Những câu hỏi về bong tróc da theo mùa


4,226
1
1
Xu
53
Mỗi một thời điểm trong năm, làn da lại có một phản ứng riêng biệt. Tùy theo mùa, tình trạng da bong tróc lại biểu hiện và có nguyên nhân hoàn toàn khác nhau.

Bong tróc da quanh năm chữa như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em luôn luôn bị bong và tróc da ở bắp tay quanh năm. Em đã thử nhiều loại thuốc mỡ và kem dưỡng ẩm nhưng chỉ được một thời gian ngắn, không sử dụng là lại bị trở lại. Bác sĩ có thể tư vấn em bị bệnh gì và chữa như thế nào được không?

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Theo như các biểu hiện bạn mô tả, có khả năng bạn bị dày sừng nang lông. Biểu hiện của bệnh dày sừng nang lông thể hiện bằng các sẩn sừng có kích thước khoảng 1-2 mm, màu hơi trắng hoặc xám. Vị trí thường gặp nhất là ở mặt ngoài 2 cánh tay, phần bên ngoài 2 đùi, ít hơn ở mông, cẳng tay… Đôi khi vùng bị bệnh viêm đỏ ngứa. Tổn thương của bệnh dày sừng nang lông là do sự tích tụ chất keratin nhiều hơn bình thường ở lỗ chân lông làm cho sợi lông không mọc ra ngoài được cho nên sợi lông bên dưới bị cuộn lại hoặc các chất bã nhờn bị ứ đọng lại.

Nguyên nhân của bệnh chưa rõ ràng, được cho là có liên quan đến thể tạng dị ứng hoặc xuất hiện ở những người có da khô. Chính vì thế, việc chữa trị chỉ mang tính chất chữa trị biểu hiện, tức là làm tiêu dần các nút sừng và hạn chế tái phát.

Không biết khi bị tình trạng này bạn đã đi khám chuyên khoa Da liễu chưa hay tự bôi thuốc. Tốt nhất bạn nên đi khám chuyên khoa Da liễu để được chuẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời. Khi bị bệnh, bạn không nên dùng xà phòng tắm bởi vì tính kiềm của xà phòng sẽ gây kích thích da, bạn nên dùng các sản phẩm sữa tắm giữ ẩm. Đặc biệt, bạn hạn chế tối đa việc cọ xát trên bề mặt da tổn thương bởi vì động tác này sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Hiện nay chưa có phương pháp nào chữa trị khỏi hẳn bệnh nhưng có nhiều cách làm giảm biểu hiện của bệnh như thuốc thoa chứa vitamin A, chứa urea, các thuốc giữ ẩm và bôi trơn, thuốc uống kháng Histamin giảm ngứa…

Chúc bạn chóng khỏi bệnh!

Da bị bong tróc vào mùa đông là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Lêu Lêu

Chào bác sĩ!

Em là nam năm nay 22 tuổi. Da của em vào mùa đông thường hay bị bong tróc trông rất xấu đặc biệt là ở mông, bụng, lưng, tay và chân… mặt có nhưng ít. Còn đâu nhưng chỗ trên nhìn rất rõ vết bong tróc (thường là màu trắng, có chỗ bong tróc như kiểu gầu trên đầu). Vậy bác sĩ có thể giải đáp cho em đó là bệnh gì và điều trị như thế nào? Không chữa khỏi hẳn thì có cách nào làm giảm bớt được không ạ!

Cảm ơn bác sĩ nhiều !

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Theo em cung cấp thông tin em bị chứng khô da, bệnh vượng lên trong mùa lạnh, em nên thực hiện như sau:

Giữ cho da nhờn, bằng cách mặc ấm, giữ hơi nước da ‘thở’ ra ở lại dưới áo, giúp da ẩm và mềm. Tránh nước nóng vào mùa lạnh: trước khi tắm, lấy tay thử nước, đủ ấm là được. Đừng xài nước nóng quá trong mùa lạnh. Mùa hè, muốn nóng bao nhiêu xài mặc sức. Chỉ xát xà bông vô những nơi thật cần xà bông, chỗ phải có xà bông mới sạch và hết mùi hôi. Ngoài ra, tránh xà bông trên mặt ngoài như vai, đùi, bụng, lưng, tay chân, v.v… Lựa loại xà bông mềm và yếu. Tránh các hiệu xà bông cứng và mạnh cho mùa lạnh. Mùa hè, xà bông khô, mạnh; nước nóng bao nhiêu tùy thích. Từ phòng tắm bước ra chớ vội lau khô. Mua sẵn dầu paraffin (vaseline bất cứ hiệu gì) đổ vô lòng bàn tay, thoa đều thật nhiều khắp người. Mặc áo lại cho ấm và kín. Trong ngày, hạn chế tối thiểu số lần rửa tay chân bằng nước nóng và xà bông. Rửa xong, tay còn ướt nước, thoa một lớp mỏng emolient lotion hay cream (dưỡng ẩm). Xong, giữ da ấm và kín, tránh khô. Ngủ cho đủ giờ. Ăn cho đủ no và ngon, thoải mái với các đồ ăn thịt, cá, mè, đậu phọng tùy sở thích và nhu cầu. Cần đưa cả nhà thoát ra khỏi lối suy nghĩ sai lầm gán tội ‘phong hay nhiệt’ cho đồ biển tôm, cá, bò, gà. Tránh các thứ thuốc ngứa xưa nay người xứ nóng thường xài theo thói quen. Các loại thuốc chống ngứa, chống dị ứng (anti-allergics, anti-histaminics) như phenergan, benadrya63mchlorpheniramin… làm cho da đã khô càng thêm khô, dễ nứt ra, và ngứa hơn nữa. Thường xuyên dưỡng ẩm, không nên để da khô nhất là về đêm. Không nên theo thói quen là những cố tật gây khô, nứt da như tắm nước quá nóng, sấy khô, thay đổi môi trường đột ngột… khiến da ngứa, khô, bong tróc mùa lạnh.

Chín bước trên đây giúp chữa và tránh ngứa da trong mùa lạnh.

Chào em!

Da mặt mùa hè thì tiết nhờn, mụn, mùa đông khô rát, bong tróc vảy, mọc nhiều mụn phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 24 tuổi da mặt cháu mùa hè thì tiết nhờn nhiều và kèm theo mụn (số lượng ít thôi ạ) đặc biệt là vùng dưới cằm và quanh hàm lại mọc nhiều hơn. Cháu có đắp mặt bằng nghệ sữa tươi không đường và mật ong được 3 tháng kèm theo uống tinh bột nghệ mà vẫn chưa thấy tiến triển gì. Và cháu dùng sữa rửa mặt Lotuphil ạ. Đặc biệt gần đây sắp chuyển mùa thời tiết khô hanh da mặt cháu năm nào gần đông cũng khô rát bong tróc vảy và mọc nhiều mụn hơn. Cách đây khoảng 3 năm cháu có đi khám Da liễu bác sĩ bảo cháu bị mụn bọc có chữa trị thuốc nhưng chỉ đỡ 1 thời gian thôi ạ. Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu!

Qua thông tin cháu cung cấp, cháu có tình trạng da dầu và xuất hiện mụn, với tình trạng da dầu thì rất dễ xuất hiện mụn trứng cá nếu việc vệ sinh da mặt không thích hợp. Tình trạng mụn bọc trước đây là tình trạng mụn trứng cá và cháu đã chữa trị chuyên khoa Da liễu. Tuy nhiên, tình trạng mụn hiện tại của cháu có thể do mụn trứng cá nhưng cũng có thể do các tổn thương khác gây ra (như viêm da dị ứng, do nấm,…).

Do vậy, trước hết cháu nên ngừng toàn bộ các thuốc đang sử dụng, chỉ rửa mặt bằng nước sạch và thấm khô bằng khăn mềm, tránh trà sát vào vùng da mặt, đặc biệt vùng da có mụn. Bên cạnh đó,cháu cũng nên lưu ý chế độ ăn uống sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, cháu nên sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để khám. Ngoài khám lâm sàng, các bác sĩ có thể cho làm thêm một số xét nghiệm (xét nghiệm vảy da, xét nghiệm máu,…) để chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thương da mặt.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Da khô nứt nẻ như da rắn vào mùa đông chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em bị da khô, da khô ráp, nứt nẻ vào mùa đông. Da bị ngứa và lớp da bong tróc rát, nứt nẻ, chảy máu ở chân, toàn thân ngứa rát nhìn như da cá, da rắn ý. Em luôn ước ao khỏi bệnh vì là con gái nên rất mất tự tin không được mặc áo ngắn tay, quần ngắn, nên em rất khổ ạ. Xin hỏi bác sĩ bệnh của em phải chữa thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Theo em cung cấp thông tin em cung cấp, em bị chứng da khô, nếu ở mức độ nặng hơn sẽ là da vảy cá. Bệnh này là bệnh do cơ địa của em nó có tính chất miễn dịch và di truyền. Bệnh mãn tính, chữa trị làm giảm biểu hiện và bệnh dễ tái phát. Bện này mùa hè giảm, mùa lạnh bệnh vượng lên. Trước mắt để giảm nhẹ biểu hiện em có thể dùng kem bạt sừng chống viêm như Diprosalic, Atcobeta-S… bôi 2 lần/ngày. Bôi 1 đợt 10 ngày sau đó em nên thường xuyên dưỡng ẩm, nếu không có em có thể dùng dầu dừa dưỡng ẩm.

Chào em!

Bị bong tróc da tay nhiều năm không khỏi phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu xin chào bác sĩ.

Năm nay cháu 20 tuổi, cháu bị bong tróc da tay cũng lâu rồi ạ. Cháu không nhớ bị từ bao giờ nữa. Nhưng cháu chỉ bị 1 năm 1 lần vào mùa hè này thôi. Còn các mùa khác tay cháu bình thường. Hiếm lắm thì bị thêm mùa đông thôi ạ. Cháu bị bong tróc da ở 2 bàn tay. Nếu chạm vào nước không hoặc không chạm vào nước thì bị bong khô thôi ạ. Nhưng khi chạm tay vào xà phòng thì tay cháu bị bong thành từng đường vân tay nhìn rất ghê. Để tay khô thì lại chỉ bị bong ít thôi ạ. Bác sĩ có thể cho cháu biết cháu bị bệnh gì không ạ? Và có cách gì để chữa không ạ? Mọi người bảo cháu thiếu vítamin C cháu có ăn hoa quả rồi, uống vítamin C rồi nhưng không đỡ. Cứ vào mùa này là cháu lại bị bong tróc da.

Cháu cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào cháu!

Tình trạng bong tróc da tay có thể do nhiều lí do gây ra, thường gặp nhất là tình trạng viêm da tiếp xúc, tiếp đến là các tình trạng rối loạn, bênh lý tại da (nấm da, chàm, ghẻ, á sừng,…) hoặc rối loạn bệnh lý toàn thân (thiếu một số vitamin và khoáng chất, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết,…).

Trường hợp của cháu, tình trạng bong tróc da thường gặp vào mùa hè, đặc biệt khi tiếp xúc với xà phòng,…. Như vậy, có thể nghĩ tới rối loạn tổn thương da (nấm da, á sừng,…) kết hợp với yếu tố kích ứng (xà phòng, nước,…) gây tình trạng da bong tróc mạnh,… Tuy nhiên, để xác định chính xác mức độ tổn thương và nguyên gây bong tróc da thì cháu nên tới cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để khám.

Bên cạnh đó, cháu nên đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vitamin và khoáng chất, cháu cũng nên lưu ý hạn chế tiếp xúc với yếu tố kích ứng bong tróc da (xà phòng, nước tẩy, nước rửa bát,…), khi phải tiếp xúc thì nên đi gang tay bảo vệ da,…

Chúc cháu sức khoẻ.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl