Những điều cần biết sau khi sinh mổ


4,226
1
1
Xu
53
Bên cạnh phương pháp sinh truyền thống, mổ đẻ là một trong những lựa chọn khác của thai phụ. So với đẻ thường, cách sinh này có khả năng để lại nhiều di chứng khá cao cho người mẹ sau này.

Bị tắc tia sữa sau khi sinh mổ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu bị tắc tia sữa sau khi sinh mổ. Hiện tại sữa 2 bên ra rất ít mà hai bên ngực rất căng sữa, bé bú chỉ ra được rất ít sữa nên bé bú ít và không muốn bú. Ngực của cháu cứ bị căng sữa rất đau và khi bé bú cháu cũng rất đau ở đầu vú, mọi người bảo bị đứt cổ gà. Cháu rất mong bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu.

Tắc tia sữa là hiện tượng hệ thống ống tuyến sữa bị tắc do vậy sữa không chảy ra được. Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

Hiện tượng tác tia sữa có rất nhiều nguyên nhân như người mẹ không cho trẻ bú sớm và thường xuyên, cho con bú không vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào thông qua đầu vú rồi dẫn đến hệ thống ống dẫn sữa nhiễm khuẩn sẽ bị hẹp gây cản trở sữa thoát ra ngoài điều này gây ra việc tắc tia sữa. Đặc biệt, ở những sản phụ có đầu ti thụt vào hoặc bằng phẳng quá, to quá, biến dạng, khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn mút đầu ti, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu ti của sản phụ sẽ nứt rộng hơn hoặc sữa không thông nhưng con vẫn cứ bú, nhai đi nhai lại, gây tổn thương.

Nếu bị tắc tia sữa không chữa trị kịp thời và đúng phương pháp người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị tác động, dần dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa.

Với tình trạng hiện tại cháu nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và chữa trị, tránh để lâu ngày gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Chúc cháu sớm khoẻ!

Bị ngứa vì dị ứng thuốc kháng sinh và dị ứng rượu nghệ sau khi sinh mổ, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu vừa sinh mổ được 1 tháng. Lúc đầu cháu bị ngứa vì dị ứng thuốc kháng sinh, sau 1 tuần thì cháu lại bị ngứa vì dị ứng rượu nghệ. Cháu bị các mụn nước ở tay, chân, bàn tay, bàn chân. Vậy cháu bị sao ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn.

Thời kỳ hậu sản là thời kỳ từ khi sinh đến 42 ngày sau, trong thời kỳ này bạn có sản dịch có thể có chút máu trong những ngày đầu. Hết thời kỳ hậu sản tử cung phần phụ sẽ trở về trạng thái bình thường. Bạn hãy đi khám chuyên khoa Da liễu kiểm tra trực tiếp nhé, cần khám mới xác định được lí do và hướng chữa trị.

Chúc bạn khỏe.

Cách làm mờ vết rạn đen sau khi sinh?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ!

Cháu nay 24 tuổi sinh được 2 tháng mà mỡ bụng vẫn còn và những vết rạn đen xì. Cháu hay chườm nóng nhưng không có tác dụng gì nữa. Mong bác sĩ huớng dẫn cho cháu cách tan mỡ và giảm những vết rạn.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Rạn da sau sinh lí do trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ tăng cân nhanh chóng, khiến cho da vùng bụng bị căng giãn quá mức do đó da bụng không phát triển kịp để thích nghi, khiến cho da bị đứt gãy các mô liên kết tạo nên những vết rạn trên da. Điều trị Nội khoa nhìn chung khó khăn và ít hiệu quả, không khỏi hoàn toàn được bằng thuốc do không thể phục hồi lại các mô liên kết đã bị đứt gãy, chỉ có thể làm mờ bớt một phần nào đó bằng các phương pháp chữa trị Nội khoa. Có một số cách để giảm vết rạn trên da:

Uống và thoa kem vitamin EM trên vùng da đều đặn hàng ngày.

Mát xa vùng da bị rạn bằng dầu dừa, dầu ô liu.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin E, vitamin C

Sử dụng Laser chữa trị.

Phẫu thuật cắt bỏ mỡ thừa và da thừa.

Khuyên cháu khám bác sĩ để có giải đáp cụ thể phù hợp hơn với tình trạng và mức độ rạn da để hướng chữa trị với làn da của mình.

Chúc cháu sức khỏe!

Sau sinh bao lâu thì phần xương bị chồng khớp ở thái dương sẽ đầy lại?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Con của em từ khi mới sinh, phần thái dương bên trái bị lõm lại. Bác sĩ phụ sản chẩn đoán cháu bị chồng khớp. Nay cháu được 1 tháng tuổi mà phần lõm vẫn chưa đầy. Vậy xin bác sĩ cho biết khoảng bao lâu phần xương bị chồng khớp đó sẽ đầy lại và có tác động gì đến sự phát triển của trẻ không? Cháu là sinh mổ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Trẻ sau khi sinh mổ có hiện tượng bất thường về hộp sọ là một dị tật có từ trong bào thai, không phải là do việc đẻ gây ép làm các xương chồng lên nhau. Hiện tượng chồng xương sọ do đẻ đường dưới thường được tái tạo lại rất nhanh, sau vài ngày.

Con bạn nay đã 1 tháng mà phần lõm vẫn không đầy thì có thể đường khớp vành sọ đã bị dính. Đường khớp vành là khớp giữa xương trán và xương đỉnh. Khi đã bị dính một khớp như vậy thì xương trán mãi mãi bị trũng hơn so với bên phải, làm khuôn mặt bị biến dạng. Bạn có thể sơ bộ đánh giá xem con mình có bị dính khớp xương sọ hay không từ đó có quyết định đưa con đi khám ngay hoặc chuẩn bị thời gian sắp xếp công việc mới đi khám, bằng cách sau:

Thóp trước của trẻ có không? Nếu có thì có cân đối hai bên hay không? Nếu thóp rộng cân đối hai bên sờ rõ đường rãnh trước sâu đến gần giữa trán thì ít có khả năng đã bị dính khớp.

Sờ tay tìm đường khớp vành: vết trũng hoặc gờ lên từ trước vành tai chạy lên đỉnh đầu. Đặt đầu ngón tay trỏ của tay trái lên đường khớp này, dùng tay kia ấn và đẩy vào vùng xương trán làm xương trán di động để cảm nhận thấy có sự di động giữa hai xương này hay không. Nếu có di động là không dính khớp, thấy cả xương chẩm cũng di chuyển theo thì là đã dính khớp.

Đo vòng đầu của trẻ: Dùng thước dây đo chu vi đầu theo đường ngang hai chân mày và điểm nhô nhất ở sau gáy xem có bình thường theo tuổi không. Bình thường vòng đầu của bé gái 2 tháng từ 36,8 đến 39,2 cm, bé trai 37,7 đến 40 cm. Nếu vòng đầu bé nhỏ hơn so với tuổi, bạn cần đưa bé đến khám luôn để bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh và có biện pháp chữa trị thích hợp. Nếu vòng đầu trẻ bình thường và không bị dính khớp thì xương trán sẽ được đẩy ra sau một thời gian nữa. Nếu đã bị dính khớp thì cần có giải pháp phẫu thuật sớm.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Đã sinh mổ 1 lần có thể sinh thường nữa không và thời gian mang thai tiếp là bao lâu?


Câu hỏi bởi: NHUNG

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ em đã sinh mổ 1 lần thì bây giờ em có thể sinh thường không? Sau bao lâu từ khi sinh mổ em mới nên mang thai tiếp ạ?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Theo các bác sĩ Sản khoa, phụ nữ từng sinh mổ cần có thời gian để phục hồi sức khỏe trước khi có thai tiếp. Sở dĩ cần khoảng thời gian này là vì:

Thời gian để tử cung phục hồi sau sinh mổ sẽ dài hơn so với sinh thường. Cần có thời gian để các vết mổ trên bụng, những vết rạch trong tử cung và thành bụng lành lại sau sinh mổ. Khi sinh mổ, người phụ nữ cũng mất khá nhiều máu nên cũng cần thời gian để máu được phục hồi và có được sức khỏe tốt nhất. Nếu tiếp tục sinh con một thời gian ngắn sau sinh mổ thì có nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.

Chính vì vậy, thời gian trì hoãn mang thai lý tưởng sau khi sinh mổ là 3-5 năm. Nếu lỡ có thai sau lần sinh mổ trước chưa tới 3 năm thì người phụ nữ cần đi khám tại các các bệnh viện chuyên khoa Sản để được bác sĩ giải đáp và theo dõi, phòng tránh nguy cơ nứt vết mổ.

Lần mang thai tiếp theo của bạn có thể sinh thường hay sinh mổ phụ thuộc vào khoảng thời gian giữa 2 lần sinh con của bạn, trọng lượng thai nhi, tình trạng sức khỏe của thai nhi, tình trạng sức khỏe của bạn,… Tốt nhất, trước khi dự định có thai tiếp, bạn nên đi khám chuyên khoa Sản để được bác sĩ giải đáp cụ thể.

Chúc bạn mạnh khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl