Lưu ý cần biết xung quanh bệnh về tĩnh mạch ở người trẻ tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Giãn tĩnh mạch hay tắc tĩnh mạch là những vấn đề có thể gặp phải ở tất cả chúng ta. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này ở người trẻ tuổi nhé!

Nghi ngờ dãn tĩnh mạch thừng tinh


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu 23 tuổi, từ nhỏ đã thấy tình hoàn bên trái hơi sệ hơn bên phải và nhỏ hơn ! Dương vật cong bên phải !
Quà tìm hiểu thì thấy cơ bản di truyền, dùng được nên cháu k để ý lắm chỉ vệ sinh sạch sẽ !
Tuy nhiên độ 1 năm trước khi dương vật phồng lên căng cứng đến 1 độ gần cao nhất 8,9/10 thì bên trái đau ,k quá đau ! Cháu có đi khám xét nghiệm thì có kết quả bình thường , chỉ bị rối loạn ….
Hiện tại thì bên trái sệ hẳn xuống, sờ vào các bó cơ quanh tinh hoàn nó dãn dài hơn bên trái ! Dương vật phồng lên 7,8/10
Phần bìu phía dưới nổi các mạch máu mầu tím ! Bên trái nhiều , bên phải 1 2 cái , đồng thời trước bên phải k có, này cả bên trái và phải có 1 cục nhỏ như hạt đậu tương bên trọng bìu phía trên tinh hoàn
Mong bác sĩ tư vấn ! Cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Dương Quang Huy


Chào em,

Cảm ơn em vì mô tả rát kĩ các triệu chứng của mình. Với thông tin này thì có thể nói em bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bệnh lý này diễn tiến theo thời gian nên càng để lâu em sẽ thấy tinh hoàn càng xệ xuống và bó thừng tinh (gân máu) bên trên giãn to như một búi giun. Hậu quả của bệnh lý này là gây đau tức cho bên tinh hoàn bị tổn thương. Khi cương, máu sẽ bơm nhiều vào vùng cơ quan sinh dục, nhưng do các tĩnh mạch giãn làm chậm hồi lưu máu về và gây đau. Ngoài ra bệnh lý này còn gây suy giảm 2 chức năng của tinh hoàn đó là giảm sản xuất Testosterone và giảm sản xuất tinh trùng (có thể đưa đến vô sinh). Em nên đi khám Nam Khoa để kiểm tra lại mức độ giãn của bệnh lý này, cũng như tổn thương lên tinh hoàn mức độ nào qua xét nghiệm Tinh dịch đồ và siêu âm doppler bẹn bìu.

Thân mến!

Bác sĩ Dương Quang Huy


Chào em.

Nếu mắt thường có thể nhìn thấy các tĩnh mạch nổi rõ dưới da như những con giun thì đây là độ 3 (độ nặng nhất) mà không cần dùng tay khám. Phẫu thuật đối với bệnh lý này chỉ mất khoảng 40 phút, nằm viện 01 ngày và hôm sau có thể ra về. Khi xuất viện là em đã có thể đi lại, ăn uống gần như bình thường. Nên mổ sớm để tránh tổn thương nặng khiến tinh hoàn teo nhỏ. Em có thể gặp anh để can thiệp cho bệnh lý này với kĩ thuật vi phẫu tốt nhất hiện nay, hạn chế tối đa khả năng tái phát.

Thân mến!

Mất bao lâu để mạch máu bị giãn tĩnh mạch thừng tinh teo nhỏ lại?


Câu hỏi bởi: songkhoe

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 20 tuổi, giới tính nam. Thưa bác sĩ, cháu bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, đã phẫu thật được hơn 3 tháng. Chỗ mạch máu bị giãn da đã bé lại, nhưng thỉnh thoảng cháu sờ vẫn thấy những mạch máu đó nổi loằng ngoằng nhưng bé hơn lúc trước. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi cần bao nhiêu lâu sau khi phẫu thuật giãn tĩnh, mạch máu bị giãn da mới teo hẳn đi. Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng dãn các tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn. Nó thường xuất hiện ở tinh hoàn trái. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường do máu chảy ngược về chỗ thấp (thay vì chảy về tim), giống như tình trạng giãn tĩnh mạch chi dưới. Khi máu dồn lại, tập trung ở những tĩnh mạch phía trên tinh hoàn, nó có thể làm giảm số lượng và chất lượng của tinh trùng. Trong nhiều tình huống, số lượng tinh trùng có thể cải thiện sau khi chữa trị.

Không phải tất cả bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh đều cần phải phẫu thuật, thậm chí, trong tình huống tĩnh mạch thừng tinh không giãn to hơn và không gây khó chịu thì có thể không cần chữa trị. Còn ngược lại, khi bệnh tiến triển nhanh và gây đau đớn kéo dài, bệnh nhân sẽ buộc phải thực hiện phẫu thuật (cột tĩnh mạch thừng tinh giãn) để cột các tĩnh mạch giãn chung quanh tinh hoàn. Thừng tinh nhẹ còn gọi là giãn thừng tinh sinh lý.

Các biến chứng sau phẫu thuật là:

+ Tràn dịch tĩnh mạch hoặc gia tăng lượng dịch quanh tinh hoàn chiếm khoảng 2% – 5%.

+ Phẫu thuật thành công thường làm tăng kết quả có con cho các cặp vợ chồng tuy nhiên tỉ lệ tái phát ghi nhận cũng khá cao khoảng 10% , nhiều báo cáo ghi nhận tỉ lệ tái phát trong những tình huống phẫu thuật vi phẫu chỉ khoảng 1% – 2%.

+ Đau bìu sau mổ vẫn có thể tồn tại khoảng 8% – 11% tùy theo tác giả.

+ Thương tổn động mạch tinh chiếm khoảng 0,9% và tỉ lệ này cao hơn nhiều nếu không dùng kính phóng đại vi phẫu.

+ Tỉ lệ teo tinh hoàn phổ biến là 5%.

Bạn bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, đã mổ được 3 tháng. Thông thường với thời gian này thì đã có thể khẳng định được là phẫu thuật có thành công hay không. Bạn vẫn còn thấy xuất hiện mạch máu đó nổi loằng ngoằng tuy bé hơn lúc trước nhưng cũng không nên bỏ qua. Bạn nên đi tái khám để loại trừ khả năng tái phát.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đau, nóng, máu tụ lại 2 chi trên và chi dưới, nổi tĩnh mạch


Câu hỏi bởi: khải

Thưa bác sĩ!

Em là nam, năm nay 20 tuổi. Em bị nổi tĩnh mạch 2 chi dưới và cả 2 chi trên. Em cảm giác khi nổi tĩnh mạch nó rất khó chịu (Đau, nóng, máu tụ lại 2 chi trên và chi dưới. Thường nổi tĩnh mạch nhất là vào ban đêm). Bác sĩ cho em hỏi đây có phải dấu hiệu của giãn tĩnh mạch hay không? Bệnh này có tác động gi đến sức khỏe hay không và điều trị có khó không bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở chi dưới hơn, chi trên rất hiếm gặp. Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới có triệu chứng là xuất hiện những đám tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới (khoeo chân, cẳng chân, bắp chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi). Màu da của vùng tĩnh mạch bị giãn thường có màu xanh.

Giãn tĩnh mạch nặng hay nhẹ không liên quan nhiều đến kích thước cũng như số lượng tĩnh mạch bị giãn. Nếu ở chân thì những triệu chứng hay gặp nhất đầu tiên là có cảm giác nặng chân, mỏi chân kèm theo đứng lên hoặc ngồi xuống rất khó khăn. Một số tình huống người bệnh cảm thấy rát, đau âm ỉ ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn.

Một số người bị chuột rút (vọp bẻ) về đêm. Các biểu hiện này sẽ giảm hoặc mất đi khi ngủ kê hai chân cao bằng một chiếc gối có độ dày vừa phải để máu lưu thông được dễ dàng. Chuột rút là một biểu hiện có thể gặp trong bệnh giãn tĩnh mạch nhưng không phải hễ chuột rút là bị suy giãn tĩnh mạch, bởi vì, chuột rút còn do nhiều lí do khác như cơ thể thiếu nước, thiếu chất điện giải (natri, magiê, canxi, kali…), hoặc do đái tháo đường,…

Trường hợp của bạn có thể là suy giãn tĩnh mạch cả hai chi. Tốt nhất là nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt vì bệnh này nếu để lâu ngày và không được chữa trị sẽ có nguy cơ để lại một số hậu quả xấu. Hậu quả đầu tiên, ở những vùng bị giãn tĩnh mạch, chức năng dinh dưỡng của tĩnh mạch sẽ bị giảm sút nặng nề. Do đó, những vùng da mỏng và tĩnh mạch giãn nhiều có thể gây nên hiện tượng loét và nếu không được chữa trị, chăm sóc cẩn thận thì rất dễ bị nhiễm khuẩn da, lở loét da diện rộng.

Hậu quả nặng nề nhất trong giãn tĩnh mạch chân là do máu bị ứ đọng trong lòng mạch lâu ngày dễ tạo nên cục máu đông trong lòng tĩnh mạch tác động rất lớn tới sức khỏe người bệnh. Đây là bệnh lý mãn tính, là một dạng lão hóa của cơ thể, việc chữa trị bệnh đòi hỏi sự kiên trì, kết hợp giữa việc uống thuốc, mang vớ ép và kiêng cữ trong hoạt động hàng ngày. Bạn cần đi khám để được giải đáp cách chữa trị tốt nhất.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh, sờ vào tinh hoàn thấy đau là bị sao?


Câu hỏi bởi: lala117vn

Thưa bác sĩ!

Cháu năm nay 22 tuổi. Cháu bị giãn tĩnh mạch tinh đã phẫu thuật được 20 ngày. Khi sờ vào tinh hoàn thi hơi đau. Vậy cháu bị sao ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Anh Tuấn


Chào cháu!

Khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh, bác sĩ sẽ lấy đi búi tĩnh mạch bị giãn. Sau mổ có thể có một vào biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng… Trường hợp của cháu chỉ hơi đau khi sờ vào thì là chuyện bình thường vì có thể có những sang chấn nhẹ trong khi phẫu thuật, sau một thời gian nữa sẽ hết. Tuy nhiên, nếu cháu thấy đau ngay cả lúc không sờ vào, đau kèm theo sưng ở tinh hoàn hoặc vẫn còn băn khoăn về bất cứ vấn đề gì, cháu cần quay lại bệnh viện để thăm khám.

Chúc cháu mạnh khoẻ!

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có ảnh hưởng gì đến việc đẻ con sau này không?


Câu hỏi bởi: Tùng

Bác sĩ ơi.

Năm nay em 23 tuổi. Em thường cảm thấy đau tức tinh hoàn từ chiều tối. Em đi khám thì bác sĩ siêu âm, xét nghiệm nước tiểu và kết luận là bị giãn tĩnh mạch thừng tinh nhưng chưa cần thiết phải phẫu thuật vì chưa có gia đình.

Vậy bác sĩ cho em hỏi, bệnh của em có ảnh hưởng gì đến việc đẻ con sau này không?

Cảm ơn ạ.

Em Tùng thân mến.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thì cũng bình thường, không có gì đáng ngại em ạ. Có lẽ do em chưa có bạn tình nên tâm lý hơi bất ổn đó thôi. Sau khi có vợ hai năm mà không có con, lúc ấy mới xem lại em nhé.

Chúc em khỏe, hạnh phúc!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl