Phải làm gì để cơn hen không tái phát?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Để cơn hen không tái phát, thông thường bệnh nhân được khuyến cáo sử dụng và mang theo người thuốc xịt ngắt cơn. Cùng tìm hiểu về các phương pháp giảm cơn hen qua một số giải đáp của bác sĩ dưới đây.

Phải làm gì để cơn hen không tái phát?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 40 tuổi và bị bệnh hen phế quản 2 năm điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Hiện giờ sức khỏe và thể lực tốt 46 kg, không còn uống thuốc gì cả, chỉ dùng 2 liều Symbicort sáng và chiều nhưng lâu lâu cũng có xuất hiện hơi khó thở rồi hết. Xin cho em hỏi bệnh hen phế quản là 1 bệnh mãn tính nên chỉ sử dụng thuốc dự phòng như thế có tốt không? Có bị nhờn thuốc không? Trong thuốc Symbicort ấy sử dụng lâu dài có ảnh hưởng gan, thận không? Bệnh hen lâu ngày có ảnh hưởng đến tim không? Em phải phòng bệnh như thế nào để có sức khỏe tốt và cơn hen không tái phát.

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có một số lưu ý giúp cho việc đề phòng cơn hen tái phát:

Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa khói thuốc: Khói thuốc chứa nhiều hóa chất gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp. Những người bị hen có hiện tượng viêm mãn tính ở đường hô hấp, nếu hút thuốc hay hít thụ động từ người hút thuốc tình trạng viêm cũng sẽ nặng thêm lên và đưa đến cơn hen cấp. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh các yếu tố gây kích ứng đường thở khác: phấn hoa, hóa chất…

Giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh: Không khí lạnh chính là tác nhân dễ khiến bạn mắc đợt cấp của hen phế quản, vì vậy hãy hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh, giữ ấm cho cơ thể trong tình huống phải đi ra ngoài.

Tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng: Người bệnh nên theo dõi và ghi chép vào ghi chú để xem mình thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị lên cơn hen để phòng ngừa và cách ly. Những thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm: tôm, cua, nhộng tằm…

Thận trọng khi sử dụng thuốc: Người bệnh cần được giải đáp trước khi sử dụng thuốc chữa bệnh như kháng sinh, thuốc giảm đau Aspirin…

Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp: Cảm lạnh, cúm, nhiễm virus hợp bào hô hấp, viêm phế quản, nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm xoang, viêm phổi là tác nhân gây khởi phát cơn hen khá phổ biến. Bệnh nhân cần rửa tay thường xuyên, tránh những người nhiễm cúm, những nơi tập trung đông người, chữa trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

Tập thể dục rèn luyện nâng cao sức khỏe: Trước khi tập thể dục bệnh nhân cần phải làm ấm cơ thể, xịt thuốc giãn phế quản truớc khi tập, tránh không khí lạnh và khô, áp dụng bài tập thể dục phù hợp với khả năng. Trong lúc tập thể dục bệnh nhân lưu ý thở đường mũi và hoàn thành bài tập từ từ, tránh tập quá lâu và gắng sức có thể gây khởi phát cơn hen.

Đối phó với ô nhiễm môi trường: Có biện pháp đối phó với bụi ô nhiễm, ở trong nhà và hạn chế đi ra ngoài trong những ngày thời tiết quá lạnh, ẩm ướt khắc nghiệt. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài cần mặc đủ ấm, đội mũ, quàng khăn và mang khẩu trang sẽ giúp tránh hít phải khói, bụi và các mùi khó chịu.

Giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ: Sử dụng cửa sổ để giữ cho không khí trong sạch. Mở rộng cửa sổ khi không khí nóng, ngột ngạt, khi nấu nướng, khi trong nhà có nhiều thứ nặng mùi. Khi thời tiết lạnh cần đóng kín cửa sổ tránh gió lùa có thể gây nhiễm lạnh và gây đợt bùng phát cho bệnh nhân hen phế quản.

Khi đi du lịch: Cần phải có kế hoạch trước và xin ý kiến giải đáp của bác sĩ. Chuẩn bị đầy đủ sổ y bạ và lượng thuốc mang theo, nếu đi du lịch trong thời gian dài phải đảm bảo có thể mua được thuốc ở nơi nghỉ.

Sử dụng thuốc dự phòng theo đơn của bác sĩ và tái khám theo hẹn thì bạn sẽ không cần lo lắng đến các tác dụng phụ của thuốc nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Cách chữa khỏi bệnh hen suyễn


Câu hỏi bởi: kay nam

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 18 tuổi, hiện đang còn đi học. Tôi bị mắc bệnh hen suyễn từ lúc mới lên lớp 6. Nó làm tác động đến việc học của tôi rất nhiều. Mong bác sĩ hãy chỉ cách chữa khỏi bệnh này.

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Cháu chỉ nói cháu bị hen từ khi cháu học lớp 6 đến nay, cháu không nói rõ cháu đã đi khám và chữa trị ở đâu, cháu đã uống thuốc gì, bao lâu cháu bị lên cơn hen hoặc khi nào cháu bị lên cơn hen. Ví dụ cháu bị lên cơn hen khi cháu gắng sức hay cháu bị lạnh hoặc do cháu ăn các thức ăn không phù hợp như tôm, cua, cá…

Theo tôi, cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Dị ứng hoặc Hô hấp. Hiện nay, đã có phác đồ chữa trị cắt cơn, dự phòng (ngăn ngừa không để cơn hen tái phát) của Bộ Y tế. Nếu cháu tuân thủ đúng phác đồ chữa trị thì cháu sẽ ít bị cơn hen tái phát và ít bị tác động đến sức khỏe và học tập của cháu. Cháu nên nhớ, bệnh hen là bệnh dị ứng, chữa trị là lâu dài, phải tuân theo đúng yêu cầu của bác sĩ, cháu phải tái khám sau mỗi đợt chữa trị thì bệnh của cháu sẽ ổn định.

Một số trẻ gái bị hen nhưng sau khi lấy chồng hoặc đẻ con lại khỏi. Một số trẻ bị hen hồi nhỏ nhưng đến tuổi dậy thì hoặc trưởng thành lại khỏi. Cháu có thể tham khảo bệnh hen dưới đây:

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hen phế quản (HPQ) tác động lớn đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, là gánh nặng lớn đối với gia đình và xã hội do vậy việc chẩn đoán, chữa trị và dự phòng HPQ đúng cách là vấn đề cần thiết. Chẩn đoán hen không khó vì đặc trưng cơn khó thở xảy ra và tái diễn nhiều lần.

Những dấu hiệu có thể nghĩ đến hen khi có một trong các biểu hiện sau: Tiếng thở khò khè, thở rít hoặc người có tiền sử ho nhiều về đêm, khó thở tái phát nặng lên về đêm làm người bệnh thức giấc, nặng ngực; nghe phổi có ran rít, ran ngáy; các biểu hiện hen xuất hiện nặng lên khi thay đổi thời tiết, viêm nhiễm đường hô hấp, tiếp xúc với dị nguyên (bụi nhà, lông vũ, phấn hoa, hoá chất, khói than, củi, thuốc lá, mùi bếp dầu, bếp ga,…), gắng sức, dùng thuốc aspirin.

HPQ là bệnh phổi mãn tính với 3 quá trình bệnh lý chính, đó là: viêm đường thở, co thắt phế quản, gia tăng tính phản ứng phế quản. Vì vậy, khi chữa trị phải ảnh hưởng vào cả 3 khâu trên là uống thuốc chống viêm, giãn phế quản và giảm phản ứng phế quản.

– Thuốc giãn phế quản thường dùng như các thuốc kích thích β2 (Salbutamol, Ventolin, Bricanyl…), thuốc nhóm Xanthin (Theophylin), thuốc kháng Cholinergic (Atrovent, Tersigat,….). Các thuốc chống viêm như Prednisolon, Corticosteroid dạng hít (ICS) như Pulmicort, Symbicort, Seretide… sau khi hít phải súc miệng bằng nước muối loãng để tránh khàn giọng, nấm Candida miệng.

– Thuốc giảm phản ứng phế quản thường dùng là các thuốc kháng Histamin tổng hợp, do tác dụng chống viêm, giãn phế quản yếu nên được sử dụng trong dự phòng hen. Các khuyến cáo nên sử dụng các thuốc giãn phế quản, thuốc chống viêm dạng phun hít vì có tác dụng nhanh, trực tiếp vào phế quản, ít gây tác dụng phụ toàn thân.

Trong HPQ dị ứng khi đã biết rõ lí do gây bệnh là loại dị nguyên nào đó, có thể áp dụng phương pháp chữa trị giảm mẫn cảm đặc hiệu với chính loại dị nguyên đã gây bệnh. Người bệnh cần phải đến khám bác sĩ ngay khi có cơn hen nặng (khó thở khi nghỉ ngơi, nói ngắt quãng, tím tái, tần số thở trên 30 lần/phút, nghe phổi im lặng, mạch trên 120 lần/phút), đáp ứng với thuốc giãn phế quản chậm, không cải thiện trong 2-6 giờ sau khi chữa trị bằng Glucocorticoid toàn thân, diễn biến nặng lên.

Trong chữa trị dự phòng HPQ cần đạt được các mục tiêu sau: Không có biểu hiện hàng ngày, không uống thuốc cắt cơn, không khám cấp cứu, không có cơn hen nặng, không có tác dụng phụ của thuốc, lưu lượng đỉnh buổi sáng lớn hơn 80% bình thường. Để đạt được các mục tiêu trên người bệnh cần được sử dụng các thuốc chữa trị lâu dài như các loại thuốc Symbicort, Seretide, Seroflo, cứ 3-6 tháng xem lại bước chữa trị.

Nếu kiểm soát ổn định trong 3 tháng có thể giảm bước. Ngoài ra, người bệnh phải tránh tiếp xúc các yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen, thường gặp trong cuộc sống như: mạt bụi nhà (nên giặt đồ, vải trải giường, chăn, mền, đệm,…hàng tuần, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát); tránh xa khói thuốc lá, lò sưởi, bếp than…; không nuôi chó mèo, thú có lông trong nhà, phòng chống gián; tránh tiếp xúc với phấn hoa, nấn mốc; giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết, hạn chế tình trạng cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp, không tiếp xúc với những người bị cảm cúm, nhiểm khuẩn hô hấp ….

Đồng thời người bệnh cần tăng cường hợp tác với các thầy thuốc trong công tác khám chữa bệnh, kiểm soát và quản lý bệnh HPQ cũng như tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, đọc báo, tạp chí, xem các chương trình chăm sóc sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, dự các lớp tập huấn… để biết được những kiến thức cơ bản về phòng chống HPQ, sử dụng thuốc ngừa cơn và cắt cơn hợp lý, nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm để có hành động xử trí hoặc tìm sự giúp đỡ của thầy thuốc.

Chúc cháu sức khỏe!

Bị hen đang cho con bú


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sỹ, em hiện 28 tuổi đang cho con 1 tháng tuổi bú nhưng bị hen, bác sỹ kê thuốc foracort 200 để xịt hàng ngày sáng và tối nhưng trong tờ hướng dẫn dùng thuốc đi kèm em thấy có ghi thuốc này ko dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Xin bác sỹ tư vấn giúp em, em cảm ơn ạ.

Bác sĩ Phạm Thị Vạn Xuân


Chào bạn,
Cho con bú là hoạt động tốn rất nhiều sức của người mẹ. Vì vậy bạn cần trao đổi lại với bác sĩ tai mũi họng để có giải phải tối ưu nhé.
Chúc bạn sức khỏe!

Điều trị hen suyễn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em năm nay 17t bị hen suyễn cách đây 2 năm ạ đi bs ngoài thì cho e hít thuốc seretide 25/125 ạ khi hít thuốc thì em ít bị vấn đề khó thở và khò khè và khoảng 1 tuần trở lại thì em đi khám ở bv và em nói e xài thuốc này đc nên bs đã cho e thuốc này và liều cao hơn ạ là 25/250 và khi sd thuốc này thì e thấy bị khó thở thường xuyên ạ xin hỏi là em nên xài loại nào ạ

Bác sĩ Phạm Minh Thành


TÌnh trạng nặng lên của bạn không hoàn toàn do thuốc, đơn giản nhất là với sự chuyển mùa hiện tại các yếu tố nguyên nhân gây nên tình trạng dị ứng của bạn tăng lên kéo theo tần suất cơn khó thở cũng tăng lên, Bạn nên nhập viện để điều trị cắt cơn, và dò liều duy trì phù hợp


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.