Điều trị bệnh mất ngủ như thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Chứng mất ngủ kéo dài triền miên khiến bạn không thể nào có một sức khỏe ổn định? Làm sao để điều trị chứng mất ngủ một cách hiệu quả nhanh chóng và an toàn nhất? Những câu trả lời của các bác sĩ uy tín dưới đây sẽ giúp bạn tìm được phương pháp điều trị tốt nhất.

Bị mất ngủ chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay mới 19 tuổi mà tôi đã bị mất ngủ. Trước đây thường 12-1 giờ đêm là tôi ngủ được. Ngủ được đến 10-11 giờ trưa. Nhưng hơn một tháng rồi tôi không ngủ được, đêm nào tôi cũng đi ngủ sớm từ 11h nhưng nằm mãi đến sáng vẫn không ngủ say được. Có những hôm nằm đến sáng vẫn không ngủ say tôi đã cố thức đến tối luôn không ngủ ngày nữa để tối xem có ngủ được không. Tôi đã thức như thế nhưng tối hôm sau vẫn không ngủ được, có những lúc vài ngày thức như thế. Và tôi rất khó đi vào giấc ngủ. Ngủ không sâu giấc. Dễ tỉnh giấc và rất mệt mỏi, mỗi khi tôi ngủ được. Chỉ ngủ được say 1-2 tiếng. Xin bác sĩ cho tôi biết tôi bị bệnh gì và cho tôi biết cách chữa trị. Và mất ngủ như vậy có thể gây ra những bệnh gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có nhiều lí do rối loạn giấc ngủ:

1. Yếu tố bên ngoài: Căng thẳng trong công việc hoặc tài chính, xung đột với người xung quanh, sự cố lớn trong cuộc sống, mệt mỏi do công việc hoặc làm việc theo ca kíp.

2. Mắc các bệnh nội khoa:

Tim mạch: Mạch vành, loạn nhịp tim, suy tim.

Hô hấp: Hen phế quản, ngưng thở khi ngủ đau mãn tính.

Bệnh nội tiết: Đái tháo đường, cường giáp.

Tiêu hóa: Viêm – loét dạ dày, viêm dạ dày – thực quản trào ngược.

Thần kinh: Parkinson, động kinh.

Phụ nữ đang mang thai.

Tâm thần kinh: Rối loạn tính cách (trầm cảm, loạn thần), rối loạn lo âu, hội chứng cai thuốc, rượu.

3. Mất ngủ do sử dụng một số thuốc: Chống động kinh, hạ huyết áp nhóm ức chế giao cảm, lợi tiểu hoặc nhóm Steroid, thuốc hưng phấn thần kinh.

Để chữa trị rối loạn giấc ngủ trước tiên cần áp dụng phương pháp vệ sinh tâm lý giấc ngủ như tạo thói quen thức ngủ đúng giờ, tránh uống thuốc và các chất có thể kích thích thần kinh trung ương, tránh các căng thẳng tâm lý, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý, hài hoà tránh quá mức, trước khi đi ngủ dùng các phương pháp gây êm dịu cổ truyền như: bấm huyệt, xoa bóp, tắm nước ấm… Ngoài ra có thể áp dụng các liệu pháp tâm lý (cần có sự hỗ trợ của các nhà tâm lý, thầy thuốc) như thư giãn, luyện tập, âm nhạc,…

Chỉ sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ khi các phương pháp trên không có hiệu quả. Khi sử dụng phải có sự chỉ định của thầy thuốc. Không nên tự ý uống thuốc ngủ vì có thể có tác dụng phụ hoặc lệ thuộc (nghiện) đặc biệt là các thuốc hướng thần.

Chúc bạn có giấc ngủ ngon!

Chữa mất ngủ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bs. Em năm nay 23 tuổi ,em bị mất ngủ 1 năm nay rồi.trưa đến là em không ngủ được, đến đêm thì e rất khó ngủ ,sáng ngủ dậy thì người rất mệt mỏi chán nản và mắt thì quầng thâm…bs cho e hỏi biện pháp khắc phục và nên đi khám ở cơ sở uy tín nào ở Sài Gòn ạ….e xin cảm ơn.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân


Chào em,
Em có thể tới khám tại khoa thần kinh bệnh viện Chợ rẫy.
Em cần kiểm tra tổng quát xem em có bệnh gì khác không. Đa số tuổi trẻ mất ngủ do stress, căng thẳng quá ..
Hiện tại em có thể học phương pháp thư giãn và thở sâu sẽ ngủ được ngay.
Chúc em sức khỏe!

Cách chữa mất ngủ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bs,tôi mất ngủ nhiều năm nay,nếu nhắm mắt đầu miên man,nghĩ linh tinh.thần kinh tỉnh táo,biết hết mọi chuyện khi nhắm mắt.nhưng có chuyện gì là nó ám ảnh cả ngày đêm,tưởng tg ra những thư linh tinh khi nhắm mắt.sáng ra có cảm giác chưa ngủ.tôi đi khám ko ra bệnh gì ở tuyến huyện.tôi cần bs giúp đỡ.

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào bạn,

Bạn bị rối loạn giấc ngủ, có thể rối loạn này là một bệnh lý nhưng cũng có thể rối loạn giấc ngủ chỉ là triệu chứng của một bệnh nào đó. Bạn cần được bác sĩ chuyên khoa tâm thần thăm khám và kê đơn điều trị mới có kết quả.

Chúc bạn sớm có giấc ngủ ngon!

Tác dụng phụ của thuốc chữa mất ngủ


Câu hỏi bởi: Triệu Quang Minh

Thưa bác sĩ, tôi bị mất ngủ và có đi khám chỗ PGS-TS Nguyễn Văn Liệu, thầy có cho các loại thuốc như sau: Olanzapine 10mg; Magne B6; Citicolin. Xong tôi uống có hiện tượng mệt mỏi, chóng mặt, tay chân bủn rủn! Vậy thưa bác sĩ, các tác dụng phụ đó có vấn đề gì nghiêm trọng không? Và tôi có tiếp tục dùng thuốc trên được không? Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân


Chào bạn,

Thuốc đó không có tác dụng phụ gì nghiêm trọng .tuy nhiên bất cứ thuoc gì uống vào mà cơ thể khó chịu thì phải ngừng lai và báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê loại khác phù hợp hơn vì sự dung nạp thuốc ở mỗi người là khác nhau

Chúc bạn sức khỏe.

Mất ngủ triền miên chữa như thế nào?


Câu hỏi bởi: mộc tranh

Chào bác sĩ! Cháu năm nay 25 tuổi, đang du học tại Nhật được một năm rồi. Hiện cháu đang sống ở kí túc cùng 5 người nữa. Lúc mới tới Nhật, giấc ngủ của cháu bình thường, đôi lúc đêm hơi mất ngủ nhưng lại trở lại bình thường. Tuy nhiên, 1 tháng nay, cháu mất ngủ suốt. Cháu thường lên giường vào lúc 11h30, 12h00, lúc đó cháu nghĩ là mình gần rơi vào giấc ngủ, cũng là lúc mọi người đi làm về. Khi đó cháu giật mình và tỉnh ngủ luôn. Mấy đêm liên tục cháu bị mất ngủ, tới 2,3 giờ mới ngủ được. Đặc biệt, 3 tuần nay, cháu hoàn toàn không ngủ được, khoảng 6,7 giờ sáng mới ngủ được 2-3 tiếng. Sáng vẫn tỉnh táo nhưng hơi mệt. Cách đây 3 tuần, cháu có mua thuốc ngủ về uống, uống xong thì ngủ được. Uống được 6 liều thì cháu không uống nữa. Tuy nhiên, không dùng thuốc ngủ thì cháu không ngủ được tí nào. Hiện tại cháu rất lo lắng. Cháu sợ tác động đến việc học. Cháu có bị bệnh gì không ạ? Và cháu nên làm gì ạ? Cháu cảm ơn Bác sĩ nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Tình trạng mất ngủ ở người trẻ hay gặp nhất là do thức khuya, căng thẳng, sử dụng các chất kích thích khiến chu kỳ thức – ngủ bị đảo lộn, lâu ngày thành mất ngủ. Do đó để có giấc ngủ ngon thì cháu cần chú ý là phải luôn tạo ra tinh thần thoải mái, tránh lo lắng căng thẳng.

Việc sử dụng thuốc an thần gây ngủ nên hạn chế vì dùng nhiều có thể gây ra những tác dụng phụ. Nếu tình trạng mất ngủ có kèm thêm các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt thì có thể là do tuần hoàn máu não kém. Cháu có thể uống thêm thuốc hoạt huyết dưỡng não, nếu không thấy các triệu chứng này thì không cần thiết phải dùng.

Để có giấc ngủ ngon cháu cần chú ý:

– Có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý

– Thường xuyên tập thể dục hàng ngày

– Đi ngủ đúng giờ đều đặn, tránh thức quá khuya

– Không dùng các chất kích thích như: rượu, bia, chè, cafe,..

– Luôn giữ tinh thần thoải mái, đặc biệt là trước khi ngủ để có thể dễ đi vào giấc ngủ hơn

– Tạo không gian phòng ngủ thoáng mát, ít ánh sáng và tránh tiếng ồn.

Ngoài ra cháu có thể xoa bóp day bấm các huyệt sau ngày một đến hai lần phòng trị mất ngủ. Cách này hiệu quả cao mà không gây hại:

Huyệt nội quan: Ở chính giữa lằn chỉ cổ tay phía trong đo lên hai thốn; có tác dụng định tâm thần. Chữa mất ngủ, tim hồi hộp, đau nhói vùng tim, hạ huyết áp, nấc đau dạ dày, nôn mửa. Huyệt thần môn: Ở chỗ lõm sát xương đậu trên nếp gấp cổ tay phía sau gan ngón tay út gần động mạch trụ. Chữa mất ngủ, hay không nhớ, hoảng sợ, suy nhược thần kinh, đau nhói vùng tim. Huyệt tam âm giao: Ở lồi cao mắt cá trong đo lên 3 thốn (hoặc khép 4 ngón tay lại), sau bờ xương chày 2 phân. Chữa đau đầu ,mất ngủ, suy nhược thần kinh, đau bụng. Huyệt bách hội: Ở đỉnh đầu, chỗ lõm nơi gặp nhau của đường nối hai mỏm tai và đường bổ dọc đầu. Chữa đau đầu , mất ngủ, suy nhược thần kinh,. Ấn đường: Điểm giữa khoảng hai đầu lông mày, thẳng sống mũi lên, có tác dụng định thần trí, thanh nhiệt, an thần, chữa mất ngủ.

Chúc cháu sớm có được những giấc ngủ ngon!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl