Do nguyên nhân bệnh hen rất phức tạp, cơ chế gây bệnh không rõ rệt nên hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị tận gốc.Có 2 nhận thức sai lầm khi cho rằng bệnh hen không cần điều trị cũng có thể tự khỏi cần phải làm rõ.
1. Những thuốc người bệnh hen không nên dùng:
Tránh dùng các loại thuốc làm nặng thêm tình trạng bệnh hen bao gồm: Nhóm ức chế bêta (propranolol, metoprolol, atenolol, bisoprolol, carvedilol…), thường dùng trong điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim nhanh, cường giáp. Nhóm thuốc asirine, kháng viêm không corticoide (piroxicam, meloxicam, ibuprofen, diclofenac…), thường dùng trong giảm đau, chống viêm, hạ sốt. Nhóm thuốc long đàm (bisolvon, N-acetyl cysteine, ambroxol, aprazinon…), thường dùng khi ho đàm, khò khè. Nhóm thuốc giảm ho, an thần, gây ngủ…
Các loại thuốc trị hen không phải dạng hít: Triamcinolone dạng tiêm bắp (K-cort, kenacort…) 2-3 tháng tiêm 1 lần, gây nhiều tác dụng phụ rất nặng, các thầy thuốc hô hấp không còn dùng từ năm 1988, hiện chỉ có dạng corticoide hít là có hiệu quả nhất.
2. Thực hiện sai thao tác khi dùng ống thuốc hít.
Việc hít hoặc xịt thuốc vào miệng được nhiều người bệnh cho là đơn giản. Thực ra, có rất nhiều sai lầm ở thao tác này bởi dược sỹ thường chỉ hướng dẫn rất qua loa cách sử dụng, chưa kể là bệnh nhân còn được nhiều người khác (không được đào tạo) hướng dẫn. Tuy các ống hít đều kèm theo bảng hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng do chủ quan nên ít người bệnh đọc kỹ và thực hiện, nhiều khi có đọc nhưng cũng chưa hiểu hết, hậu quả là thao tác sai, không lắc thuốc trước, không thở ra hết, không đồng bộ giữa tay bóp ống hít và miệng hít vào, hít không đủ sâu, không có thời gian nít thở 10 giây sau hít vào hết…
Thuốc điều trị hen chỉ có tác dụng khi được đưa sâu vào tận các phế quản nhỏ. Người bệnh chỉ đạt được điều này với điều kiện phải cố hít vào thật sâu và sau đó phải nín thở tiếp 10 giây. Nếu hít rồi mà phát hiện ở miệng, mũi có khói bay ra thì rõ ràng người bệnh hít vào không hiệu quả.
3. Không nên lạm dụng thuốc glucocorticoid trong điều trị hen:
Sự ra đời của thuốc corticoide đã góp phần tích cực trong điều trị bệnh hen và các bệnh dị ứng, tự miễn khác…Khi người bệnh hen được điều trị corticoide họ cảm thấy như dùng thần dược, các triệu chứng thuyên giảm rất nhanh chóng. Tuy nhiên, corticoide là một trong những nhóm thuốc gây nhiều tác dụng phụ như rối loạn chuyển hóa, hội chứng Cushing, rậm lông, rối loạn kinh nguyệt, chậm phát triển, teo cơ, ban đỏ, xuất huyết, mụn trứng cá, nấm miệng, loét dạ dày tá tràng, rối loạn tâm thần, loãng xương, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp…
Phải thừa nhận corticoide đã mang lại một kết quả điều trị khá tích cực cho các bệnh nhân bệnh tự miễn, dị ứng và đặc biệt là bệnh hen. Tuy nhiên việc lạm dụng lâu ngày nhóm thuốc này dễ gây các hậu quả xấu. Vì thế, cách tốt nhất để phòng tránh những hậu quả xấu do corticoide là người bệnh phải được các thầy thuốc chuyên khoa khám và điều trị tại các cơ sở y tế tin cậy. Để kiểm soát hen hiện nay, cần sử dụng thuốc corticoide dạng hít đơn thuần như becotide, budesonide, fluticasone hoặc phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng dài như seretide, symbicort cho hiệu quả rất tốt. Các dạng uống như prednisone, prednisolone… hay tiêm tĩnh mạch như solumedrol, hydrocortisone …chỉ được dùng khi có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa khi bệnh hen trở nặng hoặc khó kiểm soát và chỉ dùng trong một đợt ngắn 10-14 ngày trong bệnh viện. Người bệnh không được tự ý dùng và lạm dụng các chế phẩm khác của corticoide.
4. Không nên cho rằng bệnh hen không cần điều trị có thể tự khỏi:
Do nguyên nhân bệnh hen rất phức tạp, cơ chế gây bệnh không rõ rệt, cho nên hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị tận gốc. Mục tiêu điều trị là kiểm soát bệnh, giảm thiểu số lần lên cơn hen cấp và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Có 2 nhận thức sai lầm khi cho rằng bệnh hen không cần điều trị cũng có thể tự khỏi cần phải làm rõ.
Đó là, rất nhiều người trong gia đình người bệnh quan sát thấy trẻ em mắc bệnh hen đến thời kỳ dậy thì sẽ tự nhiên khỏi, chữa hay không cũng không quan trọng. Nhận thức sai lầm này khiến không ít người bệnh hen đánh mất đi cơ hội có lợi để điều trị. Trên thực tế, tỷ lệ trẻ em bệnh hen phát triển đến thời kỳ thanh thiếu niên vẫn còn cao (từ 5-10% đến 60-70%). Thời kỳ đầu phát bệnh hen ở trẻ em, phụ huynh nên tuân thủ theo các chỉ định của thầy thuốc để có thể khống chế phát triển bệnh hen. Làm như thế sẽ giúp trẻ đỡ phải chịu nổi đau của bệnh tật và có thể tác động đến bệnh ở thời kỳ thanh thiếu niên bệnh hen sẽ tự nhiên khỏi.
Thứ hai, do bệnh hen không thể chữa tận gốc nên việc điều trị hay không cũng đều giống như nhau cả. Trên thực tế có điều trị hay không là 2 việc hoàn toàn khác nhau, với những người bệnh hen điều trị đúng hướng dẫn thì họ có thể sinh hoạt, công tác, giảng dạy, sản xuất, đến trường…như người khỏe mạnh bình thường. Còn những người bệnh không tuân trị và bị cơn hen tái phát nhiều lần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ, dần dần họ sẽ bị trầm cảm, bị các biến chứng của bệnh hen diễn tiến nặng, mạn tính và suy hô hấp, tâm phế mạn, đôi khi gây tử vong vì các cơn hen cấp nặng.
5. Những thực phẩm người bệnh hen không nên dùng:
Các thực phẩm nên cẩn thận khi dùng được cho là yếu tố khởi kích hen bao gồm sữa bò, lòng đỏ trứng, thịt dê, nhiều dầu mỡ, gà trống, thịt vịt, thịt ngỗng, thịt mèo, thịt chó, thịt rắn, ốc, cua, tôm, sò, nghêu, rong biển, măng khô, vải khô, nhãn, dừa, khoai lang, bí đỏ, khoai tây, tỏi, hạt tiêu, ớt, súp lơ, hẹ, dầu chuối, sôcôla, phẩm màu, cà phê, kem, côca, bánh kem, đồ uống lạnh, thuốc lá, rượu bia, trà đậm…Tuy nhiên các loại thực phẩm này còn tùy thuộc và khác biệt rất nhiều ở từng người bệnh khác nhau.
6. Người bệnh hen không được chơi thể thao:
Thực ra, việc tập luyện luôn có lợi cho sức khỏe, ngay cả đối với người bệnh hen. Người bệnh hen có thể tập các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, khí công, thể dục nhịp điệu, bơi lội…Tuy nhiên, trước đó cần chú ý khởi động, làm nóng và uống đủ nước. Tránh những môn cần gắng sức nhiều và tập trong mùa lạnh, có nhiều nấm mốc, phấn hoa. Người bệnh hen nên đến thầy thuốc tư vấn để chọn một môn và xác định cường độ tập luyện thích hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Trong quá trình chơi cũng phải tuân thủ chế độ điều trị theo hướng dẫn, khi cần thiết hít 2-4 nhát thuốc cắt cơn trước khi tập 30 phút, trong quá trình tập nếu xuất triệu chứng hen, nên ngừng ngay, dùng thuốc cắt cơn và đi khám thầy thuốc.
ThS. BS. Nguyễn Hoàng Thanh Phương
Phó Trưởng khoa Nội Hô hấp
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Bài viết cùng chủ đề
- Đối phó với bệnh cúm
- 0
- 1,168