Bệnh vảy phấn hồng – không phải dạng vừa đâu!


4,226
1
1
Xu
53
Vảy phấn hồng là một dạng phát ban da phổ biến. Nó thường kéo dài từ 6-8 tuần hoặc thậm chí 2-3 tháng khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.

Nổi ban đỏ hình sao ở bắp chân, vùng da dưới nách và hai bên đùi trên là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Em năm nay 30 tuổi, là nữ giới. Em bị nổi ban đỏ hình sao ở bắp chân, vùng da dưới nách và hai bên đùi trên cách đây hơn 2 tuần rồi, vết ban màu hồng, không ngứa, nổi ở các vùng da nêu từ 2-3 vết/ vùng. Các vết ban nhạt dần sau một vài ngày, có dấu hiệu khô và bong da ở các đường viền. Gần đây, em đọc các triệu trứng của bệnh viêm não mô cầu thấy mình có một số dấu hiệu giống như: viêm họng (đã hết 2 tuần rồi, đau đầu cách đây vài ngày, đau gáy). Em gửi hình kèm theo, nhờ bác sĩ giải đáp giúp em ạ.

Em cảm ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Triệu chứng của bệnh não mô cầu gồm: sốt cao, nhức đầu, ói mửa. Sau đó da nổi những vết thâm tím (ban hoại tử), thường khởi bệnh đột ngột, sốt cao 39-40 độ, ớn lạnh, rét run nhiều lần, nhức đầu, nôn ói, đau khớp, thở nhanh, huyết áp có thể thấp.

Các biểu hiện thường gặp như: sốt, lạnh run, nổi nhiều chấm đỏ ở chân các điểm xuất huyết ở chân (có đường kính 1-5mm), hay xuất huyết dưới da với mảng xuất huyết to bằng đầu đũa hoặc đầu ngón. Bệnh phát rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày. Bạn không thấy những dấu hiệu như vậy, và ban xuất huyết hình sao là đặc trưng của tình trạng viêm dãn mao mạch. Có thể bạn bị bệnh vảy phấn hồng Gi-be (gibert).

Chúc bạn mạnh khỏe.

Da đầu bị nổi các đốm như bị lác, ngứa, đỏ, có vảy trắng dễ bong là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Phương

Thưa bác sĩ.

Em hiện là sinh viên. Em bị nổi các đốm, như bị lác, ngứa, đỏ, có vảy trắng dễ bong. Lúc đầu đi khám, bác sĩ nói em bị vảy phấn hồng, dùng thuốc được một thời gian thì giảm rõ. Tuy nhiên, gần đây, em bị lại và có vẻ nặng hơn. Da đầu bị lan ra khá nhiều nhưng biểu hiện trên da đầu lại giống bị vảy nến (có vảy trắng, tróc ra như bột phấn). Ở phần lưng những vết vảy thâm đen. Liệu em đang bị bệnh gì? Hướng giải quyết ra sao? Em cảm thấy rất tự ti và khó chịu.

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Em bị vảy nến chứ không phải vảy phấn hồng. Khi bị vảy phấn hồng tổn thương không có ở đầu mặt. Bệnh vảy nến là bệnh lành tính, tổn thương cơ bản của vảy nến là các đám hồng ban ranh giới rõ trên nền đóng vảy trắng đục dễ gãy rụng và cạo vảy bong từng lớp, tổn thương thường có ở vùng bị tì đè, da dầu, ria tóc. Bệnh vảy nến mang tính di truyền hiện tại chưa chữa trị khỏi hẳn, chỉ làm mất biểu hiện và bệnh hay tái phát. Em nên tới bác sĩ da liễu khám xác định lại, nếu bị vảy nến thì phải có hướng chữa trị và dự phòng mang tính lâu dài.

Chúc em mạnh khỏe.

Bị nổi mẩn, không ngứa, rát, không thấy nước và nhân mụn khi nặn là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: linh lê

Chào bác sĩ!

Năm nay tôi 27 tuổi. Cách đây không lâu tôi bị nổi mẩn ở tay (như hình) nhưng không hề bị ngứa hay rát, không thấy nước hay nhân mụn khi nặn ra. Mấy hôm qua có hiện tượng mọc lan ra ở vụng sườn, nách, nhưng không hề ngứa hay đau rát gì. Bác sĩ có thể cho tôi hỏi tôi bị bệnh gì và cách chữa thế nào không ạ?

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Coi chừng em bị vảy phấn hồng (Pityriasis rosea). Là một bệnh giới hạn ở da, với thương tổn lâm sàng là mảng da đỏ hồng có vảy phấn, kèm theo ngứa. Vảy phấn hồng là bệnh có ngoại ban cấp tính, hay gặp ở trẻ em và người trẻ, ban đầu tổn thương da tiên phát là đám mảng hình huy hiệu thường ở thân mình, sau 1-2 tuần nổi nhiều đám tổn thương thứ phát lan tràn, diễn biến trong khoảng 6 tuần nhiều khi bệnh thuyên giảm ngẫu nhiên, còn toàn trạng ít tác động.

Về căn nguyên cho đến nay vẫn chưa xác định rõ, chắc chắn. Có nhiều giả thuyết của phần nhiều tác giả cho rằng bệnh có liên quan đến bệnh toàn thân như lao, nấm mốc, côn trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm virus, tự nhiễm độc. Người ta cho rằng có vai trò của sự nhiễm một vài chủng Herpes virus như HHV6, HHV7. Tuy nhiên, người ta cũng không cho rằng bệnh có thể truyền nhiễm. Bệnh nhân được khuyến cáo nên đi khám bệnh khi có các triệu chứng đặc biệt sau:

Xuất hiện mảng hồng ban rộng lớn, tróc vảy ở vùng ngực, lưng, bụng. Có nhiều hồng ban xuất hiện tiếp theo khắp ngực, lưng, bụng hay có thể có thêm ở mặt, tứ chi.

Điều trị: Trong đa số các trường hợp, vẩy phấn hồng sẽ tự khỏi bệnh sau 4-8 tuần không cần phải dùng thuốc. Việc điều trị chủ yếu là kiểm soát triệu chứng ngứa. Các thuốc kháng vi-rút (Acyclovir, Famciclovir) hay kháng sinh (Erythromycin) có thể rút ngắn thời gian kéo dài của vảy phấn hồng xuống 1-2 tuần. Nếu bệnh nhân ngứa nhiều, bác sĩ điều trị có thể dùng thêm:

Kem, Pommade có Steroid: Elomet, Flucinar, Diprosone, Dermovate, Lorinden… giúp giảm ngứa và sang thương bớt đỏ. Xà phòng có hắc ín, Salicylic acid làm bong vẩy: Polytar bar, SASTID bar. Thuốc kháng Histamines: Cetirizine (Zyrtec), Fexofenadine (Allegra, Telfast) Diphenhydramine (Benadryl), Chlorpheniramine (Chlor-Trimeton), Clemastine (Tavist), Loratadine (Claritin). Quang trị liệu: Chiếu tia cực tím UVB vào sang thương da. Để giảm cảm giác khó chịu, bệnh nhân đươc khuyên nên tắm nước ấm với dung dịch Calamine và tránh các hoạt động thể lực gây mồ hôi nhiều, nghỉ ngơi trong điều kiện nhiệt độ mát và thông khí tốt. Điều trị biểu hiện là chính. Điều trị mạnh tại chỗ là không cần thiết. Tránh kích thích bởi tắm nóng, xà phòng và quần áo len.

Để chống da khô, tránh kích thích có thể dùng Cream Corticoid. Chiếu tia cực tím liều dưới đỏ da. Những ca nặng tốt nhất là chiếu UVA được coi là hiệu quả nhất. Bôi dung dịch Rivanol 1% có thể cho kết quả tốt. Có tác giả còn cho uống cả Rivanol, uống kháng Histamin tổng hợp, nếu cần cho uống một đợt Corticoid. Bệnh có thể tự lành không cần chữa trị. Nếu ngứa nhiều thì uống thuốc kháng Histamin, an thần.

Chào em!

Cẳng chân nổi mụn nước, thâm đen là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Toàn Trần

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 38 tuổi, nam giới. Khoảng gần 2 năm nay, vùng da cẳng chân tôi lâu lâu lại bị ngứa 1 hoặc 2 chỗ. Tôi gãi thì vị trí đó nổi lên mụn nước và vẫn ngứa ngáy. Sau đó vỡ ra vài ngày thì lành, nhưng da bị thâm lại lâu lắm mới hết. Bác sĩ có thể giải đáp cho tôi biết đó là bệnh gì không? Và cũng vùng cẳng chân tôi, mỗi khi bị trầy xước là sau khi lành thì cũng bị thâm đen rất lâu. Không biết đó là do lí do gì vậy?

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Ngứa là một vấn đề của da do rất nhiều lí do, có thể là bệnh tại da hoặc do bệnh hệ thống:

Nguyên nhân bệnh ở da: nổi mề đay, dị ứng, viêm da tiếp xúc, chàm, vảy nến, vảy phấn hồng, bệnh gây sang thương da do ghẻ, chấy rận, muỗi và côn trùng đốt… Da khô là lí do thường gặp nhất gây ngứa ở người lớn tuổi, nhất là vào mùa đông.

Nguyên nhân bệnh hệ thống: nội tiết (đái tháo đường, cường giáp, suy giáp, cường tuyến cận giáp), có thai, suy thận mãn, bệnh gan (xơ gan, sỏi mật), bệnh máu (ung thư bạch cầu, đa tiểu cầu, thiếu sắt, rối loạn sinh tủy), do thuốc (dị ứng thuốc, tác dụng bất lợi của thuốc giảm đau, hạ mỡ), bệnh ung thư (phổi, dạ dày, tiền liệt tuyến), bệnh Hodgkin, nhiễm HIV…

Biểu hiện ngứa da của bạn lâu lâu mới xuất hiện, tuy có nổi mụn nước, ngứa ngáy nhưng sau vài ngày vẫn lành thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ Da liễu để loại trừ các lí do bệnh lý như kể trên.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bé bị bệnh vảy phấn hồng, ở bộ phận sinh dục xuất hiện các đám màu đỏ và ngày 1 nhiều hơn, như vậy có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bé nhà tôi xuất hiện những mảng đỏ sau lưng, từ 1 đám và lan dần ra, bé đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh vảy phấn hồng. Bác sĩ cho bé dùng thuốc, bôi ngoài da và kết hợp tắm bằng xà phòng thuốc. Bé dùng thuốc được 2 ngày thì bị bệnh viêm phế quản nên phải ngưng dùng thuốc, chỉ còn bôi. Đến hay những đám nổi đỏ sau lưng bé đã lặn nhưng vẫn để lại đám da sáng khác màu. Tuy nhiên ở bộ phận sinh dục của bé lại xuất hiện các đám màu đỏ và ngày 1 nhiều hơn. Tôi muốn hỏi bé nhà tôi bị như thế có nguy hiểm không và phải chữa trị như thế nào? Bé nhà tôi mới được 1 tuổi thôi. Tôi rất mong nhận được sự tư vấn từ bác sĩ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Những triệu chứng ở bộ phận sinh dục của bé là của bệnh vảy phấn hồng Gi-be, bệnh có thể xuất hiện rải rác nhiều nơi trong cơ thể. Bạn nên cho bé tái khám lại tại chuyên khoa Da liễu để có đơn thuốc chữa trị mới phù hợp với tình trạng bệnh tật của bé, khi đi mang theo đơn thuốc đã dùng để bác sĩ lựa chọn. Hiện tượng da sáng màu sẽ mất dần sau vài tháng nữa. Bệnh vảy phấn hống thường được chữa khỏi hoàn toàn, bệnh không có gì là nguy hiểm.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl