Tuổi dậy thì và những thắc mắc tế nhị cần giải đáp


4,226
1
1
Xu
53
Tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn, với những sự phát triển thay đổi về mặt tâm – sinh lí mà cụ thể là tuổi dậy thì ở bé gái được bắt đầu là từ khi có kinh nguyệt ngày đầu tiên còn bé trai là từ khi bị xuất tinh (mộng tinh) lần đầu tiên. Sau đây là những thắc mắc thường gặp ở tuổi dậy thì.

19 tuổi, kinh nguyệt không đều


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 19 tuổi nhưng chu kì kinh nguyệt của em không đều, thường 3 đến 5 tháng mới thấy 1 lần. Vậy theo bác sĩ em có bị làm sao không và nên chữa trị như thế nào ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Bình thường, bước vào tuổi dậy thì ở các em gái có xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài 28-30 ngày, và ngày hành kinh kéo dài khoảng 3-7 ngày. Kinh nguyệt được coi là triệu chứng phản ánh tình trạng sức khoẻ của người phụ nữ, do vậy khi có bệnh lý rối loạn tác động tới sức khoẻ thì chu kỳ kinh nguyệt cũng thường bị rối loạn. Chu kỳ kinh nguyệt có thể dài ngắn tuỳ theo từng người, đôi khi có thể kéo dài một vài tháng. Chu kỳ kinh nguyệt cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền.

Trường hợp của em, có chu kỳ kinh nguỵêt kéo dài 3-4 tháng, tuy nhiên nếu chỉ có chu kỳ kéo dài và vẫn đều đặn thì chưa thể gọi là rối loạn, đặc biệt nếu có thêm yếu tố gia đình (mẹ, chị em gái,…) cũng có chu kỳ kinh tương tự như vậy, thì chưa đáng lo ngại, đôi khi chỉ do chu kỳ kéo dài hơn bình thường mà thôi. Ngoài ra, cũng có rất nhiều lí do liên quan tới rối loạn kinh nguyệt, đầu tiên có thể do cơ thể mệt mỏi (do thiếu ngủ, căng thẳng, lo âu, stress, thay đổi môi trường sống, ăn uống thiếu chất, lao động nặng nhọc, quá sức,…). Tiếp đến, có thể do mắc một số bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng, buồng trứng,… Hoặc mắc các bệnh lý khác cơ quan sinh sản như u nang buồng trứng, u xơ tử cung,…Ngoài ra, có thể do sử dụng một số loại thuốc, do lạm dụng chất kích thích (rượu, bia,…),…

Như vậy, tình huống của em, trước hết không nên lo lắng quá mức, vì điều này có thể khiến cho tình trạng rối loạn kinh nguyệt thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống đầy đủ, đảm bảo vitamin, khoáng chất, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế suy nghĩ căng thẳng sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn kinh nguỵêt. Trong tình huống chu kỳ kinh nguyệt không đều kéo dai hoặc có xuất hiện triệu chứng bất thường khác (đau bụng, khí hư thay đổi màu sắc, mùi khó chịu,…) thì em nên tới cơ sở y tế chuyên khoa Sản phụ để khám và có hướng khắc phục thích hợp.

Chúc em sức khỏe, thân mến.

Cách trị mụn trứng cá và chăm sóc da mặt


Câu hỏi bởi: Lê Truc

Chào bác sĩ!

Em 16 tuổi bị khá nhiều mụn. Em đi khám bác sĩ đã nhiều lần mà không khỏi. Lúc trước da mặt ít mụn nhưng từ khi chữa trị thấy nhiều hơn. Đi khám bác sĩ, bác sĩ chuẩn đoán là bị trứng cá bọc. Và cho em chữa trị bằng thuốc: Acnotin 10, kèm theo vài viên thuốc khác. Thuốc dùng đề thoa là: lkenzit. Em đã uống thuốc được 2 tháng nhưng tình trạng mụn không khỏi tí nào. Bác sĩ cho em hỏi là có nên dùng tiếp không? Và làm cách nào đề chữa trị mụn, thâm mụn an toàn nhất. Và chỉ em cách chăm sóc da mặt để không bị mụn.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Theo thông tin em mô tả thì em đã đi khám và có chẩn đoán là trứng cá bọc. Về bản chất, mụn trứng cá bọc hình thành giống như các mụn trứng cá khác, tức là cũng có sự ứ đọng các chất tiết, chất bã, nhưng do lỗ chân lông bị bịt kín nên các chất ứ đọng này không thoát được ra ngoài và hình thành mụn trứng cá bọc. Như vậy, để chữa trị mụn trứng cá hiệu quả thì ngoài việc khắc phục trực tiếp các mụn thì phải giải quyết các yếu tố góp phần gây bệnh trứng cá như: yếu tố thần kinh (lo âu, stress, mất ngủ,…), rối loạn tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy), ăn đồ cay nóng, uống rượu bia nhiều, sử dụng một số thuốc chứa corticoid.

Do đó, nếu em đã đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu rồi thì cần kiên trì chữa trị và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cũng nên xác định việc chữa trị mụn trứng cá có khi mất vài tháng tới hàng năm. Với các vết thâm do mụn để lại thì theo thời gian sẽ mờ dần và hết. Tuy nhiên, có một số vết thâm do tổn thương lớp sâu của da (đặc biệt khi mụn bị viêm loét), nên rất chậm mờ, khi có đó có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện nhanh tình trạng này như thuốc bôi (Dermatix, Azelin,…), lột da bằng hóa chất, tẩy da, laser, công nghệ ánh sáng,…

Để phòng ngừa mụn trứng cá thì ngoài việc đảm bảo lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ thì việc vệ sinh da mặt đúng cách đóng vai trò quan trọng. Nên rửa mặt bằng nước sạch và thấm khô bằng khăn mềm, trong tình huống có da dầu thì dùng thêm sản phẩm chuyên biệt cho da dầu, tránh bôi các thuốc khi chưa có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Chúc em sớm khỏi!

Tư vấn tăng trưởng chiều cao


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 17 tuổi, cao 165 cm, và nặng 41 kg. Bố cháu cao 161 cm, mẹ cháu cao 149 cm. Vậy cháu có cao thêm được nữa không? Nếu được thì cháu cần chế độ ăn uống và luyện tập như thế nào?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu!

Chiều cao tiềm năng của mỗi người phụ thuộc rất lớn vào di truyền, trong thư cháu mới nói chiều cao của bố mẹ cháu, không rõ trong gia đình cháu (ông bà, cô chú bác ruột hai bên nội ngoại) có chiều cao là bao nhiêu. Nếu cả hai họ đều gồm những người có chiều cao không vượt trội thì đây là một bất lợi đối với cháu về chiều cao.

Trong thư cháu không cho biết là cháu là con trai hay con gái, nhưng nói chung thời điểm tăng chiều cao nhanh nhất trong đời là ba năm đầu đời, tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

Thời gian tăng chiều cao nhanh đột biến là trong năm trước dậy thì. Khi đó, chiều cao có thể tăng đến hơn 10cm/năm. Sau khi dậy thì, chiều cao sẽ vẫn tăng nhưng không nhanh nữa. Từ 12-14 tuổi, có thể tăng trung bình 4-5cm/năm. Từ 14-16 tuổi, tăng 1-2cm/năm. Sau đó, chiều cao hầu như tăng rất ít (chỉ 0,1-0,5cm/năm) và đến khoảng 18 tuổi thì sẽ ngưng tăng chiều cao.

Hiện cháu đã 17 tuổi, do đó đã qua độ tuổi tăng chiều cao nhanh. Để có thể tăng tối đa chiều cao mà tiềm năng di truyền cho phép, cháu cần:

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ (đủ năng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất) Vận động thích hợp (bơi lội, chạy bộ, aerobic, bóng rổ, nhảy cao, đu xà…) khoảng một giờ/ngày Ngủ đủ giấc (khoảng tám giờ/đêm). Nên kết hợp chơi các môn thể thao như đã nêu với ăn uống điều độ, đầy đủ trong các bữa chính, uống thêm 2-3 ly sữa/ngày và ngủ đủ giấc.

Tuy nhiên, nếu đã áp dụng các biện pháp nêu trên mà cháu không cao thêm thì cũng nên chấp nhận vì cháu đang dần đến tuổi trưởng thành và chiều cao sẽ không tăng nhiều được nữa.

Chúc cháu luôn mạnh khỏe!

Nam 16 tuổi bị rối loạn cương dương


Câu hỏi bởi: tinnguyenpt

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 16 tuổi và dương vật của cháu chỉ dài 10 cm, liệu có là ngắn quá không thưa bác sĩ. So với mấy bạn cùng lớp thì của cháu có nhỏ hơn một chút. Vậy bác sĩ có cách nào làm dương vật của cháu to hơn và dài hơn không? Hơn nữa, dương vật của cháu bị rối loạn cương dương nên có lúc tự dưng nó to hoặc có lúc bé, mong bác sĩ có thể giải thích cho cháu!

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu!

Bước vào độ tuổi dậy thì, dưới sự ảnh hưởng của các hoóc môn nội tiết, ở các em nam có sự phát triển mạnh về vóc dáng cơ thể, trong đó có sự phát triển mạnh “cậu nhỏ” về kích thước. Theo kết quả một nghiên cứu trên người Việt Nam trưởng thành, chiều dài trung bình cậu nhỏ khi “cương” vào khoảng 11 cm, còn khi “sìu” vào khoảng 6 cm.

Trường hợp của cháu, có chiều dài “cậu nhỏ” là 10 cm nhưng không rõ ở trạng thái “cương” hay “sìu”, mặc dù có thể cháu cảm thấy nó “khiêm tốn” hơn các bạn cùng lớp, nhưng ngay cả kích thước này là khi “cương” thì vẫn nằm trong giới hạn bình thường, nhất là cháu còn đang ở độ tuổi phát triển mạnh. Mặc dù chiều dài “cậu nhỏ” phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quyết định nhất là yếu tố di truyền, tuy nhiên chế độ dinh dưỡng và tập luyện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tối đa “cậu nhỏ”. Như vậy, cháu không có gì phải lo lắng về kích thước của “cậu nhỏ” cả, để giúp cơ thể nói chung và “cậu nhỏ” nói riêng phát triển tốt nhất, cháu nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt giai đoạn này cơ thể đang phát triển mạnh nên nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể là rất cần thiết cho sự phát triển “nhảy vọt”. Bên cạnh đó, cháu cần sắp xếp lịch học tập, tập luyện thể dục thể thao đều đặn và nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya và tránh suy nghĩ căng thẳng. Còn về việc khó “kiểm soát” được “cậu nhỏ” thì cũng không đáng ngại và có thể là triệu chứng sinh lý bình thường, vì bản chất của “cương” hay “sìu” “cậu nhỏ” là do hệ thần kinh tự động của cơ thể điều hành, vì vậy cháu không nên lo lắng mà tập trung tăng cường sức khỏe qua lối sống tích cực, lành mạnh.

Chúc cháu vui khỏe!

Không thích ra ngoài, giao tiếp với bạn bè có phải bị trầm cảm?


Câu hỏi bởi: Song nhi

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 16 tuổi, là nữ giới. Cháu thường cảm thấy rất buồn không lý do nhưng không thể tâm sự với ai. Cháu cảm thấy rất sợ đến trường phải đối mặt với thầy cô bạn bè vì cháu không thích giao tiếp với họ cháu chỉ thích một mình và ở nhà vì cháu thấy rất bình an. Thưa bác sĩ như vậy có phải cháu bị trầm cảm không ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Để chẩn đoán trầm cảm, người ta dựa trên một số dấu hiệu như sau:

Mất ngủ: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ được nữa, hoặc thức dậy từ 2 – 3 giờ sáng kèm theo bồn chồn khó chịu (có khi ngủ nhiều quá mức).

Chán ăn: ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn (có khi ăn nhiều quá mức), không ăn, sút cân.

Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động.

Cảm thấy bốn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh.

Cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày (thể thao, xem tivi, sách báo, phim…). Cảm thấy xung quanh buồn rầu ảm đạm, thời gian kéo dài lê thê.

Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình.

Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.

Nghĩ rằng mình không xứng đáng được ăn, không xứng đáng được sống, cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người.

Có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát bảng thuốc ngủ, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe,… hay đã có lần tự sát.

Cháu hiện tại ngại giao tiếp, với thầy cô, bạn bè. Đây là một trong những dấu hiệu của trầm cảm. Tuy nhiên nếu chỉ có một dấu hiệu này thì cũng chưa thể khẳng định là cháu bị trầm cảm. Có thể cháu đã gặp một trở ngại nào đó khó vượt qua về tâm lý. Cháu nên tâm sự và nhờ sự giúp đỡ của người thân. Hạn chế tới mức tối đa tình trạng ở một mình. Nếu như có nhiều hơn 2 trong số các dấu hiệu kể trên thì cháu nên đi khám để được chẩn đoán và chữa trị.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl