Tuyển chọn câu hỏi hay về phát sinh sau tiêm phòng


4,226
1
1
Xu
53
Tiêm phòng là việc cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp gặp phải dấu hiệu hoặc triệu chứng lạ sau tiêm phòng – vì vậy chúng ta nên biết để cảnh giác.

Biến chứng sau tiêm phòng lao


Câu hỏi bởi: Ngọc anh

Thưa bác sỹ cháu nhà e tiêm lao vào ngay 5/6/16 về sau hơn 1tháng thì ở chỗ mũi tiêm tạo 1 ap xe lên mủ. Sau mủ bị vỡ ui lại lên mủ xong vỡ cho đến nay vết tiêm van chưa thành sẹo vẫn bị bong vảy ở đầu vết tiêm. Nhưng cho đến ngày 05/08 cháu có cho bé đi tiêm vacxin 5 trog 1 mui đầu tiên.về cháu sốt. 37.8 cháu cho uống hạ sốt thì cháu đỡ và hôm sau thì khỏi ạ. Nhưng sau khi hết sốt cháu phát hiên trên hố xương đòn vai bên trái cháu nổi một hạch ấn cứng ko di chuyển. Cho cháu hỏi bé nhà cháu có bị sau không ạ. Cháu cám ơn bác sỹ

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Hiện tượng chỗ tiêm phòng lao bị mưng mủ nhiều lần, đóng vảy là diễn biến bình thường, chính chỗ tiêm bị như vậy mới là tốt, mới tạo được hiệu giá kháng thể chống lao đủ mạnh để phòng bệnh, chỉ có một ảnh hưởng là để lại một vết sẹo lõm nhỏ trên da. Hiện tượng sau tiêm phòng 3 mũi cơ bản 5 trong 1 trẻ bị sốt xuất hiện ở hơn 90 % số trẻ được tiêm, đây là phản ứng bình thường sau tiêm phòng và chúng chỉ kéo dài từ ½ ngày đến gần 1 ngày. Nếu sau tiêm phòng 1-2 ngày mà trẻ vẫn sốt thì cần đưa trẻ đi khám bệnh tìm nguyên nhân gây sốt. Tiêm phòng lao có một số trẻ xuất hiện hạch viêm lao, thường xuất hiện ở hố nách bên tiêm, quá trình viêm lao này thường bị bã đậu hóa (tạo u bã đậu ở ngay tại hạch), thường phải chích nạo mới khỏi, hoặc có một số ít tự teo dần sau nhiều tháng. Riêng ở con bạn vị trí hạch xuất hiện ở hố trên của xương đòn là điều bất thường, hạch này có thể là hạch viêm lao do tiêm phòng hoặc do một nguyên nhân khác, vì vậy bạn phải đưa trẻ đi khám bác sĩ, nếu bác sĩ xác định là hạch viêm lao thì bạn cứ để tự nhiên, đến giai đoạn cần thiết thì có thể chích tháo bã đậu.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.

Chậm kinh 2 ngày sau khi tiêm phòng uốn ván


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi. Em mới tiêm phòng uốn ván và bị chậm kinh 2 ngày nên em muốn hỏi tiêm phòng uốn ván có bị chậm kinh không hay do lí do khác ạ? Trong tháng tiêm phòng vợ chồng em vẫn sinh hoạt bình thường. Xin bác sĩ giải đáp giúp em.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Uốn ván là bệnh nguy hiểm do trực khuẩn uốn ván gây nên, uốn ván có thể gây tử vong nếu không được chữa trị đúng, chữa trị không kịp thời. Tiêm phòng uốn ván là biện pháp chủ động phòng bệnh uốn ván cho mọi người nhất là với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và có ý định mang thai thì đều có chỉ định tiêm phòng uốn ván. Sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh, có thể có một số phản ứng phụ như: sưng đau tại nơi tiêm, sốt, đau đầu và đau người, mệt mỏi.

Các phản ứng này thường nhẹ nhàng và tự hết mà không cần chữa trị. Các tình huống dị ứng với vắc xin hiếm khi xảy ra, nhưng có thể xảy ra trong vòng một vài phút đến vài giờ sau khi tiêm. Các biểu hiện có thể có là sưng đau tại chỗ, ngứa da, khó thở, buồn nôn, nôn, hoa mắt, chóng mặt, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh. Nếu như có biểu hiện này thì cần được hỗ trợ y tế và cần thông báo ngay cho bác sĩ nhưng tác dụng không mong muốn xảy ra sau tiêm vắc xin.

Em thân mến, trên thế giới cũng như ở Việt Nam không có có báo cáo về biểu hiện chậm kinh sau khi tiêm vắc xin. Chậm kinh có nhiều lí do khác nhau (stress, căng thẳng tâm lý,..) thông thường cũng không quá 10 ngày so với chu kì bình thường. Nếu em chậm kinh trên 10 ngày, em nên thử thai bằng test thử thai nhanh (test thử dùng nước tiểu và que thử để chẩn đoán xem bạn có thai hay không), que thử được bán rộng rãi tại các hiệu thuốc, bạn có thể dùng que thử thai Quickstick. Trong tháng tiêm phòng, vợ chồng em sinh hoạt bình thường, nếu có thai cũng không thấy tác động trên thai nhi.

Chúc em mạnh khỏe.

Giảm sốt, khó chịu cho bé sau khi tiêm.


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Hiện tại bé của em được 2 tháng. Ngày 18/12/2015 là đến lịch hẹn tiêm vaccin 3 trong 1 (ho gà – uốn ván – sởi). (Trước đó đã tiêm 1 mũi viêm gan B và lao lúc bé mới sinh và lúc được 10 ngày tuổi). Em nghe nói chích mũi 3 trong 1 này sẽ làm bé bị sốt cao. Vậy cho em hỏi làm cách nào để giảm tối đa cho bé đỡ bị sốt, giảm khó chịu sau khi tiêm ạ. Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em.

Cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Thông tin em nói là tiêm 3 trong 1 (ho gà, uốn, sởi) là không chính xác, vắc xin 3 trong 1 nếu có vắc xin sởi thì là vắc xin MMR phòng bệnh sởi, quai bị, rubella nhưng vắc xin này không tiêm cho trẻ 2 tháng tuổi. Độ tuổi của cháu thì sẽ tiêm vắc xin 5 trong 1, vắc xin trong chương trình TCMR là Quinvaxem. Việc phòng ngừa biểu hiện sốt, khó chịu sau tiêm vắc xin chỉ là các biện pháp chữa trị biểu hiện như dùng thuốc hạ sốt Paracetamol dạng gói cho trẻ khi trẻ có sốt trên 38,5 độ C, liều lượng Paracetamol theo cân nặng của trẻ, liều thông thường là 10-15mg/kg cân nặng, mỗi 6 giờ uống một lần. Ngoài ra có thể chườm ấm để hạ sốt cho trẻ nhưng nhiệt độ của nước phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 2 độ C. Ngoài ra chú ý là trẻ cần được bú mẹ nhiều hơn khi bị sốt để tránh mất nước khiến trẻ mệt mỏi. Khi bế trẻ tránh ôm hay đè vào vùng tiêm của trẻ.

Chúc gia đình khỏe.

Tư vấn ám ảnh sau khi tiêm phòng dại


Câu hỏi bởi: Bình

Em chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ cho em hỏi: Trước đây em bị chó cắn và có đi tiêm vắc xin phòng dại rồi ngừng tiêm vì con chó cắn em vẫn khoẻ mạnh, nhưng kể từ lần tiêm đó lúc nào em cũng bị ám ảnh bởi bệnh dại, em đọc trên mạng có nói là các loại thịt như trâu, bò, lợn đều có thể bị mắc bệnh dại nên em em dè không dám động chạm tới cả thịt lợn, động vào cái gì em cũng sợ có virus dại, ngay cả khi đổ rác xong không nhớ không rửa tay mà lấy tăm cho vào miệng lúc sau nghĩ lại lo bị dại vì sợ túi rác bị chuột bò vào có thể có virus dại làm em lo lắng không yên, mong bác sĩ tư vấn những suy nghĩ của em với ạ!

Em cám ơn bác sĩ nhiều ạ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em nên ăn uống sinh hoạt bình thường miễn là các thực phẩm được nấu chín. Tiếp xúc với nước tiểu, máu, phân của động vật bị dại cũng không làm lây nhiễm bệnh dại. Bệnh dại lây truyền trong tự nhiên thông qua vết cắn. Con người bị mắc bệnh dại khi bị động vật mắc bệnh cắn. Ăn thịt đã nấu chín của động vật không thể làm lây truyền bệnh dại sang người, tất nhiên với những con vật bị dại thì cần khắc phục tiêu hủy theo quy định, không sử dụng để làm thức ăn. Vi rút dại cũng không thể tồn tại lâu dài trong không khí, vi rút dại tồn tại trong nước dãi của con vật mắc bệnh dại, khi nước dãi của con vật bị dại ở bên ngoài môi trường khô đi, vi rút dại sẽ chết và không tồn tại được. Tại Việt Nam hiện chưa có báo cáo nào về việc lây nhiễm bệnh dại do chuột cắn hay do tiếp xúc với nước dãi của chuột.

Chúc em mạnh khỏe!

Bé nổi hạch sau khi tiêm phòng.


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bé nhà em đươc 2,5 tháng. Bé sinh đủ tháng, cân nặng 3,2kg, bú mẹ hoàn toàn. Khi mới sinh bé được tiêm ngừa BCG. Sau đó khoảng 6 tuần thì nơi tiêm bị sưng đỏ. Nổi 2 hạch to khoảng hạt đậu xanh ở gần xương đòn cùng phía vết tiêm. Sờ vào không đau. Bé bú, ngủ, sinh hoạt bình thường. Ngày 6/10 em có cho bé đi chích ngừa 5 trong 1. Về nhà bé bị sốt 2 ngày. Hạch cũng to lên và đỏ. Hôm nay bé đã hết sốt nhưng hạch vẫn còn sưng và đỏ. Cho em hỏi như vậy con em bị gì và chữa trị ra sao, có nguy hiểm không ạ?

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Sau tiêm phòng lao, một số trẻ có thể nổi hạch ở vùng nách, ít gặp hơn có thể trẻ xuất hiện nổi hạch ở hố thượng đòn cùng bên. Hạch có thể diễn biến theo 2 chiều hướng: Hoặc là hạch dần nhỏ đi, cứng lại, không đau, không hóa mủ và tự hết; hoặc hạch sẽ tiến triển theo hướng sưng, đau hóa mủ và trẻ cần được theo dõi. Tuy nhiên đa phần là hạch sẽ tiến triển theo hướng nhỏ lại, tự hết mà không cần chữa trị. Do đó khuyên bạn cho cháu khám bác sĩ để có được theo dõi, chẩn đoán và chữa trị khi cần thiết.

Chúc gia đình bạn mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl