Còi xương và những nguyên nhân phổ biến


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ánh sáng mặt trời, do kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo canxi, phốt pho. Chi tiết hơn, cùng đọc những ý kiến dưới đây.

Trẻ tháng thứ 3 đã không lên cân có phải do thiếu chất?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Bác ơi con gái cháu sinh 2,8 kg, tháng đầu tăng 1kg, tháng thứ 2 cũng tăng 1 kg, nhưng từ tháng thứ 3 bé không lên lạng nào ạ. Hôm nay bé được 5 tháng 19 ngày mà có hơn 5 kg thôi. Bé bú má hoàn toàn, nhưng cả tuần mới ị 1 lần, phân mềm, bé hay quấy khóc, ra nhiều mồ hôi, ngủ không ngon giấc, tóc hình vành khăn ạ! Bác sĩ cho cháu hỏi có phải bé bị thiếu chất không ạ? Và cách xử lý như thế nào ạ?

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào cháu.

Con cháu là bé gái, số cân lúc sinh của bé là 2,8 kg là hơi nhỏ hơn so với mức chuẩn (3,2 kg) và hiện nay 4 tháng bé được 5 kg là cũng nhỏ hơn bình thường. Trẻ em cần bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu (nếu mẹ đủ sữa), từ 4 – 5 tháng bắt đầu tập cho bé ăn dặm và từ tháng thứ 6 trở đi cho trẻ ăn dặm thực sự. Con bạn đang ở thời điểm cần phải bắt đầu cho bé nếm thử thức ăn khác ngoài sữa. Trẻ em 1 tuần mới đi 1 lần nhưng phân vẫn thành khuôn , mềm và vẫn đi bình thường thì không phải là táo phân, do ở thời điểm này có trẻ đại tràng dài tương đối so với hệ tiêu hóa , thời gian phân lưu trữ lâu cho nên hàng tuần trẻ mới bài tiết phân. Con cháu có triệu chứng hay quấy khóc, ra nhiều mồ hôi, ngủ không ngon giấc , tóc hình vành khăn (rụng tóc vùng sau gáy) là dấu hiệu bị thiếu hụt vitamin D làm tác động đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phospho dẫn đến sự phát triển của xương không bình thường (bệnh còi xương) Ngoài những dấu hiệu trên còn thấy:

Các triệu chứng ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê. Các tình huống còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O. Răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón. Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng… Khi trẻ bị còi xương cần: Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10 -15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Về mùa đông không thấy ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Dưới da có sẵn các tiền vitamin D (7dehydrocholesterol), dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời các tiền vitamin sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phospho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng. Thuốc uống (thường dùng các thuốc sau) : thuốc Calcium Corbiere, ống 5ml gồm có: 0.55g Canxi glucoheptonat, 0.05g Vitamin C, 0.025g Vitamin PP trẻ em: 1 – 2 ống/ngày uống vào buổi sáng và buổi trưa .Thời gian uống không nên dài quá 2 tháng. Vì thừa canxi gây sỏi thận mãn tính, canxi hóa động mạch… Khi uống quá liều, lượng canxi thừa ít được hấp thu, nếu được hấp thu sẽ bị thải ra ngoài cùng nước tiểu gây sỏi thận. Lượng canxi trong máu được điều hòa một cách nghiêm ngặt, ít khi có biến đổi dù là thừa hay thiếu. Vì vậy, muốn biết có bị thừa canxi hay không, nên định lượng canxi niệu 24 giờ. Nếu lượng canxi niệu trên 300 mg/24 giờ (7,5mmol/24 giờ) thì phải ngừng chữa trị.

Khi sử dụng canxi, nên uống vào buổi sáng, sau ăn một giờ vì dùng vào buổi tối dễ gây sỏi thận và kích thích mất ngủ. Thuốc Aquadetrim Vitamin D3 có: Cholecalciferol 15.000 IU/ml (1ml khoảng 30 giọt). Mỗi ngày uống 1 giọt. thời gian uống nên duy trì khoảng 1 tháng , theo dõi tiến triển của bệnh, có thể nghỉ 1 tuần rồi lại lặp lại quá trình chữa trị lần trước. Cần tránh dùng quá liều. Dùng liều quá cao trong thời gian dài có thể gây rối loạn thừa canxi. Một điểm chú ý là: Không có xét nghiệm nào có thể xác định được trẻ có còi xương hay không mà chủ yếu là ở các biểu hiện lâm sàng và chỉ ở giai đoạn muộn mới có triệu chứng X-quang ở trên xương.

Chúc cháu khỏe!

Trẻ bị co giật động kinh do thiếu canxi phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con cháu bị co giật động kinh do thiếu canxi, chẩn đoán bị còi xương. Cho cháu hỏi nếu xử lý bệnh còi xương, thiếu canxi của bé thì có trị được bệnh động kinh không? Ở nơi cháu đang mùa mưa ít nắng, mà thường trưa hoặc xế mới có nắng thì làm sao để bé có thể tắm nắng ạ? Bé được 5 tháng rưỡi tắm nắng rất ít. Nếu sau 9h mới có nắng thì có cho bé tắm nắng được không? Bé có ăn dặm được bột tôm cua giờ chưa? Cháu rất cần bác sĩ giải đáp.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Canxi có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sức sống của bạn. Nó không chỉ là điều cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của xương, mà nó còn có một vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não, chức năng tế bào, và sự co cơ. Đôi khi nồng độ canxi máu có thể thấp một cách bất thường. Hạ canxi máu xảy ra khi nồng độ canxi máu trong cơ thể thiếu hụt.

Bé nhà bạn bị co giật động kinh do thiếu canxi cho thấy mức độ hạ canxi máu của cháu thấp. Nguyên nhân gây co giật ở đây là hạ canxi máu nên khi điều chỉnh mức độ canxi về giới hạn bình thường thì sẽ hết triệu chứng co giật động kinh nếu cháu chưa có tổn thương não. Bạn cần cho cháu tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm do tình trạng hạ canxi máu kéo dài như: chức năng vận động và bộ não bị tổn thương, suy dinh dưỡng, kém phát triển…

Ở nơi bạn ở đang mùa mưa thường sau 9h mới có nắng, bạn có thể cho bé tắm nắng vào tầm chiều tối, khi nắng đã dịu đi, mỗi ngày tắm nắng khoảng 1h. Bé nhà bạn được 5 tháng rưỡi, bạn có thể cho bé ăn dặm được rồi, có thể dùng bột tôm cua cho bé để bổ sung canxi, ngày 1-2 bữa bột, tuy nhiên cần chú ý nếu bé đi tiêu lỏng trên 3 lần mỗi ngày kèm theo nôn trớ hoặc nổi mề đay thì ngừng cho bé ăn.

Chúc mẹ và bé khỏe mạnh!

Bị còi xương từ nhỏ và chữa bệnh còi xương tuổi 11 như thế nào?


Câu hỏi bởi: Văn Lợi

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ! Cháu năm nay 11 tuổi, bị còi xương từ nhỏ. Mong bác sĩ giải đáp cho cháu hiểu làm sao để tránh bệnh còi xương.

Xin cảm ơn.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền


Chào cháu!

Còi xương là một bệnh thường gặp ở trẻ. Trẻ còi xương nếu không được chữa trị kịp thời, trẻ sẽ có nguy cơ gặp biến chứng như thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại, tác động xấu đến sức khỏe bình thường của trẻ trong quá trình phát triển. Nhất là các biến chứng của xương làm giảm chiều cao, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi khi trưởng thành.

Vì vậy, việc phòng chống còi xương cho trẻ là điều rất quan trọng ngay từ khi mang thai và sơ sinh. Còi xương thường xảy ra chủ yếu ở độ tuổi dưới 3 tuổi. Trong vòng 3 năm đầu đời, khoảng 70% trẻ em có thể thoát khỏi tình trạng còi xương nếu cha mẹ chăm sóc đúng cách. Để phòng bệnh còi xương cho trẻ, tốt nhất là bà mẹ thời kỳ mang thai và cho con bú phải ăn uống đầy đủ, uống bổ sung thêm viên sắt, canxi… và nhất là không không nhớ tắm nắng.

– Với trẻ em, cho bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Đến tuổi ăn dặm, cần cho trẻ ăn đầy đủ và cân đối 4 nhóm thức ăn là chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.

– Trẻ sau sinh 1 tháng cần được tắm nắng mỗi ngày 15 phút vào lúc mặt trời mọc (nên trước 9 giờ sáng) và ánh nắng phải chiếu trực tiếp trên bề mặt da mu tay, chân, bụng, lưng, ngực.

– Vào mùa đông, cần cho trẻ uống một liều vitamin D3 để chữa trị dự phòng. Có thể 6 tháng cho trẻ uống nhắc lại một lần. Ngoài ra, trong thai kỳ có thể uống vitamin D3 vào lúc thai được 7 tháng.

Hiện bác sĩ không biết cháu có di chứng gì của bệnh còi xương ngày nhỏ hay không, nhưng hiện tại cháu nên giữ sức khỏe bằng chế độ ăn uống khoa học cân bằng đủ chất, tập thể dục hàng ngày và tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng trước 9giờ hoặc buổi chiều 16-17 giờ, thời gian tắm nắng khoảng 15-20 phút. Nếu cháu cảm thấy lo lắng, cháu có thể nói với bố mẹ cho cháu đi khám dinh dưỡng để được bác sĩ giải đáp cụ thể hơn.

Chúc cháu vui khỏe!

Chữa bệnh còi xương ở trẻ như thế nào?


Câu hỏi bởi: phuchang

Chào bác sĩ.

Con gái em được 5 tháng. Lúc mới sinh cháu hay nôn trớ, nấc cục, đổ mồ hôi gáy nhiều, chân bé hơi cong vòng kiềng, tóc bị rụng hình vành khăn, đầu dẹp. Đây là những dấu hiệu bệnh còi xương nhưng do không kinh nghiệm nên em không biết làm sao để chữa trị cho bé. Đến hơn 2 tháng, bé bị cảm, lúc đó em có hỏi thuốc bổ sung cho bé thì được bác sĩ kê cho bé uống 1 giọt vitamin D3 mỗi ngày. Từ đó em thấy bé có vẻ đỡ hơn, không nấc cục và ít trớ hẳn nhưng bé vẫn đổ mồ hôi nhiều và chân hơi cong. Em muốn trị dứt điểm cho bé thì phải làm sao?

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Con bạn có triệu chứng của bệnh còi xương mà lí do là do thiếu canxi. Canxi chiếm 1,5% – 2% trọng lượng cơ thể, trong đó 99% tồn tại trong xương, răng, móng tay, móng chân, chỉ có 1% tồn tại trong máu, trong tổ chức tế bào và dịch ngoài tế bào nhưng vai trò của nó lại vô cùng quan trọng, nhất là đối với trẻ em. Khi thiếu canxi, trẻ bị còi xương, răng không đều, chất lượng răng kém và bị sâu răng.

Những triệu chứng thường gặp ở bệnh còi xương: trẻ quấy khóc, ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy, ra nhiều mồ hôi khi ngủ (mồ hôi trộm), thóp chậm liền, đầu bẹt. Lồng ngực dô, chân vòng kiềng hoặc chữ bát là những di chứng của còi xương nặng.

Những dấu hiệu của con bạn chỉ là dấu hiệu của bệnh còi xương nhẹ, chỉ cần bổ sung vitamin D một đợt, các biểu hiện sẽ giảm dần. Vitamin D là chất dẫn truyền canxi, giúp cơ thể hấp thu canxi một cách hiệu quả nhất. Nếu cháu bú mẹ, bạn chỉ cần tăng cường canxi trong chế độ ăn của bạn. Sữa mẹ sẽ là nguồn cung cấp canxi đầy đủ và dễ hấp thụ nhất cho bé. Khi bé trên 6 tháng, nếu cho bé ăn dặm, có thể bổ sung canxi cho cơ thể bé thông qua bữa ăn hằng ngày. Các loại rau xanh như bắp cải, cần tây… hay hải sản đều có lượng canxi cao, rất tốt cho cơ thể bé. Bạn cũng có thể cho bé ăn phô mai, sữa chua hoặc uống các loại sữa công thức để bổ sung thêm canxi cho bé.

Còn hiện tượng chân cháu hơi cong thì bạn không nên lo lắng vì phần lớn, các bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều bị cong chân do tư thế nằm ở trong bụng mẹ. Điều đó được gọi là cong chân sinh lý và không cần xoa bóp, ảnh hưởng gì. Cho đến khi bé 1 tuổi, chân bé sẽ tự thẳng bởi khi đó bé vận động và đi nhiều, nên xương tự điều chỉnh.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.