Phục hồi sau tai nạn giao thông


4,226
1
1
Xu
53
Tai nạn giao thông gây ra nhiều tổn thương lớn đối với người bị nạn. Vậy làm thế nào để biết được khả năng phục hồi của bệnh nhân sau tai nạn giao thông? Những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn tích lũy thêm kiến thức cho bản thân về vấn đề này.

Bị tai nạn giao thông vỡ bánh chày, trật khớp gối


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ cháu bị tai nạn giao thông vỡ bánh chày, trật khớp gối do chữa trị ở nhà lâu quá, 2 tháng sau mới đi phẫu thuật. Bác sĩ nói cháu bị liệt. Vậy cháu muốn hỏi bác sĩ là cháu có thể khôi phục lại chân như trước kia được không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Chấn thương vỡ xương bánh chè, trật khớp gối. Nếu chữa trị phẫu thuật muộn thì sự phục hồi chức năng không bao giờ được như trước. Nhưng chấn thương chỉ gây cứng khớp gối ở tư thế thẳng hoặc gấp co, mất chức năng khớp gối, chứ không thể gây liệt cả chân được.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Gãy xương hàm do tai nạn giao thông


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu muốn hỏi, cháu bị tai nạn giao thông, các bác sĩ chẩn đoán gãy xương hàm trên Leofrt, gò má, xương chính mũi. Chữa trị, phẫu thuật kết hợp xương ở ổ má ngoài, đục gãy lại xương hàm trên, cố định hàm. Thưa bác sĩ, vậy còn chỗ nào chữa mổ không và nếu cháu mổ ở bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương được không vậy?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu!

Tai nạn giao thông có chấn thương hàm mặt, gãy xương hàm trên Lefort thường là những chấn thương nặng do vùng hàm mặt bị va đập mạnh, trực tiếp nên mới gây nên gãy xương hàm trên kiểu Lefort và thường kèm theo tổn thương các xương mũi như: xương chính mũi, xương lệ, xương xoăn dưới, xương lá mía và có thể có tổn thương cả xương gò má.

Gãy xương hàm trên kiểu Lefort là kiểu gẫy xương hàm trên hoàn toàn với đường gãy ngang. Tùy thuộc vào vị trí của đường gẫy mà người ta chia ra làm 3 loại: Lefort I, Lefort II và Lefort III. Việc phân chia này không chỉ giúp đánh giá mức độ tổn thương xương, mức độ nặng nhẹ của bệnh mà còn liên quan tới phương pháp chữa trị.

Tuy nhiên, cả 3 kiểu gẫy xương hàm trên này đều cần phải phẫu thuật để kết hợp xương. Đối với gẫy xương gò má, nếu xương gò má gãy phức tạp hoặc gãy lún nhiều tác động tới thẩm mỹ thì mới có chỉ định mổ kết hợp xương, mổ nhấc xương lún. Nếu gãy xương gò má ít tác động tới thẩm mỹ, gãy đơn giản thì không có chỉ định mổ, xương sẽ tự liền tốt. Ngoài ra, nếu có tổn thương các xương mũi thì cần phải phẫu thuật tạo hình mũi đồng thời với phẫu thuật kết hợp xương hàm.

Với tình huống chấn thương hàm mặt phức tạp như của cháu, cháu nên mổ ở bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương, ở đó có sự tối ưu cả về mặt chuyên môn và trang thiết bị kĩ thuật. Đó là tuyến cao nhất và tuyến cuối cùng chữa trị các vấn đề về răng hàm mặt.

Chúc cháu mau khỏe!

Mờ mắt bên trái do tai nạn giao thông điều trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào Bác sĩ. Em năm nay 37 tuổi, cách đây 4 năm em bi tai nạn giao thông, em được chẩn đoán là bị mờ mắt bên trái, do điều kiện kinh tế không cho phép nên em để đến giờ. Từ lúc bi tai nạn đến giờ em chỉ nhìn thấy được 1 mắt. Em thực sự rất buồn, đến nay kinh tế ổn định em dự đinh chữa trị, em xin hỏi em nên chữa trị hoặc có thể mổ được hay không? Em cảm ơn Bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em,

Tai nạn giao thông là một trong những lí do hay gặp trong các tình huống giảm thị lực do chấn thương. Có thể do chấn thương vào đầu gây chèn ép, tổn thương đến thần kinh thị giác hoặc mạch máu đến mắt. Hoặc va chạm trực tiếp vào vùng mắt gây đụng dập nhãn cầu hoặc tổ chức nội nhãn. Với mỗi lí do, mức độ giảm thị lực cũng sẽ khác nhau và phương hướng chữa trị cũng khác nhau. Do em không nói rõ lí do gây giảm thị lực của mình nên tôi không thể giải đáp cụ thể cho em nên chữa trị nội khoa hay cần thiết phải phẫu thuật. Tuy nhiên, theo như em nói: từ sau khi bị chấn thương đến nay, thị lực của em giảm rất rõ- chỉ nhìn được bằng một mắt, theo tôi hiểu ở đây là mắt bên phải (mắt không bị chấn thương), có nghĩa thị lực mắt trái của em rất đáng lo ngại. Lúc này em cần đi tới Bệnh viện mắt lớn để được khám đánh giá đúng tình trạng của mắt trái, cụ thể là mắt trái chỉ bị giảm thị lực hay mù hoàn toàn, lí do trực tiếp dẫn đến tình trạng đó. Từ đó bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ cho bạn lời khuyên cũng như phương hướng chữa trị đúng đắn.

Chúc em mau khỏe!

Nam 19 tuổi bị lé 1 mắt do tai nạn giao thông chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Khong cam xuc

Cháu chào bác sĩ!

Năm nay cháu 19 tuổi, là nam giới và do bị tai nạn giao thông năm ngoái nên 1 mắt của cháu bị lé và nhìn không rõ lắm ạ. Khi nhìn thì như cảm thấy có gì đó chắn giữa mắt chỉ thấy mờ thôi ạ. Vậy thưa bác sĩ cháu có thể phẫu thuật mắt để mắt trở lại như bình thường không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào cháu!

Bình thường, sự vận động của nhãn cầu được thực hiện bởi các nhóm cơ vận nhãn gồm các cơ thẳng trong, thẳng ngoài và cơ chéo. Các cơ này được chi phối bởi các dây thần kinh sọ: dây thần kinh III, dây IV và dây VI. Khi có tổn thương vào các dây thần kinh hoặc vào các nhóm cơ này sẽ gây ra liệt vận nhãn, gây ra hiện tượng lác ngoài hoặc lác trong, lác trên hoặc lác dưới hay còn gọi là hiện tượng lé.

Khi cháu bị tai nạn giao thông, chấn thương vào vùng đầu có thể gây chấn thương sọ não có máu tụ trong não, nếu khối máu tụ chèn ép vào rễ của các dây thần kinh III, IV hay VI thì sẽ gây liệt cơ vận nhãn tương ứng hoặc nếu có tổn thương xương sọ, vỡ xương nền sọ gây tổn thương các dây thần kinh vận nhãn cũng sẽ gây ra hiện tượng lác. Tùy mức độ tổn thương mà khả năng hồi phục của các dây thần kinh vận nhãn cũng khác nhau. Hoặc các chấn thương vùng đầu có thể gây tổn thương đứt, rách trực tiếp các cơ vận nhãn và cũng gây ra hiện tượng lác. Khi đó để mắt nhìn trở lại bình thường cần phải phát hiện sớm và khâu phục hồi cân cơ.

Hiện tượng mắt của cháu bị mờ và khi nhìn thấy có gì đó chắn giữa mắt, cháu nên đi khám mắt để kiểm tra sự trong suốt của dịch kính trong mắt, kiểm tra đáy mắt xem có tổn thương không. Vì vậy, cháu cần đi khám chuyên khoa Mắt để bác sĩ trực tiếp thăm khám tìm ra tổn thương gây lác mắt, tìm ra lí do gây mờ mắt để chữa trị sớm cho cháu.

Chúc cháu khỏe!

Đứt tủy do tai nạn giao thông có chữa khỏi được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu bị tai nạn giao thông cách đây 2 năm và bị đứt tuỷ. Cháu xông tiểu từ trước giờ. Nhưng khi mất cầu cháu cảm nhận được lúc đầu cháu mất cảm giác từ bụng trở xuống sau này cháu biết được xuống thêm 1 tí. Vậy cháu hỏi bác sĩ có chữa được không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào cháu.

Không rõ cháu bị đứt tủy sống ở đoạn nào vì việc phục hồi còn phụ thuộc vào vị trí thương tổn. Bình thường thì tủy sống kết thúc ở khoảng giữa L1 và L2, dưới đó là một chùm các rễ thần kinh, trông giống như đuôi con ngựa gọi là chùm đuôi ngựa. Để xử lý các rối loạn, ngoài dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, cháu cần chữa trị thêm bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, châm cứu và tập luyện vận động để giúp bệnh hồi phục dần dần. Tuy nhiên, cháu cần được khám lại tại những nơi có chuyên khoa Cột sống, chụp X-quang, MRI hoặc CT Scan, đo điện cơ và làm một số test khác. Nếu xác định được là còn một số rễ thần kinh thì việc tập vật lí trị liệu sẽ là rất cần thiết.

Chúc cháu mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl