Nguy cơ tự sát khi mắc bệnh trầm cảm!


4,226
1
1
Xu
53
Một trong những triệu chứng rõ rệt của căn bệnh trầm cảm chính là ý muốn tự sát xuất hiện ở bệnh nhân. Nếu không được điều trị kịp thời, điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Có ý định tự sát và từng tự sát có phải triệu chứng bệnh trầm cảm hay không?


Câu hỏi bởi: Thiên Kim

Chào bác sĩ!

Vào hồi tháng 6 em bị tai nạn xe, bị gãy một chân và thẹo ở mặt khá nhiều. Những ngày đầu em cảm thấy khá bình thường. Tuy nhiên, càng lúc em càng chán ghét bản thân. Em cảm thấy xã hội khinh miệt em. Mỗi lần nhìn vào gương là tâm trạng em rất tồi tệ. Em mất ngủ, không thể nào ngủ được và thường phải dùng thuốc an thần cho tâm trạng bình tĩnh lại. Từ lúc mới bị tai nạn đến giờ chưa một ngày nào em cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Em từng có ý tự sát và em đã từng tự sát. Em luôn nhốt mình trong phòng tối, ai bật đèn lên em đều yêu cầu tắt hết đi. Có phải em bị trầm cảm hay không? Và em đã trầm cảm ở mức độ nào rồi thưa bác sĩ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Dựa vào các triệu chứng mà em mô tả cho thấy em đang bị trầm cảm rồi.

Các lí do gây trầm cảm có thể xếp vào 3 nhóm chính:

– Trầm cảm nội sinh (còn gọi là trầm cảm chưa rõ lí do). Có nhiều giả thuyết cho là do di truyền, miễn dịch, môi trường sống và yếu tố xã hội… nhưng chưa có giả thuyết nào có tính thuyết phục.

– Trầm cảm do stress. Chẳng hạn như khi mất việc làm, mâu thuẫn trong gia đình, con cái hư hỏng, bị trù dập ở nơi làm việc, làm ăn thua lỗ, bị phá sản hoặc có người thân chết đột ngột…

– Trầm cảm do các bệnh thực tổn.

Trong tình huống của em lí do dẫn đến tình trạng trầm cảm là do stress. Em nói em từng có ý định tự sát và đã từng tự sát cho thấy mức độ trầm cảm của em đã ở giai đoạn khá nặng. Với tình trạng hiện tại em nên nói với gia đình và đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần học để khám và chữa trị, tránh những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và gia đình.

Chúc em mạnh mẽ!

Trầm cảm có suy nghĩ muốn tự sát là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: lug021

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 21 tuổi đang là sinh viên. Trong kì thi học kì vừa rồi không hiểu sao đầu cháu cứng ngắt không thể học được gì, lo lắng, cảm thấy bứt rứt trong người, không ngủ được. Rất dễ bị ảnh hưởng bởi người khác. chỉ cần nghe 1 đứa bạn học thuộc gần hết bài để đi thì là cháu rất lo, rất sợ. Tình trạng này kéo dài hơn 3 tuần. Cháu cũng hay suy nghĩ lung tung. cảm thấy có lỗi với bố mẹ có ý nghĩ tự sát như vậy. Cháu bị bệnh gì làm sao để hết. Mong bác sĩ giúp cháu.

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có thể bạn đang trong trạng thái trầm cảm, đây là những biểu hiện thường gặp của bệnh này:

Nét mặt trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi.

Mất thích thú trong cuộc sống. Đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích gần vợ gần chồng, thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm.

Ăn ít, không ngon, nhạt miệng.

Trằn trọc khó ru ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe.

Đầu óc khó tập trung, do dự không “quyết” được, không đối phó được.

Hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết.

Có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận.

Người còn đi làm thì giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, đãng trí, cảm thấy bế tắc.

Tự nghĩ chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, thua người ta, không bằng người ta, trở nên vô dụng, không đáng sống, nghĩ và đôi khi tìm cách chết.

Bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần học để được giải đáp cụ thể những biện pháp cải thiện tình trạng này và có thể phải uống thuốc nếu cần nhé.

Chúc bạn vui sống!

Thiếu ngủ, thấy buồn chán muốn tự sát


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác!

Cháu tên Diệu Linh, năm nay 25 tuổi, hiện đang công tác trong ngành dịch vụ. Cháu có đọc trên mạng và thấy mình có đầy đủ các biểu hiện của bệnh trầm cảm. Cháu thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ, kể cả khi ngủ 13 tiếng một ngày. Luôn luôn lo lắng, buồn chán mặc dù không hề thất tình hay thất nghiệp. Cháu luôn có cảm giác mình sống vô nghĩa và muốn tự sát. Tình trạng này cháu thường xuyên gặp phải từ khi học đại học (gần 5 năm), nhưng không kéo dài lâu. Mấy tháng gần đây do trong công ty có nhiều chuyển đổi, khiến cháu càng cảm thấy áp lực. Sinh hoạt không ổn định, thường xuyên bị táo bón, ăn uống kém. Cháu cảm thấy chán nản vô cùng và quyết định nộp đơn nghỉ việc. Dự định lên chùa ở. Song cấp trên không đồng ý và khuyên cháu ở lại làm tiếp, còn được tăng lương. Hiện cháu vẫn đi làm nhưng không còn tập trung được như trước, chỉ đến cơ quan đợi hết giờ về, vô cùng mệt mỏi, dễ cáu giận. Cảm giác mình là người bất lực, vô dụng luôn khiến cháu thôi thúc tự sát. Ngại giao tiếp với mọi người. Cháu mong bác giải đáp giúp cháu liệu có phải cháu bị bệnh trầm cảm? Và có cách nào điều trị không ạ? Có cần dùng thuốc hay đi viện không ạ? Hiện cháu đang sống và công tác tại thành phố Cẩm Phả – Quảng Ninh, bác có thể giải đáp giúp cháu nên đến cơ sở nào để được khám và chữa trị?

qCháu xin chân thành cảm ơn ạ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Với câu hỏi của cháu bác xin trả lời và trao đổi với cháu như sau: cháu là nữ, năm nay cháu 25 tuổi tương lai còn dài và rộng mở phía trước, cháu có các biểu hiện lúc nào cũng muốn ngủ, luôn lo lắng buồn chán, lúc nào cũng có cảm giác mình sống vô nghĩa và muốn tự sát. Tình trạng này lặp đi lặp lại từ lâu. Mấy tháng gần đây cơ quan có biến động nên bản thân càng cảm thấy áp lực. Sinh hoạt không ổn định, ăn kém, táo bón, không tập trung được vào công việc, mệt mỏi, dễ cáu giận, cảm giác mình là người vô dụng, luôn muốn tự sát, ngại tiếp súc với mọi người, chán nản muốn bỏ việc lên chùa ở.

Với các biểu hiện bệnh của cháu như trên theo bác cháu đã mắc rối loạn trầm cảm từ khi cháu đang học đại học. Rối loạn trầm cảm tỷ lệ mắc khoảng 5% dân số, nữ mắc nhiều hơn nam (2nữ/1nam). Tuổi mắc bệnh đa số từ 18 đến dưới 60 tuổi. Đây là lứa tuổi đang học tập và công tác. Rối loạn trầm cảm chữa trị ổn định tốt vẫn trở lại tiếp tục học tập công tác bình thường, 80% số bệnh nhân trầm cảm chữa trị từ 6 tháng đến 1 năm bệnh khỏi hoàn toàn, 20% còn lại ổn định nhưng vẫn phải tiếp tục dùng thuốc và vẫn làm việc để giúp đỡ gia đình và nuôi sống bản thân. Cháu nên đến ngay các cơ sở chuyên khoa Tâm thần để khám, các bác sĩ sẽ căn cứ bệnh tình hiện tại của cháu để quyết định cháu cần chữa trị nội trú hay ngoại trú. Ở gần chỗ cháu ở có bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ninh (Quang Hanh). Cháu có thể tới đó.

Chúc cháu vui vẻ.

Bị mất ngủ, muốn tự sát, lo sợ dù đã được tha thứ cho sai lầm trong quá khứ


Câu hỏi bởi: hoa

Chào bác sĩ.

Bác sĩ ơi, năm nay cháu phải thi đại học, nấc thang quan trọng của cuộc đời. Nhưng bác sĩ à, một chuyện dại dột trong quá khứ che giấu mấy lâu nay cháu đã nói ra. Dù biết mọi người trong nhà đã bỏ qua nhưng cháu không sao thoát ra được bác ạ. Cháu sợ mình sẽ bỏ mất tương lai, sợ bố mẹ cháu buồn. Hồi trước Tết cháu đã bị mất ngủ và muốn tự sát, đôi khi muốn đi tu luôn cho xong. Trong khi nghỉ Tết cháu cảm thấy được thoải mái hơn nhưng sao nay lại cứ như vậy nữa. Cháu sợ mình bị trầm cảm mất, cháu sợ mình phải hành bố mẹ lần nữa. Nhiều lần cháu tự nhủ không phải vậy nhưng cháu không làm được. Làm ơn giúp cháu bác sĩ ơi!

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Cháu nói là cháu có chuyện dại dột trong quá khứ và cháu giữ kín từ lâu nay cháu đã nói ra cho mọi người trong gia đình biết. Đó là việc làm tốt, cháu đã thành thật để nói cho mọi người trong gia đình biết và mọi người đã thông cảm bỏ qua rồi. Mọi thành viên trong gia đình luôn thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Vấn đề cơ bản là mọi người phải thành khẩn, có gì sai cũng thành khẩn nói ra và nhận biết đó là lỗi của mình và biết sửa chữa lỗi lầm, như vậy mọi người sẽ thông cảm và không bao giờ trách cứ. Thực tế là vậy, các thành viên trong gia đình có ai trách móc là cháu đã có việc làm dại dột trong quá khứ đâu? Tại sao cháu cứ tự trách mình và tự dằn vặt lương tâm mình như vậy. Bác nghĩ là cháu đã có những triệu chứng không bình thường như:

Luôn tự dằn vặt mình, trách cứ mình về lỗi lần đã qua

Mất ngủ

Có ý tưởng tự sát

Có lúc lại muốn đi tu

Lo sợ bản thân sẽ làm ba mẹ buồn về mình

Với những triệu chứng một số biểu hiện ở cháu là triệu chứng của rối loạn lo âu và rối loạn trần cảm. Hai rối loạn này luôn đi đôi với nhau và triệu chứng xen lẫn vào nhau của một bệnh rối loạn năng về cảm xúc, đó là bệnh rối loạn trầm cảm. Rối loạn trầm cảm là bệnh lý nếu chữa trị sớm và đúng cách thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao. Bệnh này do chuyên khoa Tâm thần khám và chữa trị, cháu hãy đến bệnh viện Tâm thần để khám bệnh. Các bác sĩ sẽ khám và cho cháu làm thêm một số test tâm lý để hỗ trợ cho chẩn đoán. Từ đó sẽ chẩn đoán bệnh và có hướng chữa trị tốt nhất cho cháu. Đừng mặc cảm, hãy đi khám và chữa trị ngay cháu nhé.

Chúc cháu mạnh khỏe.

Tự cô lập mình, có ý đinh tự sát là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: jannie

Thưa bác sĩ! Cháu là nữ sinh cấp 2, 14 tuổi. Mặc dù có nhiều bạn bè nhưng cháu không thể hoà nhập được cũng như rất hay cô lập mình với mọi người xung quanh, kể cả người thân của mình. Cháu cũng không thể tập trung vào 1 vấn đề gì cả kể cả khi rất chú tâm vào nó. Cháu luôn cảm giác mình thua kém mọi người, tự ti về bản thân và luôn tức giận vô cớ với người thân về lý do không đáng. Có lúc cháu khóc và buồn vô cớ. Cháu có khi còn suy nghĩ đến việc tự sát và sợ hãi nữa. Vậy bác sĩ có thể cho cháu biết cháu đang bị gì và phương pháp giải quyết được không ạ? Cháu xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Những dấu hiệu mà cháu kể trong thư rất phù hợp với biểu hiện của rối loạn trầm cảm/lo âu. Đây là những rối loạn đang gặp ngày càng nhiều cùng với nhịp sống bận rộn hiện nay. Trầm cảm đôi khi chỉ là một phản ứng bình thường trong một vài biến cố của cuộc sống, một biểu hiện của một số bệnh nội khoa và phản ứng phụ của một số thuốc chữa trị.

Trong tình huống này có thể phòng bệnh bằng cách sống chậm và đơn giản hóa mọi vấn đề, yêu người và yêu mình, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, rất hay tập thể dục. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống trầm cảm là một căn bệnh thực sự, không thể tự chữa khỏi chỉ bằng tập thể dục, thay đổi chế độ ăn hay đi nghỉ. Bệnh trầm cảm nếu được điều trị sớm và đúng cách thì tỷ lệ bệnh ổn định khá cao.

– Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với tâm lý liệu pháp. Thuốc chống trầm cảm không phải là thuốc ngủ và không gây nghiện. Thuốc chỉ phát huy tác dụng đầy đủ sau 3 – 6 tuần chữa trị liên tục, do đó không nên thay đổi liều hoặc đổi loại thuốc khác quá sớm trước thời gian này. Sau khi biểu hiện bệnh đã giảm bớt, cần tiếp tục dùng thuốc trong thời gian tối thiểu là 6 tháng nữa.

– Tâm lý liệu pháp (chữa trị bằng cách nói chuyện với bệnh nhân) có thể được sử dụng mộtt mình trong tình huống trầm cảm nhẹ hay phối hợp với thuốc chống trầm cảm trong tình huống trầm cảm trung bình hoặc nặng. Mỗi người bệnh trầm cảm đều có một lí do khác nhau.

Tuy nhiên, có những điều chung mà người mắc bệnh trầm cảm nên làm:

– Cười thật nhiều: Nụ cười sẽ làm cho cháu thoải mái và vui vẻ hơn, hãy cười mỗi ngày để làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa và làm tiêu tan những lo lắng. Không coi nhẹ biểu hiện trầm cảm, nên kể hết biểu hiện cho người thân.

– Giữ tinh thần luôn thoải mái: Hãy làm những gì cháu thích để luôn cảm thấy được thoải mái, nghe nhạc, xem phim, đọc sách, shopping… bất cứ điều gì cháu muốn.

– Tìm kiếm một cuộc sống bận rộn: Cuộc sống bận rộn sẽ giúp cháu không thấy thời gian để nghĩ quá nhiều đến những chuyện không vui, bận rộn cũng giúp cháu thấy cuộc sống có nghĩa hơn.

Cháu nên tìm đến người thân để trao đổi, tâm sự những chuyện của mình. Nên đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khám và chữa trị sớm . Nếu chậm trễ sẽ rất nguy hiểm vì nguy cơ tự tử ở loại bệnh này rất cao.

Chúc cháu luôn vui và khỏe mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl