Mất giọng nói do bệnh lý dây thanh


Bác sĩ Phượng

Well-Known Member
1,996
73
48
Xu
0
Dây thanh (DT) nếu phải hoạt động nhiều sẽ phát sinh rất nhiều bệnh lý. Đặc biệt, bệnh xảy ra nhiều ở nam giới do thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu….


Các bệnh lý dây thanh phổ biến


BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, polyp DT là bệnh lý thường gặp nhất ở nam giới với nguyên nhân do hút thuốc lá nhiều, do nói lớn, la lớn. Nếu bị polyp kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần, cộng thêm hút thuốc, uống rượu nhiều cũng sẽ dễ dẫn đến bị ung thư DT(thanh quản).


Việc liên tục sử dụng giọng nói, khiến DT làm việc quá độ dẫn đến hàng loạt các bệnh lý. Nữ giới làm các nghề như: giáo viên, dẫn chương trình, bán hàng… dễ mắc phải bệnh lý hạt DT. Một phần còn do cấu trúc DT của nữ thường mỏng và ngắn hơn nam nên dễ bị tổn thương.


Nếu phải sử dụng giọng nói nhiều, dễ mắc bệnh u nang DT. Nang thường nằm ở lớp niêm mạc mỏng - nơi quan trọng để giúp giọng nói bình thường. Bên trong khối nang thường chứa chất nhầy, đôi khi hóa mủ. Do vậy, khi xuất hiện u nang, giọng nói sẽ trở nên bất bình thường. Trẻ em từ hai - sáu tuổi có sự hiếu động, hay la hét, khóc lớn sẽ dễ bị viêm thanh quản, phù nề DT.


Papilloma hay còn gọi là u nhú DT là bệnh do virus (cùng chủng với virus HPV) gây nên, biểu hiện bằng những mụn cóc nhỏ trên DT. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tập trung nhiều ở trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu do lây truyền từ người mẹ sinh con ở ngả âm đạo(sinh thường).




Triệu chứngvà cách chữa trị


Đa số các bệnh lý DT đều có chung triệu chứng là khàn tiếng không rõ lý do, không đau họng. Riêng với viêm thanh quản, phù nề DT, ban đầu người bệnh sẽ bị nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, sốt, sau đó đau họng, cảm giác nóng và khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng. Sau đó, giọng trở nên khan, khàn đặc, thậm chí mất tiếng.


BS Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi, BV Chợ Rẫy, cho biết thêm: u nhú DT, người bệnh còn cảm thấy nuốt vướng và rát họng. Ở trẻ nhỏ, biểu hiện bệnh là thở khò khè và khóc tiếng khàn. Ở người lớn, nếu được phẫu thuật cắt u nhú trong giai đoạn sớm (u mới chỉ nhỏ bằng hạt đậu) thì bệnh có thể dứt hẳn, không tái phát.


Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm đúng cách, bệnh rất dễ tái phát và không thể hết hẳn. Do sức đề kháng của trẻ yếu nên nếu bị nhiễm virus HPV, bệnh u nhú DT sẽ bùng phát sớm, nhanh và có chiều hướng tăng nặng. Có trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh từ sơ sinh, đến năm 20 tuổi đã phải cắt u nhú nhiều lần. Thậm chí trẻ không nói chuyện được thông thường mà phải nói qua một thiết bị hỗ trợ.


Vì vậy, để ngăn chặn lây bệnh cho con, thai phụ cần kiểm tra để phát hiện có nhiễm virus HPV hay không. Nếu có thì nên đề nghị được sinh mổ, không sinh thường. Nếu u nhú DT bị tác động thêm bởi môi trường ô nhiễm cùng với thói quen hút thuốc nhiều thì có thể dẫn tới bệnh ung thư thanh quản.


Với các bệnh: u nang, hạt DT, polyp DT, phù nề DT, nếu người bệnh đi khám và điều trị sớm thì chỉ cần uống thuốc trong khoảng hai tuần là có thể hết bệnh, phục hồi giọng nói. Trong một vài trường hợp như bị hạt DT nhẹ, bác sĩ cũng có thể cho người bệnh luyện thanh. Để DT có thể hoạt động bình thường trở lại đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và luyện tập đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.


Nếu bệnh đã nặng, bác sĩ sẽ làm thủ thuật dưới kính hiển vi hoặc qua nội soi để điều trị. Hiện nay, nội soi ống mềm là phương pháp hiệu quả nhất để cắt u nang, hạt xơ, polyp DT, u nhú DT. Đa số các trường hợp sau thủ thuật người bệnh không phải lưu lại bệnh viện mà được xuất viện trong ngày. Khoảng ba ngày sau thủ thuật nên ăn thức ăn dạng mềm, lỏng. Khi có bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị, cần hạn chế tối đa việc sử dụng giọng nói cũng như việc dùng thức ăn quá cay,nóng, chua.


Phòng bệnh ra sao?


Hầu hết các bệnh lý DT đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến giọng nói nếu không được điều trị sớm, điều trị triệt để. Bệnh có thể tái phát nhiều lần dẫn đến tình trạng xơ hóa DT, giọng nói sẽ bị khàn vĩnh viễn, không hồi phục.


Với những người làm nghề cần nói nhiều thì cứ sau mỗi một giờ nên nhấp một ngụm nước để bôi trơn DT; nếu cần nói lớn nên sử dụng micro. Súc hai-ba lần nước muối mỗi ngày để vệ sinh vùng họng, miệng. Công thức pha là một muỗng cà phê muối với 1/2 lít nước ấm, nếu nước muối quá nhạt sẽ không mang lại tác dụng nhưng quá mặn sẽ làm hư niêm mạc thanh quản.


Nên mang khẩu trang y tế khi di chuyển ngoài đường hoặc làm việc ở những vùng nhiều khói bụi. Không nên hút thuốc lá vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư thanh quản. Khi bị khàn tiếng kéo dài trên ba tuần, cần đi khám chuyên khoa ngay để được chẩn đoán, điều trị. Đặc biệt, nếu khàn tiếng cộng thêm khó thở cần nhập viện để cấp cứu ngay vì bệnh đã ở mức độ nặng.

AloBacsi.
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl