Lao ruột và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Lao ruột có hai loại, thường gặp là lao ruột thứ phát sau lao phổi, lao thực quản, lao họng hầu, lao màng bụng. Những thông tin sau sẽ giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này.

Cách nhận biết bệnh lao, đau ruột thừa?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Xin chào bác sĩ.

Em tên là Sơn, năm nay em 24 tuổi cao 1m69 nặng 49kg. Bác sĩ cho em biết cách nào để nhận biết bệnh lao không? Và thỉnh thoảng em thấy đau bụng bên phải gần xương sườn đôi lúc đau không thở được. Xin hỏi bác sĩ có phải em bị đau ruột thừa không? Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em cao 1m69 nặng 49 kg. Chỉ số BMI của em là 17.16 (người có chỉ số BMI bình thường từ 18,5 đến 25). Em bị thiếu cân, gầy. Em cần ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, chữa trị các bệnh mạn tính nếu có để nâng cao thể trạng.

Bệnh lao do trực khuẩn lao gây nên. Trên người trực khuẩn lao gây nên rất nhiều tổn thương như: Lao phổi, lao ruột, lao xương, viêm não, màng não do lao. Trong đó, lao phổi là phổ biến hơn cả và tỷ lệ mắc cũng nhiều hơn. Em không nêu chi tiết về thể lao nào, do vậy chúng tôi xin cung cấp cho em một só dấu hiệu, biểu hiện của bệnh lao phổi, do lao phổi là bệnh lao hay gặp nhất trong số các bệnh lao nêu trên.

Bệnh lao phổi thường có các dấu hiệu sau đây chỉ điểm: Các biểu hiện toàn thân: Sôt kéo dài, thường sốt nhẹ hoặc sốt vừa từ 37- 38 độ C, người mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân, có triệu chúng ra mồ hôi trộm, kèm theo có thể có biểu hiện da xanh, thiếu máu.

Các biểu hiện về cơ quan hô hấp: Ho khan, hoặc ho có đờm. Ho khan có thể kéo dài hàng tháng mà người bệnh không để ý. Nếu người bệnh có biểu hiện ho khan kéo dài và biểu hiện sốt nhẹ về chiều, tối trên 2 tuần thì nên tiến hành chụp phổi để xác định và chẩn đoán.

Đôi khi bạn thấy đau bên phải gần xương sườn, đôi khi đau không thở được. Theo chúng tôi, tính chất đau như bạn mô tả không phải là biểu hiện của viêm ruột thừa (viêm ruột thừa đau âm ỉ, liên tục, tăng dần, đau lúc đầu ở vùng xung quanh rốn và sau đó khu trú về hố chậu phải, nếu không được chữa trị ruột thừa viêm sẽ vỡ hoặc trở thành đám quánh ruột thừa). Do đó, khi có đau bụng em nên đi khám bác sĩ để tìm lí do và chữa trị.

Chúc em sức khỏe !

ho, tức ngực phải, đờm không có máu, hay sốt


Câu hỏi bởi: trung

Em chào bác sĩ!

Em bị ho và đau tức ngực phải, có đờm nhưng không thấy máu, hay sốt. Trong khi đó bố em cũng bị lão phổi và chữa trị hết cách đây 3 năm, cho em hỏi là em bị truyền nhiễm từ những vật dụng trong gia đình hay là tự phát bệnh vậy bác sĩ? Bệnh có truyền qua đường ăn uống không?

Em cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Bệnh lao phổi lây qua đường hô hấp, trực khuẩn lao tồn tại khá lâu dài trong môi trường không khí bên ngoài do đó trong thời gian bố em bị bệnh chưa chữa trị khỏi, trong gia đình cách ly không tốt thì em có thể lây nhiễm trực khuẩn lao. Bệnh lao phổi không lây qua đường tiêu hóa, nhưng trực khuẩn lao có thể vào đường tiêu hóa qua con đường ăn uống và gây nên bệnh lao ruột tiên phát. Triệu chứng ho, đau tức ngực, có đờm, và sốt có thể gặp do viêm phế quản, lao phổi…v.v. Viêm phế quản có thể do em bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường bên ngoài, môi trường xung quanh. Khuyên em đi khám bác sĩ và chụp phổi kiểm tra, chẩn đoán và chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe.

Đau bụng giữa rốn có phải viêm co thắt đường ruột?


Câu hỏi bởi: Triệu Thị Thủy

Thưa bác sĩ!

Cháu năm nay 13 tuổi. Cháu đã bị đau bụng giữa rốn 10 ngày nay, cháu đã đi khám bác sĩ và dùng thuốc theo đơn mà không khỏi. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm co thắt đường ruột. Vậy xin bác cho cháu biết cháu bị làm sao?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Trường hợp đau ở vị trí quanh rốn thường là có các tổn thương: phúc mạc, ruột non, động tĩnh mạch chủ bụng, thận, niệu quản. Cơn đau bụng có thể xuất hiện đột ngột, dữ dội, liên tục hoặc từng cơn: ngộ độc thức ăn, tắc ruột, thủng ruột, phình tắc động mạch chủ, sỏi niệu quản, viêm phúc mạc, viêm ruột, viêm túi thừa mecken, viêm hạch mạc treo… Có khi cơn đau bụng mạn tính, kéo dài dai dẳng hoặc tái đi tái lại nhiều lần: giun sán, lao ruột, u ruột, viêm mạn tính, hội chứng ruột kích thích…

Trường hợp của cháu được chẩn đoán là co thắt đường ruột. Nếu đúng là bệnh này thì bên cạnh việc dùng thuốc theo đơn bác sĩ, cháu cần tránh tâm trạng lo âu, căng thẳng, điều chỉnh chế độ học hành, nghỉ ngơi thì bệnh sẽ đỡ dần. Cháu cần kiên trì chữa trị theo đơn của bác sĩ vì cháu mới dùng thuốc vài ngày thì chưa thể khỏi được. Nếu sau một thời gian dùng thuốc theo chỉ định không đỡ cháu cần đi khám lại tìm hướng chữa trị khác.

Chúc cháu sớm khỏi bệnh!

Bệnh lao đường tiết niệu sinh dục có lây qua đường tình dục không?


Câu hỏi bởi: tuấn

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi, bệnh lao đường tiết niệu sinh dục có lây qua đường tình dục không? Em quan hệ không an toàn sau đó bị viêm tinh hoàn, đã làm nhiều xét nghiệm nhưng không tìm được vi khuẩn. Biểu hiện của em có thể bị lao không? Nếu em muốn xét nghiệm lao thì cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán chính xác nhất và em cần đi khám ở bệnh viện nào ở Hà Nội?

Cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn.

Vi khuẩn lao lây truyền từ người này sang người khác chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với những người bị lao phổi. Những người bị các bệnh lao ngoài phổi (lao màng phổi, lao hạch, lao ruột, lao xương, lao sinh dục, lao màng não,…) thường có tổn thương lao tiên phát ở phổi từ trước đó mà có thể được phát hiện hoặc không. Còn vi khuẩn lao lây truyền qua một số đường khác: Đường tiêu hóa, đường sinh dục,… rất hiếm gặp. Trường hợp của bạn bị viêm tinh hoàn, có thể có nhiều nguyên nhân gây nên mà lao tinh hoàn cũng chỉ là một trong số những nguyên nhân đó. Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa Nam học để bác sĩ chuyên khoa trực tiếp khám và tìm nguyên nhân để chữa trị cho bạn. Nếu bạn đang ở Hà Nội thì bạn có thể đến khám tại phòng khám Nam học của bệnh viện Việt Đức hoặc của bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Ho kéo dài, đau ngực có phải lao tái phát?


Câu hỏi bởi: Trần Ngọc

Chào bác sĩ!

Năm nay con 18 tuổi và là nữ. Hơn 1 năm trước con được chữa trị bệnh lao 8 tháng theo phác đồ và xét nghiệm lại thì không còn vi khuẩn lao. Khoảng 4 tháng trước con thường đi tắm hồ bơi và bị ho kéo dài hơn 1 tuần. Nhưng bác sĩ khám cho con thì nói là do phổi yếu nên con bị trúng nước thôi chứ không phải do lao tái phát, có người chỉ con đi xét nghiệm máu để tìm vi khuẩn lao thì cũng không có. Nhưng hiện giờ con hay cảm thấy nhói ngực chỗ vết thương cũ, con không ho và không sốt nhưng cân nặng thì vẫn không thể tăng. Bác sĩ cho con hỏi trường hợp của con có phải lao tái phát không ạ? Con rất lo nhưng sợ nói ra thì bố mẹ lại lo nhiều hơn, nên con muốn hỏi bác sĩ để chắc chắn về biểu hiện của mình. Mong được hồi âm.

Con cảm ơn rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Triệu chứng ho không chỉ gặp trong bệnh lao phổi mà còn có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác như: viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,… Triệu chứng ho trong bệnh lao phổi thường là ho dai dẳng, kéo dài trên 2 tuần, có thể kèm theo sốt nhẹ về chiều. Như vậy, nếu bạn ho kéo dài trên 2 tuần, có sốt nhẹ về chiều thì bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra xét nghiệm tìm vi khuẩn lao cho bạn. Xét nghiệm máu không được dùng để chẩn đoán bệnh lao. Nếu nghi ngờ lao phổi thì cần phải lấy bệnh phẩm đờm để làm xét nghiệm tìm vi khuẩn lao, chứ không phải là lấy máu. Ngoài bệnh lao phổi, còn có các bệnh lao ngoài phổi (lao màng phổi, lao ruột, lao hạch, lao màng não), tùy từng vị trí tổn thương mà có những bệnh phẩm khác nhau để xét nghiệm lao.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl