5 câu hỏi thường gặp sau nạo phá thai


4,226
1
1
Xu
53
Sau khi nạo phá thai, phụ nữ thường vì thiếu hiểu biết mà sinh hoạt chủ quan dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc. Vì vậy, hãy bảo vệ chính bản thân sau nạo thai bằng những kiến thức cơ bản nhất dưới đây.

Nạo phá thai có ảnh hưởng thế nào về sau?


Câu hỏi bởi: thu thuy .com.vn

Chào bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi và đã có một em bé 22 tháng tuổi, mới đây em phát hiện mang thai 3 tuần rồi. Nhưng do hoàn cảnh còn khó khăn nên chồng em muốn bỏ thai. Xin hỏi bác sĩ nếu em nạo thai sẽ tác động về sau như thế nào? Em nên làm gì?

Em xin cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Thông thường khi quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp tránh thai thì có thể dẫn tới thụ thai. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó (điều kiện kinh tế khó khăn, chưa chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, sức khỏe mẹ yếu, bất thường thai nhi,…) nên người mẹ không thể tiếp tục duy trì được thai nhi. Nếu không được thực hiện ở cơ sở y tế đảm bảo chuyên môn, việc nạo phá thai có thể gây một số tai biến như chảy máu âm đạo nhiều hoặc ứ máu trong tử cung (với thai to), rách cổ tử cung, thủng tử cung, nhiễm trùng, rong kinh, viêm niêm mạc tử cung, viêm phần phụ, dính buồng tử cung, thai ngoài tử cung, vô sinh,…

Trường hợp của em đã có một em bé và giờ bị “vỡ kế hoạch”, do vậy trong tình huống mà hai vợ chồng em thấy chưa đủ điều kiện để sinh em bé, thì sớm tìm biện pháp giải quyết càng sớm càng tốt và cần thực hiện tại cơ sở y tế chuyên khoa sản phụ để giảm tối thiểu tai biến. Trước hết, em nên sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa sản phụ để khám kiểm tra xác định chính xác tuổi thai, và tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp thích hợp nhất.

Có nhiều biện pháp khắc phục để bỏ thai như: bơm hút chân không, đặt thuốc, nong và gắp thai,… nhưng nhìn chung, khắc phục khi thai càng nhỏ thì càng ít nguy cơ biến chứng hơn. Để tránh gặp phải trường hợp “khó xử” như lần này, thì hai vợ chồng em nên chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp như bao cao su, thuốc uống tránh thai, thuốc tiêm, thuốc cấy, dụng cụ tử cung,…

Chúc em sức khoẻ!

Có nên uống thuốc bổ Belaf và Hemona sau khi nạo phá thai không?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Lan

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ! Thuốc Belaf, Hemona có thể dùng kèm với kháng sinh cho phụ nữ sau nạo phá thai không ạ? Vì em thấy nhiều người khuyên nên uống thuốc bổ cho sức khỏe nhanh hồi phục nên em đã ra hiệu thuốc và được giới thiệu dùng hai loại thuốc trên.

Rất cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Sau nạo phá thai, người phụ nữ có tổn thương tại tử cung và sức khỏe ít nhiều suy giảm, do vậy giai đoạn này người phụ nữ rất dễ nhiễm khuẩn phần phụ nếu không sử dụng kháng sinh và giữ gìn vệ sinh, nâng cao thể trạng. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh, cũng như bất kỳ thuốc bổ tăng cường sức khỏe nào sau nạo phá thai đều cần theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa Sản phụ.

Thông tin bạn hỏi về các thuốc Belaf, Hemona. Đây là các nhóm thuốc cung cấp vitamin và khoáng chất. Belaf cung cấp beta Caroten, viamin C, Selen, DL-alpha Tocopherol. Hemona cung cấp sắt. Mặc dù chưa thấy tài liệu nào đề cập tới tương tác các thuốc này với kháng sinh, nhưng bạn vẫn cần xin ý kiến bác sĩ khám và chữa trị trước khi sử dụng các loại thuốc này. Bên cạnh đó, bạn cần theo dõi và khám lại theo hẹn để kiểm tra tình trạng sức khoẻ sau nạo phá thai.

Chúc bạn vui vẻ.

Hỏi về nạo phá thai?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Người thân cháu năm nay 23 tuổi, do quan hệ không sử dụng biện pháp tránh thai nên đã mang thai ngoài ý muốn (thai tầm một tuần tuổi). Cháu muốn xin bác sĩ giải đáp: Ngoài biện pháp nạo phá thai còn biện pháp nào để giúp cô ấy bỏ cái thai đó mà an toàn hơn? Nếu có bác sĩ cho cháu địa chỉ? Nếu không có mà phải sử dụng biện pháp nạo phá thai thì bác sĩ có thể cho cháu tên một số cơ sở y tế có uy tín? Và thai tầm mấy tuần tuổi thì phá được? Cháu nghe nói việc nạo phá thai có thể đem lại hệ quả là vô sinh thì lí do từ đâu? Bạn cháu mới làm lần đầu tiên không biết có sao không ạ? Làm cách nào để phòng tránh ạ? Bạn cháu công việc của cô ấy lại hay phải đi bộ không biết sau khi nạo xong có tác động gì không ạ?

Cháu xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào cháu!

Xác định tuổi thai trước hết phải dựa vào các yếu tố chu kì kinh nguyệt của bạn ấy có đều hay không, đã chậm kinh được bao lâu, và tốt hơn bạn ấy phải đi khám và siêu âm để xác định xem thai đã vào buồng tử cung chưa. Tùy từng tuổi thai mà có các hương pháp chấm dứt thai nghén cho phù hợp. Đối với thai từ 6 tuần đến hết 12 tuần, có thể lựa chọn 2 phương pháp sau:

Phá thai bằng thuốc: Là phương pháp dùng phối hợp hai loại thuốc là Mifepristone và Misoprotol để chấm dứt thai nghén. Chỉ được thực hiện đối với thai 7 tuần tuổi trở xuống, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Thuốc phá thai sẽ làm cho thai ngừng phát triển và gây co bóp dạ con để đẩy thai ra ngoài như bị sảy thai. Có hiệu quả chấm dứt thai nghén tới 96-98%. Phương pháp phá thai bằng thuốc phải do bác sĩ đã được đào tạo thực hiện và chỉ được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh. Bạn không được tự ý mua thuốc và sử dụng.

Hút thai: Là một thủ thuật sử dụng dụng cụ hút chân không để chấm dứt thai nghén. Được thực hiện đối với thai từ 6 tuần đến hết 12 tuần, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Thai trong buồng tử cung được hút ra ngoài qua ống hút vào một bơm hút. Có hiệu quả chấm dứt thai nghén đến 98%.

Những tai biến và biến chứng có thể gặp sau khi nạo phá thai như: thất bại của thuốc phá thai nên vẫn phải hút lại buồng tử cung; sảy thai không hoàn toàn cũng bắt buộc phải hút lại buồng tử cung tránh băng huyết và nhiễm khuẩn; băng huyết; nhiễm khuẩn tử cung; rách cổ tử cung, thủng tử cung; còn thai; sót rau thai; băng huyết do sót rau. Các tai biến xuất hiện muộn như nhiễm trùng bộ phận sinh dục dễ gây tắc vòi trứng, dính buồng tử cung và có thể dẫn đến vô sinh… Đó là chưa kể các biến chứng liên quan đến phương pháp vô cảm như gây mê và gây tê nhằm giúp bệnh nhân giảm đau đớn khi thực hiện thủ thuật. Tốt nhất bạn cháu nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để chấm dứt thai an toàn như các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc bệnh viện phụ sản để tránh được các tai biến khó lường. Sau khi chấm dứt thai, bạn cháu nên dùng các biện pháp tránh thai (uống thuốc tránh thai, bao cao su,…), không nên để đến lúc có thai rồi đi phá sẽ làm tác động xấu đến sức khỏe của mình.

Thân ái!

Vô sinh sau khi nạo phá thai, có cách nào để chữa trị không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em muốn hỏi về trường hợp của bạn gái em. Bạn gái em năm nay 23 tuổi. Cách đây 2 năm, bạn ấy từng mang thai được 2 tháng 10 ngày, sau đó đi phá thai. Bác sĩ phá thai cho bạn gái em nói rằng sau này sẽ không thể mang thai, nhưng không nói rõ với bạn gái em là vì lý do gì. Sau lần đó thì bạn gái em chưa đi khám thêm một lần nào. Em muốn hỏi, có một chút khả năng nào người bác sĩ kia phán đoán sai không ạ? Trường hợp bạn gái em nếu bị vô sinh, có cách nào để điều trị không ạ?

Em cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Với thông tin bạn cung cấp thì không thể xác định được chính xác, bạn cần đi khám chuyên khoa Sản khi đó mới chẩn đoán được.

Chúc bạn khỏe.

Nạo phá thai bằng thuốc có ảnh hưởng gì không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Vợ em có bầu được 2 tuần, nhưng vì điều kiện công việc nên vợ chồng em không giữ được. Vậy em muốn hỏi bác sĩ vợ chồng em có thể hủy thai bằng thuốc được không? Nếu có thì vợ chồng em nên sử dụng thuốc gì là hợp lí và pháp đồ sử dụng như thế nào?

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Phá thai bằng thuốc hay còn gọi phá thai nội khoa là phương pháp chấm dứt thai kỳ trong tử cung bằng cách sử dụng thuốc để gây sảy thai. Phá thai bằng thuốc phải do các bác sĩ chuyên khoa Phụ sản đảm nhiệm. Để phòng ngừa tai biến khi phá thai, người bệnh không được tự mua thuốc về phá thai tại nhà. Phương pháp này chỉ được áp dụng cho thai đến hết 9 tuần (63 ngày) tuổi ở cơ sở y tế tuyến trung ương, hết 8 tuần (56 ngày) tuổi ở cơ sở y tế tuyến tỉnh và đến hết 7 tuần (49 ngày) tuổi ở cơ sở y tế tuyến huyện. Vợ em mới mang thai 2 tuần, như vậy vợ em có thể áp dụng phương pháp phá thai bằng thuốc ở các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên.

Thuốc được sử dụng để phá thai gồm 2 loại: nhóm chất cạnh tranh với sự gắn kết của progesterone, và nhóm prostaglandine.

Nhóm progesterone là nội tiết sinh dục nữ, được buồng trứng tiết ra ngay sau rụng trứng, giúp nội mạc tử cung phát triển thuận lợi cho trứng làm tổ trong buồng tử cung. Khi mang thai, uống thuốc này sẽ khiến bánh nhau thoái hóa từ từ và thai sẽ bị sảy do không được nuôi dưỡng. Thuốc nhóm này hiện đang sử dụng là Mifepristone (RU 486). Nhóm prostaglandine có tác dụng kích thích chuyển dạ tự nhiên, thuốc làm mềm cổ tử cung, gây ra cơn co tử cung và tống thai ra ngoài. Có nhiều loại thuốc trong nhóm này, thuốc được dùng nhiều nhất hiện nay là Misoprostol (Cytotec).

Tuy nhiên, một số tình huống không thể áp dụng phá thai bằng thuốc được như chửa ngoài tử cung, đang mang vòng tránh thai, dùng corticoid kéo dài, thiếu máu nặng, bị bệnh gan và thận. Thuốc phá thai có một số tác dụng phụ như ra máu, rỉ máu kéo dài, buồn nôn, nôn.

Tóm lại, vợ chồng em cần đến cơ sở y tế chuyên Sản phụ khoa để được thăm khám, giải đáp và theo dõi. Vợ em phải nói rõ với bác sĩ về tuổi thai, tiền sử bệnh tật của mình. Những thông tin quan trọng này sẽ giúp bác sĩ có chẩn đoán và quyết định chính xác khi áp dụng biện pháp phá thai bằng thuốc.

Chúc vợ chồng em vui khỏe, hạnh phúc!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl