Những điều cần biết về bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh tim bẩm sinh là các vấn đề với cấu trúc của trái tim các dị tật của buồng tim, xảy ra từ lúc còn là bào thai. Những dị tật tim có thể liên quan đến bất kỳ phần nào của bộ phận này và có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ em.

Bệnh tim bẩm sinh


Câu hỏi bởi: Ánh

Thưa bác sĩ, con gái tôi dược 5 tháng tuổi. Cháu bị tim bẩm sinh ” Tĩnh mạch phổi bất thường thể trong tim”. Cháu phát hiện và mổ khi được 2,5 tháng tuổi trong tình trạng nguy kịch vì suy phổi nặng. Tôi muôn hỏi là sau này chúa có thể mắc bệnh tim khac không và phải chú ý gì trong cuộc sống hàng ngày của cháu và việc tiêm văcxin cho chai như thế nào?

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Điều đầu tiên chương trình tư vấn xin chia sẻ sự vất vả, tốn kém trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ, và bạn cũng phải vui vì là: tuy bị bệnh nặng nhưng đã được chạy chữa kịp thời và cháu đã qua được cơn nguy kịch, bố mẹ đã và sẽ đồng hành cùng gánh nặng cuộc chiến với bệnh tật của con.
Bệnh của cháu là bệnh bẩm sinh xuất hiện từ khi còn là bào thai cho nên khi đẻ ra thế nào thì mãi vẫn thế không hình thành thêm bệnh tim bẩm sinh mới.
Về tiêm phòng không có quy định về trẻ bị tim bẩm sinh phải có chế độ tiêm phòng riêng , mà theo quy chuẩn chung như mọi trẻ khác và tùy theo tình hình sức khỏe cụ thể của trẻ khi đến lịch tiêm phòng.
Về chăm sóc, điều đặc biệt chú ý là tránh để trẻ gắng sức (quấy khóc), tránh nhiễm lạnh, chữa triệt để những bệnh viêm đường hô hấp trên. Trẻ nên được khám bác sĩ cả những khi bị bệnh đơn giản, không nên tự ý mua thuốc để điều trị cho bé.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.

Tim bẩm sinh


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sỹ, con cháu nay được 4 tháng tuổi, lúc 3 tháng tuổi cháu được phát hiện dị tật tim bẩm sinh. Cụ thể là bị thông liên thất phần màng có dk 3mm. Đến ngày hôm qua cháu đi sa lại thì dk là 4 mm và có tăng ADMP vừa. Hiện tại bé nhà cháu được 6.7kg. Với trường hơpk con nhà cháu như vậy thì đã phải can thiệp gì chưa a? Và bác sỹ tư vấn giúp cháu cháu nên đi khám lại và điều trị ở đâu a. Gia đình cháu ở Thanh Hóa. Ở dưới là kết quả 2 lần siêu âm của con cháu a. Mong bác sỹ giúp cháu a. Cháu cám ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Thông liên thất lỗ nhỏ rất hay gặp và thường dung nạp rất tốt. Do đó nó có thể gặp ở người trưởng thành và có khả năng tự đóng. Tỷ lệ tự đóng lại của các trường hợp thông liên thất lỗ nhỏ ở trẻ em lên đến 75%.

Con bạn bị thông liên thất phần màng có đường kính lỗ thông là 3-4 mm là loại lỗ thông nhỏ, vì vậy có thể tự đóng khi lớn lên. Hiện tại con bạn mới 4 tháng tuổi, có tăng áp lực động mạch phổi vừa thì chưa cần phải can thiệp bịt lỗ thông. Khi trẻ không có biểu hiện lâm sàng thì không cần phải điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị có thể là điều trị nội khoa,

Bạn nên đưa cháu đi khám ở viện tim mạch thuộc bệnh viện Bạch Mai Hà nội, các bác sĩ sẽ làm tất cả các thăm dò cần thiết để định hướng chữa trị cho con bạn. Đối với các lỗ thông bé, shunt nhỏ, áp lực động mạch phổi bình thường cần theo dõi định kỳ thường xuyên hàng năm,

Tiến triển của thông liên thất nếu được đóng kín (bằng phẫu thuật hay đóng lỗ thông qua da) có thể coi như bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe

HÌnh ảnh các lỗ thông ở vách liên thất và dụng cụ dùng để đóng lỗ liên thất qua da (không phải mổ tim)

Trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Bác sĩ ơi, em của em bị tim bẩm sinh, lúc mang thai đã biết. Em sinh ra khoẻ mạnh ăn uống bình thường. Cách đây 2 ngày có biểu hiện thở khò khè, đi bệnh viện bác sĩ chuẩn đoán viêm phổi chuyển viện lên bệnh viện nhi đồng 2. Bác sĩ nói là khó qua khỏi. Mong bác sĩ nào cứu được em cháu, gia đình cháu ngàn lần cám ơn.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Trẻ sơ sinh vừa bị tim bẩm sinh vừa bị viêm phổi là một tình trạng bệnh nặng nề, đồng thời bệnh tim bẩm sinh của cháu là loại năng khó có biện pháp can thiệp? cho nên tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Song có một điều bạn nên tự động viên là bệnh nhi đã được đưa đến nơi có chuyên môn cao nhất, có đầy đủ tiện nghi nhất rồi và như thế là đã làm hết mình với cháu và bây giờ chỉ tin tưởng vào trình độ bác sĩ điều trị và mệnh của cháu mà thôi. Thái độ của gia đình bây giờ là nên bình tĩnh hợp tác toàn diện với bác sĩ để tạo điều kiện cháu được chữa trị và chăm sóc tốt nhất.

Chúc bạn mạnh khỏe

Bệnh tim bẩm sinh có di truyền không?


Câu hỏi bởi: thanhdung

Chào bác sĩ.

Một bé gần nhà tôi mới đẻ ra bị tim, vậy có phải bị bệnh tim bẩm sinh không? Bệnh tim bẩm sinh có di truyền không?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Bệnh tim bẩm sinh là bệnh hình thành trong thời kỳ bào thai. Tim người hình thành từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Trong toàn bộ quá trình ấy, do những khiếm khuyết trong quá trình phát triển của tim sẽ hình thành các bệnh tim bẩm sinh, tức là những khiếm khuyết về giải phẫu sau đó sẽ dẫn đến những rối loạn về mặt sinh lý và sau khi trẻ sinh ra sẽ có triệu chứng bệnh. Hầu hết trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh đều sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện sống không đảm bảo.

Người mẹ khi mang thai trong 3 tháng đầu có triệu chứng mệt mỏi hoặc ốm, trong suốt thai kỳ không khỏe, có thể bị sốt cao…; trẻ đẻ ra bị tím tái, phải cấp cứu sơ sinh thì cũng có nhiều khả năng trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Trên thế giới, dựa trên những nghiên cứu lớn, người ta đã xác định lí do có thể có nhiều như di truyền, nhưng chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là ảnh hưởng giữa yếu tố di truyền và môi trường như do virus, những bệnh về chuyển hoá của người mẹ, do nhiễm trùng…”

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe.

Trẻ bị tim bẩm sinh có nên phẫu thuật?


Câu hỏi bởi: thaonguyen

Chào bác sĩ.

Cháu tôi được 8 tháng tuổi, là bé trai. Cháu được bác sĩ ở bệnh viện tỉnh cho biết là bị tim bẩm sinh nhưng lại ghi ở giấy khám bệnh là hở van động mạch phổi nhẹ và khuyên gia đình tôi nên đưa cháu đi Huế để tiến hành phẫu thuật sớm nếu không bé càng lớn sẽ càng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Hiện bé cũng rất suy nhược chỉ được 6,5 kg. Gia đình tôi đang rất hoang mang và lo lắng cho bé. Bác sĩ cho tôi hỏi giờ gia đình tôi phải làm thế nào? Có nên cho bé đi phẫu thuật không? Có cách nào khác để chữa trị cho bé không ạ? Và nếu phẫu thuật thì kinh phí là bao nhiêu? Kính mong bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về bệnh được không ạ?

Tôi xin cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bệnh tim bẩm sinh là khuyết tật về tim từ trong bào thai (bẩm sinh). Khi đẻ ra tim đã không hoàn chỉnh như mọi tình huống khác, cũng như trẻ em bị sứt môi hở hàm ếch là một dị tật bẩm sinh có từ trong bào thai trẻ đẻ ra đã bị ngay như vậy. Bệnh tim bẩm sinh có nhiều, trong đó có bệnh hở van động mạch phổi (van động mạch phổi ở ngay tại tim, là van của động mạch đưa máu lên phổi cho nên gọi là động mạch phổi) cho nên là bệnh tim bẩm sinh nhưng lại ghi là: hở van động mach phổi, không phải là bệnh của phổi.

Máu đen sau khi trở về từ hệ thống tĩnh mạch khắp cơ thể được dồn xuống tâm thất phải, khi tim co bóp máu qua van động mạch phổi lên phổi trao đổi hấp phụ ô xy để trở thành máu đỏ sau đó lại đi nuôi cơ thể. Khi van động mạch phổi bị hở, tức là máu đã lên đến động mạch phổi rồi nhưng do van hở lên lại bị trả lại một ít khi tim dãn ra. Như vậy làm hiệu quả của mỗi lần làm việc bị trừ giảm đi một ít, hiện tượng này nếu nhiều (hở nặng) hoặc kéo dài có thể làm suy tâm thất phải. Bệnh hở van động mạch chủ bẩm sinh nhẹ ít được sử lý can thiệp phẫu thuật, thường chỉ định phẫu thuật khi có suy tim thất phải nặng, hoặc nó là 1 triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh khác như tứ chứng Fallot (pha-lô)…, Can thiệp phẫu thuật trong hở van động mạch phổi (hở lớn) là thay van, hoặc sửa van động mạch phổi. Chi phí một ca phẫu thuật thay van động mạch phổi qua da (không phải mổ tim hở) ở Mỹ là 45.000 USD. Ở Việt Nam đã thực hiện thành công kỹ thuật này với giá thành rẻ hơn khoảng ¼ số tiền trên.

Như vậy bạn cần chú ý đến bé hơn, không để bé quấy khóc vật vã, giám hộ không cho trẻ đùa nghịch quá sức (khi ở lứa tuổi lớn hơn), tăng cường bồi bổ, định kỳ đưa bé đi siêu âm tim, nhất là siêu âm tim ở nhiều nơi trong cùng một thời điểm để so sánh kết luận. Nếu bé có hiện tượng khó thở, tím tái khi gắng sức (khóc, la hét, rặn đi ngoài…) thì nên đưa bé đi khám chuyên khoa tim mạch.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl