Tuyển chọn những câu hỏi hay về hiện tượng mọc răng ở trẻ


4,226
1
1
Xu
53
Trẻ em mọc răng thường đi kèm sốt cao, biếng ăn,…khiến nhiều phụ huynh khó xử và lo lắng. Những lưu ý được tuyển chọn dưới đây có thể sẽ giúp các bạn bình tĩnh đối phó với thời kỳ đặc biệt này ở bé.

Bé mọc răng chậm phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con trai tôi được 20 tháng mới có 4 chiếc răng. Xin hỏi bác sĩ như vậy có sao không và phương pháp giúp bé mọc răng nhanh như thế nào?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào em!

Thông thường, khoảng 6-8 tháng tuổi thì trẻ bắt đầu mọc răng sữa, 6-10 tháng tuổi sẽ mọc 2 chiếc răng cửa dưới, 6-14 tháng tuổi sẽ mọc 2 chiếc răng cửa trên, 2 răng áp cửa trên và 2 răng áp cửa dưới, 10-17 tháng tuổi mọc 4 chiếc răng hàm số 1, 18-24 tháng tuổi mọc 4 chiếc răng nanh; 20-30 tháng tuổi mọc 4 chiếc răng hàm số 2, khi trẻ được 2 tuổi chúng đã có khoảng 20 chiếc răng. Thường thì răng ở hàm dưới sẽ mọc sớm hơn răng tương ứng ở hàm trên. Vì bạn không nói đến bé đẻ có đủ tháng không, chiều cao và cân nặng hiện tại của bé, nên chúng tôi cũng không biết được tình trạng sức khỏe của bé như thế nào.

Với tình huống bé 20 tháng mới mọc 4 răng, có thể do nhiều lí do:

Do bé bị còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu canxi, vitamin D… em cần cho bé đi khám để biết rõ lí do để kịp thời xử lý. Có thể việc chậm mọc răng là do di truyền từ gia đình. Do chế độ ăn của bé chưa hợp lý hoặc do chế độ ăn của mẹ quá kiêng khem. Những trẻ đẻ thiếu tháng cũng chậm mọc răng hơn trẻ đẻ đủ tháng.

Tốt nhất bạn nên cho bé đi khám bác sĩ răng hàm mặt, dinh dưỡng để biết được lí do và chữa trị kịp thời. Khi bé chậm mọc răng, nếu kết hợp thêm các dấu hiệu thiếu dinh dưỡng chung như chậm phát triển cân nặng, chiều cao và các biểu hiện của còi xương như ngủ không ngon giấc ban đêm, hay giật mình khóc thét, có những cơn khóc ngất tím cả người, đổ mồ hôi trộm ban đêm, bẹp hộp sọ, lồng ngực lép, thóp rộng… thì chậm mọc răng ở bé là do còi xương. Cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, gia tăng khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày cho bé, nhất là sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn động vật, chất béo…

Chúc gia đình bạn sức khỏe!

Bé sốt khi mọc răng trong khoảng bao lâu?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bé nhà em được 9 tháng. Bé bị sốt em đưa đi khám thì được biết bé sắp mọc răng. Bác sĩ cho em hỏi bé mọc răng thì bị sốt bao lâu? Cách chăm sóc khi bé bị sốt thế nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn.

Phần lớn những trẻ sốt khi mọc răng sẽ tự hết sốt trong khoảng 2 – 3 ngày, trẻ mọc răng sẽ hết sốt khi có răng đã đâm xuyên qua nướu. Trong thời kỳ trẻ mọc răng, trẻ thường chảy rãi, hay cắn, gặm đồ vật, mút tay do nướu bị kích thích, trẻ có thể có sốt nhẹ hoặc không sốt, có thể có đi ngoài phân lỏng, sệt.

Cách chăm sóc trẻ khi sốt:

Bạn cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, đặc biệt khi trẻ có sốt và đi ngoài thì cần lưu ý bù nước để tránh mất nước do sốt và mất nước do đi ngoài. Bạn nên mua dung dịch Oresol của trẻ em thường có vị cam để pha với nước theo hướng dẫn sử dụng và cho trẻ uống.

Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol liều dùng 10 – 15mg/kg cân nặng lặp lại mỗi 6 giờ nếu trẻ còn sốt và tổng liều không quá 60mg/kg/24 giờ.

Nếu trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thì nên chườm khăn mát cho trẻ.

Chú ý vệ sinh răng miệng cho bé sau mỗi bữa ăn, cho bé súc miệng sau đó dùng gạc sạch vô trùng lau nhẹ vùng nướu, có thể massage nhẹ nhàng nướu của trẻ với gạc và mật ong pha loãng.

Chúc bạn và con mạnh khỏe!

Bé sốt mọc răng phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bé mọc răng sốt cao mà dùng thuốc hạ sốt và miếng dán AIKIDO nhưng vẫn vậy, xin hỏi để bé đỡ quấy sốt trong thời kì mọc răng tôi phải làm như thế nào?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Chào bạn.

Trẻ sốt do mọc răng thường đi kèm những dấu hiệu chuẩn bị mọc răng khác như: bé chảy nhiều dãi, thích kéo tai; bé ngứa răng nên thích “gặm” tay mẹ hoặc nhai những đồ vật khác; lợi bé có triệu chứng sưng đỏ; bé sốt theo từng cơn, bé cũng có thể đi quấy khóc, biếng ăn..… Khoảng 2-3 ngày sau đó, khi những chiếc răng mới nhú lên, cũng là thời điểm dấu hiệu sốt và tiêu chảy ở bé giảm dần rồi mất hẳn.

Bạn cần phân biệt bé sốt là do mắc bệnh truyền nhiễm: bé sốt liên tục, ít hoặc hầu như không kèm theo các dấu hiệu mọc răng. Để biết chắc bé sốt có phải là do mọc răng hay không, bạn nên đưa bé đi khám vì nhiều tình huống, bạn có thể nhẫm lẫn giữa tình trạng sốt mọc răng và sốt do những lí do khác. Khi thấy bé nóng, bạn nên nhanh chóng cặp nhiệt độ cho bé. Khoảng gần 38°C là bé sốt vừa, trên 38°C là bé sốt cao. Nếu bé sốt cao, bạn nên đưa bé đi khám sớm.

Bởi vì, bé sốt gần 39°C có thể gây co giật toàn thân. Nếu bé sốt tới 38,5°C trở lên, bạn có thể dùng Paracetamol để hạ sốt, liều lượng 10-15 mg cho một kg cân nặng, cứ 4 giờ cho uống một lần. Nếu bé sốt nhẹ hơn thì không cần dùng thuốc. Có thể lau mát hạ sốt cho bé bằng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh hay nước quá nóng. Bạn nên tăng cường các bữa bú cho bé trong ngày.

Nếu bé không bú được, bạn cần vắt sữa và cho bé ăn bằng thìa. Nên cho bé uống thêm nước lọc (hoặc có thể pha sữa bình cho bé loãng hơn bình thường). Trường hợp bé không uống được nước, dùng tăm bông sạch chấm nước vào môi, miệng bé để bé không bị khô môi và cũng tránh được tình trạng mất nước. Ngoài ra, bạn cần lưu ý: Nếu bé đi đại tiện phân sệt nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, hãy cứ cho ăn uống bình thường.

Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến bác sĩ. Hãy mang bé đến bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám. Cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm. Nhớ luôn luôn làm sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu.

Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong. Bạn nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm để trẻ ăn uống dễ dàng, thức ăn quá nóng hay quá lạnh đều không có lợi cho sự phát triển của răng trẻ. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm cho trẻ hàm lượng canxi trong thành phần các bữa ăn hàng ngày.

Khi mọc răng, các bé có thể không chịu ăn nếu thực phẩm đó kích thích và gây đau lợi. Bạn có thể chuẩn bị loại thức ăn sau nhằm khiến bé dịu cơn đau đớn, đồng thời vẫn đảm bảo chế độ ăn cho bé hàng ngày: Có thể cho bé ăn các loại thực phẩm xay nhuyễn ở dạng ấm hoặc lạnh, nhưng nướu răng của bé đang mọc răng sẽ dễ dàng tiếp nhận thực phẩm lạnh hơn. Đồ uống mát có thể làm dịu những em bé quấy khóc trong thời gian mọc răng.

Với trẻ trên 6 tháng tuổi, sự lựa chọn tốt nhất là nước. Có thể cho bé uống nước ép trái cây pha với nước. Bạn nên cho bé bú thường xuyên hơn khi bé mọc răng để cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho bé, việc này cũng góp phần làm bé bình tâm và bớt quấy khóc hơn khi bị đau.

Lưu ý: Các biểu hiện khi trẻ mọc răng không bao giờ gồm sốt cao, ho, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài, mà có thể là biểu hiện của bệnh khác, khi đó bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ. Tóm lại, mọc răng là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, trong lúc mọc răng trẻ có thể bị sốt nhẹ, hơi đau chỗ mọc răng, ngủ không yên, chảy nước miếng, hay cho tay vào miệng, ăn hoặc bú ít. Nếu bé ăn hoặc bú ít, bạn nên chia nhỏ bữa ăn và cữ bú của bé, cho bé ăn hoặc bú nhiều lần, mỗi lần 1 ít với những món mà bé thích nhất.

Bạn nên kiểm tra nhiệt độ của bé, nếu bé sốt nhẹ dưới 38,5°C, bạn không cần uống thuốc hạ sốt, nên lau toàn thân bé với nước âm ấm, cho bé mặc đồ thoáng mát. Nếu bé sốt cao hơn 38,5°C, bạn cho bé dùng thuốc hạ sốt (Paracetamol) với liều lượng 10-15 mg/1 kg cân nặng, mỗi liều uống cách nhau 4-6 giờ, uống tối đa 4 liều trong 1 ngày. Nếu bé tiếp tục sốt cao và kéo dài nhiều ngày, dùng thuốc vẫn không giảm, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra cho bé.

Chúc bạn và cháu luôn khỏe.

Lo lắng vì trẻ chậm mọc răng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ con em hồi được 11 tháng, bé có bị thoát vị bẹn nên mổ. Hồi đó bé mọc được 2 cái răng, bây giờ bé 14 tháng tuổi mà vẫn 2 cái răng không mọc thêm cái nào. Em đã bổ xung thêm vitamind3 siro canxi, ngày 3 bữa cháo đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra bé con ăn thêm váng sữa, phomai, hoa quả, sữa chua. Xin hỏi bác sĩ giờ em phải làm sao ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Thông thường trẻ sẽ mọc 2 răng cửa dưới đầu tiên khi trẻ được 6-10 tháng tuổi. Tiếp theo là 2 chiếc răng cửa trên thường mọc vào tháng thứ 8-12. Bé nhà bạn 14 tháng tuổi hiện tại mới mọc 2 răng cho thấy cháu bị chậm mọc răng. Một trong những lí do làm răng mọc chậm là do trẻ thiếu dinh dưỡng, thiếu canxi, còi xương do thiếu vitamin D. Để cải thiện tình trạng này bạn nên:

– Cho bé tắm nắng vào buổi sáng. Thời gian tắm nắng trung bình 15-30 phút mỗi ngày, trẻ có da sậm màu hơn phải tắm lâu hơn trẻ có da sáng.

– Nên cho bé bú sữa mẹ. Còn nếu ăn sữa ngoài thì không pha sữa cho trẻ bằng các loại nước cháo, nước bột, nước rau củ… và nhất là nước khoáng, lượng khoáng chất cao trong những loại nước này sẽ làm giảm hấp thu canxi.

– Chú ý cho bé ăn đủ đạm động vật và chất béo hàng ngày.

Mỗi bát thức ăn của trẻ phải thêm 1-2 thìa dầu ăn.

Việc bổ sung vitamin D và canxi là cần thiết nhưng phải được chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên tự ý sử dụng vitamin D vì có thể làm bé bị ngộ độc khi dùng liều cao hoặc thời gian dùng quá dài. Tốt nhất bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để thăm khám trực tiếp và có chỉ định phù hợp.

Chúc mẹ và bé khỏe mạnh!

Bé chậm mọc răng, biếng ăn


Câu hỏi bởi: Trần Thị hiền

Thưa bác sĩ, bé nhà em được hơn 10 tháng rồi nhưng chưa có cái răng nào, gần đây bé lại không chịu ăn uống gì cả. Nếu ép bé ăn thì lại nôn ra hêtd.

Bác sĩ Trần Quang Thuyên


Chào bạn.

Lỗi của bạn là hay ép trẻ ăn, điều này không tốt. Bạn nên cố gắng tạo cho bé niềm vui khi ăn, khi bé thực sự đói bé sẽ ăn. Bạn cũng nên tạo giờ ăn hợp lý cho bé, ép ăn thường dẫn đến nôn trớ.
Ngoài ra 10 tháng chưa mọc răng thì hơi chậm phát triển, cho bé uống sữa công thức (nhiều canxi), hay uống vitamin D nhỏ giọt nhé.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl