Hội chứng ruột kích thích (IBS)


Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Một trong những bệnh lý đường ruột thường gặp nhất ở nước ta cũng như trên thế giới là hội chứng ruột kích thích (HCRKT). Tỷ lệ mắc bệnh từ 5%- 20% dân số, tỷ lệ này thay đổi theo từng nghiên cứu, theo từng vùng dân cư. Tỷ lệ nữ mắc gấp hai lần nam giới, hoàn cảnh xã hội có ảnh hưởng tới sự phát sinh của HCKT.


Ở Việt Nam nghiên cứu khảo sát bệnh tiêu hóa tại khoa Khám bệnh bệnh viện Bạch Mai (2004), bệnh lý ống tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao nhất, trong nhóm bệnh lý đại trực tràng và hậu môn, HCRKT chiếm tới 83,38%.


Các nước Âu Mỹ có tỷ lệ mắc HCRKT cao hơn ở châu Á và Trung Đông.


Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, bệnh kéo dài làm người bệnh luôn lo lắng căng thẳng mất ngủ, luôn luôn lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột.


1. Hội chứng ruột kích thích là gì?


Có nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh HCRKT là rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Thomson W.D. (1990) đã định nghĩa: Các rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột gọi là HCRKT (irritable bowel sydrome - IBS).


Hiện nay, nhờ các thăm dò hiện đại về hình thái và chức năng của ruột trên thực nghiệm và lâm sàng đã dần làm sáng tỏ cơ chế điều chỉnh ống tiêu hóa chủ yếu là sự tác động qua lại giữa hệ thống thần kinh trung ương với hệ thống thần kinh ruột ( trục não-ruột) - hệ thống mạng lưới thần kinh (plexuces) hoạt động cùng với nhau để thực hiện nhịp nhàng chức năng bình thường của ruột.


2. Cơ chế sinh bệnh của HCRKT: gồm 3 nội dung sau.


Sự cảm thụ bất thường chức năng ống tiêu hóa: Tăng tính nhậy cảm, nội tạng dễ kích thích.


Thay đổi tính chịu đựng của ruột, giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn ở một số đoạn ruột.


Rối loạn vần động của ruột, tăng nhu động ruột gây ỉa chảy, giảm nhu động ruột gây táo bón.


3. Chẩn đoán HCRKT:


3.1. Triệu chứng lâm sàng:


Rối loạn chức năng tiêu hóa có thể biểu hiện các triệu chứng lâm sàng trên toàn bộ ống tiêu hóa.


Phần trên ống tiêu hóa: Hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản, chứng khó tiêu, đầy tức bụng.


Phần dưới ống tiêu hóa: Triệu chứng chủ yếu ở đại tràng (táo bón chức năng, ỉa chảy chức năng) được gọi là đại tràng co thắt, hoặc đại tràng bị kích thích, hoặc rối loạn chức năng đại tràng.


3.2. Tiêu chuẩn Rome II:


HCRKT được chẩn đoán dựa theo tiêu chuẩn Rome II. Năm 1999, hội nghị tiêu hóa quốc tế tại Rome đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán HCRKT như sau:


Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó, không nhất thiết liên tục, kèm theo:


+ Giảm đi sau đại tiện.


+ Thay đổi hình dạng khuôn phân.


+ Thay đổi số lần đi đại tiện.


Ngoài các triệu chứng trên có thể gặp thêm các triệu chứng không đặc hiệu nhưng gợi ý chẩn đoán HCRKT:


Số lần đại tiện không bình thường (>3 lần/ngày hoặc <3lần/tuần).


Phân không bình thường (lỏng, cứng, nhão).


Đại tiện có lúc phải chạy vội vào nhà vệ sinh, hoặc phải rặn nhiều, hoặc cảm giác đi chưa hết phân.


Bụng chướng hơi, cảm giác nặng tức bụng.


Phân có nhầy mũi nhưng không bao giờ có máu.


Các triệu chứng không đặc hiệu trên luôn thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chế độ và thức ăn đồ uống. Nếu ăn uống các thức ăn không thích hợp ngay lập tức xuất hiện các triệu chứng rối loạn; nếu ăn kiêng các triệu chứng có thể hết.


HCRKT gồm nhiều triệu chứng cơ năng, các triệu chứng thay đổi, trong các triệu chứng có thể phân thành 2 thể loại:


Các triệu chứng về tiêu hóa biểu hiện chính là đau bụng, bụng chướng hơi, rối loạn đai tiện, rối loạn phân.


Các triệu chứng ngoài ống tiêu hóa phụ thuộc vào thời gian bệnh kéo dài: Đau đầu, mất ngủ, các triệu chứng về rối loạn tâm lý (lo lắng, sợ bệnh hiểm nghèo...).


3.3.Triệu chứng cận lâm sàng:


Xét nghiệm máu bình thường.
Xét nghiệm phân, cấy phân tìm vi khuẩn bình thường.
Sinh thiết, xét nghiệm mô bệnh học đại tràng bình thường.
Chụp X.Q khung đại tràng, bình thường hoặc có rối loạn co bóp nhu động. Nội soi đại-trực tràng bình thường.
Qua thăm khám và xét nghiệm có thể giúp chúng ta phát hiện một số triệu chứng báo động về bệnh lý thực tổn để chẩn đoán phân biệt với HCRKT.


Các triệu chứng báo động:


Chán ăn, sụt cân.
Thiếu máu.
Sốt, tăng BC, tốc độ máu lắng tăng.
Đại tiện phân có nhầy máu.
Phân nhỏ dẹt thường xuyên.
Các triệu chứng rối loạn phân mới xảy ra ở người > 40 tuổi.
Tiền sử gia đình có người bị ung thư đại tràng.
 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
4. Chẩn đoán phân biệt: HCRKT với một số bệnh thường gặp.


4.1. HCRKT có ỉa chảy:


Nhiễm trùng đường ruột.
Suy giảm miễn dịch.
Ung thư đại-trực tràng.
U lympho ruột.
Dị ứng thức ăn.
Thiếu men lactase.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu.
Viêm đại tràng vi thể.
Hội chứng Crohn


4.2. HCRKT có táo bón - đau bụng nổi trội:


U đại tràng.
Bệnh to giãn đại tràng.
U tụy.
Ngộ độc chì.
Thoát vị.
Bệnh sỏi mật và viêm túi mật.
Rối loạn chuyển hóa porphyrine.


5. Điều trị:


Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân bị HCRKT dễ tăng nhu động ruột so với người bình thường, các triệu chứng thường tái đi tái lại, kéo dài nhiều năm, bệnh nhân phải đi khám bệnh nhiều nơi, tâm lý luôn ngờ vực, lo lắng sợ bệnh nặng, bệnh ác tính. Bác sĩ điều trị cần thiết lập mối quan hệ tin cậy, chắc chắn, kiên định với người bệnh, cần giải thích cho bệnh nhân hiểu thấu đáo về HCRKT làm nhẹ đi sự lo lắng từ các triệu chứng của chính họ, hướng dẫn họ điều trị chi tiết, cẩn thận, tạo lòng tin cho người bệnh.


Một số lưu ý khi điều trị HCRKT:


Điều trị theo triệu chứng nổi trội là hợp lý và hữu ích.
Chưa có thuốc riêng biệt nào điều trị hết mọi triệu chứng của HCRKT.
Điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người bệnh, các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc mất sau điều trị nhưng rất dễ tái phát.
Không nên dùng thuốc kháng sinh, chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn ruột.


Điều trị cụ thể:


5.1. Chế độ ăn rất quan trọng trong điều trị HCRKT:


Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp.


Thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: Khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, soài, mít...). Đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích (rượu, cà fê, gia vị chua cay...). Những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có ỉa chảy tránh ăn qua nhiều thức ăn có nhiều chất xơ (rau muống, rau cải, dưa...).


5.2. Chế độ luyện tập rất cần thiết, phải kiên trì:


Luyện tập chế độ đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện.
Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên.


5.3. Thuốc điều trị triệu chứng:


Chống đau, giảm co thắt: Duspataline, No-spa, Spasfon...
Chống táo bón: uống nhiều nước, ăn thức ăn nhiều chất xơ, thuốc nhuận tràng (Forlax, Tegaserod, Duphalac...)
Chống ỉa chảy: Smecta, Actapulgite, Imodium....
Chống sinh hơi: Meteospasmyl, pepsan, than hoạt...
Thuốc an thần kinh: Rotunda, Seduxen, Dogmatyl...


Xác định mức độ nặng của HCRKT và cách xử trí:


A. Nhẹ:


Triệu chứng không thường xuyên.
Rối loạn tâm lý ít.
Điều trị: Giáo dục về bệnh, ăn kiêng, chọn thức ăn thích hợp.


B. Trung bình:


Triệu chứng thường xuyên, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường.
Suy giảm tâm lý.
Triệu chứng nặng lên - tìm yếu tố thúc đẩy.
Thay đổi nếp sinh hoạt, tâm lý liệu pháp, chế độ ăn kiêng.
Dùng thuốc kiểm soát triệu chứng.


C. Nặng:


Đau bụng thường xuyên.
Suy giảm tâm thần tiềm ẩn.
Điều trị như trên kết hợp với thuốc an thần hoặc thuốc tâm thần.


3 bước đơn giản để chẩn đoán HCRKT (theo GI-MIMS, 2005-2006)




(Bệnh viện Bạch Mai)​
 

Bác sỹ trực tuyến

Super Moderator
1,025
41
48
Xu
0
Cách ăn uống, vận động khi bị hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là bệnh do rối loạn chức năng của ruột dẫn đến đau thắt ruột, đầy hơi, sình hơi...


Hội chứng này còn có nhiều tên gọi khác như bệnh đại tràng chức năng; viêm đại tràng co thắt; do bệnh biểu hiện các triệu chứng từng đợt lúc nặng lúc nhẹ nên trước kia còn gọi là viêm đại tràng mạn tính. Nhưng hầu hết những tên gọi này đều không đúng, vì nó không dẫn đến viêm và không nên lẫn lộn với những rối loạn khác, như viêm loét đại tràng. Mặc dù bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.





Trong một số trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích có táo bón, số khác có kèm tiêu chảy và một số thì có cả hai dấu hiệu trên. Thỉnh thoảng những người bị hội chứng ruột kích thích có những cơn đau thắt ruột gây cảm giác phải đi tiêu nhưng không thể thực hiện được.


Bệnh thường có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa. Đau bụng là triệu chứng thường gặp, người bệnh thường có cảm giác đau ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau chạy dọc theo khung đại tràng tức dọc theo khung của vùng bụng. Đau có thể có hoặc không có vị trí rõ ràng, đôi khi người bệnh chỉ cảm giác tức nặng, ấm ách khó chịu và đau bụng thường giảm đi sau khi đại tiện.


Trướng bụng cũng là triệu chứng thường gặp, sau ngủ dậy có thể bị nhẹ, sau đó tăng dần. Người bệnh có thể biểu hiện bằng tiêu chảy hoặc táo bón, đôi khi bị tiêu chảy xen lẫn từng đợt với táo bón. Trong cơn đau, người bệnh đau quặn bụng bắt buộc phải đi tiêu ngay không kiềm chế được và luôn có cảm giác chưa đi hết phân sau khi đại tiện. Ngoài ra, có các biểu hiện nóng ở vùng thượng vị, ăn nhanh no, buồn nôn, cảm giác có vướng ở vùng họng.


Người bệnh không sụt cân, siêu âm bụng và xét nghiệm đều bình thường, chụp X-quang đại tràng có thể có hình ảnh tăng hoặc giảm co bóp hay rối loạn co bóp, nhưng khi soi toàn bộ đại tràng thì niêm mạc hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm phân cũng không có gì thay đổi rõ rệt.


Cần ăn uống, vận động hợp lý


Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa được biết đến và chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Theo một số nghiên cứu thì hội chứng này là rối loạn chức năng bởi vì không có một dấu hiệu bệnh nào được tìm thấy khi khám đại tràng. Nó làm cho người bệnh khó chịu, mất tự tin; nhưng bệnh này hoàn toàn không gây hại đến đường ruột, không gây chảy máu hay một bệnh trầm trọng nào ở ruột.


Mặc dù là bệnh lành tính, không gây tử vong nhưng để điều trị dứt không phải dễ. Việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Chế độ ăn rất quan trọng, nên có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, hạn chế sử dụng những thức ăn dễ kích thích như bia rượu, cà phê, thức ăn cay chua, chất béo, thức ăn dễ tạo men. Chế độ làm việc điều độ, tăng hoạt động thể lực, cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ, tránh tình trạng căng thẳng... sẽ góp phần làm cho hội chứng ruột kích thích luôn được ổn định và cũng là cách đề phòng hữu hiệu nhất.


(Thanh Niên online)
 


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl