Tay-chân-miệng và những nguyên nhân gây bệnh


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Cùng có thêm thông tin về hai loại virus này thông qua những lời khuyên dưới đây của bác sĩ.

Nổi mụn nước khắp người có phải bệnh chân-tay-miệng không?


Câu hỏi bởi: Quang

Chào bác sĩ.

Cháu là nam, năm nay 16 tuổi. Cách đây 10 ngày, chân và đùi cháu nổi nhiều mụn nhỏ ngứa, sau đó vài ngày thì tay cháu cũng nổi mụn ngứa như vậy. Trên ngón tay nổi các mề mụn nước, trên ngón chân cũng nổi mụn nước, sau đó thì kẽ tay nổi các mụn nước lớn. Cháu có đi khám nhưng bác sĩ nói cháu bị viêm da dị ứng và cho thuốc uống. Trong thời gian uống và bôi thuốc thì những chỗ bị nổi vẫn rất ngứa có lặn xuống bớt nhưng sau khi hết thuốc thì lại nổi lại nhiều hơn và rất ngứa. Trên môi cháu nỗi mụn nước nhưng ít và trên ngón tay nổi thêm nhiều mục nước khác. Cháu đang hoang mang không biết có phải bệnh tay chân miệng không? Mong các bác sĩ giúp cháu.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào cháu.

Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Bệnh do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng mụn nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi). Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát (dễ lây qua đồ chơi của trẻ mà không được vệ sinh, sát khuẩn).

Đầu tiên bệnh triệu chứng bằng các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Sau 1-2 ngày có các triệu chứng như:

Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày), sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Sốt nhẹ.

Nôn.

Thời gian này có thể kéo dài từ 3-10 ngày sau đó trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không thấy biến chứng.

Theo như mô tả của cháu thì không phải là cháu bị bệnh tay-chân- miệng mà có thể bị viêm da tiếp xúc dị ứng. Bệnh này có thể do cháu dị ứng với thức ăn, thuốc, hóa chất… và cũng không loại trừ là cháu đã bị bệnh ghẻ. Cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu sớm để được chẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời.

Chúc cháu mau khỏi!

Bé 4 tuổi bị chân tay miệng độ phải làm gì?


Câu hỏi bởi: Thanhvo

Chào bác sĩ!

Con em năm nay 4 tuổi, là bé trai, nặng 29 kg. Mấy hôm qua cháu cứ khóc, cơ thể thì hâm hấp nóng. Tôi cứ nghĩ là cháu bị cảm. Chiều nay đón cháu về nhà thì thấy lòng bàn tay và lòng bàn chân cháu có nổi nhiều đốm đỏ, trên cánh tay và chân có vài mụn nước. Đi khám ở bệnh viện Nhi đồng 2 thì bác sĩ chẩn đoán là cháu bị tay chân miệng độ I. Vậy thưa bác sĩ chúng tôi cần làm gì? Theo dõi bệnh của bé như thế nào? Tay chân miệng độ 1 có nguy hiểm không?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da – niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và khắc phục kịp thời. Các tình huống biến chứng nặng thường do EV 71. Bệnh lây theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chủ yếu từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh. Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

Biểu hiện của bệnh:

Ủ bệnh: 1-3 ngày (1-7 ngày)

Giai đoạn khởi phát: Sau thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, bệnh thường khởi phát với các biểu hiện như sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn, tiêu lỏng vài lần trong ngày, kém linh hoạt.

Giai đoạn toàn phát: Sau 1-2 ngày trẻ sẽ nhanh chóng xuất hiện các biểu hiện điển hình của bệnh với các triệu chứng phát ban ở các vị trí đặc hiệu và loét miệng. Trường hợp nặng với các triệu chứng biến chứng thần kinh và tim mạch.

Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-. mm ở niêm mạc má, lợi, lưỡi.

Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm.

Sốt nhẹ.

Nôn.

Sốt cao, nôn nhiều là dấu hiệu nặng, nguy cơ biến chứng.

Biến chứng thần kinh tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2- ngày 5 của bệnh. Giai đoạn lui bệnh: Sau 7-10 ngày bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.

Trên lâm sàng tay chân miệng được phân độ lâm sàng:

Độ 1: Chỉ loét miệng và/hoặc tổn thương da.

Độ 2: Biến chứng thần kinh hoặc tim mạch mức độ trung bình – 2A: Giật mình ít: Chỉ ghi nhận qua khai thác bệnh sử. –

2B: Giật mình nhiều: ghi nhận được khi khám và ≥ 2 lần/30 phút hoặc giật mình kèm theo 1 trong các dấu hiệu sau:

Run chi liên tục

Đi loạng choạng

Ngủ gà sau khi loại trừ hạ đường huyết

Mạch nhanh > 150 lần/phút (khi trẻ nằm yên và không sốt)

Sốt cao trên 39,5oC (nhiệt độ hậu môn) và không hạ nhiệt sau khi uống thuốc hạ sốt.

Yếu liệt chi

Độ 3: Biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, tim mạch.

Co giật, hôn mê (Glasgow < 10 điểm)

Khó thở: thở nhanh, rút ngực lõm, SpO2 < 92% không oxy

Mạch nhanh > 170 lần/phút hoặc tăng huyết áp

Độ 4: Biến chứng rất nặng, khó hồi phục

Phù phổi cấp

Truỵ mạch

SpO2<92% với oxy qua cannulla 6 lít/phút

Ngưng thở

Điều trị bệnh tay chân miệng: Hiện nay chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Điều trị biểu hiện là chủ yếu, đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân. Theo dõi sát, phát hiện sớm các biến chứng để chữa trị kịp thời.

Qua mô tả của bạn: Con bạn được chẩn đoán tay chân miệng độ 1 thường chỉ chữa trị tại nhà:

Dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Cho trẻ nghỉ ngơi tránh các kích thích, vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Chườm mát khi sốt nhẹ, dùng hạ sốt khi sốt cao theo hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ.

Cho trẻ tái khám mỗi 1-2 ngày trong 7-10 ngày đầu của bệnh.

Nếu trẻ có bất cứ một trong các triệu chứng như sốt cao từ 39 độ C, thở nhanh, giật mình chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, da nổi vân tím, co giật, hôn mê, yếu liệt chi hoặc nhà xa cơ sở y tế không thấy khả năng theo dõi, tái khám thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám và chữa trị kịp thời.

Chúc trẻ mau khỏe.

Bé bị mụn nước ở bắp chân và tay, có phải bé bị bệnh chân tay miệng?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi có 1 con gái 4 tháng tuổi. Hai ngày nay tôi thấy cháu có mụn nước ở phần bắp chân và tay. Vậy con tôi có phải mắc bệnh tay chân miệng không ạ? Điều này có ảnh hưởng gì đến cháu không, thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Chứng mụn nước ở bắp chân và tay có thể do nguyên nhân tiêu hóa không tốt hoặc do côn trùng đốt.

Biểu hiện của chân tay miệng là:

Giai đoạn ủ bệnh là từ 3-7 ngày tiếp đến là giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ mệt mỏi, biếng ăn tiêu chảy vài lần trong ngày.

Sau đó đến giai đoạn toàn phát có thể kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng: loét miệng, phát ban, phỏng nước ở lòng bàn tay bàn chân, xung quanh miệng.

Để biết chính xác bệnh của cháu bạn nên đưa cháu đến bệnh viện, phòng khám Trung tâm y tế để được khám và chẩn đoán xem cháu có phải bị chân tay miệng không còn điều trị kịp thời. Trong thời gian này cháu còn đang bú mẹ hoàn toàn thì mẹ phải ăn uống đủ chất để khi con bú đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cháu.

Trong thời gian cháu bị bệnh bạn nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho cháu. Ngoài ra phải vệ sinh môi trường nhà ở, đồ chơi, chăn màn để bảo vệ sức khỏe cho cháu.

Chúc bạn thành công trong công việc, chăm sóc sức khỏe cho bé.

Bé bị chân tay miệng phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ

Bác sĩ cho em hỏi con em được 2 tuổi cháu bị tay chân miệng thì có phải kiêng ăn đồ tanh và tắm nước lá không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71(EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng được phân độ lâm sàng độ 1, độ 2a, độ 2b, độ 3.

Nguyên tắc chữa trị:

Hiện nay chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, chỉ chữa trị hỗ trợ.

Theo dõi sát, phát hiện sớm và chữa trị biến chứng.

Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng. Hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ 1 đều được theo dõi và chăm sóc tại nhà theo hưỡng dẫn của bác sỹ chữa trị.

Cách ly trẻ đúng cách: để tránh lây lan, người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng.

Giữ vệ sinh cho trẻ: tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày bằng xà phòng và nước sạch (không cần dùng nước lá).

Quần áo, tã lót của trẻ nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2% hoặc luộc sôi trước khi giặt.

Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho trẻ.

Tuyệt đối tránh quan niệm sai lầm như kiêng tắm, kiêng gió, châm chích cho mụn vỡ ra, đây chính là những lí do làm cho bệnh trẻ trầm trọng hơn và là con đường ngắn nhất của tình trạng bội nhiễm vi khuẩn rất nguy hiểm.

Dinh dưỡng cho trẻ bệnh tay chân miệng: Trẻ bị tay chân miệng rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau đớn. Hơn nữa cơ thể sốt, đau họng… khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu và rất hay quấy khác nên dễ sụt cân. Vì vậy khi chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng cha mẹ nên lựa chon thức ăn lỏng, dễ tiêu, mát nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn ngang qua vết loét. Tăng cường vitamin C cho bé thông qua rau xanh, nước hoa quả tươi mát, không cần thiết phải ăn kiêng bất kỳ cái gì.

Theo dõi các dấu hiệu nặng như: trẻ sốt cao trên 390C, giật mình liên tục, run chi, quấy khóc, bứt rứt, co giật thì người nhà đưa trẻ vào bệnh viện ngay.

Bạn thân mến. Qua những thông tin đã cung cấp ở trên có thể giúp cho bạn phần nào cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng. Do đó bạn không cần tắm nước là và kiêng đồ tanh. Bạn có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế để giải đáp cụ thể và chữa trị kịp thời và theo dõi sát.

Chúc bạn và cháu luôn khỏe.

Bé trai 1 tuổi bị nổi mẩn không rõ thủy đậu hay bệnh tay chân miệng?


Câu hỏi bởi: Bảo Lâm

Chào bác sĩ.

Tôi có con trai mới tròn 1 tuổi, 4 hôm nay tự dưng cháu bị nổi những nốt tròn như muỗi đốt, lại còn cứng nữa, lúc đầu nổi ở eo, sau đó lan ra lưng, rồi xuống 2 bên đùi, bên bụng dưới cũng có. Bây giờ những nốt đó còn vỡ ra nước. Cháu không bị sốt. Cách đây 2 tuần, tôi có cho con ăn cháo hến, người thì nói cháu bị dị ứng cháo hến, nhưng trước đây tôi cho con ăn cháo trai và cháo ngao thì không việc gì. Có người lại nói là cháu bị thuỷ đậu. Đi khám thì bác sĩ bảo rằg phải theo dõi vì nghi là bệnh tay chân miệng. Hiện giờ tôi chỉ bôi thuốc xanh Methylen lên những nốt đó chứ chưa dám cho con dùng thuốc gì. Tình hình là như thế, mong bác sĩ tư vấn sớm giúp tôi được biết con tôi bị làm sao và cách chữa trị thế nào? Tôi rất lo lắng.

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em:

Em xem lại những thông tin cung cấp sau đây có phải con em bị thủy đậu hay Tay – Chân – Miệng hay không

1. Bệnh thủy đậu:

Thời kỳ ủ bệnh: 14 ngày (thay đổi từ 10-23 ngày).

Tiền biểu hiện: Tiền triệu thì tuỳ tình huống rõ nhiều hay ít: nhức đầu, khó ở, sổ mũi, đau mình ở trẻ em tiền triệu nhẹ hoặc không thấy, ở người lớn thường rõ hơn.

Giai đoạn toàn phát: Sau 24-36h khi có tiền triệu xuất hiện sốt vừa phải và phát ban.

Vị trí, phân bố: Tổn thương ban đầu mọc ở đầu và mặt, sau đó lan ra thân mình và các chi. Mọc nhiều ở vùng ít tỳ ép như: vùng liên bả, bên sườn, nách, kheo, có khi dầy đặc ở mặt và thân mình, ít hơn ở các chi. Bàn chân và bàn tay hiếm khi bị.

Ngoại ban ban đầu dạng vết chấm, sẩn (thường không quan sát thấy), có khi là sẩn phù và nhanh chóng thành mun nước(trong 24-48h), mụn nước như ‘giọt nước’ hoặc ‘giọt sương’ trên cánh hoa hồng, nông, thành mỏng, có quầng viêm đỏ xung quanh. Thường kèm theo có ngứa.

Mụn nước chứa dịch màu vàng nhạt, trở nên lõm rốn và nhanh chóng trở thành mụn mủ, màu mủ trắng mịn, và thành vẩy tiết màu đỏ nâu trong vòng 8-12h. Vẩy tiết rụng sau 1-3 tuần, khỏi để lại vết hồng, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn.

Tính chất nhiều lứa tuổi: Vì phát ban rải ra thành những đợt liên tiếp người ta thấy cùng một lúc đồng thời có tất cả các thành phần của ban có lứa tuổi khác nhau: sẩn, mụn nước, mụn mủ, vẩy tiết (dấu hiệu đặc trưng).

Niêm mạc: Có mụn nước (thường không quan sát được), tiếp sau là trợt nông (2-3mm) thường gặp nhất ở vòm khẩu cái nhưng cũng có khi xuất hiện ở niêm mạc mũi, màng tiếp hợp, hầu họng, thanh quản, khí quản, đường tiêu hoá, đường tiết niệu, âm đạo, ban gây vết trợt khó chịu, mất đi trong 6 – 8 ngày.

Toàn thân: sốt nhẹ. mệt mỏi nhẹ. Nếu bội nhiễm có hạch sưng.

2. Bệnh Tay – Chân – Miệng

Thời kỳ ủ bệnh: 3 – 6 ngày. Tiền biểu hiện: 12 – 24h sốt nhẹ (38 – 39 độ C), gai rét, đau bụng, biểu hiện viêm đường hô hấp trên. Thường có từ 5 – 10 vết loét ở niêm mạc miệng, đau làm cho trẻ kém ăn. Một vài đến 100 tổn thương da xuất hiện cùng lúc hoặc ngay sau tổn thương miệng, có thể đau hoặc không. Tổn thương da: Niêm mạc: trợt niêm mạc miệng, thường xuất hiện nhiều nhất ở vòm cứng, lưỡi và niêm mạc miệng. Thương tổn ban đầu là rát đỏ hoặc sẩn đỏ, kích thước 2-8 mm sau đó thành mụn nước mềm, thành mỏng dễ vỡ, màu xám, xung quanh có quầng đỏ.

Giai đoạn mụn nước ngắn hiếm khi nhìn thấy, mụn nước vỡ để lại vết chợt nông có quầng đỏ xung quanh, nhiều thương tổn nhỏ có thể liên kết thành thương tổn lớn.

Vị trí thường gặp ở bàn tay, bàn chân; hiếm gặp ở gốc chi, mông, sinh dục. Ban đầu là những sẩn hoặc dát 2-8mm, nhanh chóng trở thành mụn nước.

Tổn thương ở lòng bàn tay, lòng bàn chân thường không vỡ; ở những vị trí khác mụn nước có thể vỡ để lại vết trợt, vảy tiết. Tổn thương lành không để lại sẹo.

Tổn thương niêm mạc miệng: dát, mụn nước, vết loét nhỏ 5-10 mm, xung quanh có quầng viêm đỏ, đau.

Vị trí: Vòm miệng cứng, lưỡi, niêm mạc má. Triệu chứng toàn thân: sốt nhẹ, gai rét, đau họng. Ngoài ra, có thể sốt cao, mệt mỏi, nôn, ỉa chảy, đau khớp.

Nhiễm Enterovirus 71 có thể có CNS (viêm màng não nước trong, viêm não, viêm não màng não, liệt mềm), biểu hiện phổi.

Theo thông tin em cung cấp con em không mắc phải 2 bệnh trên. Trong bệnh cảnh như vậy cháu có thể bị viêm da do liên cầu khuẩn, em bôi dung dịch xanh Methylen là đúng. Nếu cháu có kèm theo sốt thì phải tới bác sĩ Nhi – Nhiễm để kiểm tra lại.

Chúc em nuôi con mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.