Thuốc lá và những vấn đề không thể bỏ qua


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Thuốc lá không là thuốc chữa bệnh nhưng lại được tiêu thụ rất lớn ở nước ta hiện nay. Nó có tác dụng hai mặt và những vấn đề mà khá nhiều người thắc mắc đến.

Cách cai thuốc lá


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi. Muốn cai thuốc lá thì em phải làm gì ạ?

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Nghiện thuốc lá là sự phụ thuộc chất nicôtin về mặt tâm lý và nghiện nặng thì phụ cả về mặt cơ thể nữa.

– Phụ thuộc về tâm lý có nghĩa là hút theo thói quen ví dụ ngửi mùi thuốc lá thấy thích và thèm hút, uống nước trà ,cà phê là thích hút thuốc, sau bữa ăn là muốn hút thuốc ….

– Phụ thuộc về mặt cơ thể có nghĩa là nếu đang nghiệm thuốc mà dừng không hút nữa sẽ rất buồn ngủ, hay tăng cân hoặc nôn nao…. Cai nghiện bất cứ loại nghiện gì kể cả cai nghiện ma túy đều do ý trí của con người quyết định sự thành công hay thất bại. Thuốc cai nghiện chỉ là để hỗ trợ cắt cơm nghiện mà thôi. Nếu không quyết tâm và nghị lực thì sử dụng phương pháp cai gì cũng thất bại đó là điều chắc chắn. Cháu phải nhớ rõ rằng muốn cai thuốc lá thì phải có quyết tâm và nghị lực cao. Nếu quyết tâm cao bỏ thuốc luôn dứt khoát không hút một điếu thuốc nào nữa ai mời cũng không hút, sau 1 tuần không hút là cảm thấy bình thường, sự phụ thuộc về tâm lý và phụ thuộc về cơ thể cũng hết. Nhưng phải quyết tâm nếu hút lại 1 điếu thôi thì coi như hoàn toàn vô tác dụng cai nghiện.

Cháu có thể hỗ trợ khi cai nghiện bằng cách nhai kẹo cao su hoặc một số thuốc cai thuốc lá có bán ở các hiệu thuốc. Bác nhắc lại là những cái đó chỉ là hỗ trợ để đỡ thèm còn không quyết tâm thì không có thuốc cai nào giúp cháu thành công được.

Chúc cháu vui khỏe.

Cách bỏ thuốc lá như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Ba cháu năm nay 45 tuổi, hút thuốc lá 30 năm, trung bình mỗi ngày 10 điếu. Hiện ba cháu vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, cháu rất lo lắng cho sức khỏe của ba, nhiều lần khuyên ba bỏ thuốc nhưng ba không chịu bỏ, hoặc bỏ được 1 tuần rồi lại hút lại. Bác sĩ có thể giải đáp cho cháu cách thuyết phục ba bỏ thuốc, bỏ thuốc hiệu quả, không hút lại. Cháu nghe bạn mách cho ba dùng thuốc long đờm để ba thấy đờm đen trong phổi để ba sợ mà bỏ thuốc. Cháu xin hỏi dùng thuốc long đờm như thế có hại gì không và có thực sự khạc ra đờm đen không ạ?

Cháu và gia đình xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Theo tổ chức y tế thế giới thuốc lá giết chết một nửa số người sử dụng nó. Một nửa số này chết ở lứa tuổi trung niên. Trung bình một ngày trên thế giới có 10.000 người chết do sử dụng thuốc lá. Việt Nam là nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất châu Á. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, 10% dân số Việt Nam nghĩa là vào khoảng 7,5 triệu người Việt Nam sẽ chết sớm do hút thuốc lá. Cũng theo ước tính của Tổ chức Sức khỏe Thế Giới, tới năm 2020 số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại. Để thuyết phục bố bỏ thuốc lá tôi nghĩ em nên cho bố xem những thông tin hình ảnh về bệnh tật, hậu quả của việc hút thuốc lá đối với người hút và những người xung quanh đặc biệt chính là vợ con mình khi hít phải khói thuốc lá.

Tuy nhiên việc cai thuốc lá sẽ gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là trong những ngày đầu. Bố bạn có thể áp dụng một số cách sau để hỗ trợ việc cai thuốc lá:

Nhấm nháp nước lạnh có thể giúp thay thế hành vi hút thuốc lá. Nghiên cứu mới cho thấy, nhấm nháp nước lạnh qua một ống hút sẽ kích thích não bộ giải phóng dopamine, một chất tạo cảm giác thoải mái, giúp giảm bớt tâm trạng tiêu cực khi đang cơn thèm thuốc lá.

Tránh rượu bia: Uống rượu là một trong những lý do phổ biến khiến hầu hết những người cai thuốc thất bại. Khi uống rượu, dưới ảnh hưởng của các chất kích thích lên não bộ có thể làm phá vỡ sự kiềm chế, khiến dễ dàng bỏ cam kết cai thuốc lá của mình.

Đến những nơi không có khói thuốc.

Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp vượt qua cơn thèm thuốc một cách dễ dàng. Hoạt động thể chất sẽ khiến phân tâm và không còn để ý đến cơn thèm thuốc lá. Thêm vào đó, nó còn kích thích não bộ và cơ thế sản sinh ra các chất morphin nội sinh, giúp thoải mái hơn, giải tỏa căng thẳng, có thể tham gia vào các câu lạc bộ thể thao hoặc đơn giản là đi bộ.

Khi muốn hút một điếu thuốc lá, hãy đặt một thứ gì khác trong miệng như: Nhai kẹo cao su, kẹo cứng hoặc ăn một món ăn cho đến khi không còn muốn hút thuốc nữa. Hãy chắc chắn luôn có đồ ăn ở bên cạnh khi có cơn thèm thuốc. Nếu lo lắng về việc tăng cân, hãy lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, không đường.

Hạn chế Caffeine: Caffeine giúp tỉnh táo vào buổi sáng hoặc khi mệt mỏi. Tuy nhiên, caffeine có thể làm cho một số người cảm thấy căng thẳng, bồn chồn. Những tác động này có thể tăng lên khi đang trong giai đoạn cai nghiện thuốc lá. Và điều quan trọng nhất là cần phải kiên trì, khi bố bạn vượt qua được hai tuần đầu tiên, bố bạn đã có hy vọng bỏ thuốc thành công.

Việc khạc ra đờm đen là do trong niêm mạc đường hô hấp có xuất huyết chứ không phải do việc sử dụng thuốc long đờm. Vả lại việc sử dụng thuốc long đờm khi không có bệnh có thể tác động không tốt đến sức khỏe, bạn không nên sử dụng cách này.

Chúc bố bạn thành công!

Hút thuốc lá sau khi trị xạ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Chồng em trị xạ u não, sử dụng thuốc sau đợt chữa trị, ngày hút 2 điếu trở lên. Hiện giờ, chồng em có hiện tượng đau đầu, khó thở, tức ngực. Vậy hút thuốc lá sau khi trị xạ có tác động như thế nào đến sức khỏe và có khả năng làm u phát triển không? Trị xạ xong có còn khả năng có con không? Nếu có thì sau bao lâu?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Thuốc lá nhìn chung tác hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Các căn bệnh hàng đầu do thuốc lá gây ra là ung thư: 30% tất cả các lọai ung thư. Ung thư phế quản đứng đầu danh sách kế đến là ung thư các cơ quan khác có thể kể ra là: Thanh quản, vòm hầu, khoang miệng, thực quản, dạy dày, tụy tạng, bàng quang, thận; cổ tử cung và vú ở nữ. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phế quản gấp 15 lần, hầu – thanh quản gấp 10 lần, thực quản gấp 7 lần, khoang miệng và thận gấp 4 lần, bàng quang gấp 3 lần, tụy tạng gấp 2 lần. Người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc ung thư máu, ung thư não cao hơn người bình thường.

Chồng bạn bị ung thư não và đang xạ trị nên chắc chắn là việc hút thuốc lá sẽ gây tác động xấu đến khối u và quá trình chữa trị. Chồng bạn nên sớm ngừng việc hút thuốc để tránh làm cho quá trình điệu trị trở lên xấu đi và có thể gây ra một số bệnh lý nguy hiểm khác tác động đến sức khỏe.

Xạ trị không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư, mà nó cũng có thể gây tổn hại tới các tế bào bình thường, dẫn đến các tác dụng phụ, trong đó có tác động tới sức khỏe sinh sản của bệnh nhân. Tuy nhiên tác động thường chỉ là tạm thời, sau khi xạ trị hầu hết bệnh nhân vẫn có khả năng có con. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân ung thư nên chờ khoảng 2 năm sau khi xạ trị mới nên có con. Điều này sẽ giúp cơ thể không còn bị tác động bởi ung thư và quá trình chữa trị. Do đó, sức khỏe của em bé sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Chúc chồng bạn sức khỏe!

Hút thuốc lá tác động đến tim mạch như thế nào?


Câu hỏi bởi: chimnon

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ: Hút thuốc lá tác động đến tim mạch như thế nào? Tôi đang hút thuốc nhưng muốn bỏ khó quá, có cách nào giúp bỏ thuốc lá không?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Khói thuốc có rất nhiều chất độc như Nicotin, hắc ín, Formaldehyd, cyanid… Hút thuốc lá không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, đột quỵ, ung thư mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng, bệnh lý đường ruột, giảm khả năng tình dục… Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do bệnh lý tim mạch, các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng bạn hút thuốc và thời gian bạn hút thuốc.

Nếu bạn muốn làm cho trái tim mình khỏe mạnh hơn hãy từ bỏ thói quen hút thuốc ngay lập tức. Bỏ thuốc là không hề dễ dàng. Theo thống kê, có 70% người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá nhưng chỉ có 5% số người này thành công. Vậy một số lời khuyên cho bạn khi bạn muốn bỏ thuốc thành công:

• Bạn hãy nói với bác sĩ của bạn về việc bạn muốn bỏ hút thuốc và xin lời khuyên từ bác sĩ.

• Sử dụng Nicotin từ kẹo cao su, thuốc xịt họng để thay thế Nicotin từ thuốc lá. Lưu ý không nên hút thuốc lá khi đang dùng Nicotin thay thế.

• Chọn một ngày đặc biệt để tiến hành bỏ hút thuốc và bạn kiên quyết với bản thân cũng như những người thân của bạn rằng bạn thực sự muốn bỏ thuốc

• Nếu lần đầu tiên bạn chưa bỏ thuốc lá thành công, bạn đừng từ bỏ quyết tâm của mình, nhiều người bỏ thuốc lá sau vài lần cố gắng.

• Hãy thay đổi thói quen hàng ngày, bạn hãy vứt gạt tàn thuốc lá đi, bạn hãy quyét dọn nhà của, giặt quần áo hoặc đi dã ngoại với gia đình, bạn bè.

• 1-3 tuần sau khi bỏ thuốc lá, bạn sẽ thấy bồn chồn, lo âu, khó chịu, khó ngủ, mất ngủ, thèm ăn nhiều, đau đầu… sau đó các biểu hiện đó hết dần.

Chúc bạn bỏ thuốc thành công.

Răng vàng và bị long, đôi khi đau nhức do nghiện thuốc lá, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: con nha ngheo

Chào bác sĩ!

Em là nam, năm nay 21 tuổi. Em nghiện thuốc lá mấy năm nay rồi và em cũng đã đánh răng thường xuyên. Bây giờ em cảm thấy răng của em vàng đi và long ra hết, đôi khi rất đau nhức. Xin bác sĩ cho em biết lý do và cách xử lý?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Nghiện thuốc lá chính là một trong những lí do dẫn đến răng em vàng ố và bị các bệnh răng miệng (răng lung lay dẫn đến rụng). Vì trong thuốc lá có 3 thành phần chính tác động đến khoang miệng là: nicotin, monoxyd de carbon và acid cyanhydrid. Các thành phần này có các tác dụng: co mạch ngoại vi, chậm liền thương, rối loạn chức năng các tế bào đa nhân trung tính, giảm đáp ứng miễn dịch, giảm nồng độ oxygen trong mô, mất thăng bằng hệ vi khuẩn miệng, giảm lưu lượng máu trong xương ổ răng, giảm chất lượng xương, giảm nồng độ kháng thể trong nước bọt và máu…

Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao cho bệnh viêm quanh răng. Người hút thuốc lá nhiều thường có đáp ứng miễn dịch kém, ít kháng thể trong máu. Hút thuốc lá nhiều có thể gây co lợi, mất bám dính, tiêu xương và cuối cùng là mất răng. Bệnh răng miệng khó chữa trị ở những người nghiện thuốc lá. Điều trị các bệnh răng miệng kém hiệu quả: Thuốc lá dường như không tác động trực tiếp lên hệ thống vi khuẩn nha chu mà tác động đến sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Thuốc lá có thể làm giảm các yếu tố kháng thể như IgG, IgA, IgM. Thuốc lá có khả năng làm tổn thương chức năng của các bạch cầu đa nhân trung tính, các cytokin. Các nicotin trong thuốc lá có thể được tích trữ và giải phóng ra bởi các nguyên bào tạo xơ và ức chế sự tăng trưởng của các nguyên bào tạo xơ lợi, do vậy tác động đến khả năng liền sẹo của tổ chức quanh răng, kết quả chữa trị viêm quanh răng cũng kém hơn ở những bệnh nhân có hút thuốc lá. Việc làm giảm độ sâu túi lợi, tái tạo lại bám dính lợi ở các bệnh nhân viêm quanh răng có hút thuốc lá là rất khó khăn.

Ngoài ra nếu ngà bị hở, bề mặt chân răng không đều, nicotin có thể thấm sâu vào bên trong đến tủy răng, do vậy làm nhẵn bề mặt chân răng là hết sức cần thiết đối với các bệnh nhân hút thuốc lá. Vì vậy, việc đầu tiên là em nên bỏ thuốc lá và sau đó đến bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để chữa trị tình trạng viêm quanh răng (răng lung lay). Bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng (làm sạch các mảng bám làm răng em ố vàng và cao răng), uống thuốc kháng sinh toàn thân và tại chỗ cho em, hướng dẫn em cách mát-xa lợi giúp phục hồi tình trạng viêm quanh răng.

Chúc em mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl