Phải làm gì khi bị đau tai?


4,226
1
1
Xu
53
Đau tai là hiện tượng mà phần lớn chúng ta đều có thể gặp phải. Những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn biết cách xử lý khi đối mặt trường hợp này.

Đau tai, đau quai hàm, tác động đến mắt và đầu chữa trị ra sao?


Câu hỏi bởi: 0

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Tôi bị đau tai, đau quai hàm, tác động tới mắt và đầu, nên cảm giác khó chịu, xin hỏi bác sĩ biểu hiện đó là bệnh gì ạ?

Xin cảm ơn.

Chào bạn.

Đau tai kèm đau quai hàm là triệu chứng của nhiều bệnh. Thường khi nhai, cắn các thức ăn to, cứng như bánh mỳ, ổi, xoài, mía, gân,…bạn nghe tiếng lậc khậc ở trước tai kèm theo đau nhói vùng tai gần bên. Khám tai thì tai hoàn toàn bình thường. Đó là triệu chứng đau khớp hàm (rối loạn khớp thái dương hàm). Bệnh hay gặp ở người bị mất nhiều răng hàm 1 bên (chỉ nhai 1 bên hàm gây quá tải khớp), người có thói quen nhai chủ yếu 1 bên, chấn thương vào vùng cằm (ngã đập cằm vào vật cứng),…

Thông tin bạn cung cấp rất sơ sài nên bác sĩ chỉ có thể giải đáp về bệnh liên quan nhiều nhất với những thông tin của bạn. Nếu bạn đúng như tôi vừa mô tả trên thì bạn đã bị rối loạn khớp hàm. Bạn nên giảm các hoạt động nhai thức ăn dai, cứng, tránh há miệng lớn (ngáp phải giữ cằm lại) có khi hàng tháng mới khỏi. Có bệnh nhân phải ăn cháo loãng, súp nấu nhừ (không được nhai!) để bệnh mau giảm. Bạn nên đến khám bác sĩ Tai Mũi Họng (kiểm tra loại trừ bệnh tai gây đau lan ra khớp hàm), khám bác sĩ Răng Hàm Mặt để trồng trám chữa răng trả lại chức năng nhai đầy đủ 2 hàm và làm theo các hướng dẫn trên nhé.

Chúc bạn vui vẻ.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Trẻ 5 tuổi đau tai và trong tai có màu nâu đen, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con tôi 5 tuổi, đi học về kêu đau tai từ trưa, tôi lấy đèn pin soi vào thấy màu nâu đen, một bên thấy vài đốm như da non hồng. Tôi mua lọ thuốc nhỏ tai – mắt loại thường về nhỏ cho cháu. Cháu vẫn kêu đau, tôi lấy bông lau cho khô khỏi rát, nhưng vẫn đau. Xin hỏi bác sĩ cháu bị làm sao? Điều trị thế nào?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Chào bạn!
Trẻ em 5 tuổi kêu đau tai do 2 nguyên ngân chính: Viêm tai ngoài hoặc viêm tai giữa. Soi đèn vào tai thấy màu nâu đen che gần hết ống tai với da màu hồng xung quanh có thể là do nút ráy tai bị thấm nước (khi tắm hoặc bơi) ẩm ướt lâu trong tai gây nhiễm trùng ống tai. Cần lấy sạch chất bẩn trong tai và nhỏ thuốc kháng sinh. Nếu trước đây vài 3 ngày cháu bị ho, sổ mũi, đau họng rồi bây giờ đau tai, khám tai thấy sưng đỏ phồng màng nhĩ là viêm tai giữa phải uống kháng sinh thích hợp. Tai trẻ con nhạy cảm, có một số loại thuốc không dùng được, nếu dùng sai thuốc có thể gây điếc tai kể cả thuốc nhỏ giọt. Tốt nhất, bạn không nên tự chữa cho cháu mà nên cho cháu khám bác sĩ Tai – Mũi – Họng để xem bệnh chính xác rồi dùng thuốc phù hợp nhé.

Chúc con bạn mau khỏi bệnh!

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Nam 13 tuổi bị đau tai do nước vào tai, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: tuan anh

Thưa bác sĩ!

Cháu năm nay 13 tuổi, là nam giới. Cháu bị nước vào tai và đau tai nên cháu muốn hỏi bác sĩ cách trị thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào cháu!

Nước lọt vào ống tai ngoài trong khi tắm gội hay bơi lội là vấn đề thường gặp hằng ngày. Nếu nước vào tai ít, cháu có thể dùng tăm bông nhẹ nhàng đưa vào tai để thấm hút nước ra, nhưng tránh không ngoáy mạnh hoặc đẩy tăm bông vào quá sâu. Nếu không có tăm bông, đầu tiên cháu hãy nghiêng đầu bên tai bị nước vào, kéo vành tai xuống lắc lắc cho nước chảy ra, hoặc chúc lỗ tai xuống dưới rồi nhảy lò cò vài cái để dốc nước ra.

Nếu khi bị nước vào tai, cháu ngoáy tai nhiều, nhất là động tác dùng tay ngoáy có thể làm xây xước, tổn thương lớp da ống tai ngoài, gây nên tình trạng ngứa, thậm chí đau do viêm ống tai. Trong tình huống cháu có nút ráy tai từ trước, khi bị nước vào, nút ráy tai gặp nước sẽ nở ra, nếu nút ráy tai nhỏ có thể gây ù tai, nghe kém, còn nút ráy tai lớn có thể chèn ép ống tai ngoài gây thêm đau tai. Nếu trước đó cháu đã từng bị thủng màng nhĩ do viêm tai giữa, khi bị nước vào tai sẽ gây viêm tái phát. Lúc này triệu chứng bằng đau tai, chảy mủ tai vàng xanh, ù tai, nghe kém tăng.

Vì vậy, sau khi nước ra hết mà cháu bị đau tai thì nên báo với cha mẹ đưa đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, để bác sĩ kiểm tra. Tùy vào tình trạng tổn thương thực thể, bác sĩ sẽ có biện pháp chữa trị phù hợp. Bên cạnh đó, cháu cần chú ý tránh để nước vào tai. Khi tắm gội, bơi lội tránh đùa nghịch, có thể nút ống tai ngoài để tránh cho nước khỏi vào tai. Sau khi tắm, cháu nên lấy tăm bông lau khô tai ngoài, không nên đẩy tăm bông vào ngoáy sâu trong tai.

Chúc cháu mau khỏi!

Cần làm gì khi bị đau tai và nổi hạch ở dưới tai?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Đầu năm ngoái em bị đau tai và nổi hạch ở dưới tai, đi khám thì bác sĩ bảo em bị viêm tai giữa rồi cho thuốc về uống, uống hết thuốc em thấy hết đau nhưng hạch thì vẩn còn, mấy hôm qua em lại có cảm giác như có nước chảy ở trong tai và hạch ở dưới tai hơi đau. (Em cũng rất hay bị ho viêm họng). Xin bác sĩ giải đáp cho em ạ.

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Như vậy là khả năng bệnh viêm tai giữa của bạn chưa khỏi. Bạn nên tái khám lại ở bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, khi đi mang theo toa thuốc cũ để bác sĩ có thêm tư liệu để kê đơn thuốc mới.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị đau tai bên phải, nhiều mủ chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Một tháng trước em bị đau tai bên phải, nhiều mủ. Tới Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương được kết luận là viêm tai ngoài và kê thuốc uống và nhỏ tai về dùng. Sau khi chữa trị đúng đơn thuốc em thấy tai bình thường trở lại. Nhưng vừa rồi tai em lại có dấu hiệu tái phát, em đã đi mua thuốc theo đơn cũ và uống được khoảng 3-5 ngày. Hiện tại tai em không đau không ngứa, dùng tăm bông ngoáy cũng không thấy dịch hay mủ nhưng lại có mùi hơi hôi. Thính lực của tai phải cũng kém hơn tai trái. Bây giờ em hơi lo lắng, không biết có nên chữa trị tiếp theo đơn thuốc cũ nữa hay không? Xin bác sĩ cho em lời khuyên.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Bệnh viêm ống tai ngoài thường hay tái phát, bạn nên tiếp tục dùng thuốc và nhỏ thuốc theo đơn thuốc cũ, thời gian uống mới 3-4 ngày chưa thể khỏi. Bạn kết hợp dùng nước ô-xy già (loại dùng để rửa vết thương) nhỏ vào tai 2-3 giọt, nước ô xy già gặp chất bẩn trong tai thì ô xy hóa chúng sinh ra khí ô-xy (bọt) làm đẩy chất bẩn ra ngoài. Sau đó bạn dùng tăm bông lau sạch nước bẩn đi rồi mới nhỏ thuốc.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl