5 câu hỏi về bệnh tâm lý thường gặp


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh tâm lý liên quan đến các vấn đề thần kinh nên thường khó phát hiện hơn các loại bệnh về mặt thể chất, chúng ta cùng tham khảo 5 câu hỏi thường gặp về bệnh tâm lý.

Tự dưng khóc là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Em năm nay 37 tuổi hay bị đau buồn ở đâu tự nhiên ngồi khóc một lúc rồi hết, ít ngày lại bị một ngày, cho em hỏi em bị sao ạ? Mong bác sĩ giải đáp cho em.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào em!

Em năm nay 36 tuổi hay bị đau buồn ở đâu (hay ở đầu?) tự nhiên ngồi khóc một lúc rồi hết, ít ngày lại bị một ngày. Có thể em bị trầm cảm, tuy nhiên trầm cảm có nhiều biểu hiện kèm theo và trầm cảm có thể do một bệnh lý nào đó gây ra. Vì vậy em cần đi khám Thần kinh – Tâm thần để biết rõ lí do và có phương pháp điều trị hiệu quả.

Chúc em mau khỏe!

Nam 18 tuổi trí nhớ kém, chữa trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con năm nay 18 tuổi, còn nhỏ nhưng trí nhớ không tốt, hồi nhỏ có bệnh đãng trí, có dùng thuốc, đến năm 10 tuổi thì ngưng không uống nữa vì thấy bình thường. Nhưng từ năm 18 tuổi trở đi, thì nó đã trở lại. Con quên tên bạn bè trong lớp dù đã học 3 năm, kí ức tuổi thơ cũng nhớ không rõ. Không nhớ nhiều việc lặt vặt như: đi ra ngoài không nhớ đóng cửa, không nhớ chìa khóa để đâu…. Vậy bệnh con giờ có cần đi khám hay không, hay đó là bình thường?

Con cảm ơn.

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào con.

Trí nhớ là quá trình tâm lí có liên quan chặt chẽ tới toàn bộ đời sống tâm lí của con người, tuy nhiên khả năng nhớ ở người này có thể khác với người khác. Bởi vì trí nhớ phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ, giữ gìn, nhận lại và nhớ lại.

Ở con trí nhớ không tốt có thể chưa phải là bệnh lý, nếu cố gắng rèn luyện trí nhớ có thể tốt lên. Có thể trí nhớ không tốt của con là do một bệnh lý nào đó gây ra. Trong tình huống này cần phải chữa trị bệnh chính gây ra tình trạng đó. Ví dụ khi bị trầm cảm, suy nhược có thể gây giảm trí nhớ. Con nên đi khám để được giải đáp đầy đủ hơn.

Chúc con khỏe.

Khó ngủ, dễ tỉnh, mệt mỏi thường xuyên, sút cân, huyết áp thất thường là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi tên là Khang, tôi năm nay 57 tuổi, là nữ giới. Tôi là công nhân đã về hưu gần đây tôi có nhiều biểu hiện suy giảm sức khỏe. Cụ thể gần 3 tháng nay tôi bị khó ngủ thường xuyên, và rất dễ tỉnh giấc trong lúc ngủ khi có ảnh hưởng nhẹ từ bên ngoài. Trong khi ngủ thì ngáy rất to, đồng thời cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm gì. Huyết áp thất thường lúc cao lúc thấp lúc ổn định. Đặc biệt cơ thể giảm mất 5,6 kg trong 3 tháng qua. Hiện tại ở nhà chỉ làm việc nhà không làm việc gì căng thẳng hay vất vả quá. Mong Bác sĩ giải đáp giúp bệnh của tôi.

Tôi xin cảm ơn.

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào chị Khang.

Theo như những gì chị mô tả, nhiều khả năng chị đã bị trầm cảm, tuy nhiên trầm cảm do nhiều lí do gây ra. Chị cần đi khám để xác định có trầm cảm hay không và nếu trầm cảm thì do lí do gì để có phương pháp chữa trị có hiệu quả.

Chúc chị mau khỏe!

Tâm lý lo sợ khi bị điểm kém môn toán trong mỗi lần thi


Câu hỏi bởi: Phương Ly

Chào bác sĩ.

Cháu luôn có tâm lí bất ổn trong mỗi kỳ thi. Đặc biệt trong thời gian lớp 8 này, cháu thực sự rất sa sút mà không biết nguyên nhân vì đâu, mặc dù cháu đã rất cố gắng học hành. Trong lần thi vừa rồi, cháu đã bị điểm kém cả 2 môn Văn và Toán bởi vì trước khi thi cháu đã có tâm lí không thoải mái khi luôn bị mẹ mắng là: nếu không thi được thì sẽ cho nghỉ học, cháu rất sợ đến khi cô trả bài thi, điểm của cháu không được như mong đợi. Và mỗi khi học toán, cháu không thể chú tâm vào học, trong đầu cháu cứ lởn vởn cái gì đó khiến cháu không thể tập trung. Cháu rất sợ bị bố mẹ mắng khi bị điểm kém, cháu không biết nên làm cách nào để có thể chú tâm vào học toán và văn. Bác giúp cháu với, bây giờ trong đầu cháu chỉ nghĩ quẩn mà thôi, bác có cách nào để cháu thoải mái về mặt tinh thần và có thể chú tâm vào việc học không ạ?

Cháu rất cảm ơn khi bác có thể trả lời câu hỏi này!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Theo những điều cháu kể, có thể nói cháu đang rất căng thẳng và lo lắng về kết quả học tập của mình. Chính vì quá căng thẳng nên cháu lại càng không thể chú tâm vào học và không tập trung được khi thi. Có lẽ cháu nên tâm sự mọi lo lắng với bố mẹ hoặc anh chị em hay bạn bè, người mà cháu tin cậy. Đôi khi, chỉ cần chia sẻ được là cháu cũng sẽ đỡ căng thẳng hơn.

Cháu cũng cần bình tĩnh xem xét lại cách học của mình trong thời gian qua đã hợp lý chưa, học nhiều quá cũng không tốt. Cháu không nên học lúc căng thẳng, không nên thức khuya mà nên dậy sớm học sẽ hiệu quả hơn. Môn toán và môn văn đúng là hai môn chính mà cháu cần tập trung học, tuy nhiên không vì thế mà cháu quá lo lắng. Vấn đề của cháu là cần ổn định tâm lý, khi cháu bình tĩnh, tự tin thì việc tiếp thu bài sẽ nhanh hơn, kết quả học sẽ tốt hơn.

Nếu có thời gian cháu nên tập luyện thể dục, đó cũng là một biện pháp thư giãn. Ngoài ra cần bồi dưỡng cơ thể bằng chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Sợ tiếp xúc với mọi người, không thể tập trung, hay la mắng, thích sống trong sự tưởng tượng


Câu hỏi bởi: Noface

Chào bác sĩ!

Cháu sinh năm 1994, giới tính nữ, đã tốt nghiệp trung cấp. Cháu mắc chứng sợ tiếp xúc với mọi người, khi nói chuyện với người khác cháu luôn nhìn thấy ác ý của họ. Cháu cắt đứt liên lạc với tất cả bạn bè. Không muốn làm việc chỉ ở nhà xem Anime và Idol, sợ đi làm bị mọi người chỉ trích nên luôn ở nhà. Không thể tập trung khi tập trung sẽ đau đầu và ói mửa, không tin tưởng bất cứ ai, hay nổi cáu dù việc nhỏ nhặt, thường la mắng mọi người xung quanh, không tin chuyện yêu đương. Cháu thích sống trong sự tưởng tượng của mình. Lâu lâu sẽ hưng phấn quá mức hôm sau lại buồn rầu đau khổ. Ban đầu cháu cứ nghĩ là mình bị rối loạn tâm lý lưỡng cực nhưng thấy cháu có nhiều biểu hiện khác so với biểu hiện của bệnh đó. Gần đây cháu muốn tự tử, khi cãi nhau với người khác thì muốn đối phương chết đi. Những tình trạng trên cháu đã có được 2, 4 năm nhưng không nghiêm trọng như bây giờ. Cháu muốn biết mình bị gì và có cần đi khám không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Tâm thần phân liệt là một nhóm các rối loạn não nghiêm trọng, trong đó hiểu thực tế bất thường. Tâm thần phân liệt có một số triệu chứng đặc trưng mà cháu cần biết là:

Dần dần cách ly với xã hội, bạn bè, người bệnh có dấu hiệu ngủ lịm ban ngày và có nhiều hoạt động về ban đêm, giảm giao tiếp với người thân, bạn bè và sợ ai đó làm hại mình.

Suy giảm hiệu suất làm việc, cảm thấy khó khăn trong việc tập trung chú ý. Với người lao động trí óc, họ thấy khó khăn trong học tập còn người lao động chân tay không thể dậy sớm và đi làm đúng giờ, họ bị phê bình là chậm chạp và kém hiệu quả trong công việc.

Rối loạn tư duy: thay đổi quan hệ với người thân, tự nhiên mất hết tình cảm với con cái hoặc vợ chồng. Người bệnh có thể nhận thức được điều này, họ thường phàn nàn không có tình cảm như trước đây. Họ có thể nói về sự mất mát người thân một cách rất dửng dưng, song lại khóc sướt mướt khi thảo luận một vấn đề không quan trọng. Điều này không có nghĩa nỗi đau buồn thực sự không được cảm nhận mà nó chỉ không triệu chứng ra thôi.

Ảo giác: thường gặp nhất là những ảo giác lời nói. Họ thật sự nghe được tiếng nói không có thật, và thường là chống lại chúng. Có lúc lời nói làm người bệnh nghi ngờ và tăng dần sự xa lánh. Có lúc tiếng nói có thể làm người bệnh mỉm cười, tự cười vô duyên cớ.

Trầm cảm: biểu hiện có thể là sự mất quan tâm thích thú với mọi thứ, cảm thấy cuộc sống vô vị, ăn kém ngon miệng và rối loạn giấc ngủ.

Những ý nghĩ và hành vi kỳ lạ: xuất hiện hoang tưởng, thường được giữ kín nhưng có thể bộc lộ trong hình thức buộc tội kỳ quái chung quanh người bệnh. Hoang tưởng có thể chi phối hành vi người bệnh, như từ chối ăn một số thứ mà họ cho là có chất độc. Họ nghĩ căn phòng sắp bị nổ tung hoặc có bẫy, ô tô chạy trên đường là của bọn khủng bố.

Cảm giác về những bệnh lý cơ thể: người bệnh cảm thấy sự thay đổi tinh thần liên quan tới một bệnh trầm trọng nào đó. Họ thường tìm đến bác sĩ với những lời than phiền mơ hồ. Họ thường ăn không ngon miệng, dẫn đến sút cân. Sự ngừng hoạt động làm cho họ trông như kiệt sức và cũng góp phần gây sút cân. Họ có thể tìm sự nương náu ở thuốc lá hoặc rượu.

Như vậy các triệu chứng mà cháu đang mắc có thể là những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Cháu nên đến khám tại Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần để được khám và giải đáp một cách chính xác nhất. Cháu cần xác định đây là một bệnh mãn tính, cần chữa trị suốt đời.

Chúc cháu mạnh khỏe !


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl