Tuyển chọn những câu hỏi hay về chấn thương chân ở người trên 30 tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Càng lớn tuổi, hệ vận động của chúng ta càng dễ bị tổn thương. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng chấn thương chân qua các câu hỏi sau đây ở người trên 30 tuổi để trang bị thêm kiến thức về trường hợp này.

Điều trị chấn thương chân trái như thế nào?


Câu hỏi bởi: HồngThanh

Thưa bác sĩ!

Em năm nay 34 tuổi. Vào ngày 20/12/2014 em bị ngã xe, đã được cấp cứu và dùng nẹp cố định. Sau 3 tuần chụp MRI thì kết quả như sau: rách gần hoàn toàn dây chằng chéo trước chân trái, rách hoàn toàn dây chằng bên mác, gãy rứt đầu trên xương mác (chân trái), phù nề mô mềm quanh gối (chân trái). Hiện tại bàn chân bị tê, không ngóc lên và bẻ ra ngoài được, đầu gối chỉ gập lại được khoảng 15 độ. Bác sĩ cho hỏi với chấn thương trên em phải chữa trị khoảng bao lâu và chi phí chữa trị tổng cộng khoảng bao nhiêu (em không thấy bảo hiểm y tế)?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Điều trị tổn thương dây chằng chéo trước có 2 cách:

Điều trị bảo tổn (không phẫu thuật): những tình huống đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, gối vững. Phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng. Đeo nẹp chỉnh hình thực sự cần thiết. Tuy nhiên, khi tổn thương dây chằng chéo trước có các tổn thương khác kèm theo thì nên phẫu thuật. Điều trị bằng phẫu thuật: phẫu thuật khâu lại dây chằng chéo từ lâu đã không mang lại hiệu quả. Vì vậy, tái tạo lại dây chằng chéo trước bằng một mảnh gân khác thay thế là phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay. Mục đích của phẫu thuật là giải quyết lỏng gối, phục hồi lại chức năng của dây chằng chéo trước, từ đó làm vững gối, giúp người bệnh trở lại sinh hoạt và chơi thể thao bình thường. Trường hợp của bạn bị rách gần hoàn toàn dây chằng chéo trước chân trái kèm theo rách hoàn toàn dây chằng bên mác, gãy rứt đầu trên xương mác (chân trái), phù nề mô mềm quanh gối (chân trái). Hiện tại bàn chân bị tê, không ngóc lên và bẻ ra ngoài được, đầu gối chỉ gập lại được khoảng 15 độ. Với chấn thương này nhiều khả năng bạn phải phẫu thuật. Chi phí phẫu thuật vào khoảng 20 triệu ở các bệnh viện công nếu không thấy bảo hiểm y tế. Sau khi phẫu thuật bạn cần phục hồi chức năng trong vòng ít nhất 3 tháng thì vận động mới có thể trở lại bình thường.

Chúc bạn chóng bình phục!

Bị chấn thương cổ chân khi chơi thể thao


Câu hỏi bởi: canhencodon tran

Chào bác sĩ.

Tôi là nam năm nay 40 tuổi. Tuổi trẻ có chơi môn thể thao bóng chuyền và bị chẹo cổ chân mấy lần nhưng rồi cũng khỏi đi lại bình thường. Vào thời gian cách đây 2 năm tôi chơi bóng đá khi thực hiện động tác với bóng thì chân đó tiếp tục bị chấn thương nghe rõ tiếng kêu rộp và má bàn chân có tụ điểm máu bầm tím. Cho đến giờ vẫn đau nhức và nổi cục ở trên phần ống quyển nhưng cục đó không đau. Bác sĩ làm ơn cho tôi hỏi tôi đã bị sao và có thể chữa khỏi hẳn được không ?

Xin cảm ơn.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Hiện tượng trẹo cổ chân thường xảy ra khi bạn chơi thể thao. Bạn đã nhiều lần bị trẹo chân và lần gần đây nhất cách đây 2 năm tiếp tục bị chấn thương chân và má bàn chân có điểm tụ máu bầm tím. Không biết khi bị như vậy bạn có đi khám hay chữa trị gì không và hiện tại bạn còn chơi môn thể thao nào nữa không. Nếu sau lần đó bạn không chữa trị, không nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục chơi thể thao thì có thể hiện tượng đau của bạn là do tác động của lần chấn thương đó và vì bạn không nghỉ nên không khỏi được. Nếu bạn đã chữa trị và hiện tại không còn chơi môn thể thao nào mà vẫn bị đau thì có thể do lí do khác. Dù trong tình huống nào bạn cũng nên đi khám vì hiện tượng đau nhức và nổi cục ở trên ống quyển là hiện tượng không bình thường, nhất là khi nó đã kéo dài.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị chấn thương, đau nhẹ phía gối trái khi đi lên cầu thang


Câu hỏi bởi: azitvn

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, tôi năm nay 31 tuổi, hàng tuần vẫn tham gia 2,3 trận bóng đá cùng anh em bạn bè. Khoảng nữa năm trước tôi bị chấn thương chân trái khi chơi bóng do chạy nhanh dừng đột ngột đổi hướng, lúc đó cảm giác như đầu gối bị lỏng đi. Đi lại vẫn bình thường chỉ có lúc nào mà có chân như khi đi lên cầu thang thì gối trái có hơi bị đau nhẹ. Bây giờ muốn tiếp tục đá bóng thì tôi phải đeo trang bị bịt đầu gối thì vẫn chạy, nhảy, sút bóng bình thường không cảm thấy đau. Như vậy là đầu gối tôi có vấn đề gì nghiêm trọng không, làm cách nào để xử lí được hiện tượng này?

Chào bác sĩ!



Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên


Chào bạn!

Triệu chứng bệnh của bạn gợi ý tới bạn bị tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối. Cơ chế tổn thương trong tình huống của bạn là chấn thương gián tiếp do đang chạy, dừng đột ngột và chuyển hướng. Triệu chứng của tổn thương bao giờ người bệnh cũng cảm thấy lỏng gối và đi lên xuống cầu thang cảm thấy khó khăn. Vì vậy để chẩn đoán chính xác bạn nên đi chụp phim cộng hưởng từ khớp gối xem dây chằng tổn thương ở mức độ như thế nào. Nếu khớp gối vững, thì bạn cần tập lý liệu để ổn định khớp gối. Ngược lại nếu gối mất vững do đứt dây chằng thì bạn phải phẫu thuật tái tạo dây chằng.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Phục hồi chấn thương đầu gối như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay tôi 42 tuổi, cách đây khoảng hơn 1 tháng tôi có va chạm khi đá bóng và thấy nhói đau đầu gối. Ngay khi có hiện tượng trên tôi đã dừng chơi (đầu gối không sưng) và về nhà chườm lạnh, khoảng 3,4 ngày tôi có quấn băng chun gối và hạn chế đi lại. Sau 2 tuần chân tôi đi lại bình thường tôi tập đi bộ và ngồi xuống đứng lên, cho đến nay gần 2 tháng tôi chạy bộ bình thường nhưng khi đá bóng bằng lòng trong chân trái thì phía khớp gối phía mắt cá trong vẫn nhói. Khi lấy ngón tay ấn vào phía trong khớp gối (phía mắt cá trong) vẫn nhói. Rất mong bác sĩ giải đáp cho tôi để tôi có thế chơi bóng trở lại.

Tôi cảm ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bình thường các chấn thương đụng dập bong gân sau 2 tháng thì sẽ trở lại bình thường. Đặc điểm khớp gối là khi bị một chấn thương nội khớp (dây chằng chéo trước, chéo sau, sụn chêm…) thì một thời gian sau thường kéo theo các thương tổn khác nếu không được xử lý, mặc dù không bị thêm chấn thương nữa.

Như vậy là bạn nên đi chụp cộng hưởng từ khớp gối thì mới xác định chính xác mức độ chấn thương khớp gối, từ đó mới có biện pháp xử lý đúng đắn, tránh tình huống mất chức năng khớp gối sau này (chụp X-quang thông thường không phát hiện được các tổn thương này).

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị chấn thương ở sụn khớp gối và đã bị cắt đi một nửa có cách điều trị nào không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Chồng cháu là vận động viên điền kinh, trong quá trình tập luyện bị chấn thương ở sụn khớp gối và đã bị cắt đi một nửa. Trước khi bị cắt sụn anh ấy đã bị sưng to ở gối và đi hút dịch, sau khi bác sĩ hút dịch xong thì tối về anh ấy bắt đầu thấy hiện tượng buồn như kiến bò trong chân và chạy khắp cơ thể. Từ đó cho đến nay đã hơn mười năm anh ấy luôn phải sống chung với các biểu hiện như lúc nào cũng có kiến, muỗi đốt ở trong chân có khi chạy dọc cả cơ thể lên mặt nhất là những ngày thời tiết xấu. Trước đó anh ấy có chữa trị tại một số bệnh viện ở Hà Nội nhiều bác sĩ cho rằng đó là do hoang tưởng, cũng có bác nói là rối loạn thần kinh thực vật hoặc ngoại biên và bác sĩ khuyên nên chấp nhận sống chung với nó chứ không chữa được và họ cho rằng khi hút dịch bác sĩ đã đâm phải gốc rễ của dây thần kinh dẫn đến rối loạn. Cháu rất thương chồng vì sức khỏe giảm sút và nhất là những ngày thời tiết xấu anh ấy ăn không ngon, muốn ngủ nhưng không ngủ được, không tập trung làm việc được lâu, cứ phải ngồi thiền chịu đựng. Chồng cháu năm nay 38 tuổi và bị bệnh từ năm 22 tuổi. Cháu xin hỏi bác sĩ ngày nay khoa học đã có nhiều tiến bộ vậy căn bệnh của chồng cháu có cách điều trị nào không? Xin bác sĩ giải đáp cháu cảm ơn nhiều.

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Thật khó để có thể chẩn đoán được chính xác bệnh của chồng bạn. Tuy nhiên, trong một số năm gần đây người ta nhắc đến một căn bệnh có dấu hiệu tương tự gọi là chứng “chân không yên”. Chứng “chân không yên” là một tình trạng trong đó bệnh nhân có nhu cầu cử động một phần cơ thể, nhu cầu này không thể cưỡng lại được, nếu để yên sẽ có cảm giác rất khó chịu. Bệnh thông thường triệu chứng ở chân nhưng cũng có thể ở tay hoặc thân mình, cử động giúp cho bệnh nhân tạm thời cảm thấy dễ chịu. Cảm giác khó chịu ở chân (hoặc đôi khi ở tay) thường được mô tả là nhức mỏi, buồn bực, kiến bò, giun bò, châm chích… trong cơ bắp. Bệnh không chết người, nhưng tác động tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, gây phiền toái và đôi khi tác động nghiêm trọng tới sức khỏe do không thể nghỉ ngơi và ngủ được.

Phương pháp chữa trị: dùng thêm sắt bổ sung (viên sắt), nhưng nhớ kiểm tra nồng độ ferritin huyết thanh trước. Bỏ cà phê, thuốc lá và rượu. Ngừng dùng những thuốc có thể gây ra chứng “chân không yên” này (như thuốc chống trầm cảm, an thần kinh, chống nôn kiểu primperan hoặc thuốc kháng histamin).

Các thuốc chữa trị hội chứng “chân không yên” gồm Levodopa, chủ vận dopamin (như Pramipexole hoặc Ropinirol), và một số thuốc không thông dụng khác. Đây không phải là bệnh xương khớp, hãy đến bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để khám xem có đúng là bị hội chứng “chân không yên” không. Bạn nên động viên chồng đến bệnh viện nhé.

Chúc hai bạn hạnh phúc!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl