Bị sai khớp như thế này thì phải làm sao?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bạn đã bao giờ bị sai khớp mà lúng túng không biết phải làm sao hay chưa? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết nhanh vấn đề đó.

Ngủ sai vị trí dẫn đến dây trần khớp cổ bị đau, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi lúc tối em ngủ sai vị trí dẫn đến dây trần khớp cổ bị đau, chỉ nhìn được về trước và dưới đất không nhìn được trên cao và sang trái sang phải, nếu phải nhìn thì cơ rất đau nằm xuống và ngồi dậy rất khó khăn. Mong bác sĩ cho em biết rõ về vấn đề này và cách điều trị.

Chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng… Hội chứng đau vai gáy thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống.

Có rất nhiều lí do có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Các lí do thường gặp nhất có thể kể đến là ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong thời gian dài, lái xe, làm việc liên tục với máy tính…; bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Ngoài ra, hội chứng đau vai gáy còn có thể do các bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau… Hay gặp ở những người hay nằm nghiêng, co quắp, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế; khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có những tình huống hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không thấy lí do rõ rệt.

Cần xác định chứng bệnh qua phim chụp X-quang cột sống cổ tư thế chếch trước trái và chếch trước phải xem có hình ảnh gai xương hay thu hẹp lỗ tiếp hợp gây ra đau. Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự chữa trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Hoặc có thể đến các cơ sở Vật lý trị liệu hoặc phòng khám Đông y để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. Thuốc thường dùng trong chữa trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B.

Tùy theo từng lí do, các bác sĩ sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau. Nếu đã loại trừ được những lí do chèn ép, có tổn thương thì chữa trị chủ yếu là uống thuốc giảm đau thông thường, có thể bằng đường uống, bằng cao dán. Người bệnh cũng có thể dùng vitamin E 400mg, ngày uống 1 viên. Ngoài ra, có thể kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải nhớ rằng, không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Một số tình huống người bệnh cần được chữa trị bằng phẫu thuật: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống… Vì vậy trước khi quyết định chữa trị bằng phương pháp nào bạn nên đến bệnh viện khám bệnh tìm đúng lí do đã nhé.

Chúc bạn sức khỏe!

Phần hàm có cảm giác giống như trật khớp chữa như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 23 tuổi, ở phần hàm cháu cứ có cảm giác giống như trật khớp, nó không đau, như cứ gây cảm giác vướng víu, và đặc biệt là từ lúc bị đến giờ cháu có thể làm kêu như mình bẻ khớp tay (chỉ cháu nghe được thôi). Cháu bị 3 năm rồi ạ. Mong bác sĩ giải đáp giúp ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Hiện tượng của em là do tác động của khớp thái dương hàm. Đây là khớp được hợp thành bởi xương hàm dưới và xương thái dương hàm trên. Khớp thái dương hàm phụ trách việc há miệng giúp nhai, nói, nuốt được thực hiện dễ dàng. Nguyên nhân dẫn đến những tổn thương ở khớp thái dương hàm có thể là do những rối loạn chức năng cắn khớp tức là sự ăn khớp giữa răng hàm trên và răng hàm dưới như sai khớp cắn, những thói quen như siết chặt răng, nghiến răng, mút ngón tay, cắn bút, v.v.

Em không nên cử động đưa hàm để tạo tiếng kêu sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm. Em nên đến các trung tâm Nha khoa để chụp phim và chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe.

Trật khớp vai 5 năm chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Lý Trấn Cơ

Xin chào bác sĩ,.

Năm nay em 18 tuổi, là nam giới. Khi 13 tuổi em có để đồ nặng nên vai và bị trật khớp vai trái. Khi hoạt động nhiều bằng tay, tay trái của em mau mỏi tay và có cảm giác nóng ở vai và rất khó chịu, dạo nay em có tự xoa bóp nhưng tình hình càng tệ thêm, vai em chạm vào có hơi đau nhức, bây giờ em có điều trị được nữa không.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên


Chào em.

Trật khớp vai hay gặp kiểu ra trước, xuống dưới, vào trong vì giữa dây chằng giữa và dây chằng dưới là điểm yếu của khớp vai, có tới 95% là kiểu trật khớp như vậy. Đối với trật khớp vai, thường có biến chứng là hay bị trật lại, hay gặp nhất là trong 2 năm đầu tiên sau khi bị lần đầu tiên gọi là trật khớp tái diễn, chữa trị cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên với tình huống của em, đã được 5 năm, hình như em không bị trật lại, do đó không cần phải phẫu thuật. Hiện tượng đau mỏi ở vai sau khi trật là hiện tượng thường gặp ở những người sau trật khớp vai vì bị tổn thương các phần mềm quanh khớp. Em có thể đi chụp cộng hưởng từ khớp vai để biết rõ, có thể chữa trị bằng can thiệp nội soi khớp vai. Ngoài ra hiện tượng đau nhức ở khớp vai còn do thoái hóa khớp vai, do bị sai khớp dẫn tới chấn thương vùng chỏm và ổ chảo, tạo điều kiện thuận lợi cho thoái hóa khớp. Cũng không loại trừ khả năng em bị viêm quanh khớp vai, thường với triệu chứng đau nhức, nóng đỏ và đau tăng về đêm. Em nên đi khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp để chữa trị bệnh.

Chúc em mạnh khỏe.

Chân sưng to do trật khớp chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Duynguyen

Chào bác sĩ, cháu đi đá bóng và bị trật khớp cổ chân, cháu có đi chụp và không vấn đề gì. Ngày đầu tiên thì nó sưng to ở mắt cá chân nhưng do kết hợp chữa trị thì đến ngày thứ ba thì cháu đã đi lại bình thường. Nhưng khi ấn vào nó lại đau ở mắt cá và bên trên một chút, việc này đã xảy ra khoảng 10 ngày, khi đá bóng thì cháu không thể sút bóng vì nó lại đau. Cháu mong Bác sĩ chỉ giúp cháu cách chữa trị để giảm đau ạ! Cháu xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Việc chân cháu vẫn đau là do cháu không cho khớp đủ thời gian để phục hồi sau khi bị tổn thương. Cháu chữa trị sau 3 ngày thấy đỡ đau không thấy nghĩa là khớp đã trở lại bình thường. Đáng lẽ cháu cần cho chân nghỉ ngơi khoảng 2 tuần, sau đó bắt đầu đi lại nhẹ nhàng rồi mới tăng dần về cường độ. Mới 10 ngày cháu đã đi đá bóng, như thế không khác gì bắt người ốm phải dậy chạy, nên chỗ khớp chân đau cũng là điều dễ hiểu. Điều cần làm bây giờ là cháu nên đi khám lại ở cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại hoặc xương khớp, các bác sĩ sẽ khám và chụp phim để kiểm tra xem tình trạng khớp của cháu như thế nào, có bị tổn thương ở xương hay sụn khớp không. Sau đó cháu cần nghỉ đá bóng một thời gian, tập vận động chân dần dần đến khi nào hoàn toàn hết đau hẳn mới đá bóng trở lại.

Chúc cháu sớm khỏe!

Trật khớp mắt cá chân có cần mổ?


Câu hỏi bởi: toàn

Chào bác sĩ!

Cháu bị trật khớp mắt cá chân bên trái của chân phải do đá bóng. Cháu chỉ đi đắp thuốc mà không nắn nên giờ cứ chạy là nó bị nhói nhói. Cháu bị nay đã 3 tháng, giờ cháu muốn khỏi thì phải làm sao ạ? Và nếu phải mổ thì cháu để tháng 7 mổ có được không ạ? Vì năm nay cháu thi đại học nên cháu sợ mổ cần phải ngồi nhà dài không đi được học được.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Theo cháu nói là trước đó 3 tháng bị trật khớp mắt cá chân, đã đắp thuốc chữa trị, hiện tại thì cháu thấy đau nhói khi chạy. Cháu băn khoăn có phải phẫu thuật hay không? Qua mô tả của cháu, chưa thể kết luận cháu cần phải chữa trị phẫu thuật. Chỉ định phẫu thuật trong chấn thương phụ thuộc vào tính chất tại chỗ của tổn thương. Cháu cần đi khám, chụp X-quang, có thể chụp cộng hưởng từ để tìm lí do và chỉ định chữa trị phù hợp.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl