Hồi phục sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp


4,226
1
1
Xu
53
Sự hồi phục sau phẫu thuật còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Một vài lời khuyên sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Bị ung thư tuyến giáp phẫu thuật cắt bộ toàn phần liệu còn tái phát không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 23 tuổi, em bị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật cắt bộ toàn phần nhưng em không điều trị phóng xạ. Cho hỏi em có tái phát không và trị bằng cách nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

So với các loại ung thư khác thì bệnh ung thư tuyến giáp đáp ứng tốt được với quá trình chữa trị. Sau chữa trị bệnh nhân có tỷ lệ sống cao và kéo dài nhất. Quá trình chữa trị bệnh gồm những điểm chính dưới đây:

– Đa phần người bệnh được chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật nhằm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, các tế bào bị tác động và các hạch bạch huyết.

– Sau phẫu thuật một số bệnh nhân phải tiếp tục được chữa trị bằng thuốc phóng xạ hoặc xạ trị. Bác sĩ sẽ cho uống thuốc viên Levothyroxin để bù lại lượng hoocmôn giáp, bên cạnh đó cũng cần uống thêm Iốt phóng xạ I131 sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót sau mổ.

– Dinh dưỡng đối với các bệnh ác tính và mãn tính rất quan trọng, bệnh nhân cần cố gắng ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và ăn đúng bữa. Người bệnh có thể ăn uống theo sở thích nhưng nên ăn chín uống sôi, ăn thực phẩm giàu canxi. Ngoài ra cần tránh thức ăn cay, nóng, dầu mỡ và những chất kích thích tim mạch như rượu, bia, cà phê…

– Trong một số tình huống bệnh nhân bị hạ canxi máu sau khi mổ tuyến giáp, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ đang theo dõi về tình trạng này.

– Sau phẫu thuật người bệnh nên đi tái khám bệnh 3-6 tháng 1 lần tại các cơ sở chuyên khoa. Bệnh nhân sẽ được chỉ định X-quang, xạ hình phát hiện di căn, định lượng hormon tuyến giáp để có thể theo dõi được diễn tiến của bệnh và chữa trị kịp thời. Bạn hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ chữa trị để được giải đáp chữa trị cụ thể và đạt hiệu quả cao nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Má em năm nay 53 tuổi, vừa rồi bác sĩ chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp thể nang, do nhân kích thước nhỏ 4mm nên bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ thùy trái. Chưa có di căn hạch hay những nơi khác. Sau khi phẫu thuật bác sĩ không cho uống thuốc gì hết, dặn 1 tháng sau đi tái khám bên khoa Y học Hạt nhân. Bên đó người ta bảo chữa trị đợt đầu nên phải thử cái gì đó đến 3 lần. Vậy cho em hỏi là sau mổ tuyến giáp 1 tháng qua Y học Hạt nhân để chữa trị gì và làm những xét nghiệm gì? Đối với trường hợp của má em tiên lượng bệnh như thế nào, sống được bao lâu và có thể trị khỏi không?

Em xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Ung thư tuyến giáp chiếm 1% trong các loại ung thư. Tỷ lệ sống còn của bệnh tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, mức độ ác tính của tế bào bướu, độ tuổi của người bệnh. Những tình huống phát hiện được bệnh với khối u có kích thước dưới 5 mm. Ung thư tuyến giáp loại tế bào biệt hóa tốt giai đoạn sớm có khả năng chữa khỏi cao và hạn chế các di chứng, biến chứng của các phương thức chữa trị phẫu thuật, xạ trị. Các phương pháp chữa trị hiện nay bao gồm:

– Phẫu thuật là phương thức điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến nhất đối với loại còn chưa lan sang các phần khác của cơ thể.

– Điều trị tại chỗ bằng I-131 với ung thư tuyến giáp dạng nang hoặc nhú (với liều lớn hơn so với liều dùng để chụp tuyến giáp). I-ốt được bệnh nhân uống vào sẽ giúp chữa trị tập trung tại các tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại trong cơ thể sau phẫu thuật. Bằng cách huỷ hoại những tế bào ung thư này, i-ốt phóng xạ giúp phòng chống bệnh tái phát trở lại. Các bệnh nhân phải nằm viện trong một vài ngày trong khi hoạt tính phóng xạ còn cao nhất.

Liệu trình chữa trị ung thư tuyến giáp có thể được lặp lại sau đó. Các hoóc-môn thường được dùng cho các bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc đã chữa trị bằng i-ốt phóng xạ. Các hoóc-môn thay thế cho những loại được ung thư tuyến giáp sản xuất trong điều kiện bình thường. Việc điều trị ung thư tuyến giáp này cũng làm giảm sự tăng trưởng của các tế bào ung thư tuyến còn sót lại trong cơ thể. Bác sĩ có thể cần phải tiến hành một số xét nghiệm theo dõi để xem bệnh nhân đã có một lượng phù hợp các hoóc-môn cần thiết hay chưa.

Phẫu thuật không được chỉ định cho các bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp đã lan rộng. Việc chữa trị thông thường bao gồm phương pháp điều trị hệ thống (diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào ung thư tuyến giáp trong toàn cơ thể), chẳng hạn như hóa trị liệu, i-ốt phóng xạ trị liệu hoặc hoóc-môn trị liệu.

– Xạ trị ngoài được dùng chữa trị ung thư di căn xương và ung thư tuyến giáp loại không biệt hóa. Hóa trị chỉ được dùng khi các phương pháp khác không hiệu quả.

Các biến chứng: Mặc dù đã mổ lấy trọng tuyến giáp, nhưng ung thư có thể tái phát nhiều chục năm sau, dưới dạng các hạch cổ, các cục nhỏ ở nơi mô giáp còn sót hoặc di căn ở phổi hoặc xương. Nên biết rằng ung thư tuyến giáp tái phát hoặc di căn có thể trị tốt. Bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chữa trị để được tư vấn cụ thể hơn nhé.

Chúc gia đình bạn sống khỏe!

Phẫu thuật lại ung thư tuyến giáp sẽ thế nào?


Câu hỏi bởi: hoaluc-binh35

Chào bác sĩ.

Em gái tôi bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật một lần cách đây 8 năm. Vừa rồi em gái tôi đi khám, bác sĩ bảo phải phẫu thuật lại, tôi không biết là nếu phẫu thuật nữa thì sẽ thế nào và liệu có theo chiều hướng tốt không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Ung thư tuyến giáp khá phổ biến nhưng không phải là ung thư gây tử vong hàng đầu bởi vì đặc tính đáp ứng tốt với điều trị và diễn biến chậm của bệnh. Trong chữa trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật là phương thức phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp tùy vào mức độ ảnh hưởng. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nếu các tế bào ung thư ở tuyến giáp còn sót lại và nguy cơ cao di căn xuống phổi hoặc xương. Trường hợp của em bạn bị ung thư tuyến giáp đã được phẫu thuật cách đây 8 năm, đến nay, bác sĩ lại yêu cầu phẫu thuật thì có thể là bệnh đã tái phát hoặc di căn. Gia đình nên theo chỉ định chữa trị của bác sĩ.

Chúc bạn và em mạnh khỏe!

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp có được đi máy bay không?


Câu hỏi bởi: Lan Phương

Chào bác sĩ!

Con năm nay 27 tuổi, và mới phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể nhú chưa di căn hạch vào tháng 12/2014 và ngày 30/3/2015 này con được bác sĩ cho uống I131 liều 30mCi. Bác sĩ cho con được hỏi như thế nếu con cách ly 3 tuần sau con có thể ra và sinh hoạt bình thường được chưa ạ? Và con có thể đi máy bay được chưa? Quần áo con mặc lúc con cách ly sau khi giặt có thể mặc lại không hay là đem bỏ luôn ạ, bao lâu thì con có thể quan hệ với chồng ạ?

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Những bệnh nhân sử dụng I131 liều cao để chữa trị bệnh ung thư tuyến giáp hay Basedow,… Sau khi chữa trị, cần phải được cách ly tại bệnh viện ít nhất 24h, sau đó có thể về nhà nhưng cần cách ly với mọi người xung quanh, đặc biệt là với trẻ em và phụ nữ có thai trong vòng 7 ngày. Do I131 được thải trừ qua nước tiểu nên cần phải sử dụng nhà vệ sinh riêng, sau mỗi lần đi tiểu cần phải xả nước nhiều lần. Cần phải uống nhiều nước (2 – 3 lít/ ngày) để tăng thải I131 qua nước tiểu. Không dùng chung đồ dùng với người khác, không cho con bú, cần phải tránh thai trong vòng 1 năm. Thời gian bán thải của I131 là 8 ngày nên sau 3 tuần bạn có thể trở lại sinh hoạt bình thường, có thể đi máy bay. Quần áo đã mặc trong giai đoạn chữa trị bằng I131 nên bỏ đi, không nên dùng lại.

Chúc bạn mau khỏe!

Ung thư tuyến giáp dạng tủy đã phẫu thuật nhưng giờ hay mệt mỏi, tiêu hóa kém, sút cân


Câu hỏi bởi: Tẹo

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 23 tuổi (nữ giới). Cháu đã cắt trọn tuyến giáp năm cháu 20 tuổi và cháu được bác sĩ chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp dạng tủy. Cháu về tìm hiểu về thông tin trên mạng, nhưng nói rất ngắn gọn về dạng này. Cháu đã phẫu thuật 2 lần: lần đầu tiên là cắt trọn tuyến giáp. 2 tuần sau bác sĩ thông báo là sẽ phải nạo hạch (lúc đó bác sĩ nói là chỉ phòng ngừa, chứ cháu chưa có hạch ở cổ). Nhưng do cháu không đủ sức khỏe nên 3 tháng sau mới ca phẫu thuật mới được thực hiện (trong khoảng thời gian đó cháu phải đến bệnh viện thường xuyên để xét nghiệm). Sau lần phẫu thuật thứ 2, cháu có hỏi mấy bác sĩ ở đó là cháu có cần là xạ trị hay hóa trị không? Thì được trả lời là dạng của cháu làm không có tác dụng. Từ đó cháu không đến bệnh viện kiểm tra nữa, mà chỉ dùng thuốc trợ giáp. Hiện tại cháu thấy cơ thể mình yếu đi nhiều: hay mệt mỏi, tiêu hóa kém, đôi khi hay bị táo bón, giảm 6 kg trong 1 năm vừa qua, đau họng và khàn tiếng (do cháu làm giáo viên nên không biết biểu hiện khàn tiếng và đau họng kéo dài là đâu). Cháu rất lạc quan và vui vẻ, nhưng đôi khi cũng có chút lo lắng về sức khỏe của mình. Cháu không biết tình trạng của cháu như vậy có nghiêm trọng lắm không, cứ như vậy cháu có sống được lâu không ạ?

Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào cháu.

Tuyến giáp là nơi sản xuất hormone có tác dụng điều hòa nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ và trọng lượng cơ thể. Do vậy nếu cháu bị ung thư tuyến giáp và đã cắt tuyến giáp thì có khả năng cháu sẽ bị sút cân và mệt mỏi nếu không được chữa trị các thuốc bổ trợ. Ung thư tuyến giáp có các loại như dạng nhú, dạng nang, dạng tủy.

Ung thư dạng tủy như của cháu là một loại ung thư tuyến giáp hiếm gặp, có thể di truyền trong gia đình. Loại ung thư này phát triển từ các tế bào C trong tuyến giáp. Tiên lượng cho những người mắc bệnh ung thư tuyến giáp khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, nói chung, ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt. Như vậy cháu nên đi khám chuyên khoa định kỳ để được các bác sĩ kiểm tra tiến triển của bệnh và cho uống các thuốc bổ trợ để tăng cường thể trạng.

Chúc cháu mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl