Những câu hỏi thường gặp về lẹo mắt ở tuổi trẻ


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Tuyển tập dưới đây tổng hợp lời giải đáp của bác sĩ về hiện tượng lẹo mắt ở người trẻ (từ 16 đến 30 tuổi). Cùng bổ sung kiến thức về vấn đề này để biết cách phòng tránh và điều trị phù hợp.

Mắt bị lẹo, mọc hạt quanh đuôi mắt dẫn tới bị lệch mắt, chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: xuandong1205121

Cháu chào bác sĩ!

Cháu năm nay 18 tuổi là con gái. Cháu bị mọc lẹo từ năm 7 tuổi. Nhưng do không biết cách điều trị nên hiện tại lẹo trên mắt cháu vẫn còn. Năm lớp 5 và năm lớp 6 mắt cháu bị sưng vì cái lẹo nhưng từ lần đấy đến giờ thì không bị sưng lần nào nữa mà nó chỉ có cái hạt quanh đuôi mắt bên phải, dẫn đến việc mắt cháu bị lệch. Vậy bây giờ cháu muốn điều trị thì làm thế nào ạ? Cháu rất mong nhận được giải đáp từ bác sĩ.

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Lẹo, chắp mắt xảy ra ở mọi lứa tuổi. Chúng là những mụn nhỏ thường mọc ở mi mắt, lúc đầu bằng hạt tấm, sau lớn dần, sưng đỏ, sờ thấy rắn như hạt gạo, gây đau rồi thành mủ rất khó chịu cho mắt, lại thường xuyên tái phát. Nếu đã thành nhân sẽ phải chích. Người bệnh không được chăm sóc cẩn thận sẽ để lại sẹo trên mắt, với trẻ em di chứng sẽ làm lệch mắt, khi lớn lên bị mắt to, mắt bé.

Mắt em bị lệch do di chứng bị lẹo từ nhỏ, hiện tại không bị sưng và còn hạt quanh đuôi mắt bên phải, để chữa trị cần chích rạch, nạo sạch ổ viêm, trong một số tình huống cần phải phẩu thuật nâng mí mắt để xử lý tình trạng lệch mắt. Em nên đến chuyên khoa Mắt hoặc các bệnh viện mắt uy tín như Viện Mắt Trung ương để khám và chữa trị.

Chúc em sức khỏe!

Mọc mụn cứng ở mi mắt sau khi bị lẹo chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: triệu thành đồng

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 20 tuổi, sau 2 lần bị lẹo đã khỏi tự dưng cháu nổi 1 cục u cứng mở mi mắt trên nhưng không cảm thấy khó chịu gì cả. Xin bác sĩ xác định lí do và cách chữa giùm cháu, tại nó mất thẩm mỹ quá.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Trường hợp của bạn có nổi một cục cứng ở mi mắt là do bệnh chắp mắt, đây là một dạng viêm nhiễm. Nguyên nhân thường là do vi khuẩn. Điều trị trước tiên bằng các thuốc kháng sinh dạng nước và dạng mỡ, nếu nhẹ khối viêm có thể tự tiêu đi được, nếu không khối viêm sẽ khu trú và hóa mủ, sau đó sẽ phải chích chắp để lấy mủ. Bạn nên đi khám chuyên khoa Mắt để bác sĩ trực tiếp khám và chữa trị cho bạn.

Chúc bạn khỏe!

Nổi cộm trong mí mắt trên, không đau, vẫn nhìn được bình thường là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Ngọc Anh

Thưa bác sĩ.

Cháu là nữ, 18 tuổi. Hôm nay sau khi ngủ dậy cháu thấy trong mắt nổi cộm rất khó chịu. Lúc soi gương cháu thấy trong phần mí bên mắt phải (ở mí trên ạ) có nổi 1 hạt cộm khoảng 0,3cm (đỉnh hạt cộm khoảng 0,1cm), có màu đỏ bình thường như những chỗ khác, không đau và cháu vẫn nhìn được bình thường. Nhưng lúc ngủ rất gây khó chịu ạ. Bác sĩ cho cháu hỏi là mắt cháu bị làm sao và có nguy hiểm không ạ? Có cách chữa không ạ? Nếu tự khỏi thì mất bao lâu ạ và có tái phát không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu.

Với các biểu hiện cháu mô tả nghĩ nhiều đến bệnh chắp, lẹo ở mắt.

Chắp là do sưng dạng u hạt mãn tính của một tuyến Mebomius thường diễn ra sau khi tuyến này bị viêm. Chắp có nhiều dạng, gồm chắp bên trong và chắp bên ngoài. Chắp bên ngoài là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu. Chắp bên trong thường kín đáo, nằm ở mặt trong của mi mắt.

Triệu chứng: Sưng, đau, đỏ, khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi mắt; sau vài ngày chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau, lớn dần trên mi mắt thành một khối màu đỏ, xám dưới kết mạc. Diễn biến thường tự khỏi sau vài tháng.

Lẹo mắt là chứng viêm cấp tính, do một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc vi khuẩn như Staphylocoque gây nên. Khi lẹo mới mọc, mi mắt sưng nhẹ, hơi đỏ, ngứa, đau, tiếp đó ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ hạt gạo. Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi, sau 3-4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ. Lẹo thường xuyên tái phát, lan từ mi này sang mi khác, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp.

Triệu chứng: Đau đỏ, ấn đau bờ mi, sau hóa cứng; chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác như có dị vật ở mắt; mưng mủ ở trung tâm chỗ hóa cứng, ít lâu sau áp-xe vỡ ra, chảy mủ, hết đau. Lẹo trong diễn biến nặng hơn, áp-xe hiện ra ổ, thường tái phát.

Điều trị: Khi bị chắp, lẹo trước hết không trang điểm đến khi nào mụn lành hẳn. Áp dụng nén ấm cho mắt ngày 3-6 lần/ngày và để giúp chữa lành nhanh hơn những chiếc lẹo mắt. Sự nén ấm này cũng có thể giúp mở ra một lỗ bị chặn để có thể tiêu thoát và bắt đầu chữa bệnh. Rửa tay sạch sẽ trước khi cháu áp dụng nén ấm cho mắt. Sử dụng một miếng vải sạch hoặc miếng gạc làm ẩm với nước rất ấm. Cháu không nén nhiệt trong lò vi sóng vì nó có thể trở nên quá nóng và có thể tổn thương mí mắt. Đặt miếng nén trên mắt sau khi cháu đã nhắm mắt cho đến khi miếng nén bắt đầu mát (thường là 5-10 phút). Để tăng tốc độ quá trình chữa bệnh, cháu cũng có thể sử dụng dung dịch muối loãng thay vì nước ấm. Hãy để cho những lẹo mắt/cái chắp trên mí mắt của cháu tự vỡ. Tuyệt đối không được ép hoặc nặn chúng. Sử dụng thuốc mỡ chữa trị lẹo mí mắt theo chỉ định của bác sĩ.

Chúc cháu mạnh khoẻ!

Cách chữa mọc chắp và lẹo


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ ạ!

Tôi năm nay 28 tuổi, giới tính nữ. Tôi bị lẹo mắt từ hồi học lớp 4. Đến năm cấp 3 để lại sẹo. Lông mi quặm vào bên trong mắt. Cho tới bây giờ vẫn vậy. Tôi xin hỏi bác sĩ bây giờ tôi phải làm sao ạ?

Xin cám ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Tại chân của mỗi sợi lông mi có một nang lông có nhiệm vụ tiết ra chất nhờn. Khi vi khuẩn xâm nhập gây viêm, khiến nang lông sưng to, ứ đọng chất bã nhờn tạo thành kén – được gọi là lẹo mắt. Bạn đã bị lẹo và để lại sẹo quá lâu rồi. Hiện tại lông mi của bạn bị quặm vào bên trong mắt sẽ khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Nhưng phần lớn mọi người thường nhầm lẫn giữa quặm mi và lông xiêu. Quặm mi là tình trạng bờ mi mắt bị cuộn vào trong, đẩy hàng lông mi vào phía nhãn cầu.

Nguyên nhân gây quặm mi chủ yếu là do lão hóa, sẹo bên trong mặt ngoài của mi mắt gây viêm, tổn thương hay nhiễm trùng mãn tính. Quặm mi có thể gây ra các biểu hiện như chảy nước mắt quá nhiều, đóng vảy cứng ở mi mắt và tiết dịch nhầy, cảm giác cộm, đau mắt khi nhìn thấy ánh sáng chói, thị lực mờ. Còn lông xiêu là tình trạng những sợi lông mi mọc ngược hướng vào phía nhãn cầu, trong khi bờ mi mắt ở vị trí bình thường. Nguyên nhân gây lông xiêu là do sẹo vùng bờ mi sau khi bị bệnh mắt hột, chấn thương, phẫu thuật….; viêm bờ mi mãn tính; hoặc không rõ lí do. Quặm mi hoặc lông xiêu trong thời gian dài mà không được chữa trị thì có thể dẫn đến sẹo giác mạc, viêm giác mạc, thậm chí mù lòa.

Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa Mắt để các bác sĩ chẩn đoán chính xác bạn bị quặm mi hay lông xiêu và có hướng chữa trị cho bạn. Điều trị quặm mi: dùng chất bôi trơn nhỏ hoặc tra mắt để giảm cọ sát, kháng sinh tại chỗ để ngừa bội nhiễm, dùng băng dính kéo mi lật ra ngoài. Muốn chữa trị triệt để thì phải phẫu thuật. Điều trị lông xiêu: nếu lông xiêu ít thì nhổ những sợi lông xiêu, tuy nhiên sau một thời gian lông xiêu sẽ mọc lại. Nếu nhiều lông xiêu, có thể đốt điện, lạnh đông, laser hoặc phẫu thuật.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

Mí mắt trên bị đau là vì sao?


Câu hỏi bởi: lamnguyet

Chào bác sĩ.

Cháu là nữ, năm nay 16 tuổi. Mấy ngày nay mí mắt trên và đuôi mắt phía bên trái của cháu tự nhiên bị đau ạ. Chớp vẫn bình thường nhưng chạm vào hay thử kéo lên sẽ bị đau ạ. Buổi tối có lúc còn bị cay rất khó chịu nữa. Xin hỏi bác sĩ cháu bị sao vậy ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu.

Theo các triệu chứng cháu mô tả, cháu có thể đang có dấu hiệu ban đầu của lẹo mắt.

Triệu chứng khi bị lẹo:

Mi mắt sưng nhẹ.

Mắt hơi đỏ, ngứa, đau.

Chảy nước mắt, cảm giác cộm ở mắt.

Ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ bằng hạt gạo.

Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi.

Sau 3-4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ.

Điều trị lẹo phải sớm ngay giai đoạn đầu. Hiện tại khi lẹo chưa nổi rõ cháu có thể rửa mắt bằng nước muối, nhỏ mắt. Chườm nóng có thể giảm biểu hiện đau đối với các tổn thương sớm. Kháng sinh uống thường dùng loại Augmentine và thuốc giảm đau thường dùng loại Paracetamol. Tốt nhất cháu nên đi khám để được bác sĩ cho thuốc. Trong tình huống lẹo tụ mủ nhiều phải tiểu phẫu nạo vét lẹo thì bệnh mới hết được.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.