Phải làm thế nào để phục hồi da khô hiệu quả?


4,226
1
1
Xu
53
Khi các tuyến dầu dưới da không tiết đủ nhờn hay khi tiếp xúc với gió lạnh, thời tiết hanh khô… là những lí do làm cho khô da. Để phục hồi da trở nên khỏe mạnh, mềm mịn, chúng ta nên chủ động nghiên cứu kỹ những cách mà bác sĩ da liễu hướng dẫn.

Da khô và nhăn ở vùng đùi và tay chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: vanhien

Chào bác sĩ.

Cháu là nam giới, năm nay 22 tuổi. Da cháu bị khô và bị nhăn nheo ở vùng đùi và tay, gia đình cháu cũng có người bị như vậy. Theo bác sĩ có giải pháp nào để chấm dứt tình trạng da khô và nhăn như này không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Có nhiều lí do khiến da bị khô. Cụ thể:

– Do cơ thể thiếu chất nhất là các loại sinh tố A, E, B2 đạm, chất béo, kẽm,…

– Do thiếu nước: Ăn uống không đủ nhu cầu nước cho cơ thể (1,2 lít đến 1,5 lít/ngày).

– Do táo bón mãn tính.

– Do tâm lý thất thường, nghĩ nhiều hoặc quá buồn phiền.

Ngoài ra còn có một số lí do từ bên ngoài như:

– Độ ẩm không khí thấp, nhất là về mùa đông.

– Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

– Tiếp xúc nhiều với các chất ăn da như các chất tẩy rửa, các chất kiềm mạnh như vôi, xi măng, tro bếp, chất chua: giấm,…

– Thường xuyên dùng các loại xà phòng diệt khuẩn.

– Hút thuốc lá cưỡng bức (hít hơi thuốc lá của người bên cạnh).

– Rửa mặt, tay chân hằng ngày về mùa rét với nước nóng kém chất lượng.

– Ăn nhiều thức ăn rán, nướng.

Để giảm bớt tình trạng khô da thì bạn cần hạn chế những lí do này. Nên che mặt và chân tay khi phải làm việc lâu ở ngoài trời; có dụng cụ bảo hộ tốt khi phải tiếp xúc trực tiếp với các chất hại da (vôi, xi măng, tro bếp, các chất tẩy rửa mạnh…). Chỉ khi cần mới dùng các loại xà phòng diệt khuẩn vì nó diệt cả vi khuẩn có ích cho da. Tránh xa người đang hút thuốc lá, thuốc lào, vì việc hít phải hơi thuốc lá (thuốc lào) sẽ gây khô da nhiều hơn là hút thuốc trực tiếp. Hạn chế ăn các loại thức ăn rán, nướng. Ăn nhiều hoa quả: ổi chín, chuối chín, đu đủ, cam quýt bưởi, hạn chế ăn khế. Có thể uống bổ sung Vitamin B2 viên 2 mg (2-3 viên/ngày), Vitamin E 100-200 mg/ngày; chúng vừa chống khô da vừa làm mềm da. Uống đủ nước, tốt nhất là nước chè tươi (1,2-1,5 lít/ngày), ăn đủ chất đạm, chất béo, nhiều rau củ.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Da bị khô ráp tróc vảy, ngón tay và chân bị nứt máu


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ!

Cháu 31 tuổi và da rất khô ạ. Da cháu khô từ nhỏ. Mùa hè thì thi thoảng da vẫn có mụn và nhờn vùng chữ T nhưng bắt đầu mùa thu là da đã khô căng, các kẽ ngón tay và chân khô trắng. Vào mùa đông thì da toàn thân khô ráp, tróc vảy, thậm chí nổi vảy màu sậm (nhiều ở vùng mông, lưng, ống chân,…). Cháu đã hạn chế sử dụng hóa chất, xà phòng, tắm nước hơi ấm, ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước nhưng tình trạng vẫn rất tồi tệ ạ. Các đầu ngón tay và chân bị nứt máu vào mùa đông. Các kẽ móng tay của cháu thường xuyên bị xước măng rô ạ. Cháu nghe nói có thể uống vitamin A, C, D, E theo đợt trong năm, việc này có tác dụng không và liều lượng uống như thế nào ạ? Cháu rất khổ tâm vì làn da quá khô của mình, rất mặc cảm trong giao tiếp khi mùa hanh khô đến. Bác sĩ giải đáp cách phòng chống và chữa trị cho cháu với ạ.

Cháu cám ơn bác sĩ

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Qua thông tin bạn mô tả, bạn có triệu chứng tăng tiết nhờn và tổn thương mụn trứng cá ở mặt. Tuy nhiên, điều quan tâm của bạn là tình trạng da khô vào mùa thu, mùa đông. Biểu hiện da khô có rất nhiều lí do gây ra, có thể do vệ sinh da không đúng cách (sử dụng nhiều nước nóng, dùng xà phòng,…), thiếu một số vitamin, khoáng chất, tiếp xúc với hoá chất, do uống một số thuốc, do di truyền, rối loạn, bệnh lý da,…

Do đó, ngoài chữa trị các biểu hiện, biến chứng do da khô gây ra, việc phòng ngừa tình trạng khô da đóng vai trò quan trọng. Trước hết, bạn nên tránh sử dụng xà phòng tắm, sữa tắm thông thường, có thể dùng sữa dưỡng ẩm da. Chế độ ăn cần đảm bảo chất dinh dưỡng, tăng cường vitamin và khoáng chất qua nước trái cây, rau, củ quả, rau xanh,….

Các loại vitamin A, C, D, E, B2 có tác dụng tăng cường sức khoẻ, hỗ trợ tổ chức da, niêm mạc nhưng nếu sử dụng quá liều thì có thể gây ngộ độc, nên việc sử dụng cần theo chỉ định của bác sĩ và trực tiếp khám, đánh giá tình trạng bệnh nhân. Ngoài ra, các tổn thương da có thể kết hợp một số tình trạng rối loạn khác của cơ thể, do vậy để đánh giá chính xác tình trạng bệnh, bạn nên tới cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để khám nhằm sàng lọc và chữa trị các rối loạn nếu có.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Da cháu bị khô quá, phải làm sao ạ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, cháu là nữ, mới 20 tuổi thôi. Nhưng không rõ cháu bị thiếu chất gì mà da rất khô, nhất là da chân, nhăn nheo, sần sùi, nhìn rất mất thẩm mĩ ạ. Đến mùa đông, da cháu còn bị bong tróc ra nhìn như da rắn nữa. Bố mẹ cháu đã 50 tuổi rồi mà da còn căng mịn hơn cháu ạ
Bác sĩ cho cháu xin lời khuyên là cháu bị thiếu chất gì và phải bổ sung ra sao với ạ.
Cháu cảm ơn nhiều ạ.

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào Cháu

Da khô là một tình trạng phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ ai, xảy ra khi da mất quá nhiều nước hay chất dầu của da.

Một số nguyên nhân có thể làm cho da trở nên khô như: tuổi tác (khi chúng ta già, da trở nên mỏng và khô hơn), thời tiết (khô lạnh), nghề nghiệp (những người có công việc phải tiếp xúc với nước cả ngày như y tá, thợ làm tóc…), tắm hồ bơi (có nồng độ clo cao), mắc một bệnh da (viêm da cơ địa, vảy nến, da vảy cá…).

Theo mô tả thì rất khó để biết tình trạng da khô của cháu là do nguyên nhân gì. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì thì đều có một số nguyên tắc chung về chăm sóc cho da khô như:

Không nên tắm nước nóng vì sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da. Dùng nước hơi âm ấm thì tốt hơn.

Chỉ nên dùng xà phòng dịu nhẹ, không có hương liệu hoặc dùng các chất làm sạch thay thế xà phòng mà có tính giữ ẩm. Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da chứa cồn.

Nên giới hạn thời gian tắm trong khoảng 5-10 phút và không nên tắm nhiều hơn một lần mỗi ngày.

Bôi chất giữ ẩm ngay sau khi tắm, lúc đó da vẫn còn ẩm ướt.

Thời tiết lạnh nên có trang phục đủ ấm, mang khăn choàng cổ và đeo găng để giữ cho môi và 2 bàn tay không bị khô, nứt nẻ.

Trong trường hợp da rất khô, mỗi ngày chỉ nên rửa sạch mặt một lần vào ban đêm. Buổi sáng chỉ rửa mặt nhẹ nhàng với nước mát.

Bên cạnh những biện pháp chung nói trên, cần phải điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân gây ra khô da. Điều này chỉ thực hiện được khi cháu đến phòng khám chuyên khoa da để bác sĩ khám, chẩn đoán và đưa ra điều trị thích hợp.

Chúc cháu mau chữa khỏi bệnh

Da bong nhiều và khô, không bị ngứa và đỏ vào mùa đông là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: hana

Chào bác sĩ.

Da cháu bị bong rất nhiều ở cánh tay, chân, trừ bàn chân. Da bong rất nhiều và khô, nhưng khắp vùng da đó không bị ngứa và đỏ, cứ vào mùa đông và trời lạnh là lại bị bong như vậy, bị nhiều năm rồi. Vậy xin hỏi bác sĩ cháu bị bệnh gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu.

Theo thông tin mô tả, có thể cháu bị bệnh da khô và da vảy cá. Bệnh da vảy cá (Ichthyosis Vulgaris) là một bệnh lý của da có triệu chứng da khô như vảy cá, đặc biệt ở tay và cẳng chân. Bệnh vảy cá là bệnh dị dạng của da, có tính chất gia đình, di truyền, xuất hiện sớm trong những tháng đầu hoặc năm đầu sau khi sinh hoặc khi được 2- 3 tuổi. Bệnh cũng có khi xuất hiện ở tuổi trưởng thành và tồn tại suốt đời.

Về mùa đông, da bị khô, bong vảy trắng và nứt thành đường trên tay, ống chân… Đó là triệu chứng của bệnh da cá, hay còn gọi là da mốc, da rắn. Hiện nay, chỉ có thể hạn chế phần nào trạng thái khô, căng da, tróc vảy bằng các thuốc kem dịu da, bạt sừng, và kết hợp uống vitamin A, C, D từng đợt trong mùa đông.

Tránh chà xát, kỳ cọ mạnh lên vùng da bệnh khi tắm.

Mùa đông cũng chỉ nên dùng nước ấm vừa phải.

Không nên lạm dụng xà phòng vì càng tẩy hết lớp nhờn trên da vàng làm da thêm khô, căng dễ nứt nẻ, giảm sức đề kháng.

Tăng cường ăn rau, quả tươi như giá đỗ, cà chua, bắp cải, rau ngót, cam bưởi, đu đủ… để bổ sung nguồn vitamin cần thiết cho da.

Chủ yếu là chữa trị biểu hiện bằng cách bôi và tắm bằng các thuốc làm mềm da, dùng các loại vitamin theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Cần hạn chế tình trạng khô, căng da bằng các thuốc kem dịu da, bạt sừng, dầu thực vật (dầu dừa) kết hợp uống vitamin A, C, D.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Làm thế nào khi da rất khô và bong vảy nứt nẻ ở chân tay lưng vào mùa đông?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 25 tuổi cứ đến mùa đông là da của cháu rất khô và bong vảy nứt nẻ ở chân tay lưng. Hầu hết khắp cơ thể, cả mấy anh chị em cháu đều bị giống nhau. Với làn da như vậy cháu thấy rất tự ti khi tiếp xúc với mọi người ạ. Cháu muốn hỏi bác sĩ là làm thế nào để hạn chế được làn da khô và bong vảy ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Như vậy là khả năng bạn bị bệnh vảy nến. Bạn nên đi khám chuyên khoa Da liễu để khẳng định kết luận bệnh hoặc loại trừ chúng. Bệnh vảy nến hiện tại y học chưa có khả năng chữa được, bệnh không di truyền nhưng đôi khi có tính gia đình do bệnh có liên quan đến gen di truyền. Trong dân gian có bài thuốc dùng nước sắc của vỏ cây núc nác đắp lên vùng da tổn thương làm hạn chế rất nhiều (có khi tạm thời hết hẳn bong vảy và ngứa). Cách làm là lấy vỏ cây núc nác băm nhỏ đun sôi với nước 15-20 phút, dùng khăn hoặc vải màn thấm nước đắp lên vùng da tổn thương, ngày nào cũng đắp hoặc cách ngày, chú ý không cho muối. Có thể chặt cả cành về để dùng dần vì cây này có thể sống từ cành dâm và rất lâu khô.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl