Lưu ý cần biết về hiện tượng liên quan đến dây chằng chéo sau


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Dây chằng chéo sau có thể gặp phải các vấn đề như đứt, co giãn bất thường. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan với bộ phận này.

Điều trị khi bị rách dây chằng chéo sau?


Câu hỏi bởi: phuong tran

Thưa bác sĩ.

Em bị tai nạn giao thông cách đây 10 ngày. Lúc ngã em bị chống đầu gối xuống đất. Bây giờ mỗi khi gấp chân lại em thấy rất khó. Em có đi chụp cộng hưởng từ thì được chuẩn đoán là bị rách dây chằng chéo sau. Vậy bây giờ em phải chữa trị như thế nào. Xin bác sĩ cho em một lời khuyên.

Em cảm ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Dây chằng chéo sau nằm ở phía sau đầu gối, giữ cho xương chày không di chuyển lệch ra phía sau. Dây chằng chéo sau giữ cho xương chày không đi chuyển động quá xa ra đằng sau. Dây chằng chéo sau khỏe hơn dây chằng chéo trước và thường ít bị thương hơn.

Bạn không nêu mức độ rách dây chằng chéo sau hoàn toàn hay một phần, nên không giải đáp cụ thể, chấn thương này được phân thành 3 mức:

Mức 1: Dây chằng bị kéo dãn ra một chút nhưng vẫn giữ cho khớp đầu gối cân bằng. Mức 2: Kéo dãn dây chằng đến điểm dây chằng bị lỏng. Còn được gọi là rách một phần dây chằng. Mức 3: Gọi là rách toàn phần dây chằng. Dây chằng bị chia làm 2 nửa và khớp đầu gối thất thường. Rách dây chằng chéo sau thường là chỉ rách một phần và có thể tự chữa lành, vì dây chằng chéo sau rất dày. Những người bị rách dây chằng chéo sau thường có thể chơi thể thao trở lại mà không gặp bất cứ vấn đề gì về sự ổn định của đầu gối.

Về chữa trị, cũng vì bạn không cung cấp cụ thể mức độ tổn thương nên chỉ giải đáp mang tính chung như sau:

Điều trị không phẫu thuật: Phương pháp RICE. Khi bạn mới bị chấn thương, phương pháp RICE – nghỉ ngơi (rest), chườm lạnh (ice), băng ép nhẹ (gentle compression) và nâng chân (elevation) – có thể giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn. Cố định: Có thể sử dụng khung nhựa hỗ trợ để hạn chế chuyển động đầu gối. Khi đi lại sử dụng nạng để tránh đặt trọng lượng cơ thể lên cẳng chân. Vật lý trị liệu: Khi vết sưng xẹp xuống, một chương trình phục hồi chức năng được khởi động. Các bài tập cụ thể sẽ giúp đầu gối phục hồi chức năng và tăng lực cho cơ chân để hỗ trợ đầu gối. Tăng cường sức mạnh cơ phía trước cơ tứ đầu là yếu tố chủ chốt trong quá trình hồi phục thành công. Điều trị bằng phẫu thuật: Chỉ định phẫu thuật nếu đầu gối của bạn bị di lệch và nhiều dây chằng bị rách bao gồm cả dây chằng chéo sau. Khâu các đầu xa dây chằng lại với nhau thường không thành công, dây chằng chéo sau bị rách phải được tái tạo. Thường phải mất vài tháng để mô ghép liền vào xương và kỹ thuật tái tạo phức tạp hơn tái tạo dây chằng chéo trước. Phục hồi chức năng: Phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chức năng khớp trở như trước. Chương trình vật lý trị liệu sẽ giúp bạn hồi phục sức mạnh và vận động của đầu gối. Nếu bạn phải phẫu thuật, vật lý trị liệu sẽ bắt đầu từ 1 đến 4 tuần sau phẫu thuật.

Thời gian hồi phục chấn thương dây chằng chéo sau sẽ tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của chấn thương. Các chấn thương phức hợp thường hồi phục lâu hơn, nhưng hầu hết các bệnh nhân đều hồi phục dần dần. Thời gian hồi phục hoàn toàn thường kéo dài 6 đến 12 tháng.

Chúc bạn mạnh khỏe

Chấn thương đứt dây chằng chéo sau khớp gối


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sỹ, em được bệnh viện 103 chẩn đoán là đứt dây chằng chéo sau hồi tháng 4, nhưng vừa rồi em ra viện 198 bca ( em là công an ) khám thì có trục trặc nên các bác sỹ ở đây bảo là trường hợp của em chưa phải phẫu thuật mà về tập vật lý trị liệu ba tháng sau quay lại hội chẩn tiếp. Vậy cho em hỏi là chấn thương của em chưa phẫu thuật mà tập vật lý trị liệu thì có an toàn không ạ

Bác sĩ Vương Hữu Định


Chào bạn.

Đứt dây chằng chéo sau của khớp gối tương đối hiếm gặp, và ít ảnh hưởng đến hoạt động thông thường. Do đó, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau cũng ít đặt ra, trừ trường hợp bạn có những tổn thương phối hợp hay lỏng gối. Việc tập vật lý trị liêu thật sự cần thiết trước cũng như sau phẫu thuật, vì việc này giúp cho gối của bạn phục hồi tốt hơn, tránh teo những cơ chung quanh gối, tránh được hạn chế vận động sau này của gối của bạn.

Chúc bạn sức khỏe!

Cách hồi phục sau khi bị đứt dây chằng chéo sau?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Tôi năm nay 34 tuổi cách đây 2 năm có chơi thể thao và bị té (gập gối) sau đó đầu gối rất đau. Tôi có đi khám và chụp X-quang (Bác sĩ tư nhân) nói bị đứt dây chằn chéo sau, phải phẩu thuật nhưng do chưa đủ tiền để nên chưa phẩu thuật. Hiện tại tôi đi đứng bình thường riêng xoay khớp gối, hoặc dũi chân (động tác hơi khó 1 tí) thì bị trật khớp, khi đó phải lắc lắc chân thì khớp mới trở lại bình thường. Vậy cho tôi hỏi: trường hợp của tôi có phải là đứt dây chằn chéo sau không (tôi chưa chụp MRI)? Nếu đứt phải phẩu thuật thì chi phí khoảng bao nhiêu và nên phẩu thuật ở bệnh viện nào (tôi đang sống ở Quảng Ngãi).

Chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Dây chằng chéo sau là một dây chằng khỏe, dày hơn dây chằng chéo trước. Cấu trúc của nó bao gồm hai bó sợi chạy từ trước ra sau bám ở diện sau gai trên mâm chày và ở mặt sau ngoài của lồi cầu trong. Giống như tất cả các dây chằng, dây chằng chéo sau có nhiệm vụ làm vững gối.

Vai trò của nó ngược lại với dây chằng chéo trước: chống lại di lệch ra sau của xương chày so với xương đùi. Dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau đều giữ cho vững khớp gối, nhưng có một số điểm khác nhau:

Đứt dây chằng chéo trước tổn thương không bao giờ hồi phục mà hậu quả của nó (lỏng gối) ngày càng tăng dần và có thể dần làm tổn thương thêm các bộ phận khác của gối mặc dù không thấy chấn thương nữa. Đứt dây chằng chéo sau có thể tự hồi phục. Đứt dây chằng chéo sau ở mức độ vừa phải (không kèm theo tổn thương các cấu trúc hỗ trợ), mức độ lỏng gối trên lâm sàng vừa phải, thang điểm chức năng khớp gối còn tốt thì có thể không cần can thiệp phẫu thuật mà chỉ cần luyện tập để làm khỏe các khối cơ, gân phía sau để hỗ trợ thêm cho dây chằng là có thể đạt được yêu cầu. Đứt dây chằng chéo trước bắt buộc phải phẫu thuật tái tạo dây chằng. Đứt dây chằng chéo trước có kỹ thuật mổ nội soi tái tạo dây chằng lấy từ gân bánh chè. Kỹ thuật này hiện nay được chuyển giao và thực hiện tốt tại một số bệnh viện tuyến tỉnh. Kỹ thuật tạo hình dây chằng chéo sau chặt chẽ và phức tạp hơn dây chằng chéo trước và phải tiến hành ở trung tâm ngoại khoa kỹ thuật cao.

Biểu hiện như bạn mô tả thì có nhiều khả năng bạn bị đứt dây chằng chéo sau. Để khẳng định vấn đề này cần chụp MRI khớp gối, xác định chính xác mức độ chấn thương và tác động của nó thì mới có quyết định phẫu thuật hay tập luyện xử lý. Nếu bạn quyết định mổ thì nên đến Bệnh viện Trung ương Huế.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Điều trị đứt 1/3 dây chằng chéo sau,và rách sụn chêm ngoài


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sỹ ,tôi năm nay 36 t ,tôi có chơi thể thao phong trào tôi bị đau gối phải đã lâu mà ko khỏi ,sau khi đi chup phim mia kết quả bị đứt 1/3 dây chằng chéo sau,và rách sụn chêm ngoài, tôi rất yêu thể thao bác sỹ cho tôi biết cách giải quyết tối nhất cho trường hợp của tôi ,xin chân thành cảm ơn

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn bị hai chấn thương ở cùng một khớp gối, nhưng lại có sự khác nhau về quan điểm sử lý của từng chấn thương đó

1, Về chấn thương rách sụn chêm:

Khớp gối có 2 sụn chêm: Sụn chêm trong (nằm phía trong) và sụn chêm ngoài (nằm phía ngoài), có tác dụng như một miếng đệm, làm cho đầu gối vững chắc và giảm sốc. Sụn chêm có thể bị rách do chấn thương vùng gối hay có thể rách thoái hoá ở người lớn tuổi.

Rách (vỡ) sụn chêm không gây đau gối dữ dội, chỉ thấy đau tức trong gối theo một tư thế nào đó khi gối co duỗi hoặc nghiêng sang trái, phải. Bệnh nhân đang đi có thể bị khuỵ chân và té. Triệu chứng này xuất hiện một hay nhiều lần với tần suất xảy ra khác nhau. Cơ tứ đầu đùi bị teo.

Bệnh nhân bị rách sụn chêm, nếu đau giảm đi, không cản trở tới cuộc sống hàng ngày thì chỉ cần điều trị nội khoa (giảm đau, chống viêm) và tập vật lý trị liệu. Điều trị nội khoa có hiệu quả giảm đau và cho phép mổ muộn hơn hay tránh phải mổ. Hầu hết rách sụn chêm không thể tự lành, nhưng triệu chứng của rách sụn chêm có thể giảm hay biến mất. Với bệnh nhân còn trẻ, miếng sụn rách lớn, vùng rách nằm ở vùng có máu nuôi, bệnh trở nên nặng, cản trở cuộc sống và giảm hoạt động, đặc biệt là chơi thể thao… hoặc với bệnh nhân lớn tuổi, miếng rách lâu đã hư hay nằm ở vùng không có máu nuôi, khi đó cần phẫu thuật nội soi khớp gối. Nội soi này có ưu điểm tuyệt đối so với mổ mở trong phẫu thuật cắt hay khâu sụn chêm. Tuỳ theo vị trí rách sụn chêm, phần sụn chêm bị rách sẽ được khâu lại hay lấy đi.

2, Về chấn thương đứt dây chằng chéo sau:

Dây chằng chéo sau nằm ở trung tâm khớp gối (nó là một thành phần của trục giữa “pivot central”). Nằm tại khoang gian lồi cầu xương đùi, chính giữa của gối. Nằm ngay phía sau của dây chằng chéo trước . Hai dây chằng này bắt chéo nhau, khi xương chày chuyển động xoay vào phía trong , chúng sẽ căng ra và cuốn vào nhau. Dây chằng chéo sau là một dây chằng khoẻ, dầy hơn dây chằng chéo trước. Cấu trúc của nó bao gồm hai bó sợi chạy từ trước ra sau bám ở diện sau gai trên mâm chày và ở mặt sau ngoài của lồi cầu trong.
Vai trò của dây chằng chéo sau ngược lại với dây chằng chéo trước: chống lại di lệch ra sau của xương chày so với xương đùi.
Đứt dây chằng chéo sau hiếm gặp. Nó là kết quả của chấn thương mạnh đôi khi xảy ra ở vận động viên thể thao, nhưng thông thường là do tai nạn giao thông, do chấn thương trực tiếp đập vào mặt trước của cẳng chân. Nó có thể có các thương tổn phối hợp đặc biệt là gẫy xương ở chi dưới, phẫu thuật để sửa lại dây chằng chéo sau rất ít được chỉ định.
Nếu tổn thương dây chằng chéo sau mà có ảnh hưởng đến vận động, sinh hoạt thì có thể phải cân nhắc điều trị. Tuy nhiên, chỉ định và kỹ thuật tạo hình dây chằng chéo sau chặt chẽ và phức tạp hơn dây chằng chéo trước, do đó, bệnh nhân nên được tư vấn trực tiếp và kỹ càng bởi bác sĩ chuyên khoa xương khớp.

Như vậy bạn sau chấn thương đã lâu không khỏi, thì bạn nên chọn giải pháp phẫu thuật nội soi khâu lại sụn chêm hoặc cắt bỏ phần bị rách. Còn đứt dây chằng chéo sau có thể không cần phẫu thuật nếu mức độ mất chức năng khớp gối (dấu hiệu ngăn kéo sau) không rõ ràng.
Sau phẫu thuật cần kết hợp tập vật lý trị liệu trong thời gian ngắn nhằm giúp vết thương mau lành, lấy lại sự vận động khớp gối, lấy lại sức mạnh của khớp gối, giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt hay chơi thể thao như trước.

Hầu hết bệnh nhân có thể trở lại công việc bình thường từ 2-6 tuần sau phẫu thuật. Với bệnh nhân được khâu lại sụn chêm được giới hạn gấp tối đa của khớp gối là 90 độ và không được ngồi xổm từ 4-6 tuần. Phẫu thuật khâu sụn chêm đã trở thành phẫu thuật thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Thời gian bệnh nhân được phép chơi thể thao trở lại phụ thuộc vào thương tổn sụn chêm và hướng điều trị. Thông thường 6 tháng sau mới chơi lại thể thao được (tuỳ vào vị trí, hình thái tổn thương).

Chúc bạn mau lành bệnh

Bị tổn thương dây chằng chéo sau khớp gối, có mổ được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi: Cách đây 7 năm em bị ngã và bị tổn thương dây chằng chéo sau khớp gối từ đó gối trái bị yếu đi và không chạy nhảy được nữa (vẫn đi bộ được bình thường) và bây giờ gối trái có hiện tượng thoái hóa khớp gối nhẹ. Em muốn đi mổ liệu có được không ạ. Em nên khám ở đâu thì tốt. Em ở Lạng Sơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bạn nên đi khám bệnh ở Bệnh viện Việt Đức, khoa xương khớp để có thể được phẫu thuật sớm khi chưa có tổn thương nặng nề hơn nữa tại khớp bị chấn thương.

Chúc bạn mau lành bệnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl