Cách chữa bí tiểu sau sinh


bacsionline

Member
415
7
18
Xu
0
Bí tiểu ở người mẹ sau sinh là một trong những biến chứng thường gặp, nhất là khi sinh thường. Tuy không gây nguy hiểm nhưng bí tiểu khiến cho sản phụ khó chịu.


Dấu hiệu


Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thông thường sau khi sinh 2-4 tiếng sản phụ có thể đi tiểu. Nếu khoảng 1-2 ngày, sản phụ có cảm giác buồn đi tiểu nhưng lại không đi được, gây căng tức và khó chịu, gọi là bí tiểu.


Khám lâm sàng cho sản phụ thấy có khối cầu bàng quang, ấn vào cảm giác căng tức. Sau khi sản phụ được hướng dẫn tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, đắp ấm trên bụng vùng dưới rốn và mở vòi nước cho chảy từ từ nhưng sản phụ cũng không tự đi tiểu được.




Nguyên nhân


Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Thuận, có rất nhiều nguyên nhân nhưng thông thường thì khi sản phụ sinh con, ngôi thai xuống thấp (thường là đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu làm bàng quang căng giãn); khi giãn nhiều làm mất trương lực, làm co thắt cơ cổ bàng quang gây nên hiện tượng bí tiểu.


Ngoài ra, trường hợp trong lúc sinh phải cắt tầng sinh môn để giúp cho đầu thai nhi sinh ra được dễ dàng; sau sinh phải khâu lại, các vết khâu bị sưng nề làm cho người mẹ khi đi tiểu không dám rặn tiểu vì đau. Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy gây bí tiểu.


Hơn nữa khi bí tiểu, động tác thông tiểu nhiều lần gây viêm bàng quang, làm cho triệu chứng bí tiểu thể hiện rõ.


Cách xử trí và phòng tránh


Đầu tiên, sản phụ cần tập đi tiểu để tạo lại phản xạ tự nhiên, kết hợp với chườm ấm vùng bụng dưới rốn, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không cải thiện, sản phụ cần đến cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể như cho dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng viêm chống phù nề và nguyên tắc sau cùng hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường…


Để phòng tránh, sau khi sinh, người mẹ cần sớm vận động nhẹ nhàng, tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên. Không nên lo sợ đau đớn đối với vết khâu tầng sinh môn mà nín tiểu. Uống nhiều nước, vệ sinh vùng âm hộ sạch sẽ bằng nước sạch và dung dịch rửa vệ sinh phụ khoa. Luôn luôn giữ khô vùng âm hộ, tránh nhiễm khuẩn vết khâu tầng sinh môn.


Món ăn cho sản phụ tiểu khó


Theo lương y Minh Chánh, Đông y có nhiều cách chữa bí tiểu như dùng thuốc sắc, ăn uống, xoa bóp… Sau đây là một số món ăn và bài thuốc chữa chứng bệnh này sản phụ có thể tham khảo áp dụng:

Cháo ích trí nhân: 10g ích trí nhân, 100g gạo lức, 2g muối tinh. Lấy vải gói ích trí nhân rồi cho vào nồi với gạo đã đãi sạch, đổ một lít nước nấu thành cháo. Khi sôi, đun nhỏ lửa tới khi cháo chín, bỏ túi vải ra, cho muối ăn. Ngày ăn một bát, ăn thường xuyên cả năm.


Cháo gà thục địa huỳnh kỳ: 30g bắc huỳnh kỳ, 30g thục địa, 250g thịt gà mái, 200g gạo lức, muối vừa đủ. Huỳnh kỳ, thục địa nấu lấy nước đặc rồi vớt bỏ bã thuốc, cho thịt gà và gạo đãi sạch vào nồi, thêm nước vừa đủ nấu thành cháo loãng, gia vị vừa ăn. Ngày ăn vài lần.


Cháo nhục quế rượu gạo: 3g nhục quế; 0,15 lít rượu gạo. Gạo đãi sạch cho vào nồi, đổ nước nửa lít, đun to cho sôi sau nhỏ lửa nấu thành cháo, cho nhục quế vào, đun tiếp 2-3 phút, lại cho rượu vào quấy đều là được. Mỗi tối ăn một bát khi cháo còn nóng.


Canh phúc bồn tử, bạch quả: 5 quả bạch quả, 10g phúc bồn tử, 100g bong bóng lợn, muối vừa đủ. Bạch quả sao chín, bong bóng lợn rửa sạch thái nhỏ. Cho 2 thứ vào nồi, đổ ngập nước, đun to lửa cho sôi rồi chuyển đun nhỏ lửa trong 2 tiếng đồng hồ thấy chín nhừ là được. Ngày ăn 2-3 lần. Ăn thịt, uống canh.

(Mẹ và Bé)

 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl