Lưu ý cần biết về chế độ ăn uống cho người mắc chứng mỡ máu cao


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Được xem là một dạng rối loạn chuyển hóa, bệnh mỡ máu cao yêu cầu người mắc phải cần tuân thủ theo những lưu ý nhất định trong dinh dưỡng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp kiến thức cần thiết cho bạn về chế độ ăn uống trong trường hợp này.

Mỡ máu thì nên ăn uống như thế nào?


Câu hỏi bởi: Thanh Trúc

Chào bác sĩ.

Thời gian gần đây tôi hay mệt. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị mỡ máu cao, hở van tim độ 1. Tôi muốn tìm hiểu về bệnh này, về lâu dài bệnh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, thưa bác sĩ? Cách điều trị, chế độ ăn uống hợp lý. Tôi nghe nói cây rằn ri trị bệnh mỡ máu, xin hỏi bác sĩ có đúng không?

Cám ơn bác sĩ nhiều!

Kính chào bác.

Mỡ máu có nhiều thành phần:

Có cái tăng lại có lợi chống xơ vữa mạch máu (ví dụ HDL). Thành phần này giảm thì tăng nguy cơ xơ vữa.

Có cái tăng thì nguy cơ xơ vữa cao theo thứ tự LDL, Triglycerid. Tùy theo thành phần nào tăng và mục tiêu giảm mỡ máu cũng khác nhau trên từng đối tượng có bệnh đi kèm như: đái tháo đường thì phải đưa mỡ máu thấp hơn giá trị bình thường.

Khi mỡ máu tăng dẫn đến tăng nguy cơ xơ vữa mạch gây ra các bệnh như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, đi cách hồi,… Ngoài ra tăng Triglycerid cũng làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp.

Chế độ ăn giảm mỡ máu: tránh ăn nhiều chất dầu mỡ, giảm khẩu phần chất bột, chất đường hấp thu nhanh, giảm cân nếu có thừa cân, tăng vận động, bỏ thuốc lá, kiêng bớt rượu bia, nghỉ ngơi hợp lý.

Thông tin cây rằn ri trị bệnh mỡ máu chưa được kiểm chứng, nên bác sĩ không thể trả lời cho bác được, bác ạ.

Van tim, theo cấu trúc giải phẫu sẽ có nhiều tên gọi khác nhau: ví dụ bên tim trái có van hai lá, van động mạch chủ; tim phải có van 3 lá, van động mạch phổi.

Tùy theo vị trí hở sẽ gây ảnh hưởng đến huyết động học khác nhau và sẽ gây ra hậu quả khác nhau như hở van động mạch chủ sẽ gây tăng gánh tim trái, dẫn đến dày – giãn thất trái, giãn nhĩ trái, đưa đến suy tim trái rồi suy tim toàn bộ.

Trên siêu âm tim tùy vào mức độ dòng phụt ngược người ta chia làm 4 mức độ. Trong đó độ 1 là nhẹ nhất và có thể gặp ở người bình thường, siêu âm tim còn phải mô tả độ cứng, vôi hóa van, dày dính mép van không mới có thể định hướng được nguyên nhân.

Kính chúc bác sức khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Bệnh mỡ trong máu cao có nên ăn trứng gà?


Câu hỏi bởi: Hàng Hà

Thưa bác sĩ.

Cháu mới đọc được thông tin ăn trứng gà không những không gây hại cho bệnh tim mạch mà còn tốt nữa. Vậy thông tin này có đúng không? Ba cháu 49 tuổi bị mỡ máu cao có ăn trứng gà được không? Chế độ ăn uống dành cho người mỡ máu? Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu.

Cảm ơn bác sĩ.

Hàng Hà thân mến.

Bạn có thể yên tâm với thông tin “người mắc bệnh tim mạch vẫn ăn được trứng gà”, vì điều này đã được các nhà dinh dưỡng tại Mỹ nghiên cứu.

Trong các bệnh lý tim mạch, mỡ máu cao, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa vữa xơ động mạch và bệnh mạch vành.

Người bệnh mỡ trong máu cao cần kiểm soát ăn uống nghiêm túc như sau:

Theo dõi cân nặng và chỉ số BMI để điều chỉnh chế độ ăn hợp lý tránh béo phì, nên vận động tập thể dục mỗi ngày 30-60 phút giúp máu huyết lưu thông tốt và đốt cháy lượng mỡ dư thừa.

Nên ăn các loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, củ quả (giàu vitamin, nhiều chất xơ), trái cây (táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi), hạn chế trái cây ngọt, Ăn các sản phẩm được làm từ đậu giúp giảm nguy cơ tăng cholesterol máu và mắc bệnh về tim mạch.

Kiêng rượu bia, nước ngọt có ga.

Tránh dùng mỡ động vật vì chứa nhiều chất béo no, dễ làm tắc động mạch, tốt nhất là dùng thịt nạc, các loại thịt gia cầm khi ăn nên bỏ da.

Hạn chế dùng thức ăn nhanh(gà chiên, khoai tây chiên…), tăng cường dùng những thức ăn ít chất béo như cá, đậu phụ.

Ăn nhiều cá vì cá chứa axit béo Omega-3, omega 6 có tác dụng bảo vệ tim mạch. Ở nước ta có cá ngừ, cá trích, cá thu, cá mòi chứa nhiều axit béo này.

Nên ăn thực phẩm có tác dụng giảm mỡ trong máu như: gừng, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, lá sen, rau cần… Nên dùng dầu ô liu, dầu cải, dầu đậu nành để cung cấp các acid béo không no có nhiều nối đôi omega 3, omega 6.

Lòng đỏ trứng có chứa nhiều cholesterol và nhiều lecithin (một chất điều hòa chuyển hóa cholesterol trong cơ thể), những người có cholesterol máu cao, không nhất thiết phải kiêng hẳn trứng mà nên ăn trứng 2 lần/ tuần, mỗi lần ăn 1 quả.

Không nên ăn tối sau 8 giờ, buổi tối nên ăn nhẹ và ăn ít hơn buổi sáng và trưa.

Thân mến!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Chế độ ăn cho người bị máu mỡ cao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ

Mẹ em bị bệnh mỡ máu rất cao, bác sĩ có dặn mẹ em ăn kiêng. Sau thời gian ăn kiêng em thấy mẹ như bị thiếu dinh dưỡng. Mẹ em muốn uống bổ sung sữa cô gái Hà Lan không đường, và nước yến không đường có được không thưa bác sĩ? Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em để em bổ sung dinh dưỡng cho mẹ.

Em cảm ơn

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Chế độ ăn kiêng của mẹ bạn như thế nào. Tuy mỡ máu cao cần phải ăn kiêng nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh. Bạn nên thực hiện theo chế độ ăn sau:

Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng Cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… Đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Chỉ có như vậy thì mới làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với Cholesterol.

Không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hoá và sẽ làm lượng Cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch.

Nên ăn nhạt vì thức ăn này có lợi cho sức khoẻ và bệnh tim. Kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao, nên ăn những thức ăn ít chất béo như cá, đậu phụ, đỗ tương. Ăn nhiều cá (mỗi tuần vài ba lần) để thu nhận axit béo hệ Omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch. Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu có nhiều axit béo loại này.

Nên ăn thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu như: Gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, ba ba, trà, dầu ngô.

Để xử lý tình trạng Cholesterol máu cao, chế độ ăn là ưu tiên số một. Hiện tại mẹ bạn có dấu hiệu thiếu dinh dưỡng bạn có thể cho mẹ uống sữa cô gái Hà Lan không đường và nước yến không đường.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Muốn cao thêm 7cm nhưng đang bị men gan cao và mỡ trong máu thì chế độ ăn và tập luyện như thế nào?


Câu hỏi bởi: Phước Thành

Thưa bác sĩ.

Em năm nay 19 tuổi, cao 170cm, nặng 90 kg. Xin hỏi chế độ dinh dưỡng và luyện tập thế nào thì em có thể cao lên được thêm 7cm nữa. Em bị men gan cao, mỡ trong máu.

Cảm ơn bác sĩ ạ.

Chào em Phước Thành.

Chiều cao không chỉ phụ thuộc chế độ dinh dưỡng, luyện tập mà còn phụ thuộc gen di truyền. Nguyên tắc để tăng chiều cao là dinh dưỡng đầy đủ các chất, chú ý thức ăn cung cấp đủ canxi như sữa, hải sản (cá ăn cả xương, tôm ăn cả vỏ…).

Em đã cao 1,7m ở tuổi 19 có thể cao thêm ít phân nữa nhưng khó có thể nói có cao thêm 7 cm nữa không. Chiều cao và cân nặng như trên em đã ở mức béo phì. Cân nặng lý tưởng của em là 63 kg.

Ngoài ra em còn tăng men gan và mỡ máu cao do đó em cần có chế độ ăn giảm cân: giảm ăn chất béo ngọt, ăn đủ rau (chất xơ), tăng vận động, vận động ít nhất 45- 60 phút một ngày đều đặn mới mong giảm cân và hạ mỡ máu. Để tăng chiều cao em có thể chơi các môn như bơi lội, xà đơn…

Men gan và mỡ máu tăng cao cụ thể ở em là bao nhiêu? Em cần khám để tìm nguyên nhân và điều trị tăng men gan, cũng như điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ nếu chế độ ăn và luyện tập không hiệu quả hoặc khi chỉ số tăng quá cao cần kết hợp với dùng thuốc.

Chúc em luôn khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl