Hội chứng ruột kích thích


Cứ 10 người đến khám tiêu hoá thì có 2-3 người bị đau bụng quặn từng cơn, sình hơi, tiêu chảy hoặc táo bón, và đặc biệt lặp đi lặp lại trong thời gian ít nhất trên 3 tháng. Những biểu hiện này khiến không ít người nhầm tưởng là ung thư.





Không dám ăn sáng khi đi xa

Triệu chứng quan trọng của hội chứng ruột kích thích là tình trạng đau bụng quặn, thường di chuyển lúc đau chỗ này, lúc đau chỗ khác. Đôi khi bệnh nhân chỉ có cảm giác khó chịu, nặng tức, đầy hơi tập trung chủ yếu ở vùng dưới rốn.

Các triệu chứng hay xảy ra vào buổi sáng, nhất là sau khi ăn điểm tâm, bệnh nhân có cảm giác mắc đi tiêu. Khi đi tiêu xong, cảm giác khó chịu sẽ hết ngay. Do vậy, nhiều người khi chuẩn bị đi xa thường không dám ăn sáng vì sợ phải ngừng xe dọc đường. Mỗi khi đi du lịch xa, điểm tham quan đầu tiên thường là “ngôi nhà hạnh phúc” mang tên… toilet!

Ngoài triệu chứng đau bụng, một số bệnh nhân còn hay bị tiêu chảy, phân lỏng như nước hoặc phân sệt, có thể lẫn với chất nhầy… Có trường hợp đi tiêu lắt nhắt vài lần trong ngày, đi tiêu không hết phân, sau khi đi xong lại có cảm giác muốn đi tiếp nữa. Số khác thì ngược lại, bệnh nhân bị táo bón thường xuyên, từ 3-4 ngày hoặc thậm chí một tuần mới đi tiêu một lần, phân cứng, vón cục, có khi phải rặn hoặc dùng tay để móc phân ra. Có bệnh nhân lại bị tiêu chảy từng lúc xen kẽ với táo bón. Nói chung, hội chứng ruột kích thích biểu hiện bằng triệu chứng đau bụng quặn kèm theo các rối loạn liên quan đến việc đi tiêu. Ngoài triệu chứng về tiêu hoá, một số bệnh nhân còn có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, trầm cảm, đau nhức cơ, hồi hộp, đau tức ngực, cảm giác khó thở… Khi đi khám bệnh thường không phát hiện bất thường gì rõ ràng.

Có nguy hiểm không?

Thật ra hội chứng ruột kích thích chỉ là rối loạn chức năng, không có một bệnh hay một bất thường cụ thể nào có thể giải thích tại sao lại xảy ra các triệu chứng và chủ yếu ảnh hưởng trên vận động của đường ruột. Do vậy, nó không gây nguy hiểm, không làm sụt cân hay thay đổi tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Hội chứng này có thể liên quan đến các rối loạn về tâm lý – tâm thần vì thường khởi phát sau một đợt stress, buồn rầu, lo lắng quá mức và các tình trạng tâm lý này có thể làm cho các triệu chứng kéo dài và khó điều trị hơn.

Đây là rối loạn tiêu hoá thường xuyên tái phát, gây phiền toái cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh, làm cho họ rất hoang mang, không biết mình bị bệnh gì mà điều trị hoài không dứt. Và chính điều đó thường làm cho bệnh nhân lo lắng, sợ bị ung thư nhất là sau khi nghe tin người thân hay bạn bè vừa mới chết vì bệnh ung thư tiêu hoá nào đó. Bệnh nhân cứ sợ không biết các bác sĩ có bỏ sót bệnh gì không, thế là họ cứ thay đổi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác để mong tìm ra lời giải đáp!

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý: nếu triệu chứng kéo dài quá lâu hoặc khi cảm nhận có sự thay đổi không giống như các triệu chứng ban đầu hoặc có xuất hiện các triệu chứng báo hiệu tình trạng bệnh nặng như: triệu chứng mới xảy ra ở bệnh nhân trên 40 tuổi; bệnh nhân bị chán ăn, sụt cân, thiếu máu, sốt, đi cầu phân lẫn đàm máu, đi tiêu phân dẹt nhỏ hoặc có người thân trong gia đình bị ung thư đại tràng… Những trường hợp này bắt buộc phải nội soi đại tràng và kiểm tra một số xét nghiệm khác như thử máu, thử phân để xác định chính xác bệnh nhằm phát hiện một số bệnh mới phát sinh như viêm loét đại tràng, các ung thư đường tiêu hoá…

Liệu pháp tâm lý cũng là “thuốc”

Điều trị hội chứng ruột kích thích chủ yếu tập trung vào giải quyết các triệu chứng nổi trội ở từng bệnh nhân. Việc điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng chắc chắn sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tuỳ theo bệnh nhân có triệu chứng gì thì sử dụng các thuốc tương ứng để giải quyết, chẳng hạn như khi bị đau bụng thì sử dụng các thuốc giảm đau, chống co thắt; khi bị tiêu chảy thì dùng thuốc cầm tiêu chảy; khi bị táo bón thường xuyên thì dùng các thuốc xổ, nhuận trường…

Người bị hội chứng ruột kích thích rất dễ lo lắng do các triệu chứng thường xuyên tái phát. Vì vậy, bệnh nhân rất cần sự quan tâm, thông cảm và chia sẻ. Họ rất cần lời an ủi, động viên, trấn an và giải thích từ người thầy thuốc. Chỉ cần cho bệnh nhân biết họ không phải bị ung thư là đã trút bỏ gần phân nửa cảm giác bệnh tật. Đôi khi người bệnh cần phải sử dụng thêm một số thuốc chống trầm cảm, giải toả lo âu và một số liệu pháp về tâm lý mới đạt được kết quả điều trị.

Lưu ý ăn uống và sinh hoạt

Bệnh nhân cần được hướng dẫn để biết cách “sống chung với lũ”, nghĩa là phải biết thích nghi với các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân cần chú ý để nhận biết và hạn chế các loại thức ăn nào thường không hợp với mình, tức là các loại thức ăn hay gây tiêu chảy và đau bụng, chẳng hạn như thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, rau sống, sữa tươi, rượu bia,… Tuy nhiên, cũng không nên kiêng cữ quá mức vì có thể dẫn đến chán ăn và suy dinh dưỡng.

Đối với trường hợp bị táo bón thường xuyên, cần uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ, rau quả tươi hoặc dùng thêm các loại thực phẩm chức năng có chứa chất xơ. Tránh các thức ăn khô, mắm, tiêu ớt…

Nên hoạt động thể lực, hạn chế ngồi nhiều một chỗ, tránh bớt các căng thẳng về thần kinh và tâm lý…

Mọi sinh hoạt thông thường vẫn có thể duy trì không cần thay đổi.

Theo TS.BS Bùi Hữu Hoàng
 

Sửa lần cuối:
Hội chứng này còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, rối loạn chức năng đại tràng, bệnh đại tràng chức năng... Các rối loạn tiêu hóa mạn tính tái đi tái lại, kéo dài ít nhất 3 tháng mà không làm thay đổi cấu trúc hay yếu tố sinh hóa của dạ dày, ruột.

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý phổ biến. Trên thế giới, ước tính có khoảng 20% dân số bị hội chứng này. Tại Việt Nam, 30-40% bệnh nhân đến khám chuyên khoa tiêu hóa bị hội chứng ruột kích thích. Tỷ lệ nữ mắc bệnh cao gấp 4 lần nam; bệnh hay gặp ở lứa tuổi thanh niên. Người dễ mắc là bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), trầm cảm, ám ảnh hay bị stress tâm lý... Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chi phí điều trị rất tốn kém nhưng kết quả lại hạn chế. Đến nay, cơ chế gây hội chứng ruột kích thích vẫn chưa rõ ràng.
Những biểu hiện chính của bệnh là đau bụng mạn tính và táo bón, hoặc tiêu chảy không liên tục, kéo dài; có bệnh nhân bị táo bón xen lẫn tiêu chảy. Tiêu chảy thường xảy ra vào buổi sáng, sau bữa điểm tâm. Sau khi đi ngoài 3-4 lần với phân nhiều nhầy, nước, bệnh nhân thấy đỡ đau và có thể sinh hoạt bình thường. Tiêu chảy có thể kéo dài hàng tháng, sau đó có khi tự hết mà không cần điều trị. Táo bón ở người bị hội chứng ruột kích thích thường kết hợp với đau bụng; thường ở bụng dưới. Khi trung tiện được hoặc đi ngoài xong thì đỡ đau hoặc hết hẳn.
Các dấu hiệu lâm sàng trên có thể liên quan đến một số loại thức ăn hay trạng thái tâm lý. Các xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng, xét nghiệm máu cho kết quả bình thường. Nội soi đại tràng không thấy tổn thương thực thể (viêm, loét, u...).

Hội chứng ruột kích thích là bệnh liên quan đến thần kinh nên yếu tố tâm lý rất quan trọng. Bệnh nhân cần hiểu rõ đây là bệnh không nguy hiểm, không tiến triển thành viêm loét hay ung thư đại tràng. Nên tự thích nghi với điều kiện sinh hoạt, ăn uống, luyện tập thể dục (tập thở, xoa bụng). Tập thói quen đi ngoài hằng ngày vào một giờ nhất định. Hạn chế các yếu tố làm bệnh nặng thêm như thói quen ăn uống (cá, mỡ, bia, rượu...), căng thẳng thần kinh. Các thuốc điều trị triệu chứng chỉ được sử dụng khi những biện pháp tâm lý thất bại.

Khả năng điều trị dứt điểm rất khó khăn. Vì vậy, mỗi bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh để duy trì cuộc sống ổn định, thích nghi với nó.
 
  • Like
Cảm xúc: ngọc hương


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl