Động kinh: nhiều biểu hiện, lắm nguyên nhân


Bác sĩ Phượng

Well-Known Member
1,996
73
48
Xu
0
Ông cho là mình lên huyết áp khi đột ngột di chuyển từ nắng nóng vào phòng lạnh. Cách hiểu này rất nguy hiểm vì khiến ông chủ quan với bệnh tình.


Một khách hàng trong lúc làm thủ tục gửi tiền ở một ngân hàng nước ngoài đột ngột kêu lên một tiếng rồi nằm vật ra đất, người co cứng, giật và sùi bọt mép… Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, lúc khoẻ lại bệnh nhân này khăng khăng cho rằng chẩn đoán ông bị động kinh là không đúng vì đây là bệnh di truyền, trong khi nhà ông không ai bị. Ông cho là mình lên huyết áp khi đột ngột di chuyển từ nắng nóng vào phòng lạnh. Cách hiểu này rất nguy hiểm vì khiến ông chủ quan với bệnh tình.

Động kinh là một loại bệnh khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 0,33% dân số Việt Nam. Bệnh này còn được gọi là kinh phong, phong xù, kinh giật… Biểu hiện bệnh khá phức tạp, từ những cơn co giật, mất ý thức đến những đợt rối loạn hành vi. Nguyên nhân bệnh cũng khá đa dạng. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng 80% các trường hợp bắt đầu lúc dưới 20 tuổi.

Nguyên nhân thường gặp


Di chứng chấn thương sọ não: sau chấn thương một số bệnh nhân có thể khởi phát cơn động kinh trong năm kế đó, một số ít khởi phát muộn trong nhiều năm sau. Chấn thương gây trên não một vùng tổn thương, sau đó hoá sẹo và chính nơi này tạo thành một “ổ động kinh”. Ngoài số bệnh nhân có cơn co giật toàn thể thì cũng có những người chỉ co giật ở một phần cơ thể do “ổ động kinh” nằm ở các vùng não khác nhau.


Di chứng sang chấn sản khoa: sau những chuyển dạ có can thiệp như giác hút, forceps… hoặc thời gian chuyển dạ quá lâu làm não bé thiếu oxy. Nguy cơ ước tính khá cao: khoảng 50%, tuy nhiên đôi lúc khó xác định vì phần lớn chỉ căn cứ qua trí nhớ thân nhân và thường không để lại di chứng (kể cả qua khám và làm xét nghiệm). Một số bệnh nhân thường là con đầu của gia đình.


Di chứng sau nhiễm trùng thần kinh trung ương: ở một số bệnh nhân động kinh, khi hỏi lại quá trình bệnh ta có thể phát hiện bệnh nhân từng bị viêm não, viêm màng não. Có trường hợp có bằng chứng rõ ràng như có điều trị và được bác sĩ thông báo, có giấy xuất viện… nhưng cũng có những trường hợp viêm não, viêm màng não không được phát hiện hoặc bệnh diễn biến nhẹ nên không đến cơ quan y tế. Những trường hợp này thường trong bệnh sử có những chi tiết mơ hồ gợi ý đến các bệnh nhiễm trùng não như sốt cao, co giật thoáng qua, hôn mê… và chúng thường xuất hiện trước 12 tuổi.






Di chứng tai biến mạch máu não: thường gặp ở người lớn tuổi sau tai biến, nguy cơ tới 10 – 15%. Phòng ngừa bằng cách điều trị tốt các bệnh dẫn tới tai biến như cao huyết áp, đái tháo đường… và theo dõi sát sau đó để kịp thời điều trị sớm động kinh.
U não: nguyên nhân hiếm ở động kinh trẻ em, người trẻ. Đối với động kinh khởi phát ở người lớn, nó chiếm 10 – 15%.


Yếu tố di truyền: ước tính chiếm 40% các loại động kinh. Trong nhóm thân nhân người bệnh, tỷ lệ cùng bị động kinh lên tới 3,2% có nghĩa là gần gấp ba lần tỷ lệ chung. Các trẻ em sinh đôi cùng trứng cũng có tỷ lệ cùng bị động kinh là 85% so với 27% các cặp sinh đôi khác trứng. Động kinh có yếu tố di truyền thường xuất hiện sớm, chiếm 50% các loại động kinh ở trẻ em dưới 10 tuổi. 80% các loại động kinh di truyền thường khởi phát trước 20 tuổi. Động kinh di truyền luôn biểu hiện bằng những cơn động kinh toàn thể.

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là trong số thân nhân người bệnh bị động kinh, di chứng sau chấn thương cũng có tỷ lệ động kinh cao. Điều này có thể gợi ý cho ta nghĩ tới một cấu trúc não “nhạy cảm” ở người bệnh.
Có một số bệnh nhân ngoài bệnh lý động kinh còn có những tổn thương khác như bệnh xơ não củ Bourneville, bệnh da cơ thần kinh Recklinghausen.


Nguyên nhân theo lứa tuổi


Nếu xét theo tuổi khởi bệnh thì mỗi lứa tuổi có một số nguyên nhân thường gặp:


Mới sinh đến ba tháng: bất thường thần kinh bẩm sinh, thiếu oxy não, sang chấn sản khoa, máu tụ ở não sau sinh, nhiễm trùng thần kinh trung ương.


Ba tháng đến 2 tuổi: nhiễm trùng thần kinh trung ương, dị dạng mạch máu não, một số bệnh lý bẩm sinh thần kinh khởi phát muộn.


Hai đến 12 tuổi: động kinh vô căn, nhiễm trùng thần kinh trung ương, di chứng chấn thương sọ não, dị dạng mạch máu não.


Thiếu niên – 18 tuổi: động kinh vô căn, di chứng chấn thương sọ não, dị dạng mạch máu não.


Người trưởng thành: di chứng chấn thương sọ não, nghiện rượu, u não.


40 – 60 tuổi: di chứng chấn thương sọ não, nghiện rượu, u não nguyên phát, tai biến mạch máu não.


60 tuổi trở lên: tai biến mạch máu não, u não do di căn, sa sút tuổi già, rối loạn chuyển hoá, ngộ độc thuốc.


Nguyên nhân khác


Co giật do sốt cao: thường thấy ở trẻ dưới 4 tuổi do hệ thần kinh chưa ổn định, xảy ra sau sốt 39oC trở lên, các cơn co giật kiểu cơn toàn thể: mất ý thức, co cứng – co giật đồng bộ và đối xứng. Nhưng nếu thấy các dấu hiệu sau nên nghi ngờ không đơn thuần là sốt cao co giật: còn co giật khi trên bốn tuổi, sốt nhẹ ấm mình cũng co giật, co giật nhiều một chi hoặc một phần cơ thể hơn so với phần kia, sốt cao co giật xuất hiện sau chấn thương sọ não, sau nhiễm trùng não.

Một số nghiên cứu cho thấy dường như các trẻ sốt cao co giật có “cơ địa” dễ bị sốt cao. Lưu ý: trẻ có tiền sử co giật thì khi trẻ sốt nên cho uống thuốc hạ nhiệt đủ liều và cách khoảng phù hợp.


Cơn co giật trên bệnh nhân nghiện rượu: người nghiện rượu sau khi ngưng hoặc giảm rượu đột ngột thường trở nên bồn chồn, run tay, vã mồ hôi sau đó có thể lên nhiều cơn co giật trong ngày. Do vậy, không nên ngưng rượu đột ngột, đặc biệt là ở những bệnh nhân uống nhiều và lâu năm. Nên tới các cơ sở chuyên khoa tâm thần để điều trị cai rượu. Trong trường hợp muốn tự ngưng rượu thì nên giảm rượu từ từ trong vòng một tuần đến mười ngày.


AloBacsi.
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl