước hết phải điều chỉnh chế độ ăn trong 2-3 tháng. Không quá vội vã dùng ngay thuốc. Trong nhiều tình huống, chỉ bằng chế độ ăn bệnh lý nhất là với các rối loạn ở mức độ nhẹ và vừa, kết hợp với giảm cân nếu béo thì các trị số Cholesterol, Triglycerid, LDL-C đều giảm rõ rệt.

Chỉ khi chế độ ăn không đủ hiệu lực, cholesterol vẫn >5,8 mmol/l và/hoặc triglycerid >2,3 mmol/l thì mới uống thuốc. Trong khi uống thuốc, vẫn phải duy trì chế độ ăn bệnh lý, 2-3 tháng/1 lần phải xét nghiệm lại các thông số.

Tăng cường hoạt động thể lực: thể dục hoặc thể thao vừa với sức của mình, với những người cao tuổi, nên tập đi bộ, phải tập ít nhất 45 phút/ngày, tập đều hàng ngày hoặc ít nhất 3 lần/tuần, nếu ngừng tập thì những kết quả tốt sẽ mất ngay.

Giảm cân nếu thừa cân: bằng chế độ giảm năng lượng, tăng cường vận động thể lực. Giảm cân sẽ tham gia điều chỉnh có hiệu lực rối loạn lipid máu, làm giảm cholesterol và triglycerid máu. Bình thường cholesterol máu dưới 200 mg%, với mức độ tăng cholesterol của em ở mức độ nhẹ, chữa trị chủ yếu là thay đổi lối sống vào chế độ ăn.

Dựa vào kết quả trong hai lần xét nghiệm của em cho thấy đáp ứng chữa trị của em chưa tốt, khi nồng độ Cholesterol tăng cao sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lí về tim mạch.

Em nên duy trị một chế độ ăn như sau:

Ăn giảm mỡ động vật vì có chứa nhiều acid béo no, các acid béo này làm tăng cholesterol máu.

Tăng dầu thực vật chứa nhiều acid béo không no, ăn cá có nhiều acid béo không no họ omega-3, các acid béo này làm giảm cholesterol máu, em có thể ăn mỡ cá.

Giảm các thức ăn chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật (bồ dục, óc, tim, lòng đỏ trứng, gan…). Giảm các đồ ăn ngọt (bánh ngọt, sôcôla…).

Tăng rau, quả tươi, uống sữa đậu nành.

Hạn chế bia, rượu nhất. Đồng thời kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực, tập thể dục và giảm cân nếu thừa cân.

Chúc em sức khỏe!

Cholesterol 6,3mmol/l có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: HTT-TP.HCM

Thưa bác sĩ!

Tôi không thấy bệnh gì, huyết áp bình thường nhưng vừa rồi đi khám sức khỏe thì phát hiện cholesterol 6,3mmol/l. Mỡ máu cao như vậy có nguy hiểm không, thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Chào bạn!

Chứng mỡ máu cao còn gọi là chứng tăng Lipid huyết mà đặc điểm chủ yếu là thành phần mỡ trong huyết tương cao hơn mức bình thường. Lipid trong máu gồm có Cholesterol, Triglycerid, Phospholipid và Acid béo tự do. 60 đến 70% Lipid huyết là Cholesterol. Như vậy chứng mỡ máu cao chủ yếu là tăng Cholesterol, Triglycerid, Phospholipid. Thường gặp ở người cao tuổi, cholesterol trong máu với tỉ lệ bệnh tim do xơ vữa động mạch có liên quan mật thiết với nhau, cholesterol máu càng cao thì tỉ lệ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim càng cao. Mức cholesterol bình thường dưới 5,2mmol/l. Những người có nồng độ cholesterol máu cao thường là những người béo, bệnh mạch vành, cao huyết áp, tiểu đường, tai biến mạch máu não.

Với kết quả xét nghiệm của bạn cholesterol là 6,3mmol/l nên bạn cũng có nguy cơ cao xơ vữa động mạch. Phòng ngừa: tập thể dục mỗi ngày 30-60 phút, hạn chế đạm, mỡ, đường, không ăn da động vật, ăn nhiều trái cây, rau xanh, ăn lạt hơn bình thường nếu bạn có cao huyết áp, cử rượu bia thuốc lá. Việc điều trị cần có chỉ định của bác sĩ vì vậy bạn nên khám chuyên khoa Nội tổng quát để bác sĩ khám và tư vấn cách dùng thuốc, chế độ ăn uống cho bạn tốt hơn.

Chúc bạn khỏe!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

HDL Cholesterol là gì và HDL Cholesterol 1.73 mmol/L thì có mắc bệnh gì không?


Câu hỏi bởi: Trần Nam

Thưa bác sĩ.

Tôi xét nghiệm tổng quát thì kết quả: HDL Cholesterol 1.73 mmol/L, vượt ngưỡng (1.1- 1.7) mmol/L. Xin hỏi với kết quả xét nghiệm trên thì tôi có mắc bệnh gì không? Nếu có thì cách chữa như thế nào? Và “HDL Cholesterol” là gì?

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn Nam.

Với kết quả xét nghiệm: HDL Cholesterol 1,73 mmol/l là hoàn toàn bình thường và bạn không mắc bệnh gì cả, và không cần chữa trị gì. Chỉ cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp chơi một môn thể thao phù hợp… là tốt rồi.

HDL Cholesterol (hay viết tắt là HDL-C: High densitylipoprotein Cholesterol) là Lipoprotein có tỉ trọng phân tử cao, nói nôm na thì đây là một loại mỡ tốt, khác với LDL-C (là Low densitylipoprotein là cholesterol có tỉ trọng phân tử thấp) và Triglyceride là 2 loại mỡ xấu, giống như ta có bạn tốt và bạn xấu. Như vậy, phải lựa bạn tốt để chơi, có nghĩa là lượng HDL-C càng cao thì càng tốt vì nhiệm vụ chính của HDL-C là chuyên chở Cholesterol thặng dư ra khỏi mô ngoại vi, làm giảm lượng mỡ trong máu, tức giảm được các nguy cơ tim mạch.

Thông thường trong các kết quả xét nghiệm, hay ghi trị số tham chiếu của HDL-C là > 1,7 mmol/l, có nghĩa là càng cao thì càng tốt. Vậy bạn đã yên tâm rồi chứ.

Chúc bạn luôn vui và yêu đời.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Lượng Cholesterol toàn phần cao có tốt không?


Câu hỏi bởi: Huỳnh Châu

Chào bác sĩ.

Em đi xét nghiệm máu ở bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả:

Đường huyết: 103 mg/dl (Chỉ số bình thường: 70- 110)

Triglycerides: 128 mg/dl (Chỉ số bình thường: 35- 160)

Cholesterol: 234 mg/dl (Chỉ số bình thường: 140- 239)

HDL: 75 mg/dl (Chỉ số bình thường: >45)

LDL: 115 mg/dl (Chỉ số bình thường: 90- 150)

Em có thắc mắc:

Tại sao lượng Cholesterol tổng cộng (HDL + LDL) là 190, nhưng kết quả 234? Phần dư ra là gì? Với lại dù lượng HDL cao là tốt, nhưng lượng Cholesterol toàn phần cao có tốt không?

Mong được bác sĩ tư vấn.

Chào bạn Châu.

Công thức tính các thành phần mỡ trong máu không phải như bạn nghĩ là bao gồm 1 tổng của nhiều số hạng… Thường cách tính như sau:

LDL Choles = Cholesterol tp – HDL Choles – Triglyceride/ 2,2 (công thức Friedewald)

Nếu đơn vị đo lường là mmol/L thì công thức này sẽ là:

LDL C = Cholesterol tp – (HDL C + (Triglyceride x 0,37) )

Và như thế lượng HDL cao là tốt, nhưng lượng Cholesterol toàn phần cao không tốt, bạn nhé.

Thân mến!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Chỉ số Triglycerides: 6.19mmol/l. Cholesterol: 5. 50mmol/l thì tình trạng mỡ máu có cao không?


Câu hỏi bởi: Mẹ bầu

Cháu chào các bác sĩ.

Cháu năm nay 25 tuổi, hiện đang có thai được 34 tuần, cháu vừa đi xét nghiệm máu về thì chỉ số Triglycerides: 6.19mmol/l. Cholesterol: 5.50mmol/l. Vậy với kết quả này thì tình trạng mỡ máu của cháu có cao, nguy hiểm không? Có cần điều trị? Chế độ ăn uống hợp lý nhất là gì?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Người bình thường Cholesterol phải dưới 5,2mmol/l và Triglycerid dưới 2,3mmol/l. Trường hợp của bạn có kết quả xét nghiệm trên là cao hơn bình thường, sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn và có thể tác động gián tiếp đến thai nhi. Hiện tại bạn đang có thai nên không thể chữa trị trong lúc này (vì các thuốc chữa trị có nhiều tác dụng phụ và cần thận trọng cho phụ nữ có thai).

Để giảm mỡ máu bạn có thể giảm ăn các loại đồ ngọt, đồ chiên rán, dầu mỡ (giảm chứ không phải là kiêng hẳn, vì chất béo rất cần cho sự phát triển bộ não của thai nhi), ăn nhiều trái cây và rau (cũng nên tránh những trái cây quá ngọt). Khi chế biến thức ăn nên ưu tiên các món luộc, hấp, uống nhiều nước, tập thể dục nhẹ nhàng để mẹ khỏe, con khỏe. Đồng thời bạn cần theo dõi huyết áp để phòng ngừa cao huyết áp do mỡ trong máu cao.

Chúc bạn mẹ tròn con vuông!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl