Những câu hỏi thường thấy ở phụ nữ khi kinh nguyệt không đều


4,226
1
1
Xu
53
Rối loạn kinh nguyệt phản ánh tình trạng sức khỏe của người phụ nữ, không những ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý cũng như sức khỏe sinh sản, sau đây là những câu hỏi thường thấy ở phụ nữ khi kinh nguyệt không đều.

1 Phá thai nội khoa hơn 4 tháng vẫn không có kinh nguyệt Câu hỏi bởi: pepum Hỏi lúc 14h57 06-05-2016

Thưa bác sĩ!

Sau phá thai nội khoa đã hơn 5 tháng mà em vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại. Mong bác sĩ giải đáp giúp em. Em cảm ơn bác sĩ!

Chào em!

Phá thai nội khoa là phương pháp phá thai bằng thuốc. Ở đây em không nói rõ là em phá thai khi thai bao nhiêu tuần? Bằng thuốc gì? Dùng như thế nào? Do bác sĩ chỉ định hay do em tự mua thuốc về dùng? Khi phá thai có bị biến chứng gì không? Sau phá thai em đã đi khám lại chưa? Chu kỳ kinh nguyệt của em trước đây như thế nào? Nên tôi không thể giải đáp cụ thể cho em.

Sau khi phá thai, dù bằng bất kỳ phương pháp nào thì sau 2 tuần, em cần tới bác sĩ sản phụ khoa để được khám và đánh giá lại. Có cần can thiệp hay xử trí gì nữa không? Thông thường sau phá thai khoảng 4-8 tuần sẽ xuất hiện kinh nguyệt trở lại, đây là thời gian vừa đủ để hoạt động nội tiết của cơ thể trở về ổn định. Thời gian có kinh nguyệt trở lại của mỗi người cũng khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, khả năng hồi phục và có biến chứng sau phá thai hay không. Trường hợp của em, sau 4 tháng vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại có khả năng em có bệnh lý hay viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục gây nên tình trạng mất kinh kéo dài, tôi khuyên em nên đến bác sĩ sản phụ khoa để được khám và chẩn đoán lí do, cũng như có phương pháp chữa trị, tránh tác động tới khả năng sinh sản sau này. Chúc em luôn khỏe!

2 Có phải rối loạn kinh nguyệt gây khó có con không? Câu hỏi bởi: Giấu tên Hỏi lúc 11h26 16-06-2016

Chào bác sĩ!

Kinh nguyệt của cháu ra không đều tháng kia là ngày 15 tiếp là 12 và bây giờ là 10 cháu đang mong có baby lắm ạ. 5 tháng về trước cháu có uống 2 viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong 2 tháng bây giờ cháu muốn có bé lắm mà chưa có cháu sợ nó tác động bác ạ. Mà cháu có kinh cháu đau bụng và đau lưng, 2 tháng trước có kinh không bị đau ạ. Nhờ bác giải đáp giúp cháu ạ.

Cháu cảm ơn bác.

Chào cháu!

Việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể dẫn đến những tác dụng phụ như rối loạn nội tiết, rối loạn kinh nguyệt, rong huyết, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu… Theo khuyến cáo thì không nên dùng quá 2 lần trong một tháng vì nếu dùng nhiều thì hiệu quả tránh thai cũng giảm mà tác dụng phụ lại tăng lên. Các tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp thường kéo dài 2 tháng. Trường hợp của cháu từng uống 2 viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong 1 tháng thì cũng không vượt quá khuyến cáo và cháu đã uống cách đây 5 tháng thì những tác dụng phụ nếu có cũng đã hết. Cháu không nên quá lo lắng, sốt ruột vì chuyện mang thai. Tâm lý thoải mái, thư giãn cũng là một yếu tố thuận lợi để mang thai. Cháu nên bình tĩnh chờ đợi. Nếu sau 6 tháng 2 vợ chồng cháu sinh hoạt đều đặn, không áp dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào mà vẫn không thấy thai thì cháu cần đi khám.

Chúc cháu mạnh khỏe!

3 Rối loạn kinh nguyệt có gây rụng tóc không? Câu hỏi bởi: Giấu tên Hỏi lúc 11h25 16-06-2016

Chào bác sĩ!

Con là nữ năm nay 21 tuổi, lúc trước tóc của con rất dày và chắc khỏe nhưng 1 năm trở lại đây tóc con rụng rất nhiều giờ chỉ còn lại 1/2 lúc trước, rụng đều hết cả đầu. Kèm theo là con bị kinh nguyệt không đều, có khi 3 hay 4 tháng mới có. Liệu con có phải bị rối loạn kinh nguyệt dẫn đến rụng tóc hay không ạ? Con được biết thuốc tránh thai có thể điều hòa kinh nhưng con sợ tóc sẽ bị rụng hơn nửa. Mong bác sĩ giúp con cách điều trị như thế nào và con nên đi khám ở khoa nào của bệnh viện ạ! Rất mong sự trả lời của bác sĩ.

Con cảm ơn!

Chào cháu!

Theo thông tin cháu cung cấp cháu bị rụng tóc, rụng tóc không sẹo có 2 dạng rụng tóc telogen và rụng tóc anagen. Sau đây cung cấp thông tin cho cháu tìm hiểu:

Rụng tóc Telogen. Định nghĩa: là loại rụng tóc hàng ngày tăng dần, tóc mỏng thưa đi. Tăng tỷ lệ phần trăm pha Telogen (tóc đầu tày) tóc bị chuyển nhanh từ pha Anagen sang Catagen và telogen. Căn nguyên:

– Có thai, sảy thai, sinh đẻ.

– Chấn thương lớn, phẫu thuật ngoại khoa lớn, mất máu.

– Sau đợt ốm có sốt cao.

– Sau ăn kiêng, sụt cân trong thời gian ngắn.

– Thuốc tránh thai, giảm năng tuyến giáp.

– Một số thuốc khác.

Lâm sàng: các nguyên nhân thường đi trước rụng tóc Telogen 6-16 tuần. Biểu hiện lâm sàng là tăng rụng tóc, tóc mỏng thưa đi, bệnh nhân lo lắng, sợ hãi họ sẽ bị hói. Thầy thuốc thường được chứng kiến các túi plastic chứa tóc rụng của họ. Rụng tóc lan toả vùng đầu, vuốt tóc thấy một vài sợi hay nhiều sợi bị rụng (tóc giai đoạn Telogen hoặc tóc đầu tày, hình dùi cui (Club Hairs) rụng lan toả ở cả mặt bên và sau đầu, các tóc mới mọc lại ngắn, mảnh hơn tóc cũ và đuôi thon nhọn hơn.

Móng có những đường hằn ngang (đường Beau) hoặc rãnh, khía ở bản móng các ngón tay, ngón chân. Xét nghiệm:

Trichogram (tóc đồ): tăng tỷ lệ phần trăm tóc Telogen(bình thường từ 10- 15%).

Tiến triển: về sau tóc mọc lại. Tuy nhiên nếu rụng nghiêm trọng và tái phát sau nhiều lần có thai kế tiếp nhau (chửa đẻ nhiều lần) có thể tóc mọc lại không hoàn toàn. Sau nguyên nhân tác động tóc có thể rụng kéo dài trong vòng 1 năm.

Điều trị: không cần điều trị gì đặc biệt, vitamin B liều cao, calcium, về sau tóc sẽ mọc lại, giải thích cho bệnh nhân là cần chờ đợi.
Rụng tóc Anagen

Định nghĩa: rụng tóc Anagen là kiểu rụng tóc lan toả (Diffuse hair loss), khởi đầu nhanh và khá rõ rệt, nó gây nên kìm hãm sự mọc tóc hoặc làm hư hại các sợi tóc Anagen chuyển nhanh sang Catagen và Telogen và rụng đi. Trong loại rụng tóc này tóc không bị rụng từng một vùng nhỏ hoặc vùng lớn mà tóc chỉ rụng lưa thưa, rải rác khắp da đầu, nhìn vào thấy da đầu ít tóc hơn bình thường. Khi dùng tay vuốt nhẹ thì sẽ thấy vài sợi tóc dễ dàng rụng theo. Đây là loại rụng tóc thường gặp nhất trong các loại rụng tóc.

Căn nguyên:

– Sau khi sinh đẻ, đến tuổi mãn kinh.

– Sau khi bị sốt cao kéo dài.

– Bị sốt ổ nhiễm trùng đâu đó trong cơ thể như sâu răng, bệnh giang mai v.v…

– Suy dinh dưỡng, thiếu ăn, thiếu máu.

– Giảm chức năng tuyến giáp trạng.

– Uống thuốc trị bệnh ung thư.

– Sau khi uốn tóc hoặc bị một số hóa chất tác động, hoặc do thiếu tia X quang ở da đầu.

– Bị stress nặng và kéo dài.

Phần lớn rụng tóc loại anagen gây nên do thuốc, nhiễm độc và hoá trị liệu.

– Thuốc chống đông Heparin ,Warfarin Một vài thông báo gây rụngtóc tỷ lệ thay đổi từ 19%- 70% rụng tóc lan toả.

– Colchicine Rụng tóc lan toả, tăng số tóc Telogen.

– Các thuốc chống U:Bleomycin, Cyclophosphamide, Cytarabine, Dacarbazine, Dactinomycine, Daunorubicin, Etoposide, Fluorouracil, Hydroxyurea, Ifosfamide, Mechlorethamine, Melphalen, Methotrexate, Mitomycin, Mytoxantrone, Nitrosourea, Procarbazine, Thiotepa, Vinblastine, Vinoristine

– Thuốc chống Parkinson, Levodopa, Thuốc chống động kinh, Trimethadione.

– Thuốc chẹn Beta: Metoprolol, Propanolol.

– Các thuốc tránh thai.

– Thuốc dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực: Lithium.

– Nguồn gốc nấm cựa gà: Bromocriptin.

– Thuốc chẹn H2 : Cimetidine.

– Kim loại nặng (độc): Thallium, Thuỷ ngân và chì.

– Thuốc làm giảm cholesteron:Clofibrate.

– Chất diệt sinh vật độc hại.

– Boric acid.

– Retinoids:Etretinate, Isotretinoin.

Như vậy rụng tóc là một vấn đề phức tạp, cháu phải đến da liễu khám, xét nghiệm và định loại rụng tóc sau đó mới có hướng điều trị đúng.

Chúc cháu khỏe!

4 Buồn nôn khi ngửi mùi thức ăn, kinh nguyệt thất thường là bị gì? Câu hỏi bởi: Giấu tên Hỏi lúc 11h19 17-06-2016

Thưa bác sĩ!

Cháu năm nay 21 tuổi. Dạo gần đây cháu hay buồn nôn và khó chịu vùng bụng. Mỗi lần ngửi thấy mùi thức ăn là cháu lại thấy rất khó chịu. Có khoảng thời gian cháu rất thèm ăn và ăn rất nhiều. Nhưng gần đây thì cháu lại không ăn được dù bụng rất đói. Cháu cũng hay bị đau hông bên trái khi nằm xuống khiến nhiều lúc trở mình rất khó khăn khi ngủ. Tháng trước cháu không có xuất hiện kinh nguyệt. Nhưng gần đầu tháng này cháu lại thấy có nhưng ra ít và máu có màu nâu đen không ổn định. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ.

Cháu xin cám ơn!

Chào cháu!

Không biết cháu đã có quan hệ tình dục chưa. Nếu đã có quan hệ tình dục và nhất là quan hệ không an toàn trong thời gian gần đây thì với những triệu chứng như cháu kể, có thể là cháu đã có thai. Tuy nhiên, trong tình huống có thai mà bị ra ít máu có màu nâu đen không ổn định kèm theo hiện tượng đau hông thì cháu cần cảnh giác với nguy cơ thai lưu, sảy thai. Khi đó cháu cần đi khám càng sớm càng tốt.

Trong tình huống không phải do có thai, các triệu chứng của cháu có thể là do rối loạn thần kinh thực vật. Các biểu hiện chức năng thường gặp là mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, nặng đầu, choáng váng. Các biểu hiện thần kinh là tính tình thay đổi, giảm tập trung, trí nhớ giảm, lo âu, rối loạn thân nhiệt, rối loạn cảm xúc.

Ngoài ra có rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon, chán ăn, nôn, buồn nôn khó tiêu, ợ hơi, táo bón hoặc phân nát, nói chung là tuỳ thể bệnh, tuỳ bệnh nhân), rối loạn huyết áp tim mạch, hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh hoặc chậm, hoặc khi nhanh khi chậm có thể đau tim, đau tức ngực, rối loạn kinh nguyệt… Trong trường này cháu cũng cần đi khám chuyên khoa Thần kinh để được giải đáp chữa trị.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Nguồn: ViCare
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.